Tận thế và các chờ đợi cứu rỗi

 

Tận thế và các chờ đợi cứu rỗi.

Roma (Avvenire 1-02-2012; Vat. 20-02-2012) - Phỏng vấn ông Henning Ottmann, giáo sư triết lý chính trị, về các quan điểm tận thế và các chờ đợi cứu rỗi trong tâm thức của con người ngày nay.

Trong các ngày 9 đến 11 tháng hai năm 2012, đại hội về đề tài "Ðức Giêsu người đồng thời với chúng ta", đã diễn ra tại Roma. Ðại hội do Ủy ban dự án văn hóa của Hội Ðồng Giám Mục Italia tổ chức. Tham dự đại hội đã có nhiều giới chức đạo đời trong đó có Ðức Cha Nicolas Thomas Wright, Giám Mục Anh giáo, và ông Henning Ottmann, giáo sư triết lý chính trị.

Giáo sư Henning Ottmann sinh năm 1944 tại Vienne, thủ đô nước Áo, hiện là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu tư tưởng chính trị Ðức. Từ năm 1995 tới năm 2009 giáo sư đã dậy môn Lý thuyết và triết lý chính trị tại Học viện Scholl, và môn Khoa học chính trị tại đại học Luwig-Maximilians Muenchen. Giáo sư là tác giả của nhiều sách, trong đó có bộ sách 9 cuốn về Lịch sử tư tưởng chính trị. Hai cuốn đầu tiên trình bầy lịch sử Hy Lạp: từ Homer cho tới Socrate, rồi từ Platon cho tới chủ thuyết Hy lạp. Cuốn thứ ba giới thiệu lịch sử Roma. Cuốn thứ bốn trình bầy lịch sử thời Trung Cổ. Các cuốn thứ năm tới thứ bẩy trình bầy lịch sử Thời tân tiến: từ Machiavelli cho tới các cuộc Cách mạng lớn; thời của các cuộc Cách Mạng; các trào lưu chính trị thế kỷ XIX. Cuốn thứ tám và thứ chín giới thiệu lịch sử thế kỷ XX: Các chế độ độc tài và việc thắng vượt chúng; Từ lý thuyết phê bình cho tới việc toàn cầu hóa.

Ngoài 2 cuốn tiểu sử của triết gia Nietzsche, giáo sư Ottmann cũng viết một số sách khác về các triết gia Hegel, Nietzsche, Platon, Aristote; một cuốn về "Cái chết sự sống và nhân phẩm: các lập trường liên quan tới luân lý sinh học hiện nay"; cũng như cuốn "Luân lý đạo đức tiêu cực". Giáo sư cũng cộng tác với nhiều nguyệt san chính trị và triết học.

Ngoài việc nghiên cứu triết lý chính trị từ thời xa xưa cho tới ngày nay, giáo sư Ottmann cũng đưa ra các lập trường riêng của mình đối với lãnh vực luân lý đạo đức. Trong tác phẩm "Luân lý đạo đức tiêu cực" giáo sư khai triển các suy tư và thảo luận về thái độ "để yên" và dè dặt cá nhân. Giáo sư đề ra năm quyết lệnh: thứ nhất hãy để yên những gì đã được thực hiện tốt đẹp hơn là điều một người có thể làm; thứ hai, hãy để yên điều người khác làm tốt hơn chúng ta; thứ ba, hãy để yên những gì có thể trở thành từ con người chúng ta, những gì phải là như thế; thứ bốn, hãy để yên những gì phải thắng vượt nhưng lại dẫn đưa tới các hậu qủa xấu hơn; và thứ năm hãy để yên những gì mà con người không thể thay đổi được nữa.

Liên quan tới vấn đề luân lý sinh học, giáo sư Ottmann đưa ra các lý lẽ trả lời cho câu hỏi, khi nào con người bắt đầu là người? Và ông trả lời: con người bắt đầu là người, khi đươc thụ thai, tức từ khi tinh trùng của người cha vào bên trong trứng của người mẹ. Con người có tất cả tiềm năng từ bản chất của nó trở thành bản vị mà nó sẽ là. Từ cùng một điểm khởi đầu ấy con người liên tục phát triển và lớn lên.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Henning Ottmann, giáo sư triết lý chính trị, về các quan điểm tận thế và các chờ đợi cứu rỗi trong tâm thức của con người ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Ottmann, tại sao một chuyên viên khoa học chính trị như giáo sư mà lại cảm thấy cần phải đối chiếu với gương mặt của Ðức Giêsu?

Ðáp: Tại vì các giáo huấn nòng cốt của Chúa Giêsu vẫn còn có một vai trò rất lớn trong lãnh vực tôi nghiên cứu. Bản văn trong đó Chúa Giêsu nói: "Của Cesarê hãy trả cho Cesarê, và của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" từ thánh Agostino được chuyền qua thời Trung Cổ cho đến thời Martin Luther, theo thiển ý tôi, vẫn còn ghi dấu ranh giới nền tảng giữa tôn giáo và chính trị. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Bài Giảng Trên Núi, với sứ điệp bất bạo động, không kháng cự và yêu thương kẻ thù. Nó đã bị nhiều người chỉ trích, chẳng hạn như Max Weber, cho nó là vô chính trị, nhưng đã luôn luôn được các phong trào chủ hòa đọc trong trong nhãn quan chính trị. Nói một cách tổng quát hơn, thật dễ ghi nhận sự kiện này nơi các phong trào thần học chính trị dọc dài suốt thế kỷ XX: chính trị cánh hữu như Carl Schmidt, cũng như chính trị cánh tả của nền thần học giải phóng như Giorgio Agamben.

