Các bài suy niệm cho Ðàng Thánh Giá
tối Thứ Sáu Tuần Thánh 2011
Các bài suy niệm cho Ðàng Thánh Giá tối Thứ Sáu Tuần Thánh 2011.
Các bài suy niệm cho Ðàng Thánh Giá Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI cử hành tối Thứ Sáu Tuần Thánh 22 tháng 4 năm 2011 tại Hí Trường Colosseo ở thủ đô Roma do Mẹ Maria Rita Piccione, O.S.A., soạn. Mẹ là Chủ Tịch Liên Hiệp các nữ Ðan Sĩ thánh Augustino của Ý, đang cư ngụ tại Ðan viện Santi Quattro Coronati ở Roma.
Ðàng Thánh Giá có 14 chặng theo truyền thống và những hình ảnh đi kèm các chặng đó trong tập sách nhỏ do Nữ Tu Elena Maria Manganelli, O.S.A, Ðan Sĩ dòng Thánh Augustino ở Ðan Viện Lecceto thuộc tỉnh Siena (Trung Ý) vẽ.
1. Chặng Thứ Nhất
Ðức Chúa Giêsu Chịu Xử Án
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 18,37-40. Ông Philatô liền hỏi Ðức Chúa Giêsu: "Vậy Ông là Vua sao?" Ðức Chúa Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi". Ông Philatô nói với Người: "Sự thật là gì?" Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: "Phần tôi, tôi không tìm thấy lý do nào để kết tội Ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, tôi thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn tôi tha Vua dân Do-thái cho các người không?" Họ lại la lên rằng: "Ðừng tha Nó, nhưng xin tha Baraba!" Mà Baraba là một tên cướp.
Quan Philatô không tìm thấy lý do nào để kết tội Ðức Chúa Giêsu, nhưng cũng không tìm ra sức mạnh nơi ông để chống lại bản án. Thính giác nội tâm của ông giả điếc trước Lời Ðức Chúa Giêsu nói và không hiểu chứng tá Sự Thật của Ngài. "Lắng nghe Sự Thật là vâng phục Sự Thật và tin nơi Sự Thật". Ðiều đó có nghĩa là sống cách tự do dưới sự hướng dẫn của Sự Thật và trao cho Sự Thật chính con tim của mình. Philatô không được tự do: ông bị điều kiện hóa từ thế giới bên ngoài, nhưng Sự Thật mà ông nghe vẫn tiếp tục reo vang nơi sâu kín lòng ông như một tiếng vọng cứ gõ mãi và gây âu lo. Vì lý do ấy mà ông trở ra, tiến về phía người Do-thái; "ông lại ra", văn bản Kinh Thánh nhấn mạnh, giống như một thúc đẩy chạy trốn khỏi chính mình. Và tiếng nói đến với ông từ bên ngoài lại lấn át Lời ở bên trong. Giờ đây ông quyết định kết án Ðức Chúa Giêsu, kết án Sự Thật.
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Chúng con cũng thế, chúng con để mình bị điều kiện hóa từ những gì ở bên ngoài. Chúng con không còn biết lắng nghe tiếng nói tinh-vi, yêu-sách và giải-thoát của lương tâm chúng con mà từ bên trong vẫn hằng âu yếm nhắc nhở và kêu mời rằng: "Ðừng ra ngoài, hãy tìm kiếm ở chính bạn; Sự Thật cư ngụ nơi nội tâm con người".
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin giúp chúng con gặp gỡ trong "con người dấu ẩn nơi sâu thẳm lòng chúng con" Thánh Nhan của Người Con hằng đổi mới chúng con trong Sự Ðồng Hình Ðồng Dạng Thần Linh.
Stabat Mater dolorósa
iuxta crucem lacrimósa,
dum pendébat Fílius.
Mẹ Sầu Bi tầm tã giọt châu
đang đứng bên Cây Thánh Giá,
nơi Con Mình đã bị treo lên.
2. Chặng Thứ Hai
Ðức Chúa Giêsu Xê Vai Lại Mà Vác Lấy Cây Thánh Giá
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,6-7/16-17. Khi vừa thấy Ðức Chúa Giêsu, các thượng tế cùng nhóm thuộc hạ liền kêu lên rằng: "Ðóng đinh! Ðóng đinh Nó vào thập giá!" Ông Philatô bảo họ: "Các người cứ đem Ông Này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần tôi, tôi không tìm thấy lý do để kết tội Ông Ấy". Người Do-thái đáp lại: "Chúng tôi có Lề Luật, và chiếu theo Lề Luật, thì Nó phải chết, vì Nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa"... Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Chúa Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Golgotha.
