Ðức Thánh Cha

rửa tội cho 16 trẻ em

 

Ðức Thánh Cha rửa tội cho 16 trẻ em.

Vatican (Vat. 8/01/2012) - Sáng chúa nhật 8 tháng 1 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã ban phép rửa tội cho 16 trẻ em và sau đó ngài chủ sự kinh Truyền Tin với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Chúa nhật 8 tháng 1 năm 2012 cũng là lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan. Theo thông lệ từ nhiều năm nay, Ðức Thánh Cha ban phép rửa tội cho các em bé tại Nhà Nguyện Sistina ở dinh Tông Tòa, nơi có những bức bích họa nổi tiếng của Michelangelo và cũng là nơi diễn ra mật nghị bầu Giáo Hoàng. Trong số 16 em bé được chịu phép rửa, có 12 bé trai và 4 bé gái, trong đó có hai hài nhi sinh đôi. Tất cả các em là con cái của các nhân viên giáo dân làm việc tại Vatican.

Thánh lễ bắt đầu lúc quá 9 giờ 45 phút. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có hai vị Tổng Giám Mục là Ðức Cha Felix Del Blanco, người Tây Ban Nha, Chánh Sở Từ Thiện của Ðức Thánh Cha, và Ðức Cha Luciano Suriani, người Italia, Ðại biểu tại Phủ Quốc vụ khanh về các Sứ quán Tòa Thánh.

Sau lời chào phụng vụ và nhắn nhủ, Ðức Thánh Cha và các cha mẹ cùng với những người đỡ đầu lần lượt ghi dấu Thánh Giá trên trán của các hài nhi.

Bài giảng của Ðức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ sau các bài Sách Thánh, Ðức Thánh Cha nhắc nhở các cha mẹ và những người đỡ đầu về trách nhiệm giáo dục con cái:

"Trách nhiệm của cha mẹ, với sự hỗ trợ của những người đỡ đầu, chính là giáo dục con cái. Giáo dục là điều đòi rất nhiều cố gắng, nhiều khi cam go đối với khả năng nhân trần hạn hẹp của chúng ta. Nhưng giáo dục trở thành một sứ mạng tuyệt vời nếu nó được thực hiện trong sự cộng tác với Thiên Chúa, Người là nhà giáo dục đầu tiên và đích thực của mỗi người.

Tiếp đến, Ðức Thánh Cha lần lượt quảng diễn ý tưởng này dựa theo các bài đọc và đáp ca của ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ngài mời gọi các cha mẹ và những người đỡ đầu kín múc nơi Lời Chúa và các bí tích những "nguồn mạch của ơn cứu độ". Ðặc biệt về bài đọc hai và Tin Mừng, Ðức Thánh Cha nêu nhận xét: "Các bài đọc này nói với chúng ta rằng việc giáo dục đầu tiên và chủ yếu diễn ra qua việc làm chứng tá. Tin Mừng nói với chúng ta về Gioan Tẩy Giả. Gioan là một nhà đại giáo dục các môn đệ của Người, vì đã dẫn đưa họ đến gặp Chúa Kitô, Ðấng mà thánh nhân làm chứng. Gioan đã không tuyên dương bản thân mình, không muốn giữ các môn đệ gắn bó với mình, tuy rằng Gioan là một đại ngôn sứ, rất nổi tiếng. Khi Chúa Giêsu đến, Gioan đã rút lui và nói về Ngài: "Ðấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi nhiều.. Tôi rửa anh chị em trong nước, nhưng Ðấng ấy sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1,7-8). Nhà giáo dục chân chính không ràng buộc người khác với mình, không chiếm hữu họ. Nhà giáo dục ấy muốn rằng người con, người môn đệ học biết chân lý và có một quan hệ bản thân với chân lý. Nhà giáo dục chu toàn nghĩa vụ đến cùng, hiện diện trong thái độ quan tâm và trung tín; nhưng mục tiêu của nhà giáo dục là khi dạy dỗ, lắng nghe tiếng nói của chân lý nói với con tim mình và theo tiếng nói ấy trong hành trình bản thân.

