Làn sóng phản đối chính quyền
tại Rumania
Làn sóng phản đối chính quyền tại Rumania.
Rumania (RG 25-1-2011; Vat. 7-02-2012) - Phỏng vấn Ðức Cha Joan Robu, Tổng Giám Mục Bucarest về cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế xã hội và luân lý trong xã hội Rumania ngày nay
Từ trung tuần tháng Giêng 2012, hàng trăm ngàn người Rumani đã ồ ạt xuống đường biểu tình trong thủ đô Bucarest cũng như tại hơn 60 thành phố trên toàn nước. Họ phản đối chính sách sưu cao thuế nặng, cuộc sống mắc mỏ và nạn gian tham hối lộ lan tràn trong các guồng máy của chính quyền. Các đoàn người biểu tình yêu cầu tổng thống Traian Basescu, thủ tưởng Emil Boc và chính quyền từ chức để chuẩn bị các cuộc bầu cử mới.
Thật ra tình hình Rumania đã bắt đầu căng thẳng từ năm 2009, khi chính quyền xin vay Ngân Qũy tiền tệ quốc tế 20 tỷ Euros để trang trải các khoản nợ công cộng, dĩ nhiên là với điều kiện phải đề ra một chương trình bằt toàn dân sống "khắc khổ thắt lưng buộc bụng". Trong số các biện pháp do chính quyền của tổng thống Basescu đưa ra để cải tổ và chống khủng hoảng kinh tế, có việc gia tăng thuế trên tất cả mọi sản phẩm từ 19% lên 24%, giảm 25% tiền lương của các công nhân viên chính quyền, giảm 15% lương hưu trí của dân chúng và giảm một số trợ cấp cho các dịch vụ xã hội.
Khi đưa ra các biện pháp trên đây, tổng thống Basescu và thủ tướng Boc đã không hiểu rằng giảm lương hưu trí 1.000 Euros của người dân Hy Lạp là biện pháp chống khủng hoảng kinh tế, nhưng giảm đến 15% lương hưu trí chỉ có 200 Euros của người dân Rumania nghèo nhất Âu châu, là một tội phạm. Và ly nước đã trào vào dịp trước lễ Giáng Sinh năm 2011, khi chính quyền muốn tư nhân hóa ngành y tế. Thứ trưởng bộ Y tế ông Raed Arafat, người gốc Siri nhưng là công dân Rumania, đã kịch liệt phản đối. Ông Arafat đã là người có công lớn trong việc thành lập hệ thống cấp cứu chuyên nghiệp và trong sạch duy nhất, để phục vụ người dân trên toàn nước Rumania, nên rất được người dân qúy mến.
Thế nhưng tổng thống Basescu đã tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia rằng thứ trưởng y tế Raed Arafat là "kẻ thù lớn nhất" của cuộc cải tổ hệ thống y tế Rumania. Hai tuần sau đó, trong một buổi thảo luận trên đài truyền hình quốc gia về tính cách hợp pháp hay bất hợp pháp của luật y tế do tổng thống và chính quyền đề ra, tống thống Basescu đã cay cú chỉ trích ông Arafat và tố cáo ông là có các "quan điểm tả phái".
Kết qủa là ông Raed Arafat phải từ chức, nhưng nhân dân toàn nước thì bất mãn tức giận. Bắt chước các dân tộc A rập, người dân Rumania đã dùng Internet và các phương tiện truyền thông tân tiến để phát động phong trào xuống đường biểu tình phản đối chính quyền. Họ gọi chính quyền là "lò mổ heo xã hội" và đòi tổng thống và chính quyền phải từ chức. Trong nhiều ngày các giới chức chính quyền đã tránh né không dám ra trước công chúng, nhưng khi tái xuất hiện, thay vì có thái độ hòa hoãn, họ lại chửi bới các đoàn biểu tình và giả bộ đối thoại. Thủ tướng Boc thì chạy tội bằng cách nói dối là ông và tổng thống đã được thông tin sai lạc về luật cải tổ y tế. Thái độ dối trá này lại càng khiến cho làn sóng giận dữ của người dân gia tăng.