Quan Philatô do dự, ông cố tìm kiếm một chứng cớ để thả Ðức Chúa Giêsu ra, nhưng rồi ông lại đầu hàng trước ý muốn trổi vượt và cằn-nhằn: "Hãy nại đến Lề Luật!" đám đông liền hò hét những câu lăng nhục và xúc phạm.
Câu chuyện trái tim bị thương của con người cứ tiếp tục lập lại: cái bủn-xỉn, cái bất-lực ra khỏi chính mình để không bị lường gạt từ những ảo-ảnh của cái lợi-lộc nhỏ-nhen cá nhân và vươn mình lên cao, được cất bổng nhờ đà nhảy vọt tự do của lòng tốt và sự ngay thẳng.
Trái tim con người là một tiểu vũ trụ.
Nơi trái tim quyết định các định mệnh lớn lao của nhân loại, giải quyết hoặc gia tăng các tranh chấp. Nhưng sự tuần-hoàn vẫn luôn luôn giống nhau: nắm-bắt hoặc đánh-mất Sự Thật có sức giải thoát.
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
trong cuộc sống hàng ngày, trái tim chúng con thường nhìn xuống thấp, nơi thế giới bé nhỏ, và, hoàn toàn bị chiếm-cứ bởi cái tính-toán cho tiện-nghi riêng tư, để rồi nhắm mắt trước bàn tay của người nghèo và người vô phương thế tự vệ đang giơ lên van xin lắng nghe và cứu giúp. Cùng lắm là nó có chút xúc động nhưng lại không làm gì hết.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin chiến thắng trái tim chúng con và kéo nó lại gần Chúa. "Tại sao lại ước ao một khẩu-cái thích hợp hơn để thưởng thức các mùi vị, nếu không phải là để được nuôi dưỡng và giải khát bằng khôn-ngoan, công-bình, sự-thật và vĩnh-cữu?"
Cuius ánimam geméntem,
contristátam et doléntem
pertransívit gládius.
Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua
tâm hồn Bà đang rên siết,
đang sầu khổ và đau buồn.
3. Chặng Thứ Ba
Ðức Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Nhất
Trích Phúc Âm theo thánh Matthêu 11,28-30. Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh chị em hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh chị em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng.
Những cái ngã của Ðức Chúa Giêsu dọc dài Ðường Thánh Giá không thuộc về Văn Bản Thánh; nhưng chúng là một truyền đạt của lòng đạo đức truyền thống, được gìn giữ và củng cố nơi con tim của rất nhiều truyền khẩu.
Khi ngã xuống đất lần thứ nhất, Ðức Chúa Giêsu gởi đến chúng ta một lời mời, mở ra cho chúng ta một con đường, khai mào cho chúng ta một trường học.
Ðó là lời mời hãy đến với Người khi chúng ta cảm nghiệm cái bất-lực của con người, để khám phá ra mầm-ghép của Quyền Năng Thiên Chúa.
Ðó là con đường dẫn đến nguồn suối bồi dưỡng chân thực, là Ơn Thánh làm cho thỏa mãn.
Ðó là trường học, nơi chúng ta học biết sự dịu hiền làm giảm nhẹ cái phản loạn và lòng tin tưởng thế chỗ cho sự kiêu ngạo.
Từ tòa giảng về cái ngã xuống đất của Người, Ðức Chúa Giêsu đặc biệt dạy cho chúng ta một bài học cao cả về lòng khiêm tốn, "đường dẫn đến phục sinh". Con đường mà, cứ sau mỗi lần ngã, ban cho chúng ta sức mạnh để có thể nói: "Giờ đây con bắt đầu lại, ôi lạy Chúa, nhưng với Chúa, chứ không phải một mình con!"
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
các lần ngã của chúng con, dệt nên bởi hạn hẹp và tội lỗi,
làm thương tổn cái kiêu ngạo của trái tim chúng con,
đóng kín nó trước ơn thánh của lòng khiêm tốn
và làm dừng bước cuộc hành trình chúng con tiến đến gặp gỡ Chúa.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin giải thoát chúng con khỏi mọi cớ tự đầy đủ
và ban cho chúng con biết nhận ra nơi mỗi lần ngã là một bậc thang bước lên đến Chúa!
O quam tristis et afflícta
fuit illa benedícta
Mater Unigéniti.
Ôi đau buồn sầu khổ biết bao
cho Bà Mẹ đáng suy tôn
của Người Con duy nhất.
