Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Bruno Musarò,

Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba

về chuyến viếng thăm

của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI

 

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Bruno Musarò, Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

Cuba (RG 15-3-2012) -Trong các ngày từ 26 tới 28 tháng 3 năm 2012 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ viếng thăm mục vụ Cuba sau khi viếng thăm Mehicô. Trong vài năm qua tương quan giữa nhà nước Cuba và Giáo Hội đã tích cực hơn trước. Giáo Hội đã có thể đối thoại và can thiệp cho nhiều tù nhân chính trị được trả tự do. Nhưng tình hình nhân quyền trong nước vẫn chưa được cải tiến bao nhiêu. Ðây là một trong các lý do khiến cho ngày 13 tháng 3 năm 2012 một nhóm 13 người bất đồng chính kiến với nhà nước Cuba đã đến nhà thờ chính tòa Ðức Bà Bác Ái trong thủ đô La Habana xin gặp linh mục quản đốc nhà thờ để trao cho cha một sứ điệp gửi Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, và một loạt các yêu cầu cải cách xã hội, hy vọng Ðức Thánh Cha sẽ chuyển đạt đến nhà nước Cuba. Nhưng sau đó họ ở lại luôn trong nhà thờ và không chịu ra nữa, mặc dù các lực lượng an ninh hứa sẽ không can thiệp và sẽ tháp tùng họ về nhà.

Ðức Ông Orlando Marquez Hidalgo, phát ngôn viên tòa Tổng Giám Mục La Habana khẳng định rằng: "Bất cứ hành động nào nhằm biến đền thánh trở thành một nơi công cộng biểu tình chính trị, không biết đến quyền của linh mục hay quyền của đa số tín hữu đến tìm sự an bình tinh thần và chỗ cầu ngyuện, thì chắc chắn là một hành động bất hợp pháp và vô trách nhiệm. Giáo Hội lắng nghe và tiếp đón tất cả mọi người và can thiệp cho tất cả mọi người, nhưng không thể thấp nhận các mưu toan làm sai lạc bản chất sứ mệnh của mình hay có thể đe dọa sự tự do của những người thăm viếng các nhà thờ của chúng ta. Không ai có quyền biến các nhà thờ trở thành các chiến hào chính trị. Không ai có quyền phá hủy tinh thần cử hành của các tín hữu Cuba và nhiều công dân khác đang chờ đợi chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI với sự tươi vui và niềm hy vọng".

Tin cuối cùng cho hay là chính Ðức Hồng Y Jaime Ortega đã đứng ra can thiệp với nhà nước cho nhóm người bất đồng chính kiến nói trên và họ sẽ được nhân viên của Giáo Hội đưa về nhà. Trong qúa khứ cũng đã có nhiều nhóm bất đồng chính kiến với nhà nước chiếm các nhà thờ để lôi kéo sự chú ý của dư luận đối với tình hình nhân quyền vẫn còn rất tồi tệ tại Cuba.

Tối ngày 13 tháng 3 năm 2012 Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habanna đã được mời chính thức loan báo trên đài truyền hình nhà nước Cuba chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha. Về phần mình, tuy ý thức được rằng ý thức hệ cộng sản sai lầm đã khiến cho Cuba trở thành một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu, không thay đổi thì sẽ chết, nhưng giới lãnh đạo và các đảng viên cộng sản xem ra không có đủ can đam và khả năng ra khỏi vũng sình lầy ý thức hệ ưu đãi họ.

Chính chủ tịch Raul Castro ngay từ hồi năm 2005 đã nhìn ra điều đó và mạnh dạn lên tiếng báo động cần phải cấp thiết thay đổi toàn diện để tránh cho đảng cộng sản khỏi phải chết nhục nhã, nhưng 7 năm đã qua rồi mà người dân Cuba vẫn chưa thấy tình hình đất nước sáng sủa hơn, và xem ra cũng giống như mọi đảng cộng sản khác trên thế giới, nhà nước cộng sản Cuba chỉ "làm chính trị miệng", vì mọi chuyện hầu như đâu vẫn hoàn đấy.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Bruno Musarò, Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba về chuyến viếng thăm sắp tới của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, việc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Cuba đã tiến hành ra sao?

Ðáp: Nó tiến hành rất tốt. Tạ ơn Chúa, chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi chính thức loan tin ngày 10 tháng 11 năm ngoái. Thời gian qủa là ngắn, nhưng có lẽ vì thế nó đã thúc đẩy hai Ủy ban của Giáo Hội và của nhà nước, làm việc chăm chỉ và lanh lẹ hơn trong việc chuẩn bị. Và tôi phải nói rằng các thành viên đã làm việc rất giỏi. Hiện nay họ đang kết thúc các chi tiết cuối cùng.

Hỏi: Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Cuba sau khi hành hương kính viếng tượng Ðức Mẹ mỏ đồng, đã được rước qua toàn nước trong các tháng qua. Có thể nói tới một "mùa xuân mới của đức tin" tại Cuba hay không, thưa Ðức Sứ Thần?

