Những biến cố cuối cùng
trong chuyến viếng thăm
của Ðức Thánh Cha tại Cuba
Những biến cố cuối cùng trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Cuba.
Cuba (RVA. 28/03/2012) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong khi quý vị theo dõi chương trình tường thuật này, thì Ðức Thánh Cha đã kết thúc chuyến thăm 6 ngày tại hai quốc gia Mêhicô và Cuba, và cũng đã về đến Roma bằng yên. Trong chương trình phát thanh này, chúng tôi kính mời quý vị theo dõi những biến cố cuối cùng của chuyến viếng thăm Cuba, dựa theo bài viết của Linh Tiến Khải, Ban Việt Ngữ, Ðài Vatican, cùng với vài chi tiết từ hãng tin Apic. Theo nguồn tin của Apic, thì trước khi rời Toà Sứ Thần ra Phi Trường về lại Roma, vào chiều thứ Tư 28 tháng 03 năm 2012, Ðức Thánh Cha đã gặp riêng cựu Chủ Tịch Fidel Castro, hiện đã 84 tuổi, tại Toà Sứ Thần Toà Thánh, trong vòng 30 phút. Ðược biết, Cựu Chủ Tịch Fidel Castro đã có hai lần gặp Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một vào năm 1996 tại Vatican, và lần thứ hai vào năm 1998, khi đức Gioan Phaolô II đến thăm Cuba. Và hôm 28 tháng 03 năm 2012, là lần gặp đầu tiên giữa Ðức Bênêđitô XVI và Ông Fidel Castro, người cha già của cuộc cách mạng Cuba. Cựu chủ tịch Fidel Castro đã nắm quyền cai trị Cuba từ năm 1976 cho đến năm 2006, là năm ông tạm thời nhường qiuyền lãnh đạo lại cho em mình là Raul Castro. Tháng 02 năm 2008, Ông Fidel Castro chính thức và dứt khoát nhường quyền lãnh đạo cho người em là Raul Castro.
Thứ tư 28 tháng 3 năm 2012, là ngày cuối cùng trong chuyến Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI viếng thăm Cuba hai ngày. Ngài đã chỉ có một sinh hoạt duy nhất là chủ sự thánh lễ tại quảng trường Cách Mạng trong thủ đô La Habana, trước khi từ giã Cuba vào ban chiều để về Roma.
Như trong bài tường thuật lần trước, sáng thứ ba 27 tháng 03 năm 2012, Ðức Thánh Cha rời Santiago de Cuba, sau những giây phút kính viếng Ðức Mẹ tại Ðền Thánh Ðức Bà Bác Ái Mỏ Ðồng, bổn mạng Cuba, để lên thủ đô La Habana, địa điểm viếng thăm thứ hai của chuyến viếng thăm Cuba.
Máy bay đã cất cánh rời Santiago de Cuba lúc 10 giờ rưỡi sáng và tới phi trường quốc tế José Martí của thủ đô La Habana sau một giờ rưỡi bay. Ðức Thánh Cha đã được Ðức Hồng Y Ortega y Alamino tiếp đón tận chân thang máy bay, và Ðức Hồng Y giới thiệu với Ðức Thánh Cha các giới chức chính quyền địa phương. Hiện diện tại phi trường có mấy trăm trẻ em và các ca đoàn hát chào mừng Ðức Thánh Cha.
Thành phố La Habana do ông Diego Velazquez thành lập năm 1514. Với biến cố người Tậy Ban Nha chinh phục Mêhicô và Perù, La Habana trở thành hải cảng quan trọng nhất Mỹ châu, vì có các tầu hàng chở bạc về Tây Ban Nha. Năm 1555 thành phố bị người Pháp đảo Corse cướp phá, và năm 1762 bị người Anh chiếm đóng 11 tháng. Sau đó thành phố được củng cố đứng hàng đầu bên Tân Thế Giới. Từ năm 1607 La Habana là thủ đô của Cuba; và với gần 4 triệu dân cư, hiện nay nó là thành phố lớn nhất vùng quần đảo Caraibi. La Habana cũng là trung tâm của ngành kỹ nghệ luyện kim, làm thuốc xì gà, lọc dầu hỏa vv... và có các tầu đánh cá lớn. Thành phố bị ô nhiễm trầm trọng, không có hệ thống thiêu hủy rác, thiếu nước trong lành, và phân nửa nhà cửa rơi vào tình trạng rất tồi tệ, khiến hằng năm có 300 dinh thự bị sập.