4. Chặng Thứ Bốn
Ðức Chúa Giêsu Gặp Ðức Mẹ
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,25-27. Ðứng gần Thánh Giá Ðức Chúa Giêsu, có Thân Mẫu Người, Chị của Thân Mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Chúa Giêsu nói với Thân Mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là Mẹ của con". Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà minh.
Thánh Gioan chỉ cho chúng ta thấy sự hiện diện của Ðức Mẹ đứng gần Thánh Giá Ðức Chúa Giêsu, nhưng không một thánh sử nào nói trực tiếp cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ giữa hai Ðấng. Thật ra thì chỗ đứng của Ðức Mẹ dưới chân Thánh Giá quy tụ thành ngữ của cuộc gặp gỡ tràn-đầy và cao-xa. Trong cái bất-động của động từ "đứng" hàm chứa sự sống động sâu kín của một sinh động.
Ðó là sức sinh động mãnh liệt của cầu nguyện, nối liền với cái thụ động trầm-lắng. Cầu nguyện là tự để mình cuốn hút bởi cái nhìn yêu thương và chân thật của Thiên Chúa, Ðấng mặc khải cho chúng ta và sai chúng ta đi làm sứ mệnh.
Trong cầu nguyện chân chính, cuộc gặp gỡ riêng tư với Ðức Chúa Giêsu làm thành người mẹ và môn đệ dấu yêu, làm nẩy sinh sự sống và thông truyền tình yêu. Nó mở rộng khoảng không gian nội tâm cho việc tiếp rước và dệt nên các mối liên hệ thần bí hiệp thông, khiến chúng ta tin tưởng lẫn nhau và mở rộng từ "tôi" sang từ "chúng tôi" của Hội Thánh.
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Khi các nghịch cảnh và bất công của cuộc sống, nỗi đau vô tội và cái bạo lực tàn khốc làm cho chúng con lăng mạ chống lại Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy đứng vững, như Mẹ Chúa, dưới chân Thánh Giá.
Khi mà những kỳ vọng và những khởi sự của chúng con, mịt mờ không tương lai hoặc ghi dấu thất bại, khiến chúng con chạy trốn vào tuyệt vọng, Chúa dẫn đưa chúng con về với sức mạnh của đợi chờ.
Chúng con thực sự đã quên mất quyền lực của việc đứng dưới chân Thánh Giá như thành ngữ của cầu nguyện!
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin Chúa là "tiếng kêu của lòng chúng con", tiếng kêu không ngừng và cũng không thể diễn tả, đang tri-kỷ bày tỏ trước sự hiện diện của Thiên Chúa!
Quae moerébat et dolébat,
pia Mater, cum vidébat,
Nati poenas íncliti.
Bà Mẹ Hiền nhìn xem nỗi khổ hình
của Người Con Chí Thánh,
mà đau lòng thổn thức tâm can.
5. Chặng Thứ Năm
Quân Dữ Bắt Ép Ông Ximong Vác Ðỡ Thánh Giá Với Chúa
Trích Phúc Âm theo thánh Luca 23,26. Khi điệu Ðức Chúa Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê, tên là Ximong, gốc Xirênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Chúa Giêsu.
Ông Ximong thành Xirênê là người được các thánh sử đặc biệt xác định tên gọi và xuất xứ, họ hàng và công việc; ông được chụp hình trong không gian và thời gian rõ ràng, và trong một cách thức nào đó, bị ép buộc vác đỡ thập giá không phải của mình. Trong thực tế, ông Ximong thành Xirênê chính là mỗi người trong chúng ta. Ông nhận cây gỗ Thánh Giá Ðức Chúa Giêsu, giống như ngày chúng ta nhận và tiếp rước dấu chỉ của Bí Tích Rửa Tội.
Cuộc đời người môn đệ Ðức Chúa Giêsu là tuân phục dấu chỉ Cây Thánh Giá, trong một hành vi thật đặc thù đến từ sự tự do của tình yêu. Nó phản ánh sự tuân phục của Thầy mình. Nó hoàn toàn tín thác tự để mình được giáo huấn như Thầy bởi môn hình-học của tình yêu, có cùng kích thước của chính Cây Thánh Giá: "chiều rộng của các công tác đạo đức; chiều dài của sự kiên trì trong nghịch cảnh; chiều cao của niềm mong đợi luôn hy vọng và ngước nhìn lên cao; chiều sâu của gốc rễ ơn thánh gắn sâu trong sự nhưng-không".
