Sứ Ðiệp Giáng Sinh và

Phép Lành Toàn Xá của Ðức Thánh Cha

 

Sứ Ðiệp Giáng Sinh và Phép Lành Toàn Xá của Ðức Thánh Cha.

Vatican (25/12/2011) - Trưa chúa nhật 25 tháng 12 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã công bố Sứ Ðiệp Giáng Sinh và ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho dân thành Roma và toàn thế giới, trước sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Có hai vị hồng y đẳng phó tế tháp tùng ngài trên bao lơn chính của Ðền thờ Thánh Phêrô là Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Ðức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ.

Tại quảng trường bên dưới, có một đoàn vệ binh Thụy Sĩ và đoàn hiến binh Vatican trong quân phục đại lễ, bên cạnh đó là đoàn đại diện các binh chúng của Italia, cùng với hai ban quân nhạc. Dưới bầu trời nắng đẹp, hàng trăm ngàn người đứng đầy quảng trường, tràn ra tới đường Hòa Giải.

Biến cố này đã được hàng trăm đài truyền hình của các nước trực tiếp trình chiếu, không kể hàng trăm đài phát thanh khác, và các mạng Internet.

Tại quảng trường Thánh Phêrô, cạnh chân cây bút tháp cao ở giữa, là hang đá thật lớn, diện tích 250 mét vuông với 14 pho tượng lớn hơn người thật. Cạnh hang đá là cây thông cao 30 mét, do chính quyền Cộng hòa Ucraine trao tặng.

Khi Ðức Thánh Cha xuất hiện trên bao lơn đền thờ, hai ban nhạc đã trổi quốc thiều Vatican và Italia, giữa những tiếng vỗ tay vui mừng của các tín hữu, đặc biệt là những người trẻ.

Trong sứ điệp giáng sinh gửi toàn thế giới và giáo hội, Ðức Thánh Cha nói đến ý nghĩa việc giáng trần của Con Thiên Chúa, như bàn tay yêu thương của Thiên Chúa hạ xuống cứu vớt loài người. ÐTC mời gọi mọi người ý thức thực trạng mình cần được cứu thoát để đón nhận ơn cứu độ do Thiên Cha mang lại. Ngài đặc biệt nhắc đến những vùng đang cần được sự trợ giúp đặc biệt của Chúa: Vùng Sừng, miền nam Sudan và vùng Ðại Hồ bên Phi châu, Thái Lan và Philippines còn chịu hậu quả của bão lụt, và Myanmar đang cố gắng tiến vào một con đường mới.