Ðối với con người

quyền bính có nghĩa là chiếm hữu

quyền hành, thống trị, thành công

 

Ðối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công.

Vatican (Vat. 29/01/2012) - 15 ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật 29 tháng 1 năm 2012.

Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt có hàng ngàn thiếu nhi thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành của giáo phận Roma, tham dự một đoàn tuần hành hòa bình qua các đường phố ở Roma đến Vatican.

Ðúng 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài ở dinh Tông Tòa giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm chúa nhật hôm qua về giai thoại Chúa Giêsu giảng trong Hội đường ở thành Cafarnaum và giải thoát một người bị quỉ ám. Ðức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu, vào một ngày thứ bẩy, giảng trong Hội đường ở Cafarnaum, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Galilea, nơi Phêrô và anh là Andrea cư ngụ. Sau bài giảng dạy gây cảm phục nơi dân chúng, Chúa Giêsu đã giải thoát một người bị quỉ ô uế ám" (c.23), quỉ nhìn nhận Ðức Giêsu là Ðấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Ðức Messia. Chẳng bao lâu, tiếng tăm của Chúa lan rộng khắp vùng, nơi Ngài đi tới để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân đủ loại bằng lời nói và hành động. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét: Chúa "chuyển biến lời nói của Ngài để mưu ích cho người nghe, đi từ những kỳ công đến lời nói và từ giáo huấn về đạo lý của Ngài đến các phép lạ" (Hom. in Matthaeum 25,1: PG 57,328).

Lời Chúa Giêsu nói với con người mở ngay ra con đường dẫn đến ý muốn của Chúa Cha và chân lý về bản thân Ngài. Trái lại, nơi những luật sĩ thì không xảy ra như thế, họ phải cố gắng giải thích những lời Kinh Thánh với vô số những suy tư. Ngoài ra, cùng với hiệu năng của lời nói, Chúa Giêsu liên kết hiệu năng của những dấu hiệu giải thoát khỏi sự ác. Thánh Atanasio nhận xét rằng "truyền khiến cho ma quỉ và trục xuất chúng không phải là công trình của con người, nhưng là của Thiên Chúa"; thực vậy, Chúa "đẩy xa khỏi con người tất cả những bệnh tật đủ loại. Có ai thấy quyền năng của Ngài .. mà còn nghi ngờ không biết Ngài có phải là Chúa Con, là Ðấng Khôn Ngoan, là Quyền năng của Thiên Chúa?" (Oratio de Incarnatione Verbi 18.19: PG 25,128 BC,129 B). Uy quyền của Chúa không phải là một sức mạnh thiên nhiên. Ðó là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa Ðấng dựng nên vũ trụ, và khi nhập thể trong Con Duy Nhất của ngài, Ngài xuống trong nhân tính của chúng ta, chữa lành thế giới bị băng hoại vì tội lỗi. Romano Guardini đã viết: "Toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu là một sự diễn đạt quyền năng trong sự khiêm tốn.. là quyền bính tối thượng hạ mình xuống dưới hình thức một người tôi tớ" (Il Potere, Brescia 1999, 141.142)

Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

"Nhiều khi đối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công. Trái lại, đối với Thiên Chúa, quyền bính có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn, yêu thương; có nghĩa là đi vào trong luận lý của Chúa Giêsu, Ðấng đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Xc Ga 13,5), tìm kiếm thiện ích đích thực của con người, chữa lành các vết thương, có khả năng yêu thương đến độ hiến mạng sống mình, vì Ngài là Tình Thương. Trong một lá thư, thánh nữ Catarina thành Siena viết: "Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta cần thấy và biết rằng Thiên Chúa là Tình Thương tột đỉnh và đời đời, và không thể muốn điều gì khác hơn ngoài thiện ích của chúng ta" (Ep. 13 in: Le Lettere, vol.3, Bologna 1999, 206).

Các bạn thân mến, thứ năm tới đây, 2-2, chúng ta sẽ cử hành lễ dâng Chúa Giêsu vào Ðền thánh, Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến. Chúng ta hãy tín thác cầu xin Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta luôn kín múc nơi lòng từ bi Chúa, Ðấng giải thoát và chữa lành nhân tính của chúng ta, làm cho nó được tràn đầy mọi ân phúc và những điều an lành, nhờ quyền năng của tình yêu Chúa".

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay tại Vienne, có lễ tôn phong chân phước Hildegard Burjan, giáo dân và là bà mẹ gia đình, sống vào thế kỷ 19 và 20, sáng lập Dòng các nữ tu Bác Ái xã hội. Chúng ta hãy ca ngợi Chúa vì chứng tá đẹp đẽ này về Tin Mừng!