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Khi cuộc đời trao cho chúng con chén cay đắng và khó khăn để uống,
bản tính tự nhiên của chúng con là khép lại, là chống đối, không dám để mình được lôi cuốn vào cái điên rồ của tình yêu thật rộng lớn,
có sức biến đổi sự từ bỏ thành niềm vui,
vâng phục thành tự do,
hy sinh thành sự mở rộng của trái tim!
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin Chúa làm cho chúng con biết tuân phục tiếp nhận Thánh Giá,
ngoan ngoãn khi Thánh Giá ôm trọn con người chúng con: "Thể xác và linh hồn, tư tưởng và ý chí, giác quan và tình cảm, hành động và đau khổ" và Thánh Giá nới rộng tất cả theo kích thước của tình yêu!
Quis est homo, qui non fleret,
Christi Matrem si vidéret
in tanto supplício?
Ai là người không tuôn châu lệ
khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô
trong cảnh cực hình như thế?
6. Chặng Thứ Sáu
Thánh Nữ VêrôNica Lau Mặt Chúa
Trích Thư thứ hai thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô 4,6. Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: "Ánh Sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm!", Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Chúa Kitô.
Dọc dài Ðường Thánh Giá, lòng đạo đức bình dân mô tả cử chỉ của một phụ nữ, đong đầy nét tế nhị và lòng tôn kính, như là một vạch-dài của hương thơm Bêtania: bà Vêrônica lau mặt Ðức Chúa Giêsu. Nơi Khuôn Mặt này, bị biến dạng vì đau đớn, bà Vêrônia nhận ra Gương Mặt biến đổi bởi vinh quang; dưới các nét mô tả Vị Tôi Tớ khổ đau, bà nhìn thấy Con Người Ðẹp Nhất trong con cái loài người. Chính cái nhìn này khơi động cử chỉ nhưng-không của sự trìu mến và nhận được phần thưởng in dấu Thánh Nhan! Bà Vêrônica dạy chúng ta bí thuật của cái nhìn nữ giới, "tìm đến gặp gỡ Người và giơ tay cứu giúp Người: nhìn với trái tim!"
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Cái nhìn của chúng con là một cái nhìn không thể đi xa hơn:
vượt khỏi lãnh đạm để nhận ra sự hiện diện của Chúa,
vượt khỏi bóng tối của tội lỗi để thoáng nhìn thấy mặt trời của lòng từ bi Chúa,
vượt khỏi các vết nứt của thánh đường để chiêm ngưỡng khuôn mặt của người mẹ.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin nhỏ vào mắt chúng con "giọt thuốc nhỏ mắt của Ðức Tin" hầu nó không để bị lôi cuốn bởi cái vẽ bề ngoài của các sự vật hữu hình, nhưng học biết ngỡ ngàng thán phục trước những gì là vô hình!
Quis non posset contristári,
piam Matrem contemplári,
doléntem cum Filio?
Ai có thể không buồn bã
nhìn xem Mẹ Chúa Kitô,
đang đau khổ cùng với Con Mình?
7. Chặng Thứ Bảy
Ðức Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Hai
Trích Thư thứ nhất thánh Phêrô tông đồ 2,21b-24. Thật vậy, Ðức Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh chị em, để lại một gương mẫu cho anh chị em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên Cây Thánh Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh chị em đã được chữa lành.
Ðức Chúa Giêsu lại ngã xuống đất dưới sức nặng của Cây Thánh Giá. Trên cây gỗ cứu chuộc chúng ta mang sức nặng không phải chỉ những tàn tật của bản tính con người mà có cả các nghịch cảnh của cuộc sống. Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng cuộc bách hại chống lại Hội Thánh hôm qua và hôm nay, cuộc bách hại giết chết các Kitô-hữu nhân danh một vì thiên chúa xa lạ với tình yêu và cuộc bách hại xúc phạm đến nhân phẩm với "làn môi giả dối và ngôn ngữ lọc lừa". Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng của cuộc bách hại đối đầu với Phêrô, cuộc bách hại chống lại tiếng nói trong sáng của "Sự Thật chất-vấn và giải thoát trái tim". Với Thánh Giá của Người, Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng của cuộc bách hại chống lại các tôi tớ và môn đệ của Người, chống lại tất cả những ai dùng tình yêu đáp lại hận thù, hiền dịu đáp lại bạo lực. Với Thánh Giá của Người, Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng cái thái-quá của "tình yêu ích kỷ đến độ khinh-thị Thiên Chúa" và đạp lên đầu anh chị em. Ðức Chúa Giêsu đã tự ý vác tất cả những điều ấy, đã chịu đau khổ tất cả "với sự kiên nhẫn của Người, để giáo huấn sự kiên nhẫn của chúng ta".
