Cuộc khủng hoảng

kinh tế tài chánh hiện nay

 

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay.

Roma (Avvenire 27-04-2012; SD 30-04-2012; Vat. 7-05-2012) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu.

Trong các ngày 27 tháng 4 tới 1 tháng 5 năm 2012 Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các khoa học xã hội đã khai mạc phiên họp khoáng đại lần thứ XVIII trong nội thành Vaticăng. Phiên họp có đề tài là "Mong ước của thế giới được trật tự yên hàn: Thông điệp Pacem in terris, Hòa bình dưới thế, 50 năm sau".

Sau lời chào mừng của bà Mary Ann Glendon, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các khoa học xã hội, là các bài thuyết trình do nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đảm trách. Trong số các thuyết trình viên có các học giả và chuyên viên khoa học xã hội như: Gérard-Francois Dumont, Russel Hittinger, Pierre Manent, Joseph Stiglitz, Hans Tiermayer, Verabhadran Ramanathan, Margareth Archer, Partha Dasgupta. Trong số các thuyết trình viên người Ý có các chuyên viên kinh tế chính trị như: Mario Draghi, Ettore Gotti Tedeschi, Enrico Berti, Ombretta Fumagalli Carulli, Rocco Butiglione, Vittorio Possenti, Stefano Zamagni, Pierpaolo Donati.

Ðức Hồng Y Reinard Marx, Tổng Giám Mục Muenchen-Freising cũng thuyết trình trong phiên họp. Ðức Hồng Y Marx sinh năm 1953 là chuyên viên giáo huấn xã hội của Hội Thánh Công Giáo và từ năm 2012 cũng là Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu.

Trong sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đề cao tính chất thời sự của Thông điệp "Hòa bình dưới thế" do Ðức Gioan XXIII ban hành, và ngài cổ võ sự tha thứ trong tiến trình hòa giải giữa các dân tộc. Ðức Thánh Cha mô tả Thông điệp "Hòa bình dưới thế" như "một bức thư ngỏ gửi thế giới", như "lời kêu gọi thống thiết" của Ðức Chân Phước Gioan XXIII ở giai đoạn cuối đời, cho chính nghĩa hòa bình và công lý, cần được thăng tiến ở mọi cấp độ xã hội, quốc gia và quốc tế. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nhận xét rằng: "Tuy bối cảnh chính trị thế giới đã thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ qua, nhưng quan điểm do Ðức Gioan XXIII cống hiến vẫn còn rất nhiều điều để dạy chúng ta, giữa lúc chúng ta nỗ lực đương đầu với những thách đố mới của hòa bình và công lý trong thời Hậu chiến tranh lạnh, giữa cảnh võ khí tiếp tục lan tràn".

Ðức Chân phước Gioan XXIII khẳng định rằng "Thế giới sẽ không bao giờ trở thành nơi ở an bình, bao lâu không có hòa bình trong tâm hồn mỗi người và từng người, bao lâu mọi sự không được bảo tồn theo trật tự Thiên Chúa đã gìn giữ" (Pacem in terris, 165).

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nhấn mạnh một điều chủ yếu trong giáo huấn xã hội Công Giáo, đó là một nền nhân loại học nhìn nhận con người là hình ảnh của Ðấng Tạo Hóa, có trí thông minh và tự do, có khả năng nhận biết và yêu mến. Hòa bình và công lý là thành quả của trật tự đúng đắn được ghi khắc trong chính các loại thụ tạo, được viết trong tâm hồn con người" (Xc Rm 2,15).

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha đặc biệt đề cao ý niệm tha thứ được Ðức Gioan Phaolô II đề xướng trong tinh thần của Ðức Gioan XXIII và nhấn mạnh rằng "không thể có hòa bình, nếu không có công lý, và không thể có công lý nếu không có tha thứ" (Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm 2002).

Ðức Thánh Cha viết: "Ý niệm tha thứ cần được đưa vào các diễn văn quốc tế về việc giải quyết các xung đột, để biến đổi ngôn ngữ vô bổ của sự tố cáo lẫn nhau, vì thái độ này không dẫn tới đâu cả. Nếu con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa công chính đầy lòng từ bi (Ep 2,4), thì những đặc tính ấy cần phải được phản ánh qua cách cư xử trong các công việc của con người. Ðó là sự liên kết giữa công lý và tha thứ, giữa công lý và ân xá, ở trọng tâm câu trả lời của Thiên Chúa đối với sự sai trái của con người (Xc Spe salvi, 44)... Tha thứ không phải là chối bỏ hành động sai trái, nhưng là tham gia vào sự chữa lành và tình thương biến đổi của Thiên Chúa, Ðấng hòa giải và phục hồi"

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu, về phương thuốc chống cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, bài thuyết trình của Ðức Hồng Y khởi hành từ việc nhắc tới giấc mộng âu châu của ông Jean Monnet. Nhưng ngày nay Liên Hiệp Âu châu lại hầu như chỉ được nhận thức như là một thực thể kỹ thuật. Giấc mơ của ông Monnet đã bị phản bội, hay giấc mơ mà chúng ta đang chứng kiến đã là kết qủa của nó?