Khu phố nổi tiếng nhất là khu phố cổ có các nhà xây thời thuộc địa, và từ năm 1982 nó được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc cho vào danh sách gia tài của nhân loại. Tại đây có các lâu đài El Moro và La Cabanha, các dinh thự kỷ niệm Cách Mạng, bao gồm cả viện bảo tàng và đài tưởng niệm José Martí, cũng như các hàng quán và nơi sinh hoạt đêm với nhạc phi châu cuba thuộc thập niêm 1950, Tòa thị chính và viện bảo tàng Ernest Hemingway, nơi nhà văn Mỹ đã sống và sáng tác tiểu thuyết trong 20 năm.
Trong số các nhà thờ nổi tiếng trong thủ đô La Habana có nhà thờ Ðức Bà Mân Côi xây năm 1720; nhà nguyện Templete xây năm 1828; nhà thờ và tu viện thánh Phanxicô thành Assisi xây năm 1608, hiện biến thành phòng hòa nhạc và viện bảo tàng; nhà thờ và tu viện thánh nữ Clara, nhưng từ năm 1920 không còn là tu viện nữa; nhà thờ giáo xứ Chúa Thánh Thần xây năm 1640: đây là nhà thở cổ xưa nhất trong thủ đô; nhà thờ và tu viện Ðức Bà Mercede xây năm 1755; và nhà thờ thánh Thiên Thần Bản Mệnh.
Tổng giáo phận San Cristobal La Habana được thành lập năm 1787, rộng hơn 7,500 cây số vuông, có gần 4 triệu dân trong đó có hơn 2 triệu 800 ngàn tín hữu công giáo, bao gồm 107 giáo xứ với 44 linh mục triều và 101 linh mục dòng, 135 tu huynh, 265 nữ tu, 15 đại chủng sinh và 24 Phó tế vinh viễn. Giáo Hội điều khiển 2 học viện giáo dục và 6 cơ sở bác ái xã hội.
Từ phi trường quốc tế La Habana Ðức Thánh Cha đã đi xe về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, cách đó 18 cây để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến viếng thăm xã giao Chủ tịch Raul Castro tại Dinh Cách Mạng, lúc 5.30 chiều thứ ba 27 tháng 03 năm 2012.
Ðức Thánh Cha và Chủ tich Raul Castro đã hội kiến riêng trong vòng 45 phút. Trong cuộc họp báo sau đó Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc hội kiến đã diển ra trong bầu khí rất thanh thản và thân tình. Tuy không ai biết chi tiết nội dung cuộc nói chuyện nhưng cha Lombardi nói hai bên đã đề cập tới điều kiện sống hiện nay của nhân dân Cuba và tình hình trong nước. Ðức Thánh Cha đã bầy tỏ ước mong Giáo Hội có thể tham gia vào cuộc sống xã hội một cách tích cực hơn, cũng như diễn tả lòng tin một cách tràn đầy hơn. Ðức Thánh Cha cũng yêu cầu Chủ tịch Raul Castro tuyên bố Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ trên toàn quốc, vì nó là ngày nền tảng trong truyền thống tôn giáo của người dân Cuba, y như cách đây 14 năm Ðức Gioan Phaolô II đã xin Chủ tich Fidel Castro tuyên bố Lề Giáng Sinh là lễ nghỉ toàn quốc và đã được chấp thuận ngay trong năm đó.
