Tự do báo chí

bóng ma kinh hoàng

ám ảnh các chế độ độc tài

 

Tự do báo chí: bóng ma kinh hoàng ám ảnh các chế độ độc tài.

Roma (Vat. 4/05/2012) - Mùng 3 tháng 5 năm 2012 là ngày Quốc tế tự do báo chí. Ngày này đã do tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1993 nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý của người dân toàn thế đối với một trong các quyền căn bản nhất của con người là quyền tự do thông tin, tự do nói lên sự thật, thông truyền chia sẻ sự thật cho người khác, dùng tư tưởng để hướng dẫn và xây dựng cuôc sống con người, giúp xã hội ngày càng trở thành tự do, dân chủ, nhân bản, công bằng, thịnh vượng và liên đới hơn. Ðể thực hiện lý tưởng cao qúy ấy đã có hằmg trăm nhà báo bị sát hại và hàng ngàn nhà báo cũng như phóng viên các đài truyền hình bị hành hung, bắt giữ và nhốt tù. Chỉ nội trong bốn tháng đầu năm 2012 này đã có 40 nhà báo bị giết chết.

Theo bản tường trình và phân tích của tổ chức "Tòa nhà tự do", một cơ quan độc lập bên Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về tình hình tự do báo chí trên thế giới, chỉ có một phần bẩy, tức một tỷ người trên thế giới có thể thực sự mừng Ngày Quốc Tế Tự do báo chí, trong khi 6 tỷ người còn lại phải sống trong các điều kiện bị hạn chế hay hoàn toàn không được tự do ngôn luận.

Tổ chức "Tòa nhà tự do" đã phân tích tình hình tự do báo chí trong năm 2011 tại 197 quốc gia trên thế giới và chia các nước này thành ba loại, trong đó có 33.5% các quốc gia có tự do báo chí, 33.5% các quốc gia khác có tự do báo chí bị hạn chế, và 31% hoàn toàn không có tự do báo chí. Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba thuộc nhóm thứ ba này, trong đó nhà nước độc tài cộng sản ngang nhiên chà đạp và tước đoạt mọi quyền tự do của người dân, mặc dù họ vẫn lải nhải các khẩu hiệu rỗng tuyếch như "độc lập, tự do hạnh phúc"; trong khi thực ra cả nước là một "nhà tù lộ thiên khổng lồ", và nhà nước sử dụng hàng trăm ngàn cảnh sát công an chìm nổi, chó nghiệp vụ, dùi cui, roi điện, bom cay, súng đạn và hàng trăm tờ báo "vẹt" của đảng như các công cụ, vô hồn, mù quáng, đáng thương, chỉ biết răm rắp phục vụ quyền lực của thiểu số chóp bu lãnh đạo như nô lệ, chứ thật ra cũng rách nát nghèo túng, chẳng xơ múi gì, chỉ chấm mút được chút ít những gì cướp giật được của dân, còn bao nhiêu đều dồn cả về cho thiểu số chóp bu lãnh đạo.

Riêng tại Việt Nam thì điển hình trong thời gian qua nhà nước tổ chức "cướp đất một cách đại quy mô": hết Thái Hà đến Cồn Dầu, rồi Tiên Lãng và mới đây ngày 24 tháng 4 năm 2012 cướp trắng 70 mẫu của 116 hộ tại Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Còn ngay trong thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến một mái nhà nhỏ cho vài chục trẻ em mồ côi cũng bị họ huy động lực lượng hằng trăm công an và côn đồ tới đập phá. Ðã thế chúng còn đánh cả linh mục và những người lo lắng cho các em nữa. Từ bạn dân công an trở thành "lũ súc sinh", không còn thoái hóa và tụt hậu hơn được nữa!

Vẫn theo bản tường trình và phân tích của tổ chức "Tòa Nhà Tự Do", trong vùng Bắc Phi sở dĩ gió mùa xuân dân chủ thổi mạnh cũng chính là nhờ giới trẻ biết tận dụng các phương tiện thông tin hiện đại đời mới, khiến cho tự do báo chí cũng tiến triển, đặc biệt tại các nước như Tunisia và Libia.

Tuy nhiên, trong toàn vùng Trung Ðông có thể nói chỉ có Israel là thực sự có tự do báo chí, còn tại hầu hết các nước Arập chính quyền đều tìm cách kiểm soát chặt chẽ giới truyền thông xã hội, điển hình như Syria và Bahrain.

Tại các nước như Trung Quốc, Nga, Iran và Venezuela chính quyền sử dụng nhiều kỹ thuật tân tiến để "giơ móng vuốt quyền lực" ra đối đầu với giới truyền thông, bao gồm việc đóng cửa các cơ quan truyền thông, bắt giữ, kết án và bỏ tù các nhà báo.

Trong năm 2011 tại các nước Trung và Nam Phi châu chỉ có 1.5% dân chúng được tự do thông tin. Tình hình tự do báo chí tụt cấp tại 21 trên 49 nước Phi châu, kể cả các nước gọi là "muốn cải cách" như Zambia và Sierra Leone.

Tình hình tự do báo chí tại các nước miền Trung và Tây Âu châu cũng như vùng Âu Á châu không sáng sủa lắm. Tuy nhiên, từ năm 2003 các nước như Uzbekistan, Turkmenistan và Bạch Nga cũng đã tiến cao hơn các nước đội sổ. Còn Azerbaijan, Ukraine và Nga lại thụt lùi vì các vụ kiểm soát đàn áp các nhà báo tự do. Hungari từ 13 tụt xuống hàng 36. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất, vì tại ngay cả các nước xem ra có nền dân chủ ổn định như Chile quyền tự do báo chí cũng gặp nguy hiểm.

Từ bản tường trình và phân tích của tổ chức "Tòa Nhà Tự Do" người ta có thể ghi nhận rằng: tự do báo chí là bóng ma kinh hoàng đêm ngày ám ảnh các chính quyền độc tài trên toàn thế giới. Càng độc tài bao nhiêu, nhà nước lại càng sợ tự do báo chí bấy nhiêu.

Việt Nam là một trong những trường hợp điển hình nhất, vì nhà nước tìm đủ mọi cách để duy trì chế độ ngu dân, dấu nhẹm mọi sự, bóp méo xuyên tạc sự thật, và thi thố quyền phép khiến cho cả đội ngũ 800 báo đài trở thành "đàn vẹt" thông tin dối trá một chiều.

Thì ra, tự do báo chí qủa là bóng ma kinh hoàng ngày đêm ám ảnh khiến cho nhà nước ăn không ngon ngủ không yên, nên điên loạn lồng lộn đối xử tàn bạo với các nhà báo "không chịu làm vẹt" và tàn ác với người dân không còn muốn tiếp tục sống kiếp nô lệ nữa.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page