Khó khăn trong cuộc đối thoại

Công Giáo và Chính Thống giáo

 

Khó khăn trong cuộc đối thoại Công Giáo và Chính Thống giáo.

Roma (Vat. 23/01/2012) - Công cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo đang gặp khó khăn về vấn đề quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng, và theo Ðức Hồng Y Kurt Koch, cuộc đối thoại này không thể tiến triển được bao lâu chưa có một công đồng chung liên Chính Thống giáo.

Thực trạng đối thoại Công Giáo và Chính Thống giáo

Trong số các Giáo Hội Kitô còn phân cách Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống giáo có đạo lý gần với Công Giáo nhất. Từ lâu, hai khối Giáo Hội đã thiết lập Ủy ban quốc tế hỗn hợp đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống. Ủy ban có hai vị đồng chủ tịch là Ðức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Ðức Tổng Giám Mục Zizioulas của giáo phận Pergamo Ioannis, thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople. Ủy ban có 30 thành viên Công Giáo gồm các Giám Mục và các thần học gia; và 30 thành viên đại diện cho 15 Giáo Hội Chính Thống: mỗi Giáo Hội cử một Giám Mục và một nhà thần học làm thành viên.

Hoạt động của Ủy ban hỗn hợp này đã bắt đầu bàn về một đề tài khó khăn, đó là vai trò của Ðức Giáo Hoàng. Phía Chính Thống vốn chủ trương mỗi Giáo hội độc lập và tự quản, quyền quyết định thuộc về thánh hội đồng và công đồng của mỗi Giáo Hội, trong đó vị Thượng Phụ cũng chỉ có một phiếu như các thành viên khác. Vì thế, nên không muốn nhìn nhận nhìn nhận quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng, tuy rằng có một số Giáo Hội Chính Thống sẵn sàng nhìn nhận Ðức Giám Mục Roma có quyền tối thượng "danh dự", là người đứng đầu trong số những người đồng hàng (primus inter pares), tức là không có thực quyền tài phán trên các Giáo hội khác.

Nhân dịp Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, trong số ra ngày 19 tháng 1 năm 2012, đã đăng một bài về tình hình đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống. Bài do Cha Andrea Palmieri, thuộc Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, biên soạn, trong đó có khẳng định rằng:

"Khóa họp của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống ở Vienne, thủ đô Áo hồi năm 2010, đã nghiên cứu vấn đề đã được khởi sự trước đó trong khóa họp tại đảo Chypre năm 2009: đó là đề tài "Vai trò của Giám Mục Roma trong cộng đoàn hiệp thông của Giáo Hội thuộc ngàn năm thứ I". Các cuộc thảo luận trong khóa họp dựa trên một văn bản do Tiểu ban phối hợp soạn ra hồi năm 2008. Qua văn kiện này, hai bên muốn tiếp tục suy tư về đề tài "Quyền tối thượng trong Giáo Hội hoàn vũ". Suy tư này đã được khởi sự trong khóa họp tại thành phố Ravenna, đông bắc Italia hồi năm 2007.

Tại Ravenna, Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống đã chấp thuận và công bố một văn kiện tựa đề "Những hệ luận bản chất bí tích của Giáo hội về phương diện Giáo Hội học và giáo luật. Sự hiệp thông Giáo Hội, công đồng tính và quyền bính". Trong tài liệu này, lần đầu tiên cả phía Công Giáo lẫn Chính Thống cùng khẳng định về sự cần thiết phải có một quyền tối thượng trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ, và đồng ý với nhau rằng quyền tối thượng này thuộc về tòa Giám Mục Roma và các Giám Mục của giáo phận này, tuy nhiên họ nhận định rằng vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề phải hiểu và thực thi quyền tối thượng đó như thế nào, cũng như nền tảng Kinh Thánh và thần học của quyền này.

Dự trên căn bản những gì đã khẳng định trong văn kiện ở Ravenna, Ủy ban đã đề ra một dự án làm việc, tập trung sự chú ý vào ngàn năm thứ I, là thời kỳ mà các tín hữu Ðông và Tây phương còn hiệp nhất với nhau.

