Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ
nhận định về "Ðạo Luật Ngăn Cấm Bạo Hành"
đối với các nhóm tôn giáo như là
đạo luật quan trọng hàng đầu
cho nền dân chủ của đất nước
Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ nhận định về "Ðạo Luật Ngăn Cấm Bạo Hành" đối với các nhóm tôn giáo như là đạo luật quan trọng hàng đầu cho nền dân chủ của đất nước.
Ấn Ðộ (Apic 02/01/2012) - Theo hãng tin Á Châu (Asianews) phổ biến hôm ngày 02 tháng Giêng năm 2012, Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ đã lên tiếng ủng hộ Ðạo Luật Mới liên quan đến việc bạo hành đối với các nhóm tôn giáo, và giải thích rõ ràng hai điểm gây ra tranh luận nơi những kẻ chống lại đạo luật này.
Ðiểm thứ nhất liên quan đến định nghĩa từ ngữ "nhóm", được hiểu như là nhóm thiểu số tôn giáo, thiểu số chủng tộc, thiểu số giai cấp xã hội, theo ghi chú số 24 và 25 của khoản luật 366 trong Hiến Pháp. Những kẻ chống lại Ðạo Luật thì cho rằng định nghĩa này gây phân biệt đối xử đối với các cộng đoàn đa số. Nhưng các giám mục Ấn Ðộ xác quyết đạo luật không gây bất cứ phân biệt đối xử nào với các cộng đoàn đa số. Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ cho rằng các nạn nhân của bạo hành vì lý do tôn giáo đều hưởng những quyền như nhau, bất luận họ thuộc về nhóm thiểu số hay thuộc cộng đoàn đa số.
Ðiểm thứ hai liên quan đến việc can thiệp trực tiếp của chính quyền trung ương và liên quan đến quyền hành của Thẩm Quyền Toàn Quốc ra lệnh hoặc chỉ đạo cho những công chức cấp tiểu bang. Ðạo Luật chỉ tiên liệu việc thành lập một Thẩm Quyền Toàn Quốc có bổn phận kiểm soát những trường hợp bạo hành giữa các tôn giáo. Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ giải thích thẩm quyền này chỉ có tính cách thông tin, thu thập những trường hợp bị thiếu sót pháp lý. Những kẻ chống đối cho rằng Ðạo Luật vi hiến, vì quyền hạn mà Ðạo Luật này trao cho Thẩm quyền trung ương. Nhưng Các Ðức Giám mục Ấn Ðộ cho rằng Ðạo Luật này là cần thiết, xét vì những bạo hành đã xảy ra gây thiệt hại cho những người kitô tại tiểu bang Gujarat năm 2003, tại tiểu bang Orissa năm 2008. Lúc đó chính quyền trung ương không thể can thiệp được, vì không có lời yêu cầu của chính quyền địa phương tiểu bang.
R.V.A.