Toà Thánh bày tỏ lập trường

về Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo

tại Liên Hiệp Quốc

 

Toà Thánh bày tỏ lập trường về Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Liên Hiệp Quốc.

Vatican (WHÐ 07/03/2012) - Hôm 27 tháng hai năm 2012, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã khai mạc khóa họp lần thứ 19 tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham gia của hơn 80 bộ trưởng cùng nhiều quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên và đại diện các tổ chức quốc tế. Khóa họp kéo dài trong 4 ngày.

Phái đoàn Tòa Thánh tham gia Khóa họp này với tư cách Quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc. Ngày 01 tháng 03 năm 2012, Ðức Tổng giám mục Silvano Tomasi đã có bài phát biểu tại Hội đồng này. Trong bài phát biểu, Ðức Tổng Giám mục Tomasi nói rằng ngày nay việc thực hiện quyền con người là một thách đố khó khăn, đặc biệt là đối với các quyền cơ bản và bất khả nhượng như "tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Trong nhiều yếu tố, những thay đổi chính trị, nhận thức sai lầm về vai trò của tôn giáo, thủ đoạn, và sự hiểu biết mơ hồ về chủ nghĩa thế tục, đã dẫn đến tình trạng bất bao dung và thậm chí đàn áp thẳng tay con người vì niềm tin tôn giáo. Quyền tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình trong việc giảng dạy, hành đạo, việc thờ phượng và tuân giữ luật đạo, vốn được đảm bảo bởi luật nhân quyền và các tổ chức quốc tế, lại bị coi thường tại nhiều nơi trên thế giới.

Những chính sách và áp dụng ngột ngạt như vậy khiến cho nhiều công dân muốn đóng góp vào đời sống xã hội và sự tiến bộ ở đất nước họ phải gặp nguy hiểm. Tòa Thánh đánh giá cao việc Hội đồng Nhân quyền thường xuyên quan tâm đến vấn đề chính yếu này cũng như những nỗ lực liên quan và các quyết định do Cơ quan Thủ tục đặc biệt ban hành.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, khoảng cách đang gia tăng giữa các nguyên tắc được mọi người nhìn nhận và việc áp dụng chúng nơi người dân trong đời sống hằng ngày. Những nghiên cứu nghiêm túc đưa ra các dữ liệu đáng tin cậy về các kiểu vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo hiện nay lặp đi lặp lại. Kitô hữu không phải là nạn nhân duy nhất, nhưng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các Kitô hữu ở châu Phi, Trung Ðông và châu Á đã gia tăng 309% từ năm 2003 đến 2010. Khoảng 70% dân số thế giới sống tại các quốc gia có những hạn chế về tín ngưỡng tôn giáo và hành đạọ, và các cộng đồng tôn giáo thiểu số phải trả giá đắt nhất.

Nói chung, việc gia tăng những hạn chế về tôn giáo có ảnh hưởng đến hơn 2.2 tỉ người. Những người này hoặc không được xã hội bảo vệ, hoặc phải chịu những hạn chế bất công do chính phủ áp đặt, hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực do một sự mù quáng bốc đồng. Hiển nhiên là cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ mọi người được hưởng quyền tự do tôn giáo và thực hành tôn giáo. Hành động như vậy càng cấp bách vì trong nhiều quốc gia tình hình đang xấu đi và vì báo cáo thực tế về các vi phạm này bị coi nhẹ, mặc dù thực tế, nó cần được nhấn mạnh trong các báo cáo thích đáng.

Tuyên ngôn về Quyền con người cho thấy tôn trọng nhân phẩm của mọi người là nền tảng để xây dựng việc bảo vệ quyền con người. Trong hoàn cảnh hiện nay, cần nhắc lại rằng các quốc gia phải bảo đảm cho mọi công dân của họ được hưởng quyền tự do tôn giáo trên phương diện cá nhân, gia đình, cũng như cộng đồng, và tham gia vào lĩnh vực công cộng. Trên thực tế, tự do tôn giáo không phải là một quyền phát sinh, hoặc được ban phát, mà là một quyền căn bản và bất khả nhượng của con người.

Kết thúc bài phát biểu, Ðức Tổng Giám mục Tomasi nhấn mạnh tôn giáo không phải là một mối đe dọa, nhưng là một nguồn lực. Tôn giáo góp phần vào sự phát triển của các nền văn minh, và điều ấy tốt cho mọi người. Các hoạt động và tự do tôn giáo cần được bảo vệ để sự hợp tác giữa các tôn giáo và xã hội có thể thăng tiến công ích. Một nền văn hóa khoan dung, chấp nhận lẫn nhau và đối thoại là cấp bách. Hệ thống giáo dục và truyền thông đóng vai trò quan trọng bằng cách loại bỏ thành kiến và hận thù khỏi sách giáo khoa, tin tức và báo chí, và phổ biến thông tin chính xác và công bằng về mọi nhóm thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu giáo dục và thông tin, vốn tạo điều kiện cho người ta dễ dàng thao túng con người để hưởng lợi về chính trị, lại thường có liên quan đến tình hình kém phát triển, nghèo đói, thiếu tham gia quản lý xã hội một cách hiệu quả.

Một môi trường công bằng xã hội hơn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho việc thực hiện mọi quyền của con người. Các tôn giáo là những cộng đồng dựa trên niềm tin và tự do tôn giáo bảo đảm sẽ đóng góp các giá trị đạo đức mà nếu không có các giá trị này thì cũng chẳng có tự do của mọi người. Vì lý do đó, trách nhiệm cấp bách và giúp ích của cộng đồng quốc tế là chống lại khuynh hướng gia tăng bạo lực với các nhóm tôn giáo cũng như chống lại điều sai lầm và thái độ trung lập giả trá nhằm mục đích trung lập hóa tôn giáo trong thực tế.

 

R.V.A.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page