Thay đổi hay là chết

 

Thay đổi hay là chết!

Cuba (Vat. 11/02/2012) - Ngày 28 tháng 1 năm 2012, đảng Cộng sản Cuba đã khai mạc khóa họp đặc biệt kéo dài trong hai ngày, để thảo luận về các biện pháp cải tổ chính trị kinh tế trong nước.

Kể từ khi được chính thức thành lập ngày mùng 3 tháng 10 năm 1965 đến nay, hội nghị toàn đảng lần này xem ra có tầm quan trọng định đoạt nhất đối với sự sống còn của đảng cộng sản Cuba như lời tuyên bố của Chủ tịch Raul Castro. Thật vậy, sau khi các đảng cộng sản thuộc khối Liên Bang Xô Viết sụp đổ tan tành thê thảm chỉ trong vài năm đầu thập niên 1990, và chủ nghĩa cộng sản bị quẳng vào sọt rác, thì cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn, và Việt Nam đảng cộng sản Cuba đã tìm mọi cách để tồn tại trong một thế giới thay đổi với vận tốc chóng mặt, trong đó nhiều dân tộc đã mạnh dạn đứng lên lật đổ các chế độ độc tài để dành lại các quyền tự do làm người. Ðiển hình như cuộc cách mạng của các dân tộc A rập Bắc Phi và vùng Trung Ðông.

Hội nghị ngoại thường này khiến cho người ta ngạc nhiên, vì đảng cộng sản Cuba mới kết thúc đại hội đảng lần thứ VI triệu tập tại thủ đô La Habana trong các ngày 16 đến 19 tháng 4 năm 2011. Chắc là phải có các lý do vô cùng nghiêm trọng, vì trước khi triệu tập hội nghị Chủ tịch Raul Castro đã cảnh cáo rằng: "Hoặc chúng ta thay đổi, hoặc chúng ta sụp đổ, và cùng với sự sụp đổ ấy là tất cả các nỗ lực của nhiều thế hệ nhân dân Cuba". Làm sao Cuba đã chống cự được với đế quốc tư bản và các cấm vận kinh tế kéo dài ròng rã 50 năm trời, mà giờ đây cuối cùng phải chấp nhận thay đổi?

Thật ra, ngay trong Hội nghị đảng lần thứ VI hồi mùa xuân năm ngoái 2011, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tài liệu làm việc liên quan tới các đường lối chính trị và kinh tế do đảng đề ra. Dưới chế độ độc tài toàn trị, nhà nước say sưa với quyền bính nên luôn luôn kiêu căng mù lòa cho rằng dưới sự chỉ đạo anh minh sáng suốt của Lãnh tụ tối cao Chủ tịch Fidel Castro, đảng ta không bao giờ sai lầm và cái gì cũng có thể giải quyết được theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 50 năm thống trị, các tiền đề ngu dốt phản khoa học ấy cuối cùng chứng minh cho các "đỉnh cao trí tuệ loài người óc bé hơn óc gà và không có chất xám" ấy hiểu rằng thực tại cuộc sống của nhân dân thì chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định.

Thật vậy, vì trong bài thuyết trình chính tại đại hội đảng lần thứ VI hồi năm ngoái 2011, Chủ tịch Raul Castro đã bỏ các giọng điệu cổ điển của giới lãnh đạo cộng sản, lúc nào cũng đổ tội cho đế quốc Mỹ, cho các thế lực thù nghịch, cho các phong tỏa thắt họng kinh tế, cho các lý do thế này thế nọ, để che dấu cái bất lực của Cách mạng không có khả năng bảo dảm cho nhân dân Cuba một cuộc sống xứng đáng với các hy sinh liên tục của họ. Trái lại, ông đã đề cập đến các mâu thuẫn và các sai lệch trong chính nội bộ đảng cộng sản Cuba, là những điều ông đã nói trong diễn văn đọc tại đại học La Habana hồi tháng 11 năm 2005, trong đó có câu sau đây: "Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng ta ngay từ đầu, và nhiều lần trong cuộc Cách Mạng, đó là đã tin rằng có ai đó biết xây dựng xã hội chủ nghĩa như thế nào".

Vì thế, lời ông cảnh cáo trước khi triệu tập hội nghị ngoại thường vừa qua "Phải thay đổi hay là chết", không phải là điều mới lạ, cho bằng là một tiếng kêu cảnh tỉnh thê thảm đối với những đảng viên nào còn nhắm mắt say sưa với ý thức hệ cộng sản và các các đường lối chính trị kinh tế hoàn toàn sai lầm của nó. Nó cho thấy ý thức hệ và chế độ cộng sản Cuba đã qúa già nua cằn cỗi, không còn nghị lực, không còn sức sống, và đang trong tiến trình tự hủy, vì chính hàng lãnh đạo cộng sản cũng không còn tin tưởng gì nữa, và không có một động lực phát triển nào giúp vực dậy một nền kinh tế phá sản. Bên cạnh đó là các chứng bệnh nan y: ngu dốt, giáo điều, bàn giấy rườm rà, nhất là nạn gian tham hối lộ lan tràn trong mọi tầng lớp đảng viên, và chính sách cai trị bất công bạo tàn đối với nhân dân.

Trong một xã hội thay đổi nhanh chóng như xã hội vi tính ngày nay, cho dù nhà nước có chủ trương ngu dân và tìm mọi cách bưng bít mọi chuyện, các thế trẻ ngày nay thông minh, có học, hiểu biết và có nhiều khả năng hơn các thế hệ cha ông họ rất nhiều. Như người trẻ các nước A rập đã làm, với các phương tiện truyền thông tân tiến họ có thể phát động các cuộc xuống đường biểu tình ồ ạt chống chính quyền mạnh như nước lũ mà không có gì có thể ngăn cản được.

Có phải vì thế mà chủ tịch Raul Castro đã mạnh dạn phát động phong trào cải tổ bằng cách triệu tập hội nghị ngoại thường nói trên hay không. Chúng ta không biết được. Nhưng lời ông cảnh cáo diễn tả một định luật tự nhiên không hề sai chạy: thay đổi hay là chết! Thế thôi!

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page