Ðức Thánh Cha
khởi sự viếng thăm Cuba
Ðức Thánh Cha khởi sự viếng thăm Cuba.
Santiago de Cuba (Vat. 27/03/2012) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã được tiếp đón nồng nhiệt tại Cuba và ngài đã cử hành thánh lễ đầu tiên với sự tham dự của hơn 200 ngàn tín hữu.
Santiago
de Cuba
Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã được tiếp đón nồng nhiệt tại Cuba. |
Chiều thứ hai 26 tháng 3 năm 2012, Ðức Thánh Cha đã đến phi trường thành phố Santiago de Cuba lúc 2 giờ rưỡi chiều giờ địa phương, trễ gần 30 phút, sau 4 tiếng bay từ thành phố León bên Mêhicô, cách đó 2,650 cây số về hướng đông, để viếng thăm trong vòng 48 tiếng đồng hồ tại Cuba, với hai hoạt động chính, đó là thánh lễ tại giáo phận Santiago có Ðền thánh Ðức Mẹ và sau đó là thánh lễ tại Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô La Habana.
Santiago là thành phố lớn thứ 2 của Cuba với 400 ngàn dân cư và là một cảng thiên nhiên ở bờ biển đông nam của nước này. Ðược thành lập hồi năm 1514, Santiago đã từng là thủ đô của Cuba trong gần 100 năm trời hồi thế kỷ 16 (1515-1607), và vốn tranh đua với thủ đô La Habana về đời sống văn chương, âm nhạc và chính trị.
Về mặt tôn giáo, Tổng giáo phận Santiago de Cuba hiện có 255 ngàn tín hữu Công Giáo với 16 giáo xứ và 18 giáo họ, nhưng số nhân viên mục vụ thật ít ỏi, chỉ có 26 Linh Mục triều và dòng, 17 tu huynh, 36 nữ tu và 2 đại chủng sinh.
Santiago cũng nổi tiếng vì có Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái ở Mỏ Ðồng, bổn mạng của Cuba và trong lịch sử Thánh Antôn Claret người Tây Ban Nha đã từng làm Giám Mục tại đây.
Ðón tiếp
Từ trên máy bay bước xuống phi trường Santiago, Ðức Thánh Cha đã được Chủ tịch Nhà nước Cuba Raul Castro cùng với các Giám Mục Cuba và một nhóm tín hữu tiếp đón, trong khi 21 phát đại bác nổ vang để chào mừng vị quốc khách. Hiện diện tại đây cũng có một số quan chức chính phủ và 5 vị niên trưởng miền thuộc ngoại giao đoàn.
Trong lời chào mừng Ðức Thánh Cha, Chủ tịch Raul Castro nói: "Cuba đón tiếp ngài với lòng yêu mến và quí trọng, và tôi được vinh dự vì sự hiện diện của ngài tại đây". Ông Castro cũng khẳng định rằng chính phủ Cuba chia sẻ với Giáo Hội Công Giáo nhiều lý tưởng, đặc biệt là hòa bình và sự cần thiết phải có một chế độ kinh tế thấm đượm tinh thần liên đới. Ông cho biết hiến pháp Cuba "bảo đảm tự do tôn giáo hoàn toàn" cho mọi công dân, và dựa trên căn bản đó, chính phủ Cuba giữ quan hệ tốt với mọi tôn giáo và các tổ chức tôn giáo tại nước này".
Vẫn theo Chủ tịch Castro, Cuba dấn thân trên mặt trận công lý và liên đới trong khi trên thế giới còn có nhiều chênh lệch lớn lao. Ông không quên lên án chính sách cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba, một sự cấm vận cả về mặt tài chánh mặc dù đã có những cố gắng đổi mới của chính phủ Cuba. Ông nhắc lại cuộc thánh du toàn quốc gần đây của tượng Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng, liên kết mọi người Cuba với nhau, dù là tín hữu hay người không tin. Sau cùng, ông nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Giáo Hội và Nhà Nước Cuba.
