Dân chúng và Giáo hội Công giáo tại Cuba

chuẩn bị chào đón

Ðức Thánh cha đến viếng thăm

 

Dân chúng và Giáo hội Công giáo tại Cuba chuẩn bị chào đón Ðức Thánh cha đến viếng thăm.

Vatican (Vat. 31/01/2012) - Như chúng tôi đã đưa tin, trong các ngày từ 26 đến 28 tháng 3 năm 2012, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI sẽ viếng thăm mục vụ Cuba, sau khi viếng thăm Mêhicô. Ðược biết, cách đây 14 năm Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm Cuba và quần đảo Caraibi. Trong thánh lễ cử hành tại Camaguay, Ðức Gioan Phaolô II đã khích lệ người trẻ Cuba không sợ hãi làm chứng cho đức tin Kitô, can đảm sống trong sự thật và trong tự do.

Cộng hòa Cuba là một quần đảo rộng gần 111,000 cây số vuông, có khoảng 11.5 triệu dân, 70% là người da trắng con cháu các người thực dân Tây Ban Nha, 17.3% là người lai giống, và 12.4% là người phi châu da đen. Tuy chủ thuyết vô thần đã bị bãi bỏ năm 1992, nhưng 30% tổng số dân tuyên bố mình là người vô thần. Tín hữu Công giáo chiếm 10% dân số; tín hữu các tôn giáo Kitô-phi châu cuba một loại tôn giáo hỗn hợp chiếm 20%; còn lại là tín hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác như Anh giáo, Chính Thống, Chứng nhân Giêhôva, và Do thái giáo..vv...

Kể từ khi Cristoforo Colombo khám phá ra đảo Cuba ngày 24 tháng 10 năm 1492 trong chuyến thám hiểm đầu tiên, Cuba trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha cho tới thế kỷ XVIII. Sau hai cuộc chiến giành độc lập, năm 1902 Cuba chính thức được độc lập, nhưng trên thực tế nằm dưới quyền bảo hộ của Hoa Kỳ trong mấy thập niên liên tiếp.

Năm 1952 ông Fulgencio Battista đảo chánh, lật đổ chính quyền của tổng thống Ramon Grau San Martin, rồi lên làm tổng thống. Ông Battista bán 90% mỏ kền và đất đai của Cuba, cũng như 80% các dịch vụ công cộng, và 50% hệ thống xe lửa cho các hãng xưởng Hoa Kỳ. Cuba trở thành thủ đô của các sòng bạc, nạn mại dâm, và là nơi dung thân của tổ chức tội phạm mafia Mỹ. Các tổ chức này kiểm soát các khách sạn, sòng bạc, nhà chứa và khai thác du lịch Mỹ.

Năm 1958, ông Fidel Castro phát động cuộc cách mạng chống nhà độc tài Battista, và năm sau đó tiến chiếm thủ đô La Habana. Ông Fidel Castro áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên Cuba và quốc hữu hóa mọi sự, trong đó có các hãng xưởng của Hoa Kỳ.

Biến cố Liên Xô sụp đổ trong các năm đầu của thập niên 1990 khiến cho Cuba rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng vẫn còn kéo dài cho tới nay. Vì lý do sức khỏe, năm 2006 chủ tịch Fidel Castro đã từ chức và nhường quyền cho em là Raul Castro.

Trong cuộc phỏng vấn với Ðài Phát Thanh Vatican, ông Eduardo Delgado, đại sứ Cuba cạnh Tòa Thánh, đã cho biết Ðảo Quốc Cuba đang chuẩn bị chào đón Ðức Thánh cha đến thăm như sau:

Tôi tin là có thể tóm gọn các tâm tình của nhân dân Cuba, của chính quyền, cũng như của các cá nhân, khi nói rằng đây là môt vinh dự rất lớn được hai vị Giáo hoàng đến viếng thăm: trước hết là Ðức Gioan Phaolô II và giờ đây Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI. Tôi cũng xin nói thêm rằng Ðức Thánh cha sẽ được tiếp đón với rất nhiều kính trọng và tình yêu thương, và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được, nhằm để lại một kỷ niệm không thể quên như đã xảy ra với Ðức Gioan Phaolô II.

Theo thiển ý của tôi, chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha luôn luôn được tiếp đón với thiện cảm lớn và với nhiều chờ mong, với các biểu lộ lòng qúy mến và kính trọng. Chuyến viếng thăm này trùng hợp với cuộc hành hương quốc gia tới đền thánh Ðức Bà Mỏ Ðồng: tượng Ðức Mẹ đã được rước qua khắp nơi trên đảo từ tháng 8 năm 2010. Ðây là một cuộc hành hương không chỉ tới với các nơi địa lý chuyên biệt như các thành phố lớn nhỏ, mà cũng đi ngang qua nhiều môi trường xã hội nữa. Thật thế, ngoài các nhà thờ, tượng Ðức Bà đã được rước tới các trường học, các trung tâm văn hóa, các trung tâm nghệ thuật và các nhà tù. Cuộc hành hương này đã tạo ra một bầu khí đặc biệt, được diễn tả ra bằng sự gia tăng các chờ đợi liên quan tới sự hiện diện của Ðức Thánh cha. Tôi không nghi ngờ rằng các thánh lễ mà Ðức Thánh cha sẽ chủ sự sẽ có sự tham dự đông đảo của người dân Cuba. Ai cũng biết là dân Cuba là một dân tộc hiếu khách, liên đới và tiếp đón.

Ngoài ra, cần nói thêm rằng các tương quan hiện nay giữa Tòa Thánh và Cuba là các tương quan tốt đẹp. Các liên lạc giữa chúng tôi đã kéo dài 76 năm. Trên bình diện quốc tế, Tòa Thánh đã luôn luôn nói lên sự chống đối của mình với cuộc cấm vận Cuba từ nhiều năm nay, và nó là sự hạn chế nặng nề nhất mà nhân dân Cuba phải chịu trong viêc xây dựng tương lai của mình.

Từ phía Tòa Thánh, trong nhiều trường hợp, chẳng hạn trong các tai ương thiên nhiên khác nhau, Tòa Thánh đã bầy tỏ sự gần gũi và tình liên đới tinh thần và vật chất đối với nhân dân Cuba. Theo thiển ý tôi nhân dân Cuba trước hết chờ đợi trông thấy Ðức Thánh cha, đây là điều quan trọng lắm rồi, nhân dân Cuba ước muốn được gần gũi ngài, lắng nghe ngài nói và tiếp nhận sứ điệp của ngài. Lời nói của Ðức Thánh cha có ảnh hưởng tích cực trên con người và trên sự phát triển xã hội, và nó cũng sẽ như thế trong chuyến viếng thăm sắp tới của Ðức Thánh cha.

 

R.V.A.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page