Sau cuộc gặp gỡ Ðức Thánh Cha đã cùng Chủ tịch Raul Castro ra chào đại điện giới truyền thông ở bên ngoài Dinh, rồi Ðức Thánh Cha lên xe về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 4 cây số đễ dùng bữa tối và qua đêm tại đây.
Trong cuộc họp báo ban chiều cha Lombardi giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cũng tiết lộ một chi tiết liên quan tới thánh lễ riêng Ðức Thánh Cha dâng trong nhà nguyện chủng viện Santiago sáng thứ ba 27 tháng 03 năm 2012. Tham dự thánh lễ có khoảng 10 nữ tu Thứa Sai Bác ái của Mẹ Terexa Calcutta, trong đó có nữ tu Teresa Kerketta người Ấn Ðộ. Như thói quen của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái khi khấn trọng các chị chọn một linh mục để hằng ngày cầu nguyện cách riếng cho vị ấy. Cách đây 20 năm, khi vĩnh khấn, chị Kerketta cũng đã chọn cầu nguyện cho một linh mục; vị linh mục đó là Ðức Hồng Y Ratzinger. Sau thánh lễ Ðức Tổng Giám Mục Santiago đã giới thiệu chị với Ðức Thánh Cha và chị đã choàng một vòng hoa lên cổ ngài để tỏ lòng qúy mến. Ðức Thánh Cha đã rất cảm động gặp người mỗi ngày đã liên lỉ cầu nguyện cho ngài trong suốt 20 năm qua. Ngoài ra có một ca đoàn gồm 20 thiếu nhi đã hát mừng Ðức Thánh Cha và chụp hình lưu niệm với ngài khi Ðức Thánh Cha rời chủng viện.
Sang ngày thứ tư 28 tháng 03 năm 2012, ngày cuối cùng Ðức Thánh Cha viếng thăm Cuba. Lúc 8 giờ sáng, Ðức Thánh Cha đã đi xe bọc kính rời Tòa Sứ Thần đến quảng trường Cách Mạng La Habana, cách đó 4 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu.
Quảng trường Cách Mạng mang tên José Martín là nơi biểu tượng của Cuba, rất rộng có thể chứa tới 600,000 người, và là nơi đã diễn ra biết bao nhiêu cuộc tụ họp của người dân thủ đô. Ông José Martín sinh năm 1853 là một nhà báo kiêm thi sĩ, và là người hoạt động chống lại sự chiếm đóng Cuba của Tây Ban Nha.
Ông Antonio Tejero, đặc trách giới trẻ của tổng giáo phận La Habana, cho biết tối thứ ba hàng chục ngàn người trẻ đã tham dự buổi canh thức cầu nguyện suốt đêm trong nhà thờ chính tòa, rồi từ sáng sớm đã rước ảnh Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng đi ngang qua các giáo xứ, cùng nhập đoàn với giáo dân đi bộ tiến về quảng trường Cách Mạng để tham dự thánh lễ do Ðức Thánh Cha chủ sự.
Thánh lễ đã bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Cùng đồng tế thánh lễ với Ðức Thánh Cha có các Hồng Y và Giám Mục Cuba, đoàn tùy tùng, các Hồng Y Giám Mục khách, và hàng trăm linh mục. Bàn thờ dựng trên khán đài cao có bao lơn mầu xanh. Tượng Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng mặc áo thêu mầu trắng được đặt phía bên trái bàn thờ. Phần thánh ca do một ban nhạc và mấy trăm ca viên mặc đồng phục mầu tím đảm trách.
Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc. Ngài nêu bật lòng can đảm của ba thiếu niên trong sách Ðaniel, thà chết chứ không phản bội đức tin và bất trung với Thiên Chúa, cũng như lời Chúa Giêsu mời gọi sống trong chân lý để được thực sự tư do.