Về phần Ðức Thánh Cha, trong diễn văn đầu tiên, ngài nhắc đến cuộc viếng thăm lịch sử của Ðức Cố Giáo Hoàng, và những khát vọng chính đáng của nhân dân Cuba. Ngài nói:
"Khi đến nơi anh chị em, tôi không thể không nhớ đến cuộc viếng thăm lịch sử của vị Tiền nhiệm của tôi, Chân phước Gioan Phaolô 2. Người đã để lại một vết tích không thể xóa nhòa trong tâm hồn người dân Cuba. Ðối với nhiều người, dù là tín hữu hay không, tấm gương và giáo huấn của Người là chỉ nam sáng ngời, hướng dẫn họ trong đời sống bản thân cũng như trong việc công khai phục vụ công ích của đất nước. Thực vậy, hành trình của Người qua đảo này giống như một làn gió tươi mát mang lại sinh lực mới cho Giáo Hội tại Cuba, khơi dậy nơi nhiều người ý thức mới mẻ về tầm quan trọng của đức tin, khích lệ họ cởi mở tâm hồn cho Chúa Kitô, và đồng thời soi sáng hy vọng và kích thích ước muốn can đảm làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn. Một trong những thành quả quan trọng của cuộc viếng thăm ấy chính là sự khai mào một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước Cuba, với một tinh thần cộng tác rộng lớn và tín nhiệm hơn, mặc dù vẫn còn nhiều khía cạnh có thể và cần phải đẩy xa hơn, đặc biệt là về sự đóng góp không thể loại bỏ được mà tôn giáo được kêu gọi thực hiện trong lãnh vực công cộng của xã hội."
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Tôi rất vui mừng chia vui với anh chị em về việc mừng 400 năm tìm thấy tượng Ðức Mẹ Bác Ái "Mỏ Ðồng". Ngay từ đầu, Ðức Mẹ đã hiện diện sâu rộng trong đời sống bản thân của người dân Cuba, trong các biến cố lớn của đất nước, đặc biệt là trong nền độc lập, được mọi người tôn kính như người Mẹ đích thực của dân tộc Cuba. Lòng sùng kính đối với Ðức Mẹ "Mambisa" đã nâng đỡ đức tin và khuyến khích bảo vệ cũng như thăng tiến những gì làm cho thân phận con người được xứng đáng hơn và các quyền căn bản của con người, và còn mạnh mẽ tiếp tục ngày nay, chứng tỏ một cách cụ thể về sự rao giảng Tin Mừng một cách phong phú tại lãnh thổ này, cũng như những căn cội Kitô sâu xa, tạo nên căn tính sâu đậm hơn của tâm hồn người Cuba. Theo vết bao nhiêu tín hữu hành hương qua dòng lịch sử, tôi cũng muốn đến Mỏ Ðồng để phủ phục dưới chân Mẹ Thiên Chúa, để cảm tạ Mẹ vì Mẹ đã can thiệp bênh đỡ mọi người con Cuba của Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu, hướng dẫn hành trình của đất nước yêu quí này trên con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải."
Tiếp tục bài giảng thánh lễ tại Santiago de Cuba, Ðức Thánh Cha nói:
"Tôi đến Cuba như người lữ hành của Ðức Mẹ Bác Ái, để củng cố các anh chị em tôi trong đức tin và khích lệ họ trong niềm hy vọng, nảy sinh từ sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Tôi mang trong tâm hồn tôi những khát vọng chính đáng và những ước muốn hợp pháp của mọi người dân Cuba, bất kỳ họ ở đâu, những đau khổ và vui mừng của họ, những lo âu và mong ước cao thượng nhất, đặc biệt là của những người trẻ và người già, thiếu niên và trẻ em, người đau yếu, các công nhân, tù nhân và gia đình họ, cũng như những người nghèo túng.
"Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn đặc biệt về kinh tế, và nhiều người đồng ý đặt những khó khăn ấy trong một cuộc khủng hoảng sâu xa về tinh thần và luân lý, khiến cho con người chẳng còn giá trị và vô phương tự vệ đứng trước tham vọng và sự ích kỷ của một số quyền lực không quan tâm đến thiện ích đích thực của con người và của các gia đình. Chúng ta không thể tiếp tục hành trình trong chiều hướng văn hóa và luân lý đã gây ra tình trạng đau thương mà bao nhiêu người đang phải chịu. Trái lại, tiến bộ đích thực đòi phải có một nền luân lý đạo đức đặt con người ở trung tâm và để ý đến những đòi hỏi chân chính nhất của con người, đặc biệt là chiều kích tinh thần và tôn giáo. Vì thế, trong tâm trí của nhiều người, càng ngày họ càng chắc chắn rằng sự hồi sinh xã hội và thế giới đòi phải có những người ngay thẳng và có những xác tín luân lý vững chắc và những giá trị cao cả cơ bản, không bị những lợi lộc hạn hẹp lèo lái, và đáp ứng bản chất bất biến và siêu việt của con người".
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Các bạn thân mến, tôi xác tín, trong thời điểm rất quan trọng hiện nay của lịch sử, Cuba đang nhìn về tương lai, và vì thế đang nỗ lực đổi mới và mở rộng chân trời của mình, đang nghĩ đến những gì sẽ góp phần với gia sản vô biên các giá trị tinh thần và luân lý đã hình thành căn tính chân thực nhất của mình, và đang được những ảnh hưởng trong hoạt động và trong cuộc sống nhờ các vị lập quốc nổi bật như chân phước José Olallo y Valdés và vị tôi tớ Chúa Linh Mục Felix Varela hoặc José Martí. Về phần mình, Giáo Hội biết đóng góp với quyết tâm thăng tiến các giá trị nhờ sứ mạng mục vụ quảng đại và không biết mệt mọi của mình và tái quyết tâm tiếp tục làm việc không ngừng để phục vụ tất cả mọi người dân Cuba một cách tốt đẹp hơn nữa".
Sau bài diễn văn của Ðức Thánh Cha, đã có nghi thức giới thiệu hai phái đoàn Tòa Thánh và chính phủ Cuba, cũng như 5 vị niên trưởng miền của ngoại giao đoàn. Ngài cũng hội kiến riêng với Chủ tịch Raul Castro trong phòng khánh tiết của phi trường, trước khi về tòa Tổng Giám Mục Santiago de Cuba cách đó 10 cây số.
Tuy đoàn xe chạy nhanh, và Ðức Thánh Cha không dùng xe kiếng, nhưng dọc đường cũng có hàng ngàn người, phần lớn là thiếu niên và trẻ em đứng hai bên, vui mừng, vỗ tay, vẫy cờ Cuba và Vatican để chào đón khi ngài đi qua.
Thánh lễ kính Ðức Mẹ
Lúc
5 giờ chiều cùng ngày 26 tháng 3 năm 2012, Ðức Thánh Cha
đã dùng xe kiếng đi từ tòa Tổng Giám Mục Santiago đến
Quảng trường Antonio Maceo cách đó 4 cây số để chủ sự
thánh lễ đầu tiên trên đất Cuba. Maceo là vị tướng lãnh,
anh hùng cách mạng kháng chiến (1845-1896), đã tham gia hai cuộc
chiến dành độc lập. Về sau ông bị lưu đày và chết ở
chiến trường ở miền tây Cuba.
Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ Truyền Tin tại Quảng trường Antonio Maceo, Cuba. |
Hàng ngàn người đã đứng hai bên đường dẫn tới Quảng trường. Tại đây, hơn 200 ngàn tín hữu đã có mặt, hân hoan chào đón Ðức Thánh Cha khi ngài tiến qua các lối đi ở khu vực hành lễ. Hàng chục ngàn bạn trẻ mặc áo T-Shirt màu trắng có in câu chào mừng Ðức Thánh Cha như "người lữ hành của Ðức Mẹ Bác Ái". Trước khi Ðức Thánh Cha đến đây, tượng Ðức Mẹ Bác Ái cao bằng gỗ cao 60 centimet đã được rước từ Ðền thánh đến đây trên một chiếc xe màu trắng, giữa tiếng reo vui của mọi người.