Ðáp: Thật ra đó là cảm tưởng mà các giám mục và linh mục có trong suốt cuộc thánh du của tượng Ðức Mẹ mỏ đồng qua các thành phố toàn nước. Người ta đã chứng kiến niềm tin đơn sơ của người dân, lòng sùng kính Ðức Mẹ của họ, có thể là đã bị phủ bụi trong các năm qua, vì lần thánh du cuối cùng của tượng Ðức Mẹ bổn mạng nước Cuba đã xảy ra cách đây 50 năm. Thế hệ hiện nay đã không nhớ gì, cả khi có nghe ông bà cha mẹ nói tới các cuộc thánh du ấy. Nhưng phải nói rằng lần này thì tượng Ðức Mẹ đã viếng thăm tất cả mỏi người, mọi thành phố và tỉnh lỵ của 11 giáo phận toàn nước Cuba. Và chuyến thánh du của tượng Ðức Mẹ đã khơi dậy lòng phấn khởi và sốt mến, mà cả các giám mục cũng đã không chờ đợi.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần, chính Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện chuyến hành hương và viếng thăm Cuba được định nghĩa là "lịch sử". Từ đó đến nay đã có thay đổi nào trong cuộc sống tinh thần của tín hữa Cuba?

Ðáp: Vâng, phải công nhận rằng chuyến hành hương của Dức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là một biến cố lịch sử đối với Cuba. Có lẽ phải nói rằng có một giai đoạn "trước" và "sau" biến cố đó. Chúng ta biết là trong dịp đó chính quyền Cuba đã tuyên bố ngày 25 tháng 12 lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ toàn quốc. Nhưng điều mà tôi đã có thể nhận thấy và chính các giám mục và linh mục cũng nói cho tôi biết đó là tín hữu đã từ từ trở về với Giáo Hội, cả trong nghĩa vật chất của từ này. Trong khi trước kia người dân sợ hãi đến nhà thờ, nhưng bây giờ thì họ không còn sợ hãi nữa, và từ từ các nhà thờ đã trở lại là các trung tâm gặp gỡ của cộng đoàn kitô. Vì thế có thể nói là đã có nhiều thay đổi trong tinh thần tu đức của các tín hữu kitô, trong nghĩa người Cuba là một dân tộc công giáo như tất cả mọi dân tộc Châu Mỹ Latinh, đã tái khám phá ra tinh thần tu đức của mình, đã tái khám phá ra sự kiện mình là kitô hữu, là chi thể của Giáo Hội, sùng kính Ðức Mẹ. Và dần dần họ tái linh hoạt các cộng đoàn kitô trong mọi giáo phận toàn nước.

Hỏi: Người dân Cuba đợi chờ gì nơi chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, thưa Ðức Sứ Thần?

Ðáp: Trong các năm qua, với tổng thống mới của Cộng Hòa Cuba đã có sự cởi mở, nhất là trong lãnh vực kinh tế, và điều này đã khơi đậy và tiếp tục khơi dậy nhiều hy vọng nơi nhân dân Cuba. Ðây là một niềm hy vọng, trong nghĩa các cởi mở đó tiếp tục và có thể tiến tới một mức sống thanh bình hơn, cũng như tin tưởng để dấn thân cho công ích của xã hội. Và người dân chờ đợi rằng sự hiện diện của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Cuba, theo vết chân của Ðức Gioan Phaolô II, giúp xã hội Cuba rộng mở hơn nữa. Ở đây không có ai quên, và cả chính quyền cũng đã rất hài lòng về những gì Ðức Gioan Phaolô II đã nói, về khẩu hiệu mà ngài đã gióng lên trong chuyến viếng thăm hồi năm 1998: "Ước gì Cuba rộng mở cho thế giới và thế giới rộng mở cho Cuba". Và tôi nghĩ đây là ước mong thầm kín vọt ra từ tận sâu thẳm con tim của mọi người dân Cuba. Nhưng nhất là người dân đợi chờ nơi chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha một tiến trình hòa giải giữa tất cả mọi người dân Cuba. Và đây cũng là điều các Giám Muc đã nhấn mạnh trong chuyền thánh du của tượng Ðức Mẹ Bác Ái mỏ đồng chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Musaró, tương quan giữa các tín hữu và những người vô thần tại Cuba ra sao?

