Việc dạy giáo lý không chỉ là dạy giáo thuyết
nhưng trước hết là thông truyền
kinh nghiệm về Thiên Chúa
Ðại hội giáo lý Âu Châu lần thứ XII nhắc nhở rằng việc dạy giáo lý không chỉ là dạy giáo thuyết nhưng trước hết là thông truyền kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Roma (Vatican, eurocathinfo.eu WHÐ 17/05/2012) - Ðại hội giáo lý Âu châu lần thứ XII diễn ra tại Roma từ ngày 7 tháng Năm năm 2012 đã bế mạc vào ngày 10 tháng Năm năm 2012. Kết thúc Ðại hội, một thông cáo báo chí được phổ biến như sau:
Ðại hội giáo lý Âu châu lần thứ XII đã bế mạc tại Roma. Ðại hội do Liên Hội đồng Giám mục Âu châu (CCEE) tổ chức với khoảng 60 đại biểu gồm các giám mục, chuyên viên và các giám đốc quốc gia của các văn phòng và cơ quan quốc gia đặc trách về giáo lý của các Hội đồng Giám mục ở châu Âu.
Việc chuẩn bị Ðại hội do Ủy ban về "Giáo lý, trường học và các đại học" của Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu (CCEE) điều phối. Chủ tịch Ủy ban này là Ðức Tổng giám mục Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminter và là Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Anh quốc và xứ Wales.
Ðại hội, với chủ đề --- "Khai tâm Kitô giáo trong bối cảnh Tân Phúc Âm hóa"----, đã đặc biệt chú trọng đến thiếu nhi và người trẻ trong độ tuổi từ 7 đến 16 tuổi, trùng hợp với suy tư của Giáo hội về Tân phúc âm hóa trong năm kỷ niệm hai mươi năm xuất bản Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và năm mươi năm khai mạc Công đồng Vatican II, cũng như trong bối cảnh Năm Ðức Tin.
Ðại hội là cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo ở châu Âu (từ Nga đến Ireland) đặc trách điều phối các hoạt động giáo lý tại các quốc gia của họ. Trong bốn ngày diễn ra Ðại hội, họ đối chiếu các kinh nghiệm hiện có, trao đổi thông tin và thảo luận về các dự án và những vấn đề chung.
Khai tâm Kitô giáo gắn liền với việc Tân phúc âm hóa những người trẻ, các phụ huynh và cả cộng đồng. Vì thế không nên coi giáo lý là ở bên lề mà là cấu tố của Tân phúc âm hóa. Vì vậy cần phải nối kết Tân phúc âm hóa với truyền thông đức tin (traditio fidei), hiểu như là việc truyền đạt nội dung và kinh nghiệm đức tin, của cá nhân cũng như cộng đồng.
Giáo lý viên là con người thực sự! Họ ý thức những khó khăn của hoàn cảnh hiện nay, đặc trưng bởi nhiều yếu tố của việc cắt đứt với quá khứ và trào lưu tục hóa, nhưng đồng thời họ cũng nhiệt thành và say mê truyền thông Tin Mừng.
Một yếu tố rõ ràng phát sinh từ việc thăm dò và suy tư trong Ðại hội, đó là Khai tâm Kitô giáo chắc chắn là một kinh nghiệm cá nhân, nhưng không thể cảm nghiệm trọn vẹn bên ngoài cộng đoàn. Chính cộng đoàn dạy giáo lý!
Giáo lý không chỉ nhắm đến trẻ em nhưng là một kinh nghiệm có liên quan đến mọi người. Giáo lý viên và người học giáo lý cùng lúc đều là "tác nhân và đối tượng của việc dạy giáo lý". Vì thế, không thể nói đến dạy giáo lý mà không chăm lo cho giáo lý viên, gia đình và cộng đoàn nói chung. Các tham dự viên Ðại hội cũng nhắc lại rằng người ta chỉ có thể thông truyền đức tin một khi sống đức tin ấy.
Dạy giáo lý không chỉ là truyền đạt các khái niệm, nhưng còn là kinh nghiệm tiếp xúc với nghệ thuật Kitô giáo, là kết quả của việc sống đức tin có khả năng chuyển tải vẻ đẹp của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời gian Ðại hội, các tham dự viên đã đến thăm thánh đường thánh Clêmentê và Vương cung thánh đường Ðức Bà Cả.
Sau cùng, dạy giáo lý không chỉ là dạy giáo thuyết nhưng trước hết là kinh nghiệm về Thiên Chúa. Phải biết rằng cả trẻ em cũng mở ra với siêu việt và phải được giúp đỡ để phát huy tình bạn ấy với Chúa Kitô.
Ngày thứ Tư 9 tháng Năm năm 2012, các tham dự viên đã tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho châu Âu tại Vương cung thánh đường Ðức Bà Cả. Ðúng vào Ngày châu Âu, Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu (CCEE), muốn phó thác những mối lo sợ và niềm hy vọng của người dân lục địa châu Âu cho các vị thánh bổn mạng của châu Âu: các vị đã sống trong giai đoạn khủng hoảng với lòng can đảm và dõi theo truyền thống với lòng trung thành và tinh thần sáng tạo.
R.V.A.
(Huy Hoàng)