Chủ tịch Raul Castro và một số quan chức chính quyền, cũng hiện diện trong hàng ghế đầu trước lễ đài, trên đó có đặt tượng Ðức Mẹ Bác Ái cạnh bàn thờ. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có tất cả 17 Giám Mục Cuba, cùng với hàng chục Giám Mục khách, nhất là các vị đến từ vùng Caraibí, đặc biệt là 5 Hồng Y đến từ các nước: Mỹ, Chile, Santo Domingo và Barcelona. Ngoài ra có 350 tín hữu Cuba đến từ Miami.
Thánh lễ được cử hành là lễ Truyền Tin. Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha chào thăm chính quyền, mọi người hiện diện, và cả những người không thể tham dự vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Ngài diễn giải về ý nghĩa việc truyền tin của Chúa cho Ðức Trinh Nữ Maria và mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa:
"Trước tiên chúng ta hãy xem Nhập thể có nghĩa là gì. Trong Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta đã nghe lời sứ thần nói với Mẹ Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và sức mạnh của Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ Bà; vì thế Ðấng Thánh sẽ sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,,35). Nơi Mẹ Maria, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: 'Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trái, được đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7,14). Ðúng vậy, Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã đi vào lịch sử chúng ta, đã định cư giữa chúng ta, và qua đó Ngài đáp ứng khát vọng sâu xa của con người theo đó thế giới thực sự trở thành một căn nhà cho con người. Trái lại, khi Thiên Chúa bị gạt ra ngoài, thì thế giới biến thành một nơi không còn thuận tiện cho con người, đồng thời làm biến thái ơn gọi đích thực của thiên nhiên là trở thành không gian cho giao ước, cho sự đáp lại tình thương giữa Thiên Chúa và nhân loại trả lời Ngài. Như Mẹ Maria là hoa quả đầu mùa của các tín hữu đã làm, qua lời thưa xin vâng không chút dè dặt đối với Chúa...
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "Ðức Trinh Nữ Maria, do vai trò không thể thay thế được của Mẹ trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô, chính là hình ảnh và là mẫu gương của Giáo Hội, Giáo Hội được mời gọi đón nhận Mẹ nơi Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Ðấng đến ở trong Giáo Hội. Anh chị em thân mến, tôi biết anh chị em đã làm việc với bao nhiêu cố gắng, táo bạo và hy sinh từ bỏ mỗi ngày để, trong những hoàn cảnh cụ thể của đất nước anh chị em, và trong thời điểm lịch sử hiện nay, Giáo Hội ngày càng phản ánh tôn ngan đích thực của Chúa, như một nơi trong đó Thiên Chúa đến gần và gặp gỡ con người. Giáo Hội, thân mình sống động của Chúa Kitô, có sứ mạng kéo dài trên mặt đất sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, mở thế giới hướng về một cái gì cao cả hơn chính mình, cởi mở đối với tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa.
"Anh chị em thân mến, dành trọn cuộc sống cho Chúa Kitô, thật là điều bõ công, tăng trưởng hằng ngày trong tình bản với Chúa, và cảm thấy được kêu gọi loan báo vẻ đẹp và sự tốt lành của chính cuộc sống cho mọi người anh chị em chúng ta. Tôi khuyến khích anh chị em trong công tác gieo vãi Lời Chúa trong thế giới và cống hiến cho tất cả mọi người lương thực chân chính là mình Chúa Kitô. Lễ Phục Sinh đến gần, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, không chút sợ hãi hoặc mặc cảm, trên con đường tiến về thập giá. Chúng ta hãy kiên nhẫn đón nhận trong đức tin bất kỳ điều gì trái ý hoặc sầu muộn, với xác tín rằng, trong sự phục sinh, Chúa đã đánh bại quyền lực sự ác làm lu mờ mọi sự và làm nảy sinh một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa, của ánh sáng, chân lý và vui tươi. Thiên Chúa sẽ không ngừng chúc lành cho sự dấn thân quảng đại của chúng ta với những thành quả dồi dào".
"Mầu nhiệm Nhập Thể tỏ cho chúng ta thấy phẩm giá vô song của mỗi người. Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình dựa trên hôn nhân sứ mạng rát cao cả là tế bào cơ bản của xã hội và là Giáo Hội tại gia đích thực.