Ðáp: Ðây là một khía cạnh rất khó khăn cần nêu lên, bởi vì chúng ta biết rằng sau khi cuộc cách mạng của Fidel Cstro chiến thắng hồi năm 1959, thì vài năm sau Cuba dược định nghĩa là một quốc gia "vô thần". Tuy nhiên, khiá cạnh này của chủ thuyết vô thần đã được loại khỏi Hiến pháp trước chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Trên thực tế nó không có ý nghĩa gì. Làm sao mà có thể nói tới một quốc gia vô thần ở đây, trên đất châu Mỹ Latinh này? Trái lại, phải ghi nhận rằng ngoài các tín hữu công giáo, còn có tín hữu của các Giáo Hội Kitô khác, rất tiếc là có cả các giáo phái tin lành đang xâm chiếm Cuba nữa. Ðàng khác đây cũng là một hiện tượng đặc thái của toàn châu Mỹ Latinh. Vì thế không thể nói tới một tương quan giữa tín hữu công giáo và các người vô thần. Trái lại, về điểm này các Giám Mục nói rằng dân Chúa, những người còn trung thành với Giáo Hội và bắt đầu giao tiếp với Giáo Hội, không khác với những người vì các lý do lịch sử đã xa rời Giáo Hội. Vì thế đây là một hiện tượng hội nhập giữa các tín hữu với nhau, mà mọi người đều nhận thấy. Và theo thiển ý tôi, chủ nghĩa vô thần tại Cuba đã rất là hời hợt bề ngoài.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần, truyền thống tôn giáo bình dân Cuba có sắc thái trộn lẫn với các tôn giáo cổ truyền phi châu. Giáo Hội có lo lắng về hình thức tôn giáo bình dân gọi là "santeria" này hay không?

Ðáp: Giáo Hội lo lắng vì sự hiện diện khá phổ thông này, nhưng chúng ta biết rằng hiện tượng trộn lẫn với các tôn giáo phi châu này đã có từ thời đánh chiếm châu Mỹ, khi các người nô lệ da đen hiện diện trên đảo tiếp xúc với thực tại kitô và đồng hóa các thần linh của họ với Chúa, với Ðức Mẹ, và các thánh, mà các thừa sai, các người rao giảng Tin Mừng trình bầy với họ trong công cuộc rao truyền giáo. Như thế nó là một khuynh hướng "trộn lẫn tôn giáo" và nó vẫn tiếp tục ngày nay. Nhưng mà có một hiện tượng hay: đó là để có thể gia nhập giáo phái "santeria" hỗn hợp tôn giáo này, cần phải lãnh phép rửa tội công giáo. Ðây là điều mà Giáo Hội, các Giám Muc cần phải nghiên cứu và đưa ra thảo luận trong các lần nhóm họp của Hội Ðồng Giám Mục. Ðó là một khía cạnh khơi dậy rất nhiều ưu tư, nhưng chắc chắn sớm muộn gì cũng phải đối phó.

Hỏi: Các giáo phái có tìm thấy nơi hoàn cẻnh sống nghèo nàn của dân chúng Cuba một thửa đất mầu mỡ không, thưa Ðức Sứ Thần?

Ðáp: Vâng, có, cũng như trong tất cả mọi nước nghèo. Tôi đã có các kinh nghiệm khác tại châu Mỹ Latinh, chẳng hạn như tại Guatemala và Perù, và chúng ta biết là các giáo phái này tìm thấy đất mầu mỡ cho sự phát triển trong các môi trường nghèo nhất. Tai sao vậy? Bởi vì các giáo phái này có ngân qũy nên khi tự giới thiệu mình họ lập tức đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân. Nhưng từ từ thì các cống hiến trợ giúp ít hơn, khiến cho người dân thất vọng, và tạ ơn Chúa cũng có vài người trở về với Giáo Hội công giáo sau khi đã sống kinh nghiệm tiêu cực này trong giáo phái.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần, Giáo Hội Cuba coi việc tái truyền gipang Tin Mừng như thế nào?

Ðáp: Có điều rất hay là chuyến thánh du của tượng Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng trong toàn nước đã được coi như là một hiện tượng tái truyền giảng Tin Mừng. Các Giám Mục, dưới sự hướng dẫn của Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục La Habana đang chuẩn bị một tài liệu để thu nhận tất cả các biểu lộ đức tin và lòng sùng kính Ðức Mẹ như việc tái khám phá ra đức tin và tinh thần hăng say truyền giáo, mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đang thôi thúc chúng ta. Do đó các Giám Mục rất phấn khởi về những gì dân chúng đã cảm nghiệm được trong chuyến thánh du của tượng Ðức Mẹ. Và các vị cũng sẽ tường trình cho Hội Ðồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đang rất chú ý tới hiện tượng tái truyền giảng Tin Mừng qua cuộc thánh du của Ðức Mẹ. Và như chúng ta đã biết với Ðức Gioan Phaolô II Ðức Mẹ đã được tung hô là "Ngôi sao truyền giáo".

Chính Mẹ là người đã loan báo Chúa Giêsu Kitô, đến độ khẩu hiệu của chuyến thánh du là "Tới với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Bác ái kết hiệp chúng ta". Và đây thực là việc truyền giáo mới, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử xã hội của Cuba hiện nay.

(RG 15-3-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page