Ðức Thánh Cha chủ sự
buổi đi Ðàng Thánh Giá trọng thể
Ðức Thánh Cha chủ sự buổi đi Ðàng Thánh Giá trọng thể.
Roma (SD 6-4-2012) - Lúc 9 giờ 15 phút tối ngày 6 tháng 4 năm 2012, Thứ Sáu Tuần Thánh, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma. Nghi thức này được hơn 60 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.
Ðức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Ðàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là 2 gia đình thuộc giáo phận Roma, một gia đình từ Burkina Faso bên Phi châu, một gia đình từ Peru, 1 gia đình từ Ailen, và 2 Linh Mục dòng Phanxicô từ Thánh Ðịa.
Bài suy niệm đàng Thánh Giá năm nay do ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi, người Italia, biên soạn. Ông Bà đã cùng với Chị Chiara Lubich, thành lập Phong trào các Gia Ðình mới theo linh đạo của Phong trào Tổ Ấm. Hai tác giả nhắc đến những tình trạng đau khổ trong đời sống gia đình: bất trung, ly dị hoặc bệnh tật, khó khăn tài chánh, nghèo đói, những lối cư xử vô luân, bất hòa với cha mẹ, thiên tai.
Huấn dụ ngắn của Ðức Thánh Cha
Trước khi kết thúc buổi đi Ðàng Thánh Giá, Ðức Thánh Cha đã trình bày một bài suy niệm ngắn:
"Chúng ta vừa gợi lại qua suy niệm, kinh nguyện và thánh ca, hành trình của Chúa Giêsu trên đường thập giá: một con đường dường như không lối thoát, nhưng thực ra đã thay đổi cuộc sống và lịch sử loài người, đã mở đường hướng về "trời mới và đất mới" (Xc Kh 21,1). Ðặc biệt trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, với lòng gắn bó sâu xa, Giáo Hội cử hành lễ tượng niệm cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá, và trong Thập Giá của Chúa, Giáo Hội thấy cây sự sống, phong phú với một niềm hy vọng mới.
"Kinh nghiệm đau khổ ghi đậm trong nhân loại, cả trong gia đình: bao nhiêu lần hành trình trở nên cơ cực và khó khăn! Thiếu cảm thông, chia rẽ, lo lắng về tương lai con cái, bệnh tật, khó chịu, vất vả đủ loại. Tiếp đến trong thời đại chúng ta ngày nay, nhiều gia đình còn phải chịu tình trạng công ăn việc làm bấp bênh và những hậu quả tiêu cực khác do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra. Hành trình Ðàng Thánh Giá mà chúng ta đi lại trong tinh thần tối hôm nay, là một lời mời gọi tát cả chúng ta, nhất là các gia đình, hãy chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đanh để có sức mạnh vượt qua những khó khăn. Thập giá của Chúa Kitô là dấu chỉ tột cùng tình thương của Thiên Chúa đối với mỗi người, là câu trả lời dồi dào đối với nhu cầu của mỗi người mong được thương yêu. Khi chúng ta ở trong thử thách, khi gia đình chúng ta phải đương đầu với đau khổ, sầu muộn, chúng ta hãy nhìn Thập Giá Chúa Kitô: nơi đó chúng ta tìm được can đảm để tiếp tục tiến bước; tại đó chúng ta có thể lập lại, trong niềm hy vọng vững chắc, lời thánh Phaolô: "Ai sẽ tách biệt được chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô? Phải chăng là sầu muộn, lo âu, bách hại, đói kém, trần trụi, nguy hiểm, gươm giáo?.. Nhưng trong tất cả những điều ấy, chúng ta đại thắng nhờ Ðấng đã yêu thương chúng ta" (Rm 8,35.37).
"Trong buồn sầu và khó khăn, chúng ta không lẻ loi; gia đình không đơn độc: Chúa Giêsu hiện diện với tình thương của Ngài, nâng đỡ gia đình bằng ơn thánh của Ngài và ban cho họ năng lực để tiến bước. Chúng ta phải hướng tìm tình thương ấy của Chúa Kitô khi những lầm đường lạc lối của con người và những khó khăn có nguy cơ làm thương tổn sự hiệp nhất của đời sống và gia đình chúng ta. Mầu nhiệm khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Kitô khích lệ tiến bước trong hy vọng: mùa đau khổ và thử thách, nếu được sống với Chúa Kitô, với niềm tin nơi Ngài, thì hàm chứa ánh sáng phục sinh, sự sống mới của thế giới phục sinh, cuộc vượt qua của mỗi người tin nơi Lời Chúa".
"Trong Ðấng bị đóng đanh, là Con Thiên Chúa, cả cái chết cũng đạt được một ý nghĩa và hướng đi mới, cái chết bị hủy diệt và đánh bại, nó trở thành đoạn đường dẫn tới cuộc sống mới: "Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi, trái lại nếu chết đi thì nó sinh nhiều bông hạt" (Ga 12,24). Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Chúa Kitô. Mẹ đã tháp tùng Con trên con đường đau khổ, Mẹ đã đứng dưới chân Thập Giá trong giờ chết của Con, Mẹ đã khích lệ Giáo Hội lúc khai sinh để Giáo Hội sống trước sự hiện diện của Chúa, và dẫn đưa tâm hồn chúng ta, tâm hồn của tất cả các gia đình tiến qua mầu nhiệm khổ nạn hướng về mầu nhiệm phục sinh, về ánh sáng tỏa lan từ cuộc phục sinh của Chúa Kitô, và chứng tỏ chiến thắng chung kết của tình thương, của vui mừng, sự sống, trên sự ác, trên đau khổ và chết chóc". (SD 6-4-2012)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)