Sức mạnh của lòng tin

giúp chiến thắng khuynh hướng nghi ngờ

và vượt qua các khủng hoảng

kinh tế tài chánh và luân lý đạo đức

trong xã hội ngày nay

 

Linh mục Chủ Tịch phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tuyên bố rằng: sức mạnh của lòng tin giúp chiến thắng khuynh hướng nghi ngờ và vượt qua các khủng hoảng kinh tế tài chánh và luân lý đạo đức trong xã hội ngày nay.

Roma (Nhật báo "Tương Lai" 22/01/2012; Radio Vatican 14/02/2012) - Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Nhật Báo "Tương Lai", cơ quan ngôn luận của Hội Ðồng Giám Mục Italia, số xuất bản ngày 25 tháng Giêng năm 2012, Linh mục Julian Carrón, Chủ Tịch phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng, cho rằng: cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống hiện nay không chỉ có tính cách kinh tế mà thôi, mà có nguồn gốc nơi con người nữa. Nó là một thách đố triệt để đối với quan điểm của từng người chúng ta về cuộc sống. Tôi còn nhớ một câu rất thời sự của Ðức ông Giussani như thế này: "Tôi xác tín sâu xa rằng một lòng tin mà không thể quy chiếu và tìm thấy trong kinh nghiệm hiện tại và được xác nhận bởi kinh nghiệm ấy là ích lợi giúp trả lời cho các đòi hỏi của cuộc sống, thì nó không phải là một lòng tin có khả năng kháng cự trong một thế giới, trong đó tất cả mọi sự đều diễn tả điều trái nghịch".

Còn nhớ, trong chuyến công du mục vụ tại Ðức quốc vừa qua, Ðức Thánh cha Bênêđíctô XVI đã đi sâu vào vấn đề này khi nói: "Con người cần Thiên Chúa, mặc dù các sự việc khá xuôi chảy và cả khi không có Thiên Chúa. Trong một giai đoạn đầu của sự vắng bóng Thiên Chúa, ánh sáng của Người tiếp tục gửi các tia sáng phản ánh và duy trì trật tự hiện hữu của con người, người ta có cảm tưởng là mọi chuyện hoạt động khá tốt đẹp cả khi không có Thiên Chúa. Nhưng khi thế giới càng xa rời Thiên Chúa, thì lại càng rõ ràng là con người mất đi sự sống". Tôi thường lấy cái lò sưởi làm thí dụ. Khi mới tắt lò sưởi chúng ta không nhận thấy gì cả, nhưng sau một lúc cái lạnh bắt đầu thắng thế.

Theo cha Chủ Tịch Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI công bố Năm Ðức tin như chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết trở về với các gốc rễ của Kitô giáo. Cha giải thích thêm như sau: Kitô giáo tiếp tục thông truyền chính mình cho mỗi thế hệ và thắp lên cho nó một khởi đầu mới. Cũng giống như trong một gia đình, sự kiện cha mẹ có đức tin vững mạnh, không tự động bảo đảm rằng con cái cũng được như thế. Ở đây cần phải lưu ý đến sự tự do, một sự gắn bó có lý trí đối với lòng tin. Ðức Thánh cha nhận ra sự cấp thiết tái đề nghị nội dung nòng cốt của đức tin, bởi vì có các quan niệm đang giản lược đức tin thành diễn văn, giáo thuyết, luân lý đạo đức và tình cảm. Nhưng các giản lược ấy không đứng vững trước các thách đố của thời đại tân tiến ngày nay, vì chúng bắt buộc chúng ta tái khám phá ra bản chất của Kitô giáo. Như thế cả ngày nay nữa, cũng cần một khởi đầu mới, để làm chứng cho thấy lý trí và tự do tìm thấy trong đức tin sự thành toàn của chúng như thế nào, để minh nhiên rằng Kitô giáo là một cái gì đó rất thích hợp. Trong ý nghĩa này, Năm Ðức Tin trước hết hướng tới tất cả mọi kitô hữu, nhưng trong mức độ chúng ta sẽ sống một cuộc khởi hành mới, thì nó có ích lợi cho tất cả mọi người, theo phương pháp chính Chúa Giêsu đã chọn: đó là ban ơn cho một vài người, để qua họ ơn thánh có thể đến với tất cả những ai sẵn sàng tiếp nhận nó.

 

R.V.A.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page