"Chúng ta hãy trở lại việc làm chứng. Trong bài đọc thứ hai, thánh Gioan Tông Ðồ viết: "Chính Thánh Linh làm chứng" (1 Ga 5,6). Thánh nhân nói về Thánh Thần, Thần Trí của Thiên Chúa, làm chứng về Chúa Giêsu, minh xác Ngài là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa. Ta cũng thấy điều đó trong phép rửa tại sông Giordan: Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu như chim bồ câu để tỏ cho thấy rằng Ngài là Con duy nhất của Chúa Cha vĩnh cửu (Xc Mc 1,10). Cả trong Tin Mừng theo thánh Gioan cũng nhấn mạnh khía cạnh đó, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Khi Ðấng An ủi đến, Ðấng mà Thầy gửi đến với các con từ Cha, là Thần chân lý xuất phát từ Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy; và cả các con cũng làm chứng, vì các con ở với Thầy ngay từ đầu" (Ga 15,26-27). Ðiều này nâng đỡ chúng ta rất nhiều trong sự dấn thân giáo dục đức tin, vì chúng ta biết rằng chúng ta không lẻ loi và chứng tá của chúng ta được Thánh Thần nâng đỡ."

Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: "Ðiều rất quan trọng đối với anh chị em là các bậc cha mẹ, và đối với những người đỡ đầu, đó là mạnh mẽ tin tưởng nơi sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần, kêu cầu và đón nhận Chúa nơi anh chị em, qua kinh nguyện và các bí tích. Thực vậy, chính Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí, sưởi ấm tâm hồn của nhà giáo dục để họ biết thông truyền kiến thức và tình thương của Chúa Giêsu. Kinh nguyện là điều kiện đầu tiên để giáo dục, vì khi cầu nguyện, chúng ta đặt mình trong vị thế để cho Chúa có sáng kiến, ủy thác con cái cho Chúa, là Ðấng biết chúng trước và rõ hơn chúng ta, Chúa biết rõ đâu là thiện ích chân thực của con cái. Và đồng thời, khi cầu nguyện, chúng ta lắng nghe những soi sáng của Thiên Chúa để làm phần điều thiện mà chúng ta có nghĩa vụ phải thực hiện. Các bí tích, nhất là phép Thánh Thể và Thống Hối, giúp chúng ta chu toàn việc giáo dục trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, trong niềm hiệp thông với Ngài và liên tục được đổi mới nhờ ơn tha thứ của Chúa. Kinh nguyện và các bí tích giúp chúng ta được ánh sáng chân lý nhờ đó chúng ta có thể đồng thời vừa dịu dàng vừa cương quyết, sử dụng sự dịu hiền và cương nghị, im lặng và nói lúc thích hợp, khiển trách và sửa chữa đúng đắn.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Các bạn thân mến, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa Thánh Thần, để Ngài xuống ơn dồi dào trên các hài nhi này, thánh hóa các em theo hình ảnh Chúa Giêsu, và luôn luôn tháp tùng các em trên con đường cuộc sống. Chúng ta hãy phó thác các em cho sự hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria chí thánh, để các em lớn lên, được tăng trưởng trong sự khôn ngoan và ơn thánh, trở thành những tín hữu Kitô chân chính, chứng nhân trung thành và vui tươi của tình yêu Thiên Chúa".

Trong nghi thức ban bí tích rửa tội, hai vị Tổng Giám Mục giúp Ðức Thánh Cha xức dầu thánh cho 16 hài nhi và thực hiện các nghi thức phụ thuộc khác, còn chính ngài đổ nước trên đầu rửa tội cho các em.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 35 và sau đó, đúng 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hơn 40 ngàn các tín hữu hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha đã trình bày về chức phận làm con của chúng ta đối với Thiên Chúa. Ngài ứng khẩu nói:

