Ðức Thánh Cha cảnh giác
chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa
ra khỏi cuộc sống con người
Ðức Thánh Cha cảnh giác chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người.
Vatican (Vat. 26/02/2012) - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 26 tháng 2 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cảnh giác chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người.
15 ngàn tín hữu hành hương đã tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm chúa nhật hôm qua về những cám dỗ Chúa Giêsu đã chịu trong hoang địa, để nhấn mạnh rằng Mùa Chay có nghĩa là xây dựng cuộc sống không phải ngoài Chúa, như thể Chúa không hề hiện hữu. Hoang địa là nơi yếu đuối của con người, nhưng cũng là nơi con người cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa. Ðức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến
Trong chúa nhật thứ I mùa chay này, chúng ta gặp Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Giordan do thánh Gioan Tẩy Giả (Xc Mc 1,9), ngài chịu cám dỗ trong hoang địa (Xc Mc 1,12-13). Trình thuật của thánh Marco thật ngắn gọn, không có những chi tiết như chúng ta đọc thấy trong hai Tin Mừng theo thánh Mathêu và Luca. Hoang địa được nói đến ở đây có nhiều nghĩa khác nhau. Nó có thể chỉ tình trạng bị bỏ rơi và cô độc, nơi yếu đuối của con người trong đó họ không có chỗ nương tựa và an ninh, nơi mà cám dỗ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng hoang địa cũng có thể chỉ nơi tị nạn và nương náu, như đối với dân Israel sau khi thoát khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập, tại đó họ có thể cảm nguyện một cách đặc biệt sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ" (Mc 1,13). Thánh Lêô Cả bình luận rằng "Chúa đã muốn chịu cuộc tấn công của tên cám dỗ để bảo vệ chúng ta bằng ơn phù trợ của Ngài và để dạy chúng ta bằng gương của Ngài" (Tractarus XXXIX, 3 De ieiunio quadragesimae: CCL 138/A, Turnholti 1973, 214-215).
"Giai thoại ấy có thể dạy chúng ta điều gì? Như chúng ta đọc trong Sách Gương Phúc, "Con người không bao giờ hoàn toàn được miễn khỏi cám dỗ bao lâu họ còn sống.. Nhưng với lòng can đảm và khiêm tốn chân thực, chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn mọi kẻ thù" (Liber I, c.XIII, Città del Vaticano 1982, 37), kiên nhẫn và khiêm tốn theo Chúa hằng ngày, học cách xây dựng cuộc đời chúng ta không phải ở ngoài Chúa, hoặc như thể Chúa chẳng hề hiện hữu, nhưng là trong Chúa và với Chúa, vì Ngài là nguồn mạch sự sống đích thực. Cám dỗ muốn loại bỏ Thiên Chúa, tự mình sắp đặt trật tự mọi sự nơi bản thân và trong thế giới, chỉ cậy dựa vào khả năng riêng của mình, đó là điều vẫn luôn hiện diện trong lịch sử loài người".
Chúa Giêsu công bố: "Thời gian đã viên mãn và nước Chúa gần kề" (Mc 1,15), Ngài loan báo rằng nơi Ngài có một cái gì mới mẻ xảy ra: Thiên Chúa ngỏ lời với con người một cách bất ngờ, với một sự gần gũi cụ thể đặc biệt, đầy tình yêu thương; Thiên Chúa nhập thể và đi vào thế giới của con người để gánh lấy tội lỗi trên mình, để chiến thắng sự ác và đưa loài người trở lại thế giới của Thiên Chúa. Nhưng lời loan báo này có kèm theo yêu cầu hãy đáp ứng hồng ân cao cả dường ấy. Thực vậy, Chúa Giêsu nói thêm rằng: "Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15); đó là lời mời gọi hãy tín thác nơi Thiên Chúa và mỗi ngày biến cuộc sống chúng ta theo ý Chúa, hướng mọi hành động và tư tưởng của chúng ta về điều thiện. Mùa chay là thời điểm thuận tiện để đổi mới và làm cho quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được vững chắc hơn, qua kinh nguyện hằng ngày, qua những việc thống hối và các hoạt động bác ái huynh đệ.
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Mẹ Maria chí thánh, xin Mẹ tháp tùng hành trình mùa chay của chúng ta dưới sự bảo vệ của Mẹ và giúp chúng ta học cách ghi khắc lời Chúa Giêsu Kitô vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, để trở về cùng Chúa. Ngoài ra, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm mà tôi sẽ bắt đầu tối chúa nhật hôm nay (26-2-2012) cùng với các cộng sự viên của tôi trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh."
