Không thể xây dựng đất nước
trên lừa đảo, dối trá, kinh hoàng và bạo lực
Không thể xây dựng đất nước trên lừa đảo, dối trá, kinh hoàng và bạo lực.
Congo (Vat. 18/01/2012) - Trong những ngày vừa qua Hội Ðồng Giám Mục Cộng Hòa Ðân Chủ Congo đã công bố thư mục vụ mạnh mẽ lên án bầu khí lừa đảo, gian đối và kinh hoàng thống trị đất nước. Các Giám Mục mời gọi giới hữu trách chính trị can đảm nhìn nhận sự thật, và các vị định nghĩa các gian đối lừa đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm qừa qua là một hổ nhục cho dân tộc và đất nước Congo. Các Giám Mục khẳng định rằng không thể xây dựng đất nước trên lừa đảo, dối trá, kinh hoàng, sử dụng quân đội và vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân được.
Như đã biết, các cuộc bầu cử tổng thống tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã diễn ra ngày 28 tháng 11 năm 2011. Ngay trong các ngày tranh cử đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa các đảng phái khác nhau trong thủ đô Kinshasa và nhiều tỉnh lớn khác. Các căng thẳng khiến cho người ta nhớ tới các xung đột trong cuộc bầu cử hồi năm 2006 khiến cho hàng trăm người thiệt mạng. Trong ngày tranh cử cuối cùng hàng ngàn người thuộc các đảng phái khác nhau đã ném đá gạch, một vài người đã nổ súng khiến cho cảnh sát phải bắn lựu đạn cay để giải tán; đã có vài người chết và nhiều người bị thương. Trước tình hình căng thẳng chính quyền đã quyết định ngưng cuộc tranh cử và hủy bỏ cuộc diễn thuyết tranh cử của ông Etienne Tshisekedi, 79 tuổi đối thủ chính của tổng thống mãn nhiệm Joseph Kabila, 40 tuổi.
Sau cuộc kiểm phiếu ngày 9 tháng 12 năm 2011, Tòa thượng thẩm đã xác nhận là ông Kabila được 49% tổng số phiếu, trong khi ông Tshisekedi được 32%. Ông Tshisekedi đã phản đối tố cáo các gian lận, và yêu cầu hủy bỏ kết qủa của cuộc đầu phiếu. Trước sự khước từ của Tòa thượng thẩm, ông tự tuyên bố mình là tổng thống tân cử. Các đụng độ kéo dài nhiều tuần sau đó giữa hai phe đã khiến cho hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương và khiến cho bầu khí xã hội vô cùng hỗn loạn. Sự kiện cuộc bỏ phiếu đã có nhiều điều không bình thường cũng đã được các quan sát viên quốc gia và quốc tế xác nhận, trong đó có các quan sát viên của tổ chức Carter và Liên Hiệp âu châu. Ðức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục Kinshasa, cũng không tin vào sự trong sáng và liêm chính của cuộc bầu cử. Ngài tuyên bố với giới báo chí rằng: "sau các phân tích kết qủa cuộc bầu cử do Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập công bố ngày mùng 9 tháng 12 năm 2011, chúng ta có thể thực sự kết luận rằng các kết qủa đó không phù hợp với sự thật và công lý". Chính trong bối cảnh này mà sau phiên họp khoáng nhóm tại Kinshasa trong các ngày 9 đến 12 tháng giêng năm 2012, Hội Ðồng Giám Mục Congo đã công bố thư mục vụ nghiêm khắc phê bình hiện tình đất nước.
Cộng Hòa dân chủ Congo rộng hơn 2 triệu 345 cây số vuông, có 72 triệu dân, 45% theo Công Giáo, 35% theo Tin Lành và 20% theo đạo thờ vật linh. Trên bình diện chủng tộc đa số dân Congo thuộc chủng tộc Bantu, gồm 300 bộ lạc khác nhau, trong đó có các bộ lạc chính như Teke, Twa, Hutu, Ngbandi, Mongo và Luba. Từ sau khi được độc lập năm 1960, Congo Zair đã trải qua 2 cuộc nội chiến giữa các năm 1996-1997, 1998-2003. Cuộc nội chiến thứ nhất kết thúc với việc lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Mobutu Sese Seko; cuộc nội chiến thứ hai dưới thời tổng thống Laurent Desiré Kabila và Joseph Kabila, khiến cho 4 triệu người thiệt mạng. Là quốc gia có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là các quặng mỏ, kể cả Uranium, vàng và bạc, đặc biệt trong vùng Kivu, Cộng hòa dân chủ Congo có khả thể trở thành một nước hùng mạnh. Nhưng rất tiếc cho tới nay các tài nguyên ấy đã không được sử dụng một cách đúng đắn để thăng tiến cuộc sống của người dân, mà chỉ làm giầu cho thiểu số lãnh đạo và các tổ chức siêu quốc.
