Các sợ hãi và chờ mong
của Giáo hội Công giáo Pháp
Các sợ hãi và chờ mong của Giáo hội Công giáo Pháp.
Pháp (Avvenire 9-5-2012) - Phỏng vấn Ðức Cha Claude Dagens, Giám Mục Angoulême, thành viên Ủy ban giáo lý của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, về các sợ hãi và chờ mong của Giáo Hội công giáo Pháp đối với chính quyền tả phái của tân tổng thống Francois Hollande.
Hôm mùng 6 tháng 5 năm 2012 trong vòng hai của cuộc bầu phiếu ông Francois Hollande thuộc đảng Xã Hội đã đắc cử tổng thống với 51.64% tổng số phiếu trong vòng hai của cuộc bầu cử; trong khi tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy thuộc đảng Hiệp nhất Phong trào nhân dân được 48.35% số phiếu. Ðảng Mặt trận quốc gia với ứng cử viên Marine Le Pen được 17.90%; đảng Mặt trận cánh tả với ông Jean-Luc Mélenchon chiếm 11.10%; đảng Phong trào dân chủ với ông Francois Bayrou được 9.13%; đảng Xanh với bà Eva Joly chiếm 2.31%; đảng Cộng Hòa đứng lên với ông Nicolas Dupont-Aignan được 1.7%; Tân đảng chống tư bản với ông Phiulippe Poutou chiếm 1.15%; đảng Ðấu tranh công nhân với bà Nathalie Arthaud được 0.56% và đảng Liên đới và Tiến bộ của ông Jacques Chaminade chiếm 0.25%.
Tuyến bố sau khi thắng cử tân tổng thống Hollande nói: "Ðối với những ai đã không bỏ phiếu cho tôi, xin hãy biết cho rằng tôi nghe họ, và tôi sẽ là tổng thống của tất cả mọi người. Chỉ có một nước Pháp hiệp nhất trong cùng một vận mệnh". Tân thổng thống thề hứa sẽ đặc biệt chú ý đến công lý và giới trẻ. "Châu Âu đang nhìn vào chúng ta. Thắt lưng buộc bụng là điều không thể tránh được. Sứ mệnh của tôi bây giờ là trao ban chiều kích lớn mạnh cho việc xây dựng Âu châu".
Thật ra, tân tổng thống Pháp phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn trước mắt, vì cùng với các nước Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Italia, Pháp cũng nằm trong số các nước có nền kinh tế suy thoái và số nợ cao. Trong cuộc tranh cử tân tổng thống đã trở thành biểu tượng tham chiếu của cuộc đấu tranh chống lại cảnh sa mạc hóa kỹ nghệ tại Pháp. Các nhà máy thép Florange trong vùng Lorraine, sẽ không tái mở cửa, ít nhất là trong thời gian gần. Ngày mùng 8 tháng 5 năm 2012 tập đoàn Arcelor-Mittal, do tư bản Ấn Ðộ kiểm soát, đã tạt thêm một gáo nước lạnh vào mặt 2,800 nhân viên, khi tuyên bố là sẽ không tái mở cửa và sẽ có quyết định vào tháng 8 năm 2012. Các nghiệp đoàn cho rằng thế nào nhà máy cũng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn, và điều này sẽ khiến cho cuộc sống của 2,800 nhân viên và gia đình họ bị ảnh hưởng rất nặng. Vài chuyên viên phấn tích tình hình kinh tế Pháp còn phỏng đoán rằng sẽ có nhiều nhà máy kỹ nghệ khác cũng sẽ bị đóng cửa hay di dời tới các nước chậm tiến hơn, nơi lương các công nhân rẻ hơn, các điều kiện làm việc dễ dàng và ít bảo đảm hơn.
