Ðức Thánh Cha lên án bạo lực
chống các Kitô hữu tại Nigeria
Ðức Thánh Cha lên án bạo lực chống các Kitô hữu tại Nigeria.
Vatican (SD 26-12-2011) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 lên án bạo lực chống các tín hữu Kitô tại Nigeria và kêu gọi thực thi sự tôn trọng, hòa giải và yêu thương để đạt tới hòa bình.
Hơn 40 người đã bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ khủng bố bằng xe bom tại Nhà thờ thánh nữ Têrêsa của Công Giáo tại thị trấn Madalla gần thủ đô Abuja của Nigeria và một tại số nơi khác tại nước này hôm lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 2011.
Ngỏ lời với gần 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô vào cuối buổi đọc kinh truyền tin trưa hôm ngày 26 tháng 12 năm 2011, Ðức Thánh Cha nói:
"Lễ Giáng Sinh gợi lên trong chúng ta, một cách mạnh mẽ hơn, kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa xin Chúa chặn đứng những bàn tay bạo lực gieo rắc chết chóc và để công lý và hòa bình có thể hiển trị trên thế giới. Trái đất chúng ta tiếp tục bị đẫm máu người vô tội. Tôi rất đau buồn khi hay tin về những vụ khủng bố, xảy ra năm nay, cả trong Ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu, gây đau thương và tang tóc tại một số thánh đường ở Nigeria. Tôi muốn biểu lộ sự gần gũi chân thành và thương mến đối với cộng đoàn Kitô và tất cả những người bị thương tổn vì cử chỉ vô nghĩa lý này, và tôi mời gọi hãy cầu xin Chúa cho đông đảo các nạn nhân. Tôi kêu gọi để an ninh và thanh thản được phục hồi, với sự cộng tác của các thành phần khác của xã hội. Trong lúc này đây, tôi muốn mạnh mẽ lập lại một lần nữa rằng: bạo lực là con đường chỉ dẫn tới đau thương, tàn phá và chết chóc; sự tôn trọng, hòa giải và yêu thương là con đường dẫn đến hòa bình".
Linh Mục Christopher Bard ở Abuja cho biết vụ nổ ở nhà thờ thánh Teresa đã xảy ra khi thánh lễ Giáng Sinh hôm 25 tháng 12 năm 2011 gần chấm dứt.
Giáo phái Hồi giáo Boko Haram tự nhận là tác giả vụ khủng bố này, một tổ chức chủ trương thành lập một quốc gia Hồi giáo ở miền bắc Nigeria với luật Sharia nghiêm ngặt. Nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc khủng bố đẫm máu tại nước này, nhất là trong năm 2011.
Trong dịp lễ Giáng Sinh năm 2010, nhóm Boko Haram cũng đã tấn công nhiều cơ sở Kitô giáo tại Nigeria, nhất là vụ khủng bố bằng 3 xe bom tại một chợ trong khu vực đa số dân là tín hữu Kitô, làm cho 37 người thiệt mạng.
Tại thành phố Jos, hôm lễ Giáng Sinh 2011, cũng có một vụ tấn công thánh đường tên là "Núi Lửa", làm cho một cảnh sát canh gác bị thiệt mạng và 3 xe bị thiêu hủy, một tường của thánh đường bị sập. Tại Damaratu, có 4 người bị thiệt mạng trong một vụ khủng bố tự sát.
Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, lên án các vụ khủng bố là "biểu hiện tàn ác của một sự oán ghét mù quáng, vô lý, không biết tôn trọng sinh mạng con người.. Cha nói: Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, chúng tôi cầu mong rằng bạo lực vô lý này sẽ không làm suy yếu được ý chí sống chung hòa bình và đối thoại tại nước Nigeria".
Dư luận quốc tế cũng quyết liệt lên án các vụ khủng bố và tấn công.
Ngoại trưởng Anh, Ông William Hague, đã lên án các vụ khủng bố này và nói: "Ðó là những cuộc tấn công hèn nhát chống lại các gia đình tụ họp nhau trong an bình và cầu nguyện, để cử hành một ngày tượng trưng sự hòa hợp và từ nhân đối với tha nhân".
Ngoại trưởng Italia, Ông Giulio Terzi, bày tỏ kinh hoàng về các vụ thảm sát này và nghiêm khắc lên án các vụ khủng bố này là những hành động hèn nhát trái ngược với các nguyên tắc phổ quát của văn minh. (Tổng hợp 26-12-2011)
Huấn dụ trong kinh Truyền Tin
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin trưa ngày 26 tháng 12 năm 2011 tại Quảng trường thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha đã nói về thánh Stephano, phó tế, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Sử gia Eusebio thành Cesarea đã gọi thánh nhân là vị "tử đạo trọn hảo" (Kirchengeschichte V,2,5: GCS II,1, Lipsia 1903, 430), như sách Tông đồ đã ghi: "Stephano đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những kỳ công và dấu lạ nơi dân chúng" (6,8).. Vốn là người cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng, Stephano - tên của ngài có nghĩa là "triều thiên", đã lãnh nhận từ Chúa ơn tử đạo..".
Từ tấm gương của thánh nhân, Ðức Thánh Cha đề cao chỗ đứng quan trọng của các vị tử đạo được tôn kính trong Giáo Hội, và các vị khích lệ hành trình cơ cực của các tín hữu và khuyến khích những ai đang tìm kiếm chân lý hãy trở về cùng Chúa. Ngài mở rộng ý nghĩa việc tử đạo và nói rằng:
"Việc thực sự noi gương Chúa Kitô chính là tình yêu mà một số tác giả Kitô giáo đã định nghĩa là 'cuộc tử đạo bí mật'. Về điểm này, thánh Clemente thành Alessandria đã viết: "Những người thực hành các giới răn của Chúa thì làm chứng cho Chúa trong mọi hoạt động, vì họ thi hành điều Chúa muốn và trung thành cầu khẩn danh Chúa" (Stromatum IV, 7,43: SC 463, Paris, 2001, 139). Giống như thời xưa, ngày nay sự chân thành gắn bó với Tin Mừng cũng có thể đòi phải hy sinh mạng sống và nhiều Kitô hữu tại các nơi trên thế giới phải chịu bách hại, và đôi khi chịu tử đạo. Nhưng Chúa nhắc nhở chúng ta, "ai kiên trì đến cùng sẽ được cứu thoát" (Mt 10,22).
Sau cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Maria bảo tồn nguyên vẹn ý chí làm điều thiện, đặc biệt là đối với những người gây chướng ngại cho chúng ta. "Ðặc biệt chúng ta hãy phó thác cho lòng từ bi Chúa các phó tế của Giáo hội, để họ được tấm gương của thánh Stephano soi sáng, cộng tác vào nỗ lực truyền giáo, theo sứ vụ riêng của họ" (Xc Tông Huấn "Verbum Domini", 94). (SD 26-12-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)