Sau khi ban phép lành, như thường lệ, Ðức Thánh Cha đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, và ngài không quên nhắc nhở họ về ý nghĩa của mùa chay. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói: "Mùa chay thật là có nhiều yêu sách vì mùa này mời gọi chúng ta trở về cùng Thiên Chúa. Sau khi chịu phép rửa Chúa Giêsu được dẫn vào hoang địa, vào đầu sứ vụ công khai của Ngài. Cùng với ngài, chúng ta hãy cảm nghiệm thời kỳ hoang địa và cô tịch này. Chúng ta hãy biết loại bỏ tất cả những gì có thể dẫn chúng ta đi xa Thiên Chúa và hãy tận dụng Mùa Chay này để trở về cùng Chúa. Hãy can đảm đi theo con đường cầu nguyện. Hãy tái khám phá tầm quan trọng của quan hệ chúng ta với Thiên Chúa và "quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và các việc lành" (Dt 10,24).
Với các tín hữu nói tiếng Ðức, Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng "mùa chay này là một lời mời gọi hãy cầu nguyện và hoán cải để biết Chúa sâu xa hơn. Mùa chay giúp chúng ta sống đức tin với một đà tiến mới, và gia tăng việc thực hành bác ái... Chúng ta hãy cùng nhau đi chung với Chúa trên con đường 40 ngày thánh thiêng này. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta trên những nẻo đường chắc chắn."
Với các tín hữu nói tiếng Tây ban Nha, Ðức Thánh Cha nhắc đến chiến thắng của Chúa Giêsu đối với những cám dỗ, và qua đó Chúa báo trước ơn cứu chuộc, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải và tin tưởng. Ngài nói: "Vào đầu mùa chay thánh này, tôi khích lệ anh chị em, hãy để cho sức mạnh của Chúa hướng dẫn, gia tăng cầu nguyện, thống hối và thực hành bác ái, nhờ đó chúng ta sẽ tiến đến lễ Phục Sinh, trong sự chiến thắng và được thanh tẩy."
Trong lời chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha nhắc đến các đoàn tín hữu đến từ các giáo phận Bologna, Vincenza, Bari e Modugno. Các thiếu niên thuộc một số giáo xứ ở giáo phận Milano.
Bắt đầu cuộc tĩnh tâm
Lúc 6 giờ chiều 26 tháng 2 năm 2012, Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo trong Tòa Thánh đã bắt đầu tuần tĩnh tâm mùa chay tại Nhà Nguyện Mẹ Ðấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) trong dinh tông tòa.
Các bài suy niệm có chủ để tổng quát là "Sự hiệp thông của tín hữu Kitô với Thiên Chúa - Sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha và Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô" (1 Ga 1,3), do Ðức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục giáo phận Kinshasa, thủ đô cộng hòa dân chủ Congo, đảm trách.
Ðức Hồng Y Monsengwo năm nay 72 tuổi (1939), đã đậu tiến sĩ Kinh Thánh tại Giáo hoàng Học viện Kinh Thánh ở Roma, và được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá giáo phận Inongo năm 1980 rồi làm Tổng Giám Mục giáo phận Kisangani năm 1988. Từ năm 1984 đến 1992, Ngài làm Chủ tịch lần đầu của Hội Ðồng Giám Mục Zaire là tên trước khi đổi thành nước Congo từ năm 1997. Cách đây 5 năm (2007), Ðức Tổng Giám Mục Monsengwo được thăng Tổng Giám Mục thủ đô Kinshasa và được bổ làm Hồng y năm 2010. Ðức Hồng Y nổi tiếng về các hoạt động bênh vực hòa bình và đã từng làm đồng chủ tịch Phong trào Pax Christi Hòa bình của Chúa Kitô.
Buổi khai mạc tuần tĩnh tâm chiều Chúa nhật 26 tháng 2 năm 2012 bắt đầu với nghi thức đặt Mình Thánh Chúa, hát kinh chiều và bài suy niệm dẫn nhập. Sau đó là nghi thức chầu và phép lành Mình Thánh Chúa.
Trong những ngày tới đây, mỗi ngày có 3 bài suy niệm: ban sáng lúc 9 giờ, sau giờ kinh Ngợi khen, tiếp đến lúc 10 giờ 15 sau kinh giờ Ba, ban chiều lúc 5 giờ. Tiếp theo đó là Kinh chiều, chầu và phép lành Mình Thánh Chúa. Tuần tĩnh tâm sẽ kết thúc sáng thứ bẩy, 3 tháng 3 năm 2012.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)