Hôm 8 tháng 5 năm 2012 trong các lễ nghi tưởng niệm ngày đình chiến 8 tháng 5 năm 1945, tổng thống tân cử của Pháp Francois Hollande và tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã cùng nhau đặt vòng hoa trước đài chiến sĩ vô danh trong thủ đô Paris. Trong lễ nghi kéo dài 40 phút hai người đã lắng nghe quốc ca và chào đại diện các tổ chức kháng chiến. Trong bài phát biểu, tổng thống tân cử Hollande nói: "Ðây là một thời điểm của sự hiệp nhất phải tới. Như là tổng thống đương nhiệm và tổng thống tân cử, cả hai chúng tôi đã có bổn phận phải hiện diện trong buổi lễ này. Chúng tôi đã đương đầu với nhau trong cuộc tranh cử. Ðó đã là quyết định quan trọng của nhân dân Pháp liên quan tới tân tổng thống. Nhưng hôm nay chúng tôi phải cùng nhau hiện diện trong lễ nghi tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước Pháp".
Ðối với tổng thống mãm nhiệm Sarkozy, đây là buổi tắm người cuối cùng trước rất nhiều người ủng hộ ông đến để từ biệt vị tổng thống của họ. Trong ngày tổng thống tân cử Hollande đã có các buổi họp mới nhằm xác định các cuộc gặp gỡ quốc tế và thành lập tân chính phủ.
Ðảng Xanh tuy được ít phiếu trong vòng đầu, nhưng cũng đang chuẩn bị gia nhập chính quyền. Trong khi chờ đợi các cuộc bầu cử luật pháp diễn ra vào tháng 6 năm 2012, đảng Mặt trận quốc gia kiểm điểm danh sách các thành viên đảng Tân Gaullist mà họ cho là cần phải ngăn chặn bằng mọi cách. Ðây là các người sẽ bỏ phiếu cho đảng Xã Hội nếu có cuộc bầu lại giữa một ứng cử viên cực hữu và một ứng cử viên xã hội. Các đảng viên Tân Gaullist trái lại sẽ tìm ngăn chặn việc tái bầu ông Francois Bayrou vào Quốc Hội, vì trong tuần trước nữa ông đã tuyên bố bỏ phiếu cho ông Hollande.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Claude Dagens, Giám Mục Angoulême, thành viên Ủy ban giáo lý của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, về các sợ hãi và chờ mong của Giáo Hội công giáo Pháp đối với chính quyền tả phái của tân tổng thống Francois Hollande.
Ðức Cha Claude Dagens năm nay 72 tuổi, là thành viên Ủy ban giáo lý của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, và từ năm 2008 là thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp thay thế sử gia René Rémond. Ðức Cha Dagens là một nhà trí thức và cũng là tác giả của nhiều sách. Trong cuốn cuối cùng mới xuất bản Ðức Cha đã kêu gọi tín hữu công giáo Pháp tỉnh dậy ra khỏi giấc ngủ nặng nề của họ. Cuốn sách tựa đề "Là tín hữu công giáo hiện diện trong xã hội Pháp" mới được phát hành bằng tiếng Ý trong các ngày qua.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Dagens, nước Pháp đã có một vị tân tổng thống phe tả, là ông Francois Hollande, nhưng đa số các tín hữu công giáo đã bỏ phiếu cho ứng cử viên phe hữu. Ðức Cha coi kết qủa cuộc bầu phiếu này ra sao?
Ðáp: Trước hết xin cho phép tôi nói điều này: đó là không có một lá phiếu công giáo đâu. Các tín hữu công giáo không làm thành một khối và trên bình diện chính trị họ biểu lộ một sự đa diện về ý kiến. Nhiều người đã bỏ phiếu cho ông Sarkozy, một số ít khác đã bỏ phiếu cho ông Hollande. Giáo Hội tại Pháp không có ý trở thành một nhóm gây áp lực, Giáo Hội không phải là một đảng phái hay một nhóm người có các lợi ích chung và có khả năng tạo áp lực trên quyền bính chính trị để củng cố các lợi lộc của mình. Ðức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp, đã tuyên bố rất rõ ràng hôm trước ngày bầu cử: nhiệm vụ của các Giám Mục không phải là đưa ra các chỉ dẫn đầu phiếu, mà là cung cấp các tiêu chuẩn phán đoán cho lương tâm tín hữu. Riêng cá nhân tôi, như là người của Giáo Hội và công dân Cộng Hòa Pháp, tôi tôn trọng các giá trị của tính cách đời. Nó không được có các hình thái hiếu chiến; và tôi cũng yêu cầu nó tôn trọng sự dấn thân của tôi làm chứng cho sức sinh động của đức tin trong xã hội.