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
các bất công và nghịch cảnh của cuộc sống này, chúng con không biết chịu đựng chúng trong kiên nhẫn. Rất thường khi chúng con cầu khẩn, như dấu hiệu quyền năng Chúa, giải thoát chúng con khỏi sức nặng cây gỗ của thánh giá chúng con.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin dạy chúng con bước theo gương mẫu của Ðức Chúa Kitô để "thực hiện các nguyên tắc lớn lao của sự nhẫn nại của Người bằng thái độ của trái tim"!
Pro peccátis suae gentis,
vidit Jesum in torméntis,
et flagéllis subditum
Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu
vì tội dân mình mà khổ cực
và bị vùi giập dưới làn roi.
8. Chặng Thứ Tám
Ðức Chúa Giêsu An Ủi Những Người Phụ Nữ Nhân Ðức Thành Giêrusalem Theo Chúa
Trích Phúc Âm theo thánh Luca 23,27-31. Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Chúa Giêsu quay lại phía các bà và nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương Thầy làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh đẻ, kẻ không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: "Ðổ xuống chúng tôi đi!" và với gò nổng: "Phủ lấp chúng tôi đi!" Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?"
Ðức Chúa Giêsu Thầy Chí Thánh, dọc dài Ðường lên Calvario, Người tiếp tục huấn luyện nhân bản chúng ta. Khi gặp các phụ nữ thành Giêrusalem, Ðức Chúa Giêsu tiếp nhận trong ánh nhìn sự thật và lòng từ bi của Người, các giọt nước mắt thông cảm khóc thương Người. Vì Thiên Chúa, từng than khóc thành Giêrusalem, giờ đây khuyên bảo các phụ nữ này hầu cho các giọt nước mắt của các bà không dừng lại nơi lòng trắc ẩn bên ngoài. Ðức Chúa Giêsu mời gọi các phụ nữ nhận ra nơi Người thân phận của người vô tội bị kết án bất công và bị đốt cháy, như gỗ tươi, bởi "sự trừng phạt trả lại cho chúng ta sự bình an". Người giúp các phụ nữ chất vấn gỗ khô của chính lòng mình để cảm nghiệm nỗi đau có lợi cho việc ăn năn hối cải.
Nước mắt chân thành chảy ra nơi đây, khi các đôi mắt bày tỏ với nước mắt nhỏ ra không những vì tội lỗi mà còn vì nỗi lòng đau đớn nữa. Ðó là những giọt nước mắt phúc lành, giống như các giọt nước mắt của Phêrô, dấu chứng của lòng thống hối và nhất quyết hoán cải, đó là những giọt nước mắt canh tân nơi chúng ta ơn thánh bí tích Rửa Tội.
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Trong Thân Xác của Chúa bị đau đớn và bị hành hung, bị giảm uy tín và bị nhạo báng, chúng con không biết nhận ra các vết thương của nỗi bất trung và các tham vọng, các phản bội và nổi loạn của chúng con. Ðó là những vết thương rên siết và khẩn cầu hương-dược hoán cải, trong lúc ngày nay chúng con không còn biết khóc lóc ăn năn cho tội lỗi của chúng con nữa.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin tuôn đổ trên chúng con hồng ân khôn ngoan! Trong ánh sáng tình yêu cứu rỗi, xin ban cho chúng con ơn hiểu biết sự khốn cùng của chúng con, "những giọt nước mắt tẩy sạch lầm lỗi, những tiếng khóc than đáng nhận được ơn tha thứ!"
Tui Nati vulneráti,
tam dignáti pro me pati,
poenas mecum dívide.
Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ,
của Con Mẹ đã thương vong,
đã khấng chịu cực hình vì con như thế.
9. Chặng Thứ Chín
Ðức Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Ba
Trích Phúc Âm theo thánh Luca 22,28-30a/31-32. Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy ... Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin. Còn con, một khi đã hồi tâm trở lại, hãy làm cho anh em của con nên vững mạnh".
Khi ngã xuống đất lần thứ ba, Ðức Chúa Giêsu bày tỏ với tình yêu nào Ngài chấp nhận vì chúng ta để mang gánh nặng thử thách và lập lại lời Ngài mời chúng ta bước theo Ngài với lòng trung tín cho đến cùng. Nhưng Ngài cũng cho phép chúng ta thoáng nhận thấy xuyên qua tấm màn che của lời hứa: "Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng hiển trị với Người".
