Tuần cầu nguyện

cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô

 

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô.

Vatican (Avvenire 18-1-2012; Vat. 23-01-2012) - Phỏng vấn Linh Mục Gino Battaglia, Giám đốc văn phòng đối thoại đại kết và liên tôn của Hội Ðồng Giám Mục Italia.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô bắt đầu ngày 18 tháng 1 năm 2012 sẽ kết thúc với buổi hát Kinh Chiều trọng thể do Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chủ sự tại Ðền thờ thánh Phaolô ngoại thành chiều thứ tư 25 tháng 1 năm 2012.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng 1 năm 2012 và trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18 tháng 1 năm 2012 Ðức Thánh Cha đã mời gọi tín hữu sốt sắng hiệp ý cầu nguyện cho ngày hiệp nhất trọn vẹn giữa mọi tín hữu kitô mau tới. Ngỏ lời với 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến trong đại thính đường Phaolô VI, Ðức Thánh Cha đã nhắc lại lịch sử của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô.

Thói quen của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu đã được đưa ra vào năm 1908, bởi Cha Paul Wattson, sáng lập viên một cộng đoàn dòng tu anh giáo, sau đó gia nhập Giáo Hội công giáo. Sáng kiến này được Ðức Giáo Hoàng Pio X chúc lành, được Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV thăng tiến và khuyến khích cử hành trong toàn Giáo Hội công giáo với Tông thư Romanorum Pontificum công bố ngày 25 tháng 2 năm 1916.

Tuần cầu nguyện đã được khai triển và hoàn bị trong thập niêm 1930 của thế kỷ vừa qua bởi linh mục Paul Couturier tỉnh Lyon, là người đã ủng hộ việc cầu nguyện "cho sự hiệp nhất Giáo Hội như Chúa Kitô muốn và phù hợp với các dụng cụ mà Người muốn".

Ðề tài năm nay 2012 lấy từ thư thứ I gửi tín hữu Côrintô: "Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi bởi chiến thắng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (x. 1 Cr 15,51-58). Ðề tài do một nhóm đại kết kitô Ba Lan đề nghị muốn nhấn mạnh sức mạnh sự nâng đỡ của đức tin kitô giữa các thử thách và đảo lộn của cuộc sống như trong trường hợp của lịch sử Ba Lan.

Chiến thắng của Chúa Kitô là chiến thắng đối với tình yêu khổ đau, đối với việc phục vụ nhau, sự trợ giúp, niềm hy vọng mới và sự an ủi cụ thể những người rốt hết, những người bị quên lãng và bị khước từ. Chúng ta có thể tham dự vào "chiến thắng" biến đổi đó, nếu chúng ta để cho mình được Thiên Chúa biến đổi.

Ðức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiệp nhất tràn đầy và hữu hình của các tín hữu kitô đòi buộc chúng ta phải để cho mình thay đổi, và ngày càng đồng hình đạng hoàn thiện hơn với hình ảnh của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin đòi buộc một sự hoán cải nội tâm, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn. Nhiệm vụ đại kết là một trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội và mọi tín hữu đã được rửa tội. Nó phải làm cho sự hiệp thông đã có giữa các tín hữu kitô lớn lên cho tới sự hiệp thông trọn vẹn trong sự thật và trong chân lý. Vì thế, cầu nguyện cho sự hiệp nhất không chỉ thu hẹp trong Tuần cầu nguyện, mà phải trở thành phần của cuộc sống cầu nguyện của mọi kitô hữu, trong mọi nơi và mọi lúc. Lý do là vì sự thiếu hiệp nhất giữa các tín hữu kitô ngăn cản việc loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu, và nó phá hủy hay gây hại cho sự đáng tin cậy của Kitô giáo.

Liên quan tới tới các chân lý nền tảng của đức tin, điều hiệp nhất giữa các tín hữu kitô chắc chắn lớn hơn điều chia rẽ họ với nhau. Nhưng các chia rẽ liên quan tới các vấn đề thực hành và luân lý khác nhau, gây ra lẫn lộn và nghi ngờ, làm suy yếu khả năng thông truyền Lời cứu độ của Chúa Kitô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Gino Battaglia, Giám đốc văn phòng đối thoại đại kết và liên tôn của Hội Ðồng Giám Mục Italia, về tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô.

Hỏi: Thưa cha Battaglia, đâu là tầm quan trọng của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô? Nó có phải là một nghi thức "mệt mỏi" hay không?

Ðáp: Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô không phải là một nghi thức "mệt mỏi" như có người tưởng nghĩ. Trái lại, hết năm này sang năm khác, việc cử hành lan rộng như vết dầu loang sang nhiều quốc gia khác. Nó là niềm hy vọng cho phong trào đại kết trong tương lai. Tôi nghĩ chính việc cầu nguyện có tầm quan trọng nền tảng đối với tất cả mọi tín hữu kitô. Trong các năm qua, bên cạnh phong trào đại kết của giới chức cấp cao hay trên bình diện đối thoại thần học, cũng có phong trào đại kết tinh thần, trong đó lời cầu nguyện là điểm chính. Chính vì thế có thể nói rằng Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô là trái tim của phong trào đại kết tinh thần; nó là một con tim sống động, đập nhịp và ngày càng trải dài ra các hiệu qủa tốt của nó.