Hỏi: Thưa giáo sư, ý niệm về thời gian của chúng ta mang đậm dấu vết của Chúa Kitô Phục sinh đến mức nào?

Ðáp: Ý niệm kitô về thời gian và về lịch sử đã và hiện nay vẫn còn như thế, cả khi người ta có tìm cách thoát ra khỏi Kitô giáo và khẳng định một quan niệm hoàn toàn tự tại đi nữa. Người ta nhận thấy rõ điều đó, chẳng hạn trong triết thuyết lịch sử của Lessing, Hegel hay Marx. Lịch sử không thể được suy tư một cách chu kỳ, luôn luôn trở lại, như các triết gia hy lạp thời xưa đã quan niệm. Tất cả mọi người, kể cả người vô thần, đều nghĩ rằng lịch sử hướng tới một mục đích hay một chung kết. Cả các nỗ lực thay thế việc tính toán tháng năm dựa trên biến cố Ðức Kitô giáng sinh bằng các thứ lịch khác, như trong thời Cách mạng Pháp, đã luôn luôn thất bại. Không thể gạt Chúa Giêsu Kitô và Kitô giáo khỏi lịch sử nhân loại.

Hỏi: Từ quan điểm này các tiến trình đánh mất đi các giá trị kitô lại không phải là một suy sụp hay sao, thưa giáo sư?

Ðáp: Sự kiện đánh mất đi các gía trị kitô không phải là một hiện tượng hoàn vũ, mà chỉ chính yếu liên quan tới Âu châu mà thôi. Nó không dẫn đưa tới chỗ loại trừ tôn giáo, mà dẫn đưa tới sự tồn tại dưới các hình thức thay đổi khác, dưới các hình thức tục hóa. Sự chờ đợi ơn cứu rỗi được dựa trên tất cả những gì có thể như: sự tiến bộ, kỹ thuật, khoa học, kể cả sự tầm thường của việc tiêu thụ - tư tưởng thiên đàng của việc mua sắm, và các khía cạnh khác của cuộc sống thường ngày. Ðàng khác, nhu cầu tôn giáo tìm các hình thức mới và là việc kiếm tìm ý nghĩa từ các đường nét duy cá nhân chủ nghĩa. Triết gia Charles Taylor, người Canada, đã để tất cả các điều đó trong tương quan với các nét diễn tả nền văn hóa của chúng ta ngày nay. Và nếu có nổi lên các chờ đợi liên tục ơn cứu rỗi bị tục hóa, thì cũng nổi lên các giới thiệu cánh chung liên tục bị tục hóa, các viễn tượng kinh khủng của một thế giới bị sụp đổ vì một cuộc chiến nguyên tử, một tai ương khí hậu... Hầu như có thể nói rằng năm nào người ta cũng chờ đợi ngày cánh chung, ngày tận thế.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư đã nghiên cứu nhiều về triết gia Nietzsche và đã viết hai cuốn tiểu sử về ông. Giáo sư có nghĩ rằng trực giác của ông về sự trở lại vĩnh cửu của cùng một chuyện, có duy trì một tiềm năng thách đố đối với quan niệm kitô hay không, hay giáo sư nghĩ rằng nó chỉ đơn thuần được coi như là việc sinh ra của một nhà trí thức bị hun nóng qúa mức không?

Ðáp: Các triết gia như Nietzsche hay Heidegger đã tìm trốn chạy sự phát triển của tư tưởng mà chúng ta gọi là siêu hình. Họ đã không thành công. Sự trở lại vĩnh cửu mà triết gia Nieztsche đã muốn đối chọi với quan niệm kitô về lịch sử, là một ám ảnh kinh hoàng, bởi vì nó không chỉ có nghĩa là sự trở lại của những gì mà chúng ta coi là sự thiện hảo mà chúng ta phải khổ đau khi xa rời chúng, mà cũng có nghĩa là sự trở lại của những gì là xấu xa tồi bại nữa. Sự trở lại vĩnh cửu như thế cũng có nghĩa là sự trở lại vĩnh cửu của trại tập trung đức quốc xã Auschwitz, với các tàn ác vô nhân kinh khủng của nó.

Ðối với quan niệm kitô về thời gian và lịch sử, sự trở lại vĩnh cửu của Nietzsche không cống hiến cho con người một sự lựa chọn thay thế nào cả. Một sự trở lại vĩnh cửu đụng chạm với cùng cái luận lý đó, bởi vì sự tiếp nối trong thời gian của hai thời điểm loại trừ sự kiện cùng một chuyện sẽ xảy ra trở lại.

Hỏi: Các suy tư của triết gia Nietzsche có phản ánh một tư tưởng chống lại Kitô giáo hay không thưa giáo sư?

Ðáp: Trong nỗi tuyệt vọng sâu đậm và trong cuộc chiến đấu của ông chống lại Kitô giáo, triết gia Nietzsche chắc hẳn đã "đạo đức" hơn nhiều người vô ngộ. Quan niệm của ông về Chúa Kitô sát gần với hoàng tử Myskin của văn hào Dostovskij: ông ta cũng là một người điên loạn, nhưng phải nghĩ rằng ông là một người điên loạn trong Chúa Kitô.

(Avvenire 1-2-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page