Các cuộc đụng độ xảy ra giữa lực lượng an ninh và các đoàn biểu tình đã khiến cho hàng chục người bị thương và hàmg trăm người bị bắt giữ. Ðể làm lắng dịu tình hình ngày 17 tháng 1 năm 2012 tổng thống Basescu lại khẩn khoản mời ông Raed Arafat tái nhậm chức thứ trưởng Bộ Y tế. Làn "sóng thần tsunami" giận dữ của nhân dân Rumani chẳng những đã không giảm lai còn gia tăng. Ðại đa số nhân dân đã quyết định là chính quyền của tổng thống Basescu và thủ tướng Boc phải cáo chung.
Rumania rộng hơn 238,000 cây sô vuông có 22 triệu dân gồm 89.5% thuộc chủng tộc Rumani, 6.6% gốc Hungari, 2.5% là người Rom, và 2% thuộc các chủng tộc khác. Trên bình diện tôn giáo 86.7% tổng số dân theo Chính Thống, 5.6% theo Công Giáo, 5.4% theo Tin Lành, và 0.3% theo Hối giáo.
Sau Ðệ nhị thế chiến Rumania bị Liên Xô xâm lăng và trực tiếp nằm dưới ách thống trị của chính quyền cộng sản Matscơva cho tới thập niên 1960. Trong suốt thời gian này nhà nước cộng sản Rumania thực thi chính sách cai trị khủng bố sắt máu kinh hoàng trên toàn nước. Năm 1965 Nicolae Ceaucescu lên nắm quyền và có đường lối độc lập hơn với khối Xô Viết, nhưng vẫn duy trì chính sách cai trị độc tài chuyên chế tôn thờ lãnh tụ cho tới năm 1989, khi toàn dân Rumania vùng lên lật đổ chế độ. Chủ tịch Ceaucescu và vợ là bà Elena đã bị quân đội hành quyết vào đúng ngày lễ Giáng Sinh.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Cha Joan Robu, Tổng Giám Mục Bucarest, về cuộc khủng hoảng trong xã hội Rumania hiện nay.
Hỏi: Thưa Ðức Cha, tại sao người dân Rumania lại biểu tình ồ ạt chống chính quyền lâu như vậy?
Ðáp: Theo các khẩu hiệu mà các đoàn người biểu tình hô to và các biểu ngữ họ cầm trên tay, có thể nói rằng các lý do khiến cho dân chúng biểu tình là nạn tham nhũng, sự nghèo túng, sự bất lực và thiếu khả năng của những người cầm quyền. Người dân giận dữ vì phải nghe biết bao nhiều tuyên truyền dối trá của nhà nước, bên cạnh đó là các bất công chồng chất của biết bao nhiêu thứ thuế phải trả cho chính quyền vv...
Hỏi: Ðức Cha thấy tình hình kinh tế tại Rumania hiện nay ra sao? Ðã có tiến bộ liên quan tới mức sống của người dân sau khi Rumania gia nhập Liên Hiệp Âu châu hay không, hay là ở trong nước sự khác biệt xã hội vẫn còn rất cao?