Hỏi: Nhưng mà thưa Ðức Cha, có các đề tài nhậy cảm liên quan tới gia đình và việc bảo vệ sự sống có thể gây xung đột. Con có ý nói tới chương trình của tân tổng thống Hollande dự trù thừa nhận hôn nhân đồng phái và có thể thừa nhận cả việc trợ tử nữa, là những điều Giáo Hội công giáo vẫn cực lực phản đối.
Ðáp: Chúng tôi đợi xem đâu sẽ là các sáng kiến cụ thể chính quyền đưa ra trên bình diện lập pháp. Dĩ nhiên là Giáo Hội sẽ nói "không" với cơ cấu của hôn nhân đồng phái, và Giáo Hội sẽ đứng về phía bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai trong lòng mẹ cho tới úc chết tự nhiên. Nhưng chúng ta tất cả phải tự hỏi đâu là sự ích lợi của các dự luật mới trong một lãnh vực tế nhị như vậy. Chưa hết, Giáo Hội không chỉ hạn chế trong việc tuyên bố sự âu lo của mình đối với những người đang sống các vấn đề này. Như ông Jean Vanier đã từng nói: chúng ta sinh ra, sống và chết trong dấu chỉ của sự giòn mỏng. Tín hữu kitô là người chấp nhận tính cách dễ bị thương tích ấy cho đến cùng, nhân danh Chúa Kitô phục sinh. Và đó là điều trao ban sức mạnh cho chúng ta.
Hỏi: Tính cách đời là một cột trụ nền tảng của Nền Cộng Hòa Pháp. Cách đây không lâu ông Francois Hollande đã phát động đề nghị đưa vào trong Hiến Pháp luật tách rời Nhà Nước và Giáo Hội ban hành năm 1905. Ðức Cha nghĩ sao?
Ðáp: Tôi tuyệt nhiên không thấy sự cấp thiết của nó. Nhưng mà nói cho cùng nó cũng chẳng có ích lợi gì, và tôi chống lại tư tưởng ấy. Qúy vị thấy không, khi chúng ta nói về tính cách đời, thì chúng ta bị cám dỗ đương đầu với vấn đề làm như thể là chúng ta đang sống hồi thế kỷ XIX, khi xảy ra một cuộc đấu vật tay giữa Giáo Hội và Nhà Nước, giữa các tín hữu công giáo và những người không tin. Ngày nay tất cả mọi người đều nói rằng truyền thống kitô đã suy yếu. Nhưng cả tính cách đời cũng không còn giống như xưa nữa. Các tương quan sức mạnh cũng đã thay đổi, bởi vì các tác nhân giờ đây là ba chứ không phải là hai nữa: ngoài Giáo Hội và Nhà Nước ra còn có xã hội nữa. Và đây chính là nơi các tín hữu công giáo và các người đời có thể gặp nhau bên ngoài các lược đồ đã được vượt thắng.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Dagens, như là ứng cử viên đảng xã hội ông Hollande đã nhắc tới việc củng cố các trường công lập và đời. Có nguy cơ tái thảo luận quy chế của các trường công giáo hay không, như đã xảy ra hồi thập niên 1980 với tổng thổng hồi đó là ông Mitterand, mà các quyết định đã làm bùng nổ các cuộc phản kháng tại khắp nơi trong toàn nước Pháp?
Ðáp: Tôi hy vọng là không. Giáo huấn công giáo không được bước vào trong các trò chơi chính trị. Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta rơi vào trong bẫy sập của một cuộc chiến tôn giáo mới, vô ích và tai hại!
(Avvenire 9-5-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)