Các lần ngã xuống đất của Ðức Chúa Giêsu thuộc về mầu nhiệm Nhập Thể của Người. Người đến tìm kiếm chúng ta ngay trong cái yếu hèn của chúng ta, Ngài xuống tận nơi tột cùng cái yếu hèn để nâng chúng ta lên cùng Người. "Như vậy Người chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhu, để mở ra cho chúng ta con đường thống hối trở về". "Người dạy cho chúng ta biết dùng sự kiên nhẫn như vũ khí để chiến thắng thế gian". Lúc này đây, khi ngã xuống đất lần thứ ba, trong lúc "Người cảm thông nỗi yếu hèn của chúng ta", Người chỉ cho chúng ta phương cách làm thế nào để không quã quỵ dưới cơn thử thách: kiên trung, giữ vững và không lay chuyển. Nói cách giản dị là: "Hãy ở lại trong Người".
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Ðối diện với thử thách đo lường Ðức Tin của chúng con, chúng con buồn sầu: chúng con chưa tin rằng các thử thách của chúng con đã từng là thử thách của Chúa và Chúa chỉ mời gọi chúng con sống các thử thách với Chúa.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
trong các lần ngã ghi dấu con đường của chúng con! Xin dạy chúng con biết dựa trên sự trung tín của Ðức Chúa Giêsu, biết tin nơi lời cầu của Người dành cho chúng con, để tiếp nhận cái sức mạnh mà chỉ duy nhất nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng con, mới có thể ban cho chúng con!
Eia, Mater, fons amóris,
me sentíre vim dolóris
fac, ut tecum lúgeam.
Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến,
xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10. Chặng Thứ Mười
Quân Dữ Lột Áo Ðức Chúa Giêsu Ra
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,23-24. Ðóng đinh Ðức Chúa Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn". Ðó là những điều lính tráng đã làm.
Ðức Chúa Giêsu trần trụi. Hình ảnh Ðức Chúa Kitô bị lột trần thật phong phú cho các suy tư Kinh Thánh: Hình ảnh đưa chúng ta về với sự trần truồng vô tội của nguyên thủy và cái xấu hổ sau khi sa ngã phạm tội.
Trong cái ngây thơ vô tội nguyên thủy, sự trần truồng là y phục của vinh quang con người: tình bạn trong trắng và tốt đẹp với Thiên Chúa. Sau khi sa ngã phạm tội, mối hòa điệu của quan hệ này bị bẻ gãy, cái trần truồng làm cho xấu hổ và giữ lại nơi nó kỷ niệm đau thương của sự mất mát lớn lao.
Trần truồng đồng nghĩa với sự thật của hữu thể.
Ðức Chúa Giêsu, bị tước đoạt y phục của Người, khởi hành từ Thánh Giá dệt lại y phục phẩm giá làm con cái của con người. Tấm áo choàng không đường khâu vẫn còn đó, giữ nguyên vẹn cho chúng ta: y phục tình hiếu thảo Con Thiên Chúa của Ðức Chúa Giêsu không bị xé rách, nhưng Người ban cho chúng ta từ đỉnh cao của Cây Thánh Giá.
Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,
Trước cái trần trụi của Chúa, chúng con khám phá ra cái chính yếu của đời sống và niềm vui của chúng con: được ở trong Chúa với tư cách làm con của Cha. Nhưng chúng con cũng xin thú nhận sự việc chúng con cưỡng lại không muốn chấp nhận cái nghèo khó như tùy thuộc vào Người Cha và chấp nhận sự trần truồng như y phục của đứa con.
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin giúp chúng con nhận ra và chúc phúc nơi mỗi lần chúng con bị tước đoạt trần trụi, là một cuộc hẹn với sự thật của hữu thể của chúng con, là một gặp gỡ với sự trần trụi cứu chuộc của Ðấng Cứu Thế, là một lợi khí tiến vào vòng tay con thảo với Người Cha!
Fac, ut árdeat cor meum,
in amándo Christum Deum,
ut sibi compláceam.
Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu,
mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa,
để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11. Chặng Thứ Mười Một
Ðức Chúa Giêsu Chịu Ðóng Ðinh Chân Tay Vào Thánh Giá
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,18-22. Tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Chúa Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giêsu Nadarét, Vua dân Do-thái". Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Chúa Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các thứ tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Philatô: "Xin ngài đừng viết: "Vua dân Do-thái", nhưng viết: "Ông này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái". Ông Philatô trả lời: "Tôi viết sao, cứ để vậy!"