Ðáp: Tình hình kinh tế đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp nên không có một đích điểm rõ ràng, và không có sự khôn ngoan tìm kiếm công ích. Người dân mệt mỏi vì thấy giới lãnh đạo chỉ tìm các lợi nhuận cho riêng họ, chứ không nghĩ gì đến lợi ích của nhân dân. Dĩ nhiên là người ta nhận thấy có sự cải tiến sau khi Rumania gia nhập Liên Hiệp Âu châu. Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít người nhận ra sự cải tiến ổn định và thực sự này, còn đại đa số dân chúng vẫn phải sống trong cảnh nghèo túng. Và nói chung, mọi người đều nhận thấy rằng các giới chức chính quyền Rumani không có một ý niệm gì về công ích, nhưng lại họ rất chính xác trong việc tìm kiếm các lợi lộc của riêng tư. Ðã thế họ lại còn thách thức dân chúng với thái độ sống và cung cách hành xử ích kỷ và kiêu căng của họ. Tôi xin đơn cử một thí dụ điển hình: từ nhiều năm nay tôi đã tìm cách gặp tổng thống Cộng Hòa Rumani và tôi đã viết thư bầy tỏ mong muốn gặp ông, cũng như gặp thủ tướng chính phủ, liên quan tới tình hình của một công trình xây dựng bên cạnh nhà thờ chính tòa thủ đô, và vì vấn đề này chúng tôi đã phải liên lụy trong một vụ kiện kéo dài từ 5 năm nay rồi. Từ bao năm nay tôi vẫn chờ đợi được tiếp kiến, nhưng tổng thống cũng như thủ tướng đã không thèm trả lời thư của tôi. Ðây là một thí dụ chứng minh cho thấy cung cách hành xử thách thức kiêu căng của giới lãnh đạo nước này.
Hỏi: Ðó là một tình hình thường khó khăn của các nước đã ra khỏi khối các quốc gia cựu cộng sản, và là các nước có nhiều người dân di cư sang các quốc gia Tây Âu để tìm công ăn việc làm, trong đó có cả người Rumani. Ngày nay các công nhân này tiếp tục tìm việc làm tại nước ngoài, hay tình hình trở nên khó khăn hơn và có các âm hưởng mạnh mẽ trên tình hình trong nước thưa Ðức Cha?
Ðáp: Nó có các âm hưởng khá nghiêm trọng: trước hết là tình cảnh các gia đình bị chia rẽ và phân tán, vì một phần sống tại nước ngoài, phần còn lại sống ở trong nước. Các trẻ em gặp phải nhiều khó khăn, vì chúng phải lớn lên không có mẹ, hay lớn lên mà không có cả cha lẫn mẹ, vì họ đi lao động tại nước ngoài. Tuy nhiên, việc di cư này cũng có khía cạnh tích cực, trong nghĩa những người làm việc tại nước ngoài có thể trợ giúp phần gia đình còn lại bên Rumania. Họ gửi tiền về nước để trợ giúp gia đình. Nhưng rồi cũng có các khía cạnh và vấn đề khác từ từ nổi lên. Chẳng hạn tại Rumania không dễ mà tìm ra thợ thuyền, vì đa số công nhân bỏ ra nước ngoài làm việc. Các công nhân di cư hết, vì tại Rumania có ít việc làm, đã thế đồng lương lại ít. Do đó người ta đi tìm việc tại các nơi được trả lương cao hơn. Cả khi họ có phải đương đầu với biết bao nhiêu nhục nhã và các điều kiện sống không mấy tốt đẹp đi nữa.
Hỏi: Thưa Ðức Cha, đất nước Rumania ngày nay cần cái gì để có thể chiếm hữu được sự ổn định xã hội và một vị thế thanh thản hơn trong tương lai?
Ðáp: Cũng như mọi người sống tại Âu châu này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, chúng tôi cần trở về với các giá trị đã bị lãng quên, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng luân lý và cuộc khủng hoảng đức tin trong đó chúng tôi đang sống. Vì cuộc khủng hoảng này đã làm nảy sinh ra biết bao sự dữ trong lãnh vực kinh tế cũng như trong lãnh vực xã hội.
Hỏi: Như thế, sự tục hóa đã đi sâu vào xã hội Rumania một cách rất mạnh mẽ, kể cả trong các cơ quan của nhà nước, có đúng thế không thưa Ðức Cha?
Ðáp: Vâng, đúng vậy. Sự tục hóa đã tác động khá mạnh mẽ, không phải trong thời gian lâu dài, mà chỉ trong một thời gian rất ngắn. Các tấn kích của nó rất mạnh mẽ và có các hậu qủa tiêu cực.
(RG 25-1-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)