"Ðối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta là con cái. Thiên Chúa là nguồn gốc cuộc sống của mọi thụ tạo, và là Cha một cách đặc biệt của mỗi người: Ngài có một quan hệ duy nhất đối với mỗi người. Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương. Và cũng trong quan hệ ấy với Thiên Chúa, chúng ta có thể "tái sinh" nghĩa là trở thành thực thể của chúng ta. Ðiều này xảy ra nhờ đức tin, nhờ lời thưa "xin vâng" một cách sâu xa và bản thân đối với Thiên Chúa như muồn gốc và nền tảng cuộc sống của chúng ta. Với lời thưa "xin vâng" ấy, tôi đón nhận sự sống như một hồng ân của Chúa trên trời, một Ðấng Sinh thành mà tôi không thấy nhưng tôi tin nơi Ngài và cảm thấy trong thẳm sâu tâm hồn Ngài là Cha tôi và của tất cả mọi anh chị em tôi trong nhân loại, một người Cha vô cùng tốt lành và trung tín. Ðâu là nền tảng niềm tin này nơi Thiên Chúa là Cha? Niềm tin ấy dựa trên Chúa Giêsu Kitô: con người và lịch sử của Ngài tỏ cho chúng ta Chúa Cha, cho chúng ta được biết Ngài, bao nhiêu có thể trên trần thế này. Tin rằng Chúa Giêsu là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, giúp ta "tái sinh từ trên cao", nghĩa là từ Thiên Chúa, Ðấng là Tình Thương (Xc Ga 3,3). Một lần nữa chúng ta để ý rằng không ai trở thành người, chúng ta sinh ra mà không có phần đóng góp của chính chúng ta, sự kiện chúng ta được sinh ra đi trước hoạt động của chúng ta, cả điều này cũng diễn ra trên bình diện là Kitô hữu, không ai tự mình trở thành Kitô hữu do ý muốn riêng của mình, cho dù Kitô hữu là một hồng ân đi trước hoạt động của chúng ta, chúng ta phải được tái sinh trong một sự sinh ra. Thánh Gioan đã nói: "Những ai đón nhận Ngài, thì Ngài cho quyền được trở nên con cái Thiên Chúa" (Ga 1,12). Ðó là ý nghĩa bí tích rửa tội, bí tích này đi trước hoạt động của chúng ta với đức tin, làm cho chúng ta có thể đến gặp gỡ Chúa Kitô, nhưng chỉ có Ngài mới có thể làm cho chúng ta thành Kitô hữu và mang lại cho ý chí, ước muốn này của chúng ta câu trả lời, phẩm giá, khả năng trở thành con cái Thiên Chúa mà chúng ta không thể tự ban cho mình.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: chúa nhật lễ Chúa chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì mầu nhiệm lớn lao này, là nguồn mạch sự tái sinh cho Giáo Hội và toàn thế giới. Thiên Chúa trở thành người, để con người trở thành con Thiên Chúa. Vì thế, cũng ta hãy canh tân niềm vui được làm con Chúa, trong tư cách là người và là Kitô hữu. Sinh ra và được tái sinh để sống một cuộc sống thần linh mới. Sinh bởi tình yêu của một ngừơi cha, người mẹ, được tái sinh từ tình yêu Thiên Chúa, nhờ bí tích rửa tội.

Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu xin ơn phù trợ của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và tất cả những ngừơi tin nơi Chúa, xin Mẹ giúp chúng ta sống thực sự như những con cái Thiên Chúa, không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Thánh Gioan đã viết: "Ðây là giới răn của Ngài: đó là chúng ta tin nơi danh của Con Ngài là Ðức Giêsu Kitô và yêu thương nhau, đây chính là giới răn Chúa đã ban cho chúng ta" (1 Ga 3,23).

Sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha còn chào các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Italia. Khi chào các tín hữu, Ðức Thánh Cha cũng tóm tắt ý nghĩa lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chẳng hạn ngài nói với các tín hữu Pháp thoại: "Trong khi tại nhiều nước, hôm nay lễ Chúa Hiển Linh được cử hành, nhưng tại Roma này, là lễ Chúa chịu phép rửa. Chúng ta hãy nhớ lại ngày chúng ta được rửa tội, ngày mà cái nhìn của Chúa Cha được đặt trên mỗi người chúng ta, làm cho chúng ta được tràn đầy Thánh Linh và sự sống của Ngài. Từ nay, Chúa Cha kêu gọi chúng ta đích danh và mời gọi chúng ta làm chứng về tình yêu vô biên của Ngài đối với mỗi người. Xin Mẹ Maria giúp đỡ chúng ta dâng hiến cuộc sống của chúng ta để loan báo Tin Mừng! Tôi ban phép lành Tòa Thánh cho anh chị em!

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page