Ðáp: Liên Hiệp Âu châu chắc chắn phải là một cái gì hơn là hậu qủa phụ của một cộng đồng kinh tế, cả khi không được quên rằng thị trường bị chỉ trích nhiều đã góp phần một cách có ý nghĩa vào cuộc sống tự do, hòa bình và thịnh vượng của chúng ta ngày nay, trong một đại lục đã từng có các cuộc chiến thảm khốc trong qúa khứ. Nhưng thị trường này cần có một trật tự công bằng. Nó phải đâm rễ sâu trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm chung. Có một mô thức liên quan tới điều này: đó là mô thức của nền kinh tế thị trường xã hội không phải chỉ là một mô thức đơn thuần kinh tế. Các gốc rễ của nó là các nền tảng triết lý và pháp luật của nền văn minh hy lạp roma và của nền thần học kinh thánh. Nền kinh tế xã hội thị trường kết hiệp sự tự do thị trường với việc quy chiếu về công lý và giới răn yêu thương tha nhân. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Âu châu cũng là một cuộc khủng hoảng căn tính, vì Âu châu đã thường quên đi các gốc rễ nói trên. Nếu chúng ta tiếp tục làm việc cho một cộng đoàn âu châu của tình liên đới và tinh thần trách nhiệm, và đồng thời chúng ta cũng làm việc cho một nền kinh tế xã hội thị trường trên bình diện âu châu trước rồi trên bình diện quốc tế sau, thì khi đó chúng ta có thể thực hiện ý tưởng của ông Monnet về một Âu châu như "việc đóng góp cho một thế giới tốt lành hơn". Thật là điều quan trọng, khi ý niệm về nền kinh tế xã hội thị trường lần đầu tiên được đưa vào một thỏa hiệp quốc tế, hay thỏa hiệp Lisboa.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, trong cuộc khủng hoảng tài chánh này các căng thẳng giữa các nước âu châu và Liên Hiệp Âu châu gia tăng một cách thê thảm. Ðức Hồng Y có nghĩ rằng sự cáo chung của đồng Euro hay cả của Liên Hiệp Âu châu nữa, như chúng ta đã biết, có nhất thiết là một điều dữ hay không?

Ðáp: Tôi rất âu lo quan sát các thúc đẩy mới đây của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu châu dưới dấu chỉ của sự ích kỷ, của chủ trương mị dân và duy tỉnh lỵ. Các quốc gia âu châu không được co cụm trong chính mình, cũng không được chỉ theo đuổi các lợi lộc kinh tế hay lợi nhuận riêng tư mà thôi, nhưng phải cùng định hình một dự án tích cực cho thế kỷ XXI. Chắc chắn chúng ta không phải là những người cứu thế giới này, nhưng chúng ta muốn góp phần vào việc xây dựng thế giới qua Âu châu.

Chúng ta không cần rút lui vào khuynh hướng quốc gia qúa khích, nhưng cần tái phát động lý tưởng về Âu châu phát xuất từ quan niệm kitô về con người. Liên quan tới điều này tôi nhớ tới "tổng hợp nhân bản mới mẻ" của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, chú ý tới sự phát triển con người toàn diện. Và chính từ đức tin kitô mà có thể nảy sinh ra một sự hăng say lâu dài đối với một cộng đoàn thế giới được định hướng thực sự bởi các nguyên tắc luân lý đạo đức. Việc tôn trọng phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người là một yếu tố định đoạt đưa Âu châu tiến lên. Âu châu phải là một dự án huy động tích cực. Ðiều này phải phản ánh cả trong các dự án chính trị cụ thể, chẳng hạn như trong cuộc chiến chống nạn nghèo đói và bênh vực các quyền con người.

Hỏi: "Âu châu một đóng góp cho một thế giới tốt lành hơn" đã là tựa đề bài thuyết trình của Ðức Hồng Y. Qua tổ chức Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO, Âu châu đã nắm giữ một vai trò hàng đầu trong các can thiệp quân sự tại Irak và Afghanistan và đã là tác nhân cuộc thay đổi chính thể đẫm máu tại Libia. Nó thiếu cái gì để thực sự trở thành một tác viên của hòa bình, trong các sự kiện cụ thể, chứ không phải chỉ bằng lời nói suông mà thôi, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Âu châu phải ý thức được căn tính sâu xa của mình, phải ý thức được các nền tảng của mình, trong đó nòng cốt là quan điểm kitô về con người. Quan điểm về Chúa Kitô, với cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người là lịch sử vĩ đại nhất của mọi thời đại, và đã là cuộc cách mạng an bình nhất trong tất cả các cuộc cách mạng. Nhờ sức mạnh của cuộc cách mạng đó của Chúa Kitô, cả chúng ta nữa cũng được mời gọi hoạt động cho hòa bình, cho tự do và công lý. Thông điệp "Pacem in Terris" Hòa bình dưới thế nêu bật cho thấy hòa bình đích thực không chỉ có nghĩa là vắng bóng chiến tranh, mà còn là một cái gì "chỉ có thể hiện hữu một cách chắc chắn và đích thật trong sự tin tưởng lẫn nhau".

Như thế các tương quan giữa các quốc gia phải được điều hòa theo các luật lệ của sự thật, công lý và tình liên đới tích cực. Chính trong cách thế này sự hiệp nhất của Âu châu mới có thể là một đóng góp và một mô thức giúp đạt một nền hòa bình thực sự trên thế giới này. Và tất cả những điều đó là một kích thích giúp củng cố các trợ giúp phát triển và các sáng kiến ngoại giao tạo dựng hòa bình và dân chủ, chẳng hạn cho các quốc gia A rập và các quốc gia vùng Trung Ðông hiện nay.

Thông điệp "Pacem in Terris" nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải trừ vũ khí, là đề tài còn rất thời sự. Nhưng rất tiếc là rất nhiều hãng xưởng chế tạo vũ khí của âu châu kiếm được rất nhiều tiền lời với các chương trình vũ trang.

(Avvenire 27-4-2012; SD 30-4-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page