Rồi Ðức Thánh Cha giải thích bài phúc âm của ngày như sau:
Trong Phúc Âm Ðức Giêsu tự mạc khải như là Con Thiên Chúa Cha, Ðấng Cứu Thế, Người duy nhất có thể chỉ cho thấy chân lý và trao ban sự thật đích thực. Giáo huấn của Người khơi dậy sự kháng cự và lo âu giữa những người nói chuyện với Người. Người tố cáo họ muốn tìm cái chết của Người, nhưng khuyến khích họ tin và ở lại trong Lời Người để hiểu biết sự thật.
Thật thế, sự thật là một khát vọng của con người và việc tìm kiếm nó luôn luôn giả thiết việc tập tành tự do đích thực. Nhưng nhiều người thích các lối tắt để tránh nhiệm vụ ấy. Một vài người như quan Philatô, cười nhạo khả năng hiểu biết sự thật (x. Ga 18,38) bằng cách tuyên bố con người không có khả năng đạt tới nó, hay từ chối rằng có một sự thật cho tất cả mọi người. Thái độ này cũng như trường hợp của khuynh hướng hoài nghi và chu trương tương đối thay đổi con tim của họ, khiến cho họ trở thành lạnh nhạt, lảo đảo, xa cách các người khác và khép kín co cụm trong chính mình.
Ðàng khác cũng có những người giải thích sai việc tìm kiếm chân lý, dẫn đưa họ tới chỗ vô lý và cuồng tín, vì thế họ khép kín trong "sự thật của họ" và tìm áp đặt nó trên người khác. Họ như những người vụ luật lệ, mù quáng khi thấy Ðức Giêsu bị đánh đập chảy máu, thì diên loan kêu lên: "Ðóng đinh nó vào thập giá!" (x. Ga 19,6). Thật ra, ai hành động một cách vô lý, thì không thể là môn đệ Ðức Giêsu. Ðức tin và lý trí cần thiết và bổ túc cho nhau trong việc kiếm tìm chân lý. Thiên Chúa đã dựng nên con người với một ơn gọi bẩm sinh tin vào chân lý và vì thế Người ban cho nó lý trí. Mọi người đều phải dò xét sự thật và lựa chọn nó khi tìm ra nó, cả khi có phải đương đầu với các hy sinh đi nữa.
Ðức Thánh Cha nói thêm về sự thật như sau:
Ngoài ra, sự thật về con người là một giả thiết không thể tránh né được để đạt đến sự tự do, bởi vì trong nó chúng ta khám phá ra các nền tảng của một luân lý đạo đức, mà tất mọi người đều có thể đối chiếu, và nó chứa đựng các công thức rõ ràng, chính xác liên quan tới sự sống và cái chết, các nhiệm vụ và các bổn phận, hôn nhân, gia đình, và xã hội, nói cho cùng liên quan tới phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Gia tài luân lý đạo đức ấy là điều có thể làm xích lai gần nhau mọi nền văn hóa, các dân tộc và các tôn giáo, các chính quyền và các công dân, các công dân với nhau và các người tin nơi Chúa Kitô và những kẻ không tin nơi Người.
Khi nêu cao các gía trị nâng đỡ luân lý đạo đức, Kitô giáo không áp đặt, nhưng đề nghị lời Chúa Kitô mời gọi hiểu biết sự thật, khiến cho con người được tự do. Tín hữu được mời gọi cống hiến kho tàng đó cho các người đồng thời như Chúa đã làm, cả khi có cảm thấy trước sự khước từ và Thập Giá đi nữa.
Anh chị em thân mến, đừng ngần ngại theo Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người chúng ta tìm ra sự thật về Thiên Chúa và về con người. Người giúp chúng ta đánh bại các ích kỷ của chúng ta, ra khỏi các tham vọng và chiến thắng điều áp bức chúng ta. Ai làm điều ác, ai phạm tội, thì làm nô lệ của tội lỗi, và sẽ không bao giờ đạt sự tự do (x. Ga 8,34). Chỉ khi khước từ thú hận và con tim chai đứng mù lòa của mình, chúng ta mới tự do, và một cuộc sống mới sẽ nảy mầm trong chúng ta.