Và Ðức Thánh Cha ngỏ lời với các đôi vợ chồng: "Ðối với con cái mình, Anh chị em phải trở thành dấu chỉ thực sự và hữu hình của tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội. Cuba đang cần chứng tá về lòng chung thủy, hiệp nhất, của anh chị em, khả năng đón nhận sự sống con người, nhất là sự sống yếu đuối và đang cần được giúp đỡ hơn cả."
Theo trung tâm nghiên cứu dân số của Ðại học La Habana, tỷ lệ ly dị tại Cuba đã tăng gấp 3 lần trong trong 4 thập niên: năm 1970 cứ 100 hôn phối thì có 22 vụ ly dị, năm 2009, con số này tăng lên 64 vụ ly dị cứ 100 hôn phối. Cuối năm nay, quốc hội Cuba dự kiến sẽ nhìn nhận hôn nhân đồng phái, theo một chiến dịch do bà Mariela Castro, con gái của Chủ tịch Raul Castro, phát động.
Trong phần kết luận bài giảng, Ðức Thánh Cha kêu gọi người Công Giáo Cuba hãy mang lại một sinh lực mới cho đức tin của mình, sống bằng Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, và với võ khí hòa bình, sống bằng tha thứ, cảm thông, dấn thân xây dựng một xã hội cởi mở và đổi mới, một xã hội tốt đẹp hơn, xứng với con ngừơi con, phản ánh lòng từ nhân của Chúa hơn".
Cuối thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã dâng tặng tượng Ðức Mẹ Bác Ái một đóa hoa hồng vàng. Ngài vẫn làm như vậy khi kính viếng các Ðền thánh Ðức Mẹ như tại Lộ Ðức, Fatima, Loreto và Pompei.
Bấy giờ là 8 giờ tối. Ðức Thánh Cha về Ðại chủng viện thánh Basilio Cả, gần Ðền Thánh Ðức Mẹ Bác Ái để dùng bữa tối và qua đêm tại đây. Ðại chủng viện này có từ 290 năm nay và thuộc vào số những dinh thự cổ kính nhất tại đảo Cuba. Sau khi cộng sản lên nắm chính quyền tại nước này, Ðại chủng viện bị quốc hữu hóa năm 1961 và biến thành một trường công lập. Mãi 36 năm sau, chủng viện này mới được phục hồi, và được tháp nhập với Ðại học Giáo Hoàng Mater et Magistra ở Cộng hòa Dominicana, để có thể cấp các văn bằng của Giáo Hội.
Kính
viếng Ðền Thánh Ðức Mẹ
Thứ ba 27 tháng 3 năm 2012, Ðức Thánh Cha đến viếng Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái, Cuba. |
Thứ ba 27 tháng 3 năm 2012, lúc 8 giờ sáng, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ riêng tại Nhà nguyện đại chủng viện, rồi đến Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái chỉ cách đó 300 mét để kính viếng. Hàng trăm tín hữu đã chờ sẵn bên ngoài cùng với ca đoàn để chào đón Ðức Thánh Cha.
Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái như hiện thời, đã được thánh hiến ngày 8 tháng 9 năm 1927. Và tượng Ðức Mẹ tại đây được Ðức Cha Valentín Zubizarreta, Tổng Giám Mục giáo phận Santiago de Cuba sở tại, đội triều thiên ngày 20 tháng 12 năm 1936.
Ngày 30 tháng 12 năm 1977, Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã cử Ðức Hồng Y Bernardin Gantin người Benin, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, làm Ðặc Sứ của ngài đến viếng Ðền thánh Ðức Mẹ Bác Ái ở Santiago và mang theo một sắc chỉ nâng Ðền thánh quốc gia Cuba lên hàng tiểu Vương cung Thánh đường.