Tiếp đến, Tiểu ban điều hợp chung đã soạn ra một dự thảo văn kiện, theo một phương pháp luận về sử học, cứu xét một loạt các biến cố và nguồn mạch giáo phụ, giáo luật, để chứng tỏ rằng trong thời kỳ 10 thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội Roma đã có một chỗ đứng nổi bật trong các Giáo Hội khác và đã thi hành một ảnh hưởng đặc biệt về đạo lý, kỷ luật và phụng vụ.

Tuy nhiên vào cuối khóa họp ở thành phố Vienne năm 2010, mặc dù có nhiều cố gắng, 15 Giáo Hội Chính Thống vẫn không thỏa thuận được với nhau về việc công bố một văn kiện chung. Một số thành viên Chính Thống, trong đó có Chính Thống Nga, coi văn kiện này là "thiếu quân bình" vì nghiêng về lập trường của Giáo Hội Công Giáo, và không tham chiếu các tòa Giám Mục lớn khác của Giáo Hội cổ thời và vai trò của các Giáo Hội này trong các Công đồng chung. Một số Giáo Hội Chính Thống khác bày tỏ ngỡ ngàng về sự kiện một Ủy ban thần học lại có thể chấp thuận một văn bản có tích chất chủ yếu là lịch sử.

Sau khi thảo luận lâu dài, phái đoàn Công Giáo chấp nhận coi văn bản ấy như một tài liệu làm việc cho các giai đoạn kế tiếp trong cuộc đối thoại. Với quyết tâm tiếp tục đối thoại trên con đường đã được Văn kiện trong khóa họp ở Ravenna mở ra, các thành viên của Ủy ban quyết định ủy thác cho một Tiểu ban nhiệm vụ chuẩn bị một dự thảo văn kiện mới để đệ trình cho Tiểu Ban điều hợp cứu xét, với mục đích chuẩn bị cho khóa họp toàn thể trong tương lai, vừa khi có thể. Ðặc biệt các thành viên quyết định rằng dự thảo mới phải để ý đề tài quyền tối thượng trong bối cảnh công nghị tính (sinodalità) từ một viễn tượng có tính chất thần học nhiều hơn.

Sau quyết định đó, Tiểu ban điều hợp đã nhóm từ ngày 13 đến 17 tháng 6 năm 2011 tại Tethymno trên đảo Creta thuộc Hy Lạp, theo lời mời của Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống địa phương Eugenios. Phiên họp được đặt dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Kurt Koch và Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Zizioulas thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople. Các thành viên khác gồm 6 vị Công Giáo và 4 vị Chính Thống đến từ các tòa Thượng Phụ Constantinople, Mascơva, Serbia, và đảo Chypre.

Người ta thấy hai bên có quan điểm và phương pháp khác nhau nên rất khó đạt tới một văn kiện chung. Thêm vào đó, lập trường do Chính Thống trình bày cũng không được tất cả các Giáo Hội Chính Thống đồng ý, nên càng phức tạp hơn. Do sự khó khăn đó, Tiểu ban điều hợp không thể hoàn tất việc nghiên cứu dự thảo văn kiện, nhưng ấn định một cuộc gặp gỡ khác vào năm 2012, với mục đích tiếp tục duyệt lại văn kiện, và trong thời gian đó yêu cầu một nhóm nhỏ soạn lại một vài đoạn gây khó khăn.

Tiếp tục hy vọng dù khó khăn

Trong buổi tiếp kiến phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đến Roma nhân dịp lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, 29 tháng 6 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã nồng nhiệt mời gọi tiếp tục con đường đối thoại trong niềm tín thác và tin tưởng, mặc dù có những khó khăn trong lúc này. Ngài nói: "Chúng tôi rất quan tâm theo dõi công việc của Ủy ban quốc tế hỗn hợp đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo. Dưới cái nhìn hoàn toàn là phàm nhân, người ta có cảm tưởng cuộc đối thoại không có tiến bộ nào. Trong thực tế, nhịp tiến đối thoại tùy thuộc sự phức tạp của đề tài, đòi phải có sự dấn thân nghiên cứu, suy tư và cởi mở đối với nhau. Chúng ta được mời gọi cùng nhau tiếp tục con đường này trong tình bác ái, khẩn cầu Chúa Thánh Linh ban ánh sáng soi dẫn, với xác tín chắc chắn rằng Ngài muốn dẫn chúng ta đến sự chu toàn thánh ý Chúa Kitô "ước gì tất cả chúng được nên một" (Ga 17,21).