Hỏi: Nghĩa là theo cha, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất không có nguy cơ trở thành một nghi thức nhàm chán mệt mỏi?

Ðáp: Chẳng những không có nguy cơ nhàm chán mệt mỏi, trái lại, việc cầu nguyện từ bao nhiêu năm nay đã giúp giảm khoảng cách giữa các Giáo Hội kitô và tín hữu của các cộng đoàn giáo hội khác nhau. Thật thế, lời cầu nguyện biến đổi, cho phép nhớ lại, tạo ra các tâm tình mới và xây dựng tình bạn. Do đó cần tự hỏi phong trào đại kết sẽ ra sao, nếu không có Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Tôi nhớ đến ẩn dụ mà Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu kitô, đã dùng trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Ðồng. Ðó là ẩn dụ chiếc máy bay. Khi máy bay cất cánh, mọi người đều nhận thấy tốc độ nhanh của sự chuyển động, nhưng khi máy bay đã đạt độ cao của nó, thì xem ra máy bay đứng tại chỗ. Phong trào đại kết ngày nay cũng có thể cho chúng ta cảm tưởng nó dừng lại, không tiến nữa. Nhưng chúng ta tin tưởng nơi lời của Chúa Giêsu và biết rằng trước sau gì nó cũng sẽ tới đích.

Hỏi: Ðâu là các sự kiện quan trọng ghi dấu tiến triển của phong trào đại kết kitô thưa cha?

Ðáp: Trước hết có chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Erfurt, là quê sinh của Martin Luther, trong khuôn khổ chuyến công du mục tại Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Ðây đã là một biến cố lịch sử, mà đối với riêng tôi nó nhắc lại biến cố Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm hội đường do thái tại Roma. Tôi tin chắc rằng chuyến viếng thăm này sẽ tạo thuận tiện cho các phát triển tích cực giữa các tín hữu Công giáo và tín hữu Luther, vì trong diễn văn của người Ðức Thánh Cha đã thừa nhận các tâm tình chân thành của Luther. Cũng không nên đánh giá thấp điều ngài nhấn mạnh trong chuyên viếng thăm mục vụ tại Phi châu liên quan tới các phong trào kitô có cơ cấu tổ chức và giá trị tín lý thấp, nhưng lại rất sinh động. Các thực tại tương tự khó mà có thể lồng khung trong một phong trào đại kết. Một đàng các phong trào này có nguy cơ lấy mất đi tín hữu của tất cả các Giáo Hội Kitô lịch sử, đàng khác chúng là một thách đố đối với cả chúng ta nữa, thách đố tái khám phá ra một chiều kích bình dân hơn và một kiểu đọc hiểu Lời Chúa một cách sâu xa hơn trong các cộng đoàn của chúng ta.

Hỏi: Vậy thưa cha, trong bối cảnh này Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô năm nay có đặc thái nào?

Ðáp: Ðặc thái Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô năm nay phát sinh từ ý nghĩa phục sinh của đề tài được chọn: "Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi bởi chiến thắng của Chúa Kitô", có nghĩa là tất cả chúng ta phải để cho mình được hoán cải, vì ý nghĩa sự chiến thắng của Chúa Kitô là chính sự hoán cải ấy. Ðây không phải là chuyện nghĩ tới đại kết theo lược đồ của việc trở lại với sự hiệp nhất, trong đó một Giáo Hội từ từ thu tóm tất cả các Giáo Hội khác, nhưng là cố gắng cùng nhau tiến tới trung tâm là Chúa Kitô. Chúng ta càng tiến tới gần Chúa Kitô bao nhiêu, thì lại càng giảm các xa cách giữa chúng ta bấy nhiêu.

Hỏi: Như thế theo cha, đâu là cách thức tốt nhất giúp cử hành Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô?

Ðáp: Nếu tôi có thể đưa ra một gợi ý, thì cách thức tốt nhất là tạo thuận tiện cho các tiếp xúc trên bình diện nền tảng, giữa tín hữu các Giáo Hội Kitô với nhau. Ðại kết không bao giờ chỉ là một sự kiện "chính trị-ngoại giao" hay thần học, mà phải đi vào cuộc sống cụ thể trong các cộng đoàn của chúng ta. Ðàng khác tại Italia, do hiệu qủa của hiện tượng di cư, gương mặt của Kitô giáo cũng đang thay đổi. Hơn phân nửa các anh chị em di cư là kitô hữu, và họ thuộc nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau. Nếu chúng ta chưa có thể cùng họ nếm hưởng hạnh phúc cùng tham dự một bàn tiệc Thánh Thể, thì ít nhất chúng ta hiệp thông với nhau chung quanh Lời Chúa và chia sẻ với nhau Lời cứu độ.

(Avvenire 18-1-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page