Mở đầu thư mục vụ, các Giám Mục Congo xin Chúa chúc lành và ban hòa bình cho dân nước Congo nhân dịp đầu năm mới 2012 này. Trong phiên họp các Giám Mục đã phân tich bản tường trình quan sát bầu cử của ủy ban giám mục và từ đó rút tỉa ra các bài học cho tín hữu và nhân dân toàn nước. Các vị ca ngợi quyết tâm của người dân đã tích cực tham gia cuộc bầu cử tổng thống ngày 28 tháng 11 năm ngoái 2011, thường khi trong các điều kiện khó khăn. Nó là bằng chứng cho thấy sự trưởng thành và ý thức dân sự của người dân. Các vị cũng chúc mừng chính quyền trong cố gắng tài trợ phần lớn các cuộc bầu cử. Ðiều này cho thấy chúng ta có thể thành công khi đầu tư các phương tiên và thiện chí. Các Giám Mục cũng ghi nhận công khó của Ủy ban tổ chức bầu cử, phải đương đầu với nhiều thách đố của các cơ cấu hạ tầng truyền thông thiếu thốn, cũng như sự hy sinh của các quan sát viên bầu cử.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua các thực tại tiêu cực đè nặng trên xã hội Congo. Trong sứ điệp công bố ngày 25 tháng 2 năm 2011 tựa đề "Năm bầu cử: chúng ta phải làm gì?", các Giám Mục đã cầu mong các cuộc đầu phiếu diễn ra trong sự trong sáng, sự thật và hòa bình, để cho đất nước Congo được kể vào số các quốc gia đáng kính phục. Trong lời kêu gọi ngày 3 tháng 12 năm 2011 các Giám Mục cũng mời gọi toàn dân và các giới chức chính trị tôn trọng sự thật. Và trong thông cáo ngày 8 tháng 12 năm 2011 các Giám Mục Congo đã ghi nhận các bất thường và sai lầm của tiến trình bầu cử. Lời Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Kinshasa tố cáo việc không phù hợp với sự thật và sự bất công của các kết qủa bầu cử cũng nằm trong cùng luận lý ấy của Hội Ðồng Giám Mục. Hôm nay bản tường trình đúc kết của Ủy ban quan sát bầu cử của Hội Ðồng Giám Mục, các chứng từ thu thập đươc trong các giáo phận và nhiều nguồn tin khác, cho thấy tại nhiều nơi cuộc bầu cử đã diễn ra trong bầu khí hỗn loạn. Có nhiều sai sót và các vụ lừa đảo được sắp đếp trước, nhiều đụng độ gây thiệt mạng cho cử tri, các lộn xộn, và tại một vài nơi bầu khí kinh hoàng được duy trì và khai thác để nhồi cho đầy các thùng phiếu. Những gì xảy ra trong việc thu thập các kết qủa bầu cử không thể chấp nhận được. Thật là một nỗi xấu hổ cho đất nước chúng ta. Dựa trên những sự kiện trên đây, chúng tôi đoán rằng tiến trình bầu cử đã bị vấy bẩn bới các bất bình thường nghiêm trọng, khiến đặt vấn nạn liên quan tới các kết qủa đã công bố. Chúng tôi yêu cầu các người tổ chức có can đảm và liêm chính đưa ra các kết luận cần phải có. Nhưng nếu người ta liều lĩnh tiếp tục cai tri đất nước này bởi sự thách thức, các căng thẳng bên trong ít nhiều đè nén được trong thời gian ngắn, thì sớm muộn gì chúng cũng sẽ đạt tột định với một cuộc khơủng hoảng trầm trọng và khó mà tháo gỡ nổi.Trong một cố gắng bao quát, cần phải lựa chọn con đường đối thoại vì ích lợi lớn hơn của đất nước Congo. Ðây là giờ của sự can đảm của chân lý.
Tiếp tục thư mục vụ các Giám Mục Congo nhắc lại sứ mệnh của mình là những người canh gác dân Chúa (Ed 3,17). Từ tiến trình bầu cử này các vị nhân ra nhiều thách đố đối với tương lai của một chính thể pháp quyền và hạnh phúc của người dân. Các vị không đứng ra tranh đấu chính trị để xây dựng một xã hội công bằng hơn, cũng không bênh vực một đảng phải chính trị nào. "Bởi vì, như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI khẳng định, Giáo Hội không thể và không phải thay thế Nhà nước, nhưng cũng không thể và không được đứng ngoài trân chiến cho công lý". Chính vì thế trong nhiệm vụ ngôn sứ của mình Giáo Hội hiện diện tại những nơi nhân loại đang đau khổ, và là tiếng vang lời kêu than thinh lặng của các người vô tội bị bách hại, hay của các dân tộc có các chính quyền cầm thế hiện tại và tương lai đất nước nhân danh các lợi lộc cá nhân. "Ðể được như thế, các Giám Mục Congo viết, chúng tôi sẽ không mệt mỏi tố cáo tất cả những gì gây nguy hiểm cho việc xây dựng một quốc gia dân chủ. Không thể xây dựng một quốc gia pháp quyền trong một nền văn hóa lừa đảo, dối trá và kinh hoàng, sử dụng quân sự và ngang nhiên vi phạm quyền tự do phát biểu được. Nếu dân chủ là một quyền của nhân dân, do dân và vì dân, thì phải tôn trọng nhân dân. Trong hối cảnh hiện nay nhân dân bị bầm dập và tước đoạt, bất lực chứng kiến một tiến trình không luôn luôn phản ánh ý muốn của mình, và tại nhiều nơi nó giống như là một sự giàn xếp giữa vài diễn viên chính trị với nhau.