Về phần Ðức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople (Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ) khi tiếp kiến phái đoàn Tòa Thánh đến mừng lễ kính thánh Anrê, 30 tháng 11 năm 2011, ngài cũng nhận xét rằng: "Công việc của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống không đơn giản tí nào, vì có những vấn đề chồng chất qua nhiều thế kỷ, sau khi hai bên trở nên xa lạ với nhau và đôi khi đối nghịch nhau, tình trạng đó đòi phải có một sự nghiên cứu và suy nghĩ kỹ lưỡng. Nhưng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, với thiện chí của cả hai bên, và nhìn nhận nghĩa vụ của chúng ta trước mặt Chúa, và loài người, cúng ta sẽ tiến đến những thành quả mong muốn, khi Chủ Vườn Nho thấy là thích hợp".

Vì thế, trong năm 2011, sự khắc phục những chướng ngại gặp phải trong khóa họp toàn thể ở Vienne chỉ thành công một phần. Sự đặt tới sự đồng thuận giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống về vấn đề chủ yếu là quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng vẫn còn đòi rất nhiều dấn thân từ phía Ủy ban hỗn hợp.

Nhận định của Ðức Hồng Y Kurt Koch

Trên đây là nội dung bài đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh. Về phần Ðức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, ngài nhìn nhận những khó khăn rất lớn mà Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống đang gặp phải.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội Ðồng Giám Mục Italia, truyền đi hôm 16 tháng 1 năm 2012, Ðức Hồng Y Kurt Koch nói thẳng rằng cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo không thể tiến triển được bao lâu chưa có một công đồng chung liên Chính Thống giáo.

Ðức Hồng Y cho biết quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo với Giáo Hội Chính Thống Constantinople rất tốt đẹp và quan hệ với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva đã được cải tiến nhiều, tuy nhiên về Ủy ban quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo, chúng ta phải thành thật nói rằng chúng ta đã đi tới một trình trạng rất khó khăn. "Trước đây chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua được một bước quan trọng, nhưng sau cuộc gặp gỡ tại Ravenna, đông bắc Italia, hồi năm 2007, phía Chính Thống không muốn tiếp tục nữa.

Trong khóa họp toàn thể hồi tháng 9 năm 2010 tại Vienne, thủ đô Áo, Ủy ban quốc tế đối thoại thần học giữa Chính Thống và Công Giáo đã không đạt tới được quyết định về việc công bố một văn kiện chung về vai trò của Ðức Giáo Hoàng trong cộng đồng hiệp thông của Giáo Hội trong ngàn năm thứ I. Theo Ðức Hồng Y, rất tiếc là không có bản văn nào có thể được trình bày trong khóa họp toàn thể của Ủy ban đối thoại vào năm tới đây.

Ðức Hồng Y Koch giải thích rằng cần phải tìm kiếm lý do sự khựng lại như vậy vì các Giáo Hội Chính Thống đang đứng trước một thách đố lớn là Công đồng chung liên Chính Thống giáo. Phong trào đại kết có thực hiện được một bước tiến quan trọng hay không, đó là điều tùy thuộc Công đồng ấy có thành công hay không.

Công đồng chung liên Chính Thống giáo có thể diễn ra trong năm nay, sau 35 năm trời chuẩn bị. Công đồng qui tụ tất cả các gia đình Giáo Hội xuất phát từ cuộc ly giáo năm 1054, tức là gồm đại diện của khoảng 220 triệu tín hữu Chính Thống trên thế giới. Sáng kiến triệu tập công đồng này là do Ðức Thượng Phụ Athenagoras, Giáo chủ Chính Thống Constantinople hồi năm 1966.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page