Kinh tế tài chánh phải được

luân lý đạo đức hướng dẫn

 

Kinh tế tài chánh phải được luân lý đạo đức hướng dẫn.

Vatican (Avvenire 28-12-2011; Vat. 18/01/2012) - Phỏng vấn Linh Mục Gael Giraud về sự cần thiết tái khám phá ra gía trị luân lý đạo đức trong lãnh vực tài chánh.

Trong diễn văn đọc trước nhân viên các cơ quan trung ương Tòa Thánh sáng ngày 22 tháng 12 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã đề cập tới cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài từ năm 2008 tới nay. Ngài nói: "Vào cuối năm, Âu châu đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh, xét cho cùng, cuộc khủng hoảng này là do khủng hoảng về luân lý đạo đức đang đe dọa Ðại Lục kỳ cựu này. Tuy các giá trị như tình liên đới, dấn thân cho tha nhân, trách nhiệm đối với người nghèo và người đau khổ, phần lớn không bị đặt lại vấn đề, nhưng chúng thường thiếu sức mạnh thúc đẩy, có khả năng dẫn đưa cá nhân và các nhóm lớn trong xã hội chấp nhận từ bỏ và hy sinh". Trong số 37 của Thông điệp "Bác ái trong chân lý" Ðức Thánh Cha cũng đã khẳng định rằng: "Mỗi một quyết định kinh tế đều có một hậu qủa có tính cách luân lý". Và trong Thông điệp "Tiến bộ các dân tộc" Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã minh nhiên sự cần thiết kinh tế không được đánh mất đi cái nhìn về con người và chỉ nhắm các lợi nhuận vật chất mà thôi. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Gael Giraud, người Pháp dòng Tên, về sự cần thiết tái khám phá ra giá trị luân lý đạo đức trong lãnh vực kinh tế tài chánh.

Cha Giraud sinh năm 1970 chuyên nghiên cứu về kinh tế toán học và là tác giả của 30 cuốn sách và các bài khảo luận cũng như hàng chục bài báo, đăng trên các nguyệt san kinh tế thuộc nhiều đại học khác nhau. Cha là giáo sư dậy lý thuyết các cuộc chơi và kinh tế toán học tại đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, đại học Strasbourg Louis Pasteur bên Pháp và đại học Hà Nội, Việt Nam. Cha cũng thường xuyên thuyết giảng tại đại học công giáo Louvain-la-Neuve Bỉ, và tại Tchad, nơi cha đã thành lập một Trung tâm tiếp đón trẻ em bụi đời Balimba.

Hỏi: Thưa Cha Giraud, theo cha thì các gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới không phải chỉ là cuộc khủng hoảng tài chánh, tại sao vậy?

Ðáp: Từ 20 năm nay chúng ta đang sống trong một tình trạng kinh tế rất bất lợi cho Âu châu. Chúng ta đang cạnh tranh với các nước có nền kinh tế đang lên, nhưng các nước này lại có các điều kiện lương bổng rất khác với các điều kiện lương bổng của Âu châu. Như thế, chính chúng ta đề cập tới một sự gò ép lương bổng rất mạnh. Các gia đình Âu châu, Hoa Kỳ, Nhật Bản không tiêu thụ đủ, vì lợi tức qúa yếu. Ðùng một cái, phương tiện kinh tế toàn cầu vĩ đại duy nhất lâm vào trình trạng bù trừ cho sự yếu kém này là tín dụng để tiêu thụ vào giữa thập niên 1990. Chính trên tín dụng này mà tờ thông tin tài chánh của các năm 2001-2007 được tháp vào, đặc biệt là tại Mỹ, Anh quốc, Tây Ban Nha và Áo. Các món nợ công cộng hiện nay đa số gắn liền với việc chuyển ngân dưới hình thức công của các món nợ tư, đã trở thành không thể chịu đựng nổi nữa trong năm 2008.

Hỏi: Cbúng ta có thể hỏi xem dân chủ tới mức nào, khi các món nợ tư lại trở thành các món nợ công như vậy thưa cha?