Giáo Hội có sứ mệnh phục vụ sự thật. Tiến trình bầu cử phải cho phép củng cố nền văn hóa dân chủ và bình định đất nước. Chúng tôi muốn hòa bình. Nhưng hòa bình có các đòi buộc không thể vi phạm được, nhất là sự thật, công lý và tôn trọng người dân. Chính nhân danh hòa bình mà Giáo Hội Congo không ngừng mời gọi giới lãnh đạo thực thi công lý và yêu mến sự thật. Giới trẻ của chúng ta sẽ tràn đầy các giá trị nào, nếu suốt ngày họ chỉ được cống hiến các điều ngược lại?
Tiếp tục thư mục vụ các Giám Mục Congo mạnh mẽ lên án chiến dịch mạ lị xúc phạm tới Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Kinshasa, cũng như các lời chửi bới và đe dọa Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Congo, các đe dọa thể lý, các vi phạm nhân quyèn, các vụ bắt cóc, các vụ tịch thu phương tiện truyền thông. Các Giám Mục Congo kêu gọi tín hữu công giáo và nhân dân toàn nước bất bạo động, vì bạo động kêu mời bạo động, gây ra cảnh tàn phá và bần cùng. Các vị xin toàn dân Congo không nhượng bộ sự bi quan, thất vọng, hay bạo lực, tính duy bộ tộc và bài người nước ngoài, nhưng hiệp nhất chung quanh các giá trị kitô và dân chủ, công lý và sự thật, trưởng thành trong ý thức hiệp nhất quốc gia và quyền tối thượng của nó để thực thi quyền đó trong tất cả sự tỉnh thức và sự hợp pháp. Các vị yêu cầu các giới chức chính trị làm chứng cho sự trưởng thành chính trị, có khả năng tổ chức và hoàn toàn lãnh nhận trách nhiệm của mình, chấm dứt các lăng mạ và dối trá, lo cho công ích, lo cho nền giáo dục dân sự và hạnh phúc của người dân.
Các Giám Mục Congo cũng yêu cầu Ủy ban bầu cử có can đảm sửa chữa các lầm lẫn nghiêm trọng, làm sao để tái chiếm sự tin tưởng của nhân dân, nếu không thì phải từ chức.
Riêng đối với Quốc hội, các vị yêu cầu cấp tốc duyệt xét lại các thành phần của Ủy ban bầu cử, không còn được nhân dân tín nhệm nữa, và chỉ định các đại diện mới thuộc xã hội dân sự để được đôc lập hơn, và phải nhớ rằng nhân dân sẽ không chấp nhận việc thay đổi các điểu khoản của Hiến Pháp.
Còn đối với chính quyền các Giám Mục Congo yêu cầu rút tỉa ra các bài học của cuộc bầu cử thất bại này, và dự trù cách thức cho các cuộc bầu cử trong tương lai và thực hiện kịp thời để chúng được tiến triển tốt đẹp, chám dứt việc dùng của công cho các lợi lộc cá nhân, và ý thức rằng người dân muốn có các thay đổi.
Các Giám Mục cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát quốc gia và quân đội che chở dân chúng và đừng tuân hành các mệnh lệnh bất công. Tòa Thượng Thẩm cần phải hoàn toàn khách quan và độc lập trong việc phán xứ các tranh luận bầu cử. Sau cùng các vị xin cộng đồng quốc tế ưu tiên bênh vực quyền lợi của nhân dân Congo, và ủng hộ họ trong nỗ lực kiếm tìm công lý, hòa bình và tôn trọng sự tự quyết của họ.
Kết luận thư mục vụ các Giám Mục Congo khẳng định đất nước đang trải qua một giai doạn bất ổn và âu lo. Nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa và sự tin tưởng nơi con người, được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, có thể giúp thắng vượt chúng, qua việc thay đổi con tim, tâm thức và các thực hành. Cần phải có tình yêu đối với quê hương, ý chí khước từ các lợi lộc ích kỷ, để biết đối thoại và tìm ra các con đường giúp xây dựng hòa bình tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Nhưng nền hòa bình, mà chúng ta muốn, là nền hòa bình bắt nguồn từ công lý và lòng yêu mến sự thật. Vì hòa bình không công lý chỉ là ảo tưởng và mau tàn phai... Chính tình yêu và sự can đảm của chân lý vạch ra con đường của công lý và hòa bình đích thật, mà các Giám Mục muốn cho dân nước Congo được hưởng. Các vị xin Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh, Nữ Vương hòa bình và là Ðức Bà dân nước Congo, củng cố mọi sáng kiến hòa giải đối thoại, và xác nhận mọi cố gắng trợ giúp nước Congo đang đói khát công lý và hòa bình.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)