Ngày nay, Vương cung thánh đường Ðền thánh quốc gia Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng là một nhà thờ có hình thánh giá latinh, với 3 gian, mặt tiền cân đối và có một mái vòm. Cả hai gian bên hông cũng có mái vòm, nhưng nhỏ hơn, và tại đây có các quả chuông. Ðền thánh có 8 cửa và một tiền đường phía trước dài 240 mét và rộng 15 mét. Có nhiều bậc thang dẫn lên tiền đường này. Bàn thờ chính của thánh đường được làm bằng nhiều loại cẩm thạch và phía trên bàn thờ có giữ tượng Ðức Mẹ.
Dưới bàn thờ Ðức Mẹ trong Ðền Thánh, có một nhà nguyện phép lạ, là nơi giữ các đồ dâng cúng Ðức Mẹ và nhiều vật dụng khác do các tín hữu mang đến để tạ ơn Ðức Mẹ.
Khi đến trước Ðền thánh Ðức Mẹ vào lúc 9 giờ rưỡi sáng, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Tổng Giám Mục sở tại, Dionisio García Ibanez, cùng với cha Quản đốc tiếp đón, và hướng dẫn vào bên trong thánh đường. Tại đây đã có mặt các Giám Mục Cuba và một số tín hữu, cùng với một ca đoàn xướng bài Ave Maria.
Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa, Ðức Thánh Cha đã tiến đến trước Tượng Ðức Mẹ cạnh bàn thờ chính, quì cầu nguyện và thắp lên ngọn nến, trước khi đọc kinh kính Ðức Mẹ Bác Ái như mỗi tín hữu hành hương vẫn đọc trong Năm Thánh Mẫu để được hưởng ơn toàn xá.
Cuộc kính viếng của Ðức Thánh Cha kết thúc với bài thánh ca kính Ðức Mẹ Bác Ái. Khi ra khỏi thánh đường, ngài còn chào thăm và khích lệ đông đảo các tín hữu tụ tập tại quảng trường nhỏ trước Ðền Thánh. Ngài nói:
"Xin anh chị em hãy nhận lấy lòng quí mến của tôi và mang đi mọi nơi để mọi người khác cũng được cảm nghiệm về niềm an ủi và sức mạnh của đức tin. Xin anh chị em hãy nói cho mọi người gần xa mà anh chị em gặp, để họ biết rằng tôi đã phó thác cho Mẹ Thiên Chúa tương lai tổ quốc của anh chị em, đang tiến bước trên con đường đổi mới và hy vọng, để mưu ích lớn hơn cho mọi người dân Cuba. Tôi cũng đã cầu xin Ðức Mẹ chí thánh cho những nhu cầu của những người đau khổ, nhưng người bị thiếu tự do, bị chia cách những người thân yêu, hoặc đang gặp những khó khăn trầm trọng. Tôi cũng đã đặt trong tâm hồn Ðức Mẹ Vô Nhiễm những người trẻ, để họ trở thành những người bạn chân thực của Chúa Kitô và đừng chiều theo những đề nghị chỉ để lại buồn sầu. Trước Ðức Mẹ Bác Ái, tôi cũng đã đặc biệt nhớ đến những người Cuba con cháu của những người đã đến đây từ Phi châu, cũng như dân chúng tại Haiti gần đây, ngày nay vẫn còn phải chịu hậu quả của cuộc động đất cách đây hai năm. Tôi khôgn quên bao nhiêu nông dân và gia đình họ, đang mong ước sống Tin Mừng một cách nồng nhiệt trong gia đình họ, và đang dâng nhà của họ như trung tâm của giáo họ để cử hành thánh lễ".
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã ra phi trường thành phố Santiago de Cuba lúc quá 10 giờ 15 để đáp máy bay về thủ đô La Habana, cách đó 760 cây số và cũng là chặng chót trong chuyến viếng thăm mục vụ thứ 23 của ngài tại hải ngoại. Ðến nơi vào lúc giữa trưa, ngài về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa và nghỉ ngơi. Ðến 5 giờ rưỡi chiều, Ðức Thánh Cha đến thăm xã giao Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước Cuba Raul Castro, cùng với các vị Bộ trưởng tại Dinh Cách Mạng. Ban tối ngài gặp và dùng bữa với các Giám Mục Cuba tại tòa Sứ Thần.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)