Ðáp: Trong năm 2008 các nước âu châu đã hành động tốt, khi cứu vớt các ngân hàng. Ðó đã là điều tuyệt đối cần thiết. Nhưng ngày nay, các thị trường báo thù các chính quyền, bằng cách trách các chính quyền là lâm cảnh nợ nần qúa đáng, trong khi một phần nợ nần ấy gắn liền với việc cứu các ngân hàng này. Về điều này thì tôi hiểu sự bất mãn của dân chúng bên Tây Ban Nha, và Hy Lạp, và của những ai nói rằng những người thất nghiệp không nhất thiết phải trả giá cho các sai lỗi của các nhà băng. Ðây là điều càng thật hơn nữa, khi chúng ta nghĩ rằng các chương trình khắc khổ "thắt lưng buộc bụng" áp đặt ngày nay có lẽ sẽ giúp giảm nợ nần, nhưng không giảm món nợ công cộng, vì các ảnh hưởng trên sức tăng trưởng, cũng như vì lãi xuất vốn đã qúa cao rồi.

Hỏi: Thưa cha, các phân tích tình trạng nợ nần của Italia thường rất khác nhau. Cha nghĩ sao?

Ðáp: Ðây là một tình trạng mà đối với vài chuyên viên, còn tốt hơn là tình trạng của nước Pháp. Một phần tiền nợ của Italia là gia tài của thập niêm 1990. Nhưng nói chung, nền tảng nền kinh tế Italia lành mạnh. Số nợ tư rất ít, và một phần lớn số nợ công là do người Italia nắm giữ. Ðối với nước Italia không có lý do để gieo rắc sự hốt hoảng, tuy nhiên, các thị trường tài chánh ngày nay thật sự không hữu lý, và không thể lường trước được.

Hỏi: Sức mạnh của nền kinh tế gia đình Italia sẽ là thuẫn đỡ, trong tầm trung bình, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Tuyệt đối là như thế rồi. Người ta cũng có thể gỉa thiết rằng một chính quyền mạnh quyết định khiến cho mình độc lập hơn khỏi các thị trường qua việc cho vay một số tiền với lãi xuất nhẹ 1-2%, và số tiền này sẽ là một phần của sự liên đới quốc gia. Dầu sao đi nữa, điều này sẽ dễ thực hiện bên Italia hơn là bên Pháp, nơi tình trạng nợ nần tư rất là tế nhị. Trái lại, trong các nước Anglosaxon đây là điều tuyệt đối không thể làm được, bởi vì tiền tiết kiệm qúa ít, trong khi số nợ tư lại qúa cao.

Hỏi: Các tương quan giữa nước Pháp và nước Ðức khiến cho người ta phải tranh luận, một đàng người ta sợ hai nước này đưa ra một chỉ thị mới cho Âu châu, đàng khác người ta sợ triệu chứng của sự đổ bể của Liên Hiệp Âu Châu. Riêng cha, thì cha nghĩ sao?

Ðáp: Mọi chỉ dẫn đều là tạm thời hết, bởi vì nước Pháp cũng sẽ mau chóng ở trong tình trạng của nước Italia và Tây Ban Nha. Theo thiển ý tôi, trong các thương lượng với nước Ðức hiện nay nước Pháp có một vai trò xấu, vì xem ra chỉ muốn triệt để che chở các ngân hàng của mình. Trái lại, nước Ðức thì muốn tiến tới chỗ hủy bỏ một phần món nợ, và bắt buộc các ngân hàng phải trả nợ.

Bên Ðức có một cơ cấu kinh tế đích thật có thể chống lại cơ cấu ngân hàng. Nhưng bên Pháp thì không có. Ðồng thời riêng cá nhân tôi, tôi không đồng ý với sự chống đối của nước Ðức đối với một loại tiền tệ của nợ nần công cộng. Tôi thấy rằng cặp Ðức và Pháp không đứng vững, và không được các nước khác trong Liên Hiệp Âu châu nhìn với con mắt thiện cảm. Nhưng hai nước vẫn còn có thể làm nhiều điều cho Âu châu, bằng cách hoạt động cho việc thành lập một chính quyền kinh tế âu châu, và tiền tệ hóa một phần của các món nợ công của các nước yếu kém.

Hỏi: Thưa cha, làm thế nào để ra khỏi đường hầm đen tối này của cảnh nợ nần công cộng?