Ðức Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở chính giữa: bản viết vương-giả đóng ở bên trên Cây Thánh Giá, tiết lộ chiều sâu của mầu nhiệm: Ðức Chúa Giêsu là Vua và Thánh Giá là ngai của Người. Vương quốc của Ðức Chúa Giêsu, viết bằng ba thứ tiếng, là một sứ điệp hoàn vũ: đối với kẻ bình dân và nhà thông thái, kẻ nghèo hèn và người quyền thế, đối với người tự để mình được Lề Luật Thiên Chúa hướng dẫn và đối với kẻ đặt niềm tin tưởng nơi quyền bính chính trị. Hình ảnh Ðấng Chịu Ðóng Ðinh, mà không một bản án nhân loại nào có thể tước khỏi bọc ngăn trái tim chúng ta, sẽ mãi mãi là ngôn ngữ vương-giả của Sự Thật: "Ánh sáng đóng đinh chiếu soi người mù", "gia sản dấu ẩn, bọc kín mà chỉ có cầu nguyện mới có thể khám phá ra", chính là con tim của thế giới.
Ðức Chúa Giêsu không cai quản bằng cách thống trị với quyền hành của thế giới này, Người "không có đạo binh nào dưới trướng". "Ðức Chúa Giêsu cai trị bằng thu hút": nam châm của Người là Tình Yêu của Chúa Cha tự hiến nơi Người vì chúng ta "cho đến vô cùng tận". "Nơi sức nóng của Người không gì có thể dấu ẩn"!
Lạy Chúa Giêsu, Ðấng Chịu Ðóng Ðinh vì chúng con!
Chúa là Ðấng bày tỏ Tình Yêu lớn lao của Chúa Cha cho nhân loại, là hình ảnh của duy nhất Sự Thật có thể tin được. Xin Chúa lôi kéo chúng con về với Chúa hầu cho chúng con học cách sống "nhờ tình yêu của Tình Yêu Chúa".
Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,
xin giúp chúng con luôn luôn chọn lựa "Thiên Chúa và thánh ý Ngài" đối lại các lợi lộc của thế gian và các quyền lực thế trần, để khám phá ra trong cái bất lực bên ngoài của Ðấng Chịu Ðóng Ðinh quyền lực luôn luôn mới mẻ của Sự Thật.
Sancta Mater, istud agas,
crucifixi fige plagas,
cordi meo válide.
Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn,
đóng vào lòng con cho thực mạnh,
những vết thương của Ðấng bị treo trên Cây Thánh Giá.
12. Chặng Thứ Mười Hai
Ðức Chúa Giêsu Chịu Chết Trên Cây Thánh Giá
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,28-30. Sau đó, Ðức Chúa Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi Khát!" Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Chúa Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
"Ta khát!" "Thế là đã hoàn tất!" Bởi hai Lời này, Ðức Chúa Giêsu ký thác cho chúng ta, khi hướng một cái nhìn về nhân loại và cái nhìn kia về Chúa Cha, niềm ao ước nồng nhiệt đã kích động bản thân và sứ mệnh của Người: tình yêu dành cho loài người và sự tuân phục Chúa Cha. Một tình yêu hàng dọc và một tình yêu hàng ngang: đó chính là hình vẽ Cây Thánh Giá! Và điểm gặp gỡ của hai tình yêu này chính là nơi đầu Ðức Chúa Giêsu gục xuống và trao Thần Khí, hoa quả đầu tiên cuộc trở về của Người với Chúa Cha.
Trong hơi thở sự sống của việc hoàn tất này vang vọng lời nhắc nhở công trình tạo dựng, giờ đây được cứu chuộc, cũng như nhắc nhở tất cả chúng ta những người tin nơi Người rằng "những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ sức". Cho đến khi nào tất cả được hoàn tất!
Lạy Ðức Chúa Giêsu, chịu chết vì chúng con!
Chúa xin để cho đi, Chúa chết để giải thoát, và, cùng lúc, Chúa làm cho chúng con khám phá ra trong việc trao hiến chính mình, cử chỉ tạo thành khoảng không gian của hiệp nhất. Xin Chúa tha thứ cho giấm chua của sự từ chối và lòng cứng tin của chúng con. Xin Chúa tha thứ cho lòng chúng con giả điếc trước tiếng Chúa kêu "Ta Khát" vẫn tiếp tục vang lên từ nỗi thống khổ của không biết bao nhiêu anh chị em chúng con.
Xin đến, lạy Ðức Chúa Thánh Thần,
di sản của Chúa Con chịu chết vì chúng con: xin là vị hướng dẫn "đưa chúng con vào Sự Thật toàn vẹn" và là "gốc rễ gìn giữ chúng con trong sự hiệp nhất"!
Vidit suum dulcel natum,
moriéntem desolátum,
dum emísit spíritum.
Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế,
bị thống khổ lúc lâm chung,
khi Người trút hơi thở cuối cùng.
13. Chặng Thứ Mười Ba
Môn Ðệ Ðức Chúa Giêsu Hạ Xác Người Xuống Cùng Phú Cho Ðức Mẹ
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,32-35/38. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Chúa Giêsu. Khi đến gần Ðức Chúa Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin .. Sau các việc này, ông Giuse thành Arimathia, là môn đệ theo Ðức Chúa Giêsu nhưng cách kín đáo vì sợ người Do-thái, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Chúa Giêsu xuống. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, họ đến và hạ thi hài Người xuống.
Cạnh sườn Ðức Chúa Giêsu bị mở ra: vết thương trở thành một kẽ hở, một cánh cửa mở ra trên trái tim Thiên Chúa. Nơi đây, Tình Yêu vô biên Người dành cho chúng ta tự để cho đến kín múc như dòng nước sống động và như mước giải khát vô hình và làm cho tái sinh. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đến gần thi hài Ðức Chúa Giêsu được hạ xuống từ Cây Thánh Giá và được giữ đỡ bởi đôi tay của Mẹ Người. "Thật vậy, không phải nhờ bước đi mà chúng ta tiến đến gần Ðức Chúa Kitô, nhưng nhờ Ðức Tin; vì thế, chúng ta không có tác động nào in dấu cho thân thể chúng ta: chỉ cần có tấm lòng thiện chí".
Trong thân xác bất động này, chúng ta nhận ra các phần thân thể bị thương đau, nhưng được bảo bọc trong vòng tay trìu mến của Mẹ Người.
Nhưng chúng ta cũng nhận ra trong vòng tay từ mẫu này, vừa dũng lực vừa dịu dàng.
Vòng tay mở rộng của Giáo Hội - Mẹ giống như bàn thờ trao cho chúng ta Thi Hài của Ðức Chúa Kitô và vào chính lúc ấy, chúng ta trở thành Nhiệm Thể của Ðức Chúa Kitô.
Lạy Ðức Chúa Giêsu,
được trao phó cho Mẹ Ngài, hình ảnh của Giáo Hội - Mẹ!
Trước bức tượng Mẹ Sầu Bi, chúng con học cách dâng mình đáp lại tình yêu, chúng con học phó thác và tiếp nhận, tin tưởng và chú ý cụ thể, sự trìu mến chữa lành cuộc sống và gây niềm vui.
Xin đến, lạy Ðức Chúa Thánh Thần,
xin hướng dẫn chúng con, như Chúa đã hướng dẫn Ðức Mẹ Maria,
trong sự nhưng không rạng ngời của tình yêu "rằng Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng con hồng ân sự hiện diện của Chúa"!
Fac me vere tecum flere,
Crucifixo condolére,
donec ego víxero
Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than,
Cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm,
bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14. Chặng Thứ Mười Bốn
Táng Xác Ðức Chúa Giêsu Vào Huyệt Ðá Mới
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,40-42. Các ông lãnh thi hài Ðức Chúa Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Ðức Chúa Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Chúa Giêsu ở đó.
Một thửa vườn, tượng trưng cho cuộc sống với các sắc mầu của nó, tiếp nhận mầu nhiệm con người được tạo dựng và được cứu chuộc. Trong một thửa vườn, Thiên Chúa đặt để thọ sinh của Người, và Người đã đuổi nó ra sau khi nó sa ngã phạm tội. Trong một thửa vườn đã bắt đầu Cuộc Khổ Nạn của Ðức Chúa Giêsu và trong một thửa vườn một ngôi mộ còn mới tiếp nhận Ađam mới trở về với lòng đất, cung lòng từ mẫu giữ gìn hạt giống phong phú đang chết.
Ðây là thời gian Ðức Tin chờ đợi trong thinh lặng, và từ niềm hy vọng, trên cành cây khô, đã thoáng nhìn thấy nẩy mầm một chồi non, hứa hẹn ơn cứu độ và niềm vui.
Giờ đây, tiếng "Thiên Chúa nói trong thinh lặng bao la của trái tim".
Quando corpus moriétur
fac, ut ánimae donétur
paradísi glória. Amen.
Khi mà xác thịt con sẽ chết,
xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban,
vinh quang của cõi thiên-đường. Amen.
("L'OSSERVATORE ROMANO", Giornale Quotidiano Politico Religioso, (Unicuique suum Non praevalebunt), Anno CLI, n.88 (45.733) Sabato 16 Aprile 2011, trang 4-5)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(Radio Vatican)