Chúa Giêsu là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Nơi Người chúng ta tìm thấy sự tự do tràn đầy và ánh sáng giúp hiểu thực tại một cách sâu xa và biến đổi nó với sức mạnh canh tân của tình yêu thương. Giáo Hội sống để làm cho người khác tham dự vào điều duy nhất Giáo Hội có: đó là Chúa Kitô, niềm hy vọng vinh quang (x. Cl 1,27). Ðể có thể chu toàn nhiệm vụ ấy, Giáo Hôi phải dựa trên sự tự do tôn giáo nòng cốt, bao gồm việc có thể loan báo và cử hành công khai đức tin, chuyển tiếp cho người khác sứ điệp tình yêu hòa giải và hòa bình, mà Chúa Giêsu đem đếm cho thế giới. Ðức Thánh Cha nhận định về tình hình tại Cuba hiên nay như sau:
Cần thừa nhận với niềm vui rằng tại Cuba đã có nhiều bước tiến được làm, để Giáo Hội chu toàn sứ mệnh không thể tránh né được của mình là công khai loan báo đức tin. Tuy nhiên, cần tiếp tục, và tôi muốn khích lệ chính quyền quốc gia củng cố những gì đã đạt được và tiếp tục trên con đường phục vụ thiện ích chung của toàn xã hội Cuba.
Quyền tự do tôn giáo trong chiều kích cá nhân cũng như trong chiều kích cộng đoàn biểu lô sự hiệp nhất của bản vị con người, vừa là công dân vừa là tín hữu. Cũng là điều hợp pháp việc các tín hữu góp phần xây dựng xã hội. Việc củng cố nó khiến cho sự sống chung được vững chãi, dưỡng nuôi hy vọng vào một thế giới tốt lành hơn, tạo ra các điều kiện thuận lợi cho hòa bình và phát triển hòa hợp, đồng thời thiết lập các nền móng vững chãi bảo dảm các quyền của các thế hệ tương lai.
Rồi Ðức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau:
Khi Giáo Hội nêu bật quyền tự do tôn giáo, Giáo Hội không đòi hỏi đặc ân nào, nhưng chỉ yêu sách trung thành với sứ mệnh, mà Ðấng sáng lập là Chúa Kitô đã giao phó cho mình, vì ý thức rằng nơi đâu có Chúa Kitô hiện diện, thì ở đó con người lớn lên trong nhân bản và tìm thấy sự vững vàng của nó. Chính vì thế Giáo Hội tìm cống hiến chứng tá đó trong việc rao giảng và dậy dỗ trong giáo lý cũng như trong các mội trường đào tạo và đại học. Hy vọng rằng sẽ mau đến lúc Giáo Hội có thể đem các lợi ích sứ mệnh của mình vào trong các lãnh vực khác nhau của sự hiểu biết. Thí dụ điển hình là linh mục Felex Varela, nhà giáo dục, bậc thầy và là người con ưu tú của thành phố La Habana này, mà lịch sử Cuba coi như người đầu tiên đã dậy cho người dân biết suy tư, và đã biến đổi xã hội. Cuba và thế giới cần có các thay đổi, nhưng sẽ chỉ có thay đổi, nếu mỗi người có thể ở trong điều kiện tự hỏi về sự thật, và quyết định bước theo con đường của tình yêu, gieo vãi hòa giải và tình huynh đệ.
Ðức Thánh Cha xin Mẹ Maria Rất Thánh cho mọi người trở thành chứng nhân của lòng bác ái, luôn đáp trả lại sự ác bằng sự thiện.
Kết thúc thánh lễ, Ðức Thánh Cha chào từ biệt các tín hữu, trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi trước khi ra phi trường lấy máy bay về Roma.
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn...
R.V.A.