Ðáp: Có ba con đường. Con đường thứ nhất, mà nước Pháp chống lại, là hủy bỏ một phần các món nợ, đây là điều người ta đang làm đối với nước Hy Lạp, và chắc chắn người ta cũng sẽ làm đối với hai nước Ailen và Bồ Ðào Nha. Có lẽ người ta cũng sẽ làm đối với các nước Tây Ban Nha, Italia và Pháp. Ðiều này sẽ đặt ra một dấu hỏi lớn đối với tương lai của các ngân hàng có nguy cơ bị phá sản, đặc biệt là các ngân hàng của Pháp và của Ðức. Chắc chắn là cần phải quốc hữu hóa ít nhất là một phần, vài ngân hàng. Nhưng dầu sao đi nữa cũng cần phải lựa chọn giữa kiểu chọn của Islen là không trả tiền các nhà băng, hay kiểu ngược lại của Ailen. Trong trường hợp thứ nhất, các người tiết kiệm giầu sẽ trả các hóa đơn. Trong trường hợp thứ hai, tất cả mọi người đóng góp đều phải trả.

Hỏi: Như vậy có giải pháp nào khác nữa không thưa cha?

Ðáp: Có, đó là việc tiền tệ hóa, nghĩa là cho phép ngân hàng trung ương Âu châu tạo ra tiền để mua các món nợ công. Nhưng nước Ðức lại không chịu chấp nhận giải pháp này. Còn có một con đường thứ ba nữa, đó là mau chóng tiến tới một chính quyền chính trị âu châu với một sự hợp pháp dân chủ đích thực để áp đặt các quyết định khó khăn. Chính quyền này sẽ có mầu sắc nước Ðức và sẽ áp đặt khắp nơi chính sách chi tiêu khắc khổ "thắt lưng buộc bụng", nhưng với các di chuyển tài chánh bù lại. Ðây sẽ là cách thức duy nhất bắt buộc nước Ðức trả một phần cho các nước khác. Có thể hy vọng rằng một chính quyền như thế có đủ sự đáng tin cậy để áp đặt một sự phối hợp hỗn hợp: vừa hủy bỏ một phần nợ nần, vừa duyệt xét các thỏa hiệp cho phép Ngân hàng trung ương âu châu tài trợ một phần các món nợ vv... Nhưng chúng ta còn ở rất xa một chính quyền như thế. Ngay cả nước Ðức, ban đầu xem ra đã đồng ý, thì mới đây đã lại cho biết là mình chưa sẵn sàng để trả nợ cho các nước yếu kém hơn.

Hỏi: Nhưng mà cuộc khủng hoảng tài chánh này cũng là phản ánh của một cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Ðúng vậy. Rất nhiều guồng máy kinh tế hiện nay có thể được coi như là xu thời và xây dựng trên sự tình cờ luân lý. Chẳng hạn, có sự xung khắc lợi lộc giữa các tổ chức cổ phần và các ngân hàng trả tiền cho các tổ chức cổ phần ấy. Các tổ chức cổ phần này luôn nói điều các ngân hàng muốn nghe. Trong khi các cơ quan tưởng thưởng trên các thị trường tài chánh thì được trả tiền bởi các người đầu tư, như thế chúng cho các giới đầu tư thấy chúng làm cho họ hài lòng chừng nào có thể. Bên Hoa Kỳ chính quyền của tổng thống Obama có một phần bao gồm các giới chức ngân hàng, và vì thế vấn đề xung khắc lợi lộc trở thành tổng quát. Ðồng thời người ta cũng nhận ra một vấn đề luân lý đạo đức trên bình diện tài chánh, cũng gắn liền với sự kiện các kitô hữu dấn thân trong lãnh vực tài chánh có một ý niệm rất hạn chế về luân lý cá nhân, là ý niệm về sự liêm chính. Nó hệ tại chỗ nói rằng tôi không thò tay vào trong thùng tiền và tôi tôn trọng các luật chơi. Nhưng ngày nay chúng ta đang đứng trước một tình trạng, trong đó các luật lệ cuộc chơi không lành mạnh. Cần phải thay đổi chúng. Ðây là một vấn đề luân lý đạo đức tập thể, và theo tôi các kitô hữu phải tái khám phá ra các nhân đức của nền luân lý đạo đức tập thể, rất quan trọng trong truyền thống kitô, nhưng ngày nay thì ít sống động hơn xưa. Cầm lái tốt một tầu lửa đã là điều tốt rồi, nhưng đôi khi trên bình diện luân lý cũng cần phải hỏi xem hàng hóa con tầu ấy chuyên chở nó như thế nào.

(Avvenire 28-12-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page