Chúa nhật này cũng là Ngày Thế giới các bệnh nhân phong cùi. Tôi chào thăm Hiệp Hội Italia các bạn hữu của Raoul Follereau, và gửi lời khích lệ tới tất cả những người bị bệnh phong, cũng như những người đang giúp đỡ họ, và đặc biệt là những người đang dấn thân bài trừ nạn nghèo đói và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, vốn là những nguyên nhân thực sự làm cho người ta có thể bị lây bệnh này".

Ngoài ra, tôi cũng nhắc nhớ Ngày Quốc Tế cầu ngyện cho hòa bình tại Thánh Ðịa. Trong niềm hiệp thông sâu xa với Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem và Dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, tôi khẩn cầu hồng ân hòa bình cho miền Ðất đã được Thiên Chúa chúc phúc.

Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã lần lượt chào thăm các tín hữu hành hương bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và đặc biệt khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ngài nhắc đến đông đảo các thiếu niên thuộc Phong trào Công giáo tiến hành Roma, cùng với các thầy cô và phụ huynh. Ðức Thánh Cha nói:

"Các con thân mến, năm nay các con cũng tổ chức "đoàn lữ hành hòa bình". Cha cám ơn và khích lệ các con hãy mang bình an của Chúa Giêsu đi khắp mọi nơi. Bây giờ ở bên cạnh cha đây có hai đại diện của các con. Chúng ta hãy nghe sứ điệp do bé Noemi đọc.

Bé gái Noemi, sau khi cám ơn Ðức Thánh Cha, cho biết là các thiếu niên Công giáo tiến hành ở Roma đã đóng góp tiền tiết kiệm để tài trợ việc xây cất một trung tâm thay vì nhà tù dành cho các thiếu nữ vị thành niên ở Bolivia, gần thủ đô La Paz. "Chúng con hy vọng với sự giúp đỡ của chúng con, các thiếu nữ Bolovia có thể được khích lệ phục hồi phẩm giá và sự tín nhiệm của người khác. Chúng con cũng xin Ðức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng con, cùng với cha mẹ và các thầy cô và các linh mục của chúng con để các vị huấn luyện chúng con thành những chứng nhân và là công trình Hòa Bình".

Trước đó, khi chào các tín hữu nói tiếng Ðức, Ðức Thánh Cha cho biết ngài đặc biệt hiệp ý với tất cả các tín hữu tham dự lễ tôn phong chân phước vào ban chiều cùng ngày tại Nhà thờ chính tòa thánh Stephano ở thành phố Vienne trong lễ phong chân phước cho bà Hildegard Burjan. Bà đã nói: "Tôi biết chắc chắn rằng chỉ có một niềm hạnh phúc chân thực, đó là tình yêu Thiên Chúa! Tất cả những điều khác có thể làm vui mừng, nhưng nó chỉ có giá trị nếu xuất phát từ tình yêu Chúa, và đặt nền tảng trên tình yêu ấy". Hildegard Burjan đã sống bằng tình yêu ấy. Và trong tư cách là sáng lập dòng các nữ tu Bác ái xã hội, bà đã tập hợp các phụ nữ muốn là nguồn mạch tình yêu ấy, để trợ giúp và an ủi những người lầm than. Noi gương chân phước Hildegard Burjan, chúng ta cũng hãy cố gắng trở thành sứ giả tình thương trợ giúp của Chúa".

Nghi thức phong chân phước cho bà Hildegard Burjan chiều hôm qua, do ÐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ phong thánh, đại diện Ðức Thánh Cha chủ sự. Ðức Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienne sở tại đã giảng trong thánh lễ trước sự hiện diện của các Giám Mục Áo và Ðức, đông đảo các giới chức chính quyền và tín hữu.

Ðức Hồng Y Schoenborn nhận xét rằng: "Tuy có nguồn gốc thượng lưu nhưng chân phước Burjan nhìn thấy rất rõ tình trạng lầm than thực sự của dân chúng. Các nhà chính trị ngày nay cũng có thể nói theo thái độ ấy. Vị tôi tớ Chúa Burjan không quan tâm trước tiên tới chính trị đảng phái, nhưng để ý tới những mong ước xã hội và dấn thân chống lại tình trạng lầm than của con người thời đại".

Ðức Hồng Y Schoenborn cũng đề cao tầm quan trọng của lễ phong chân phước cho nữ tôi tớ Chúa Burjan và nói rằng "Con người ngày nay không cần các lý thuyết, nhưng cần các mẫu gương. Qua sự dấn thân xã hội, chân phước Burjan trình bày trước mắt mọi người thế nào là cuộc sống Kitô ngày nay. Và sự kiện các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo hội đang tăng trưởng, đó là một dấu hiệu quan trọng đối với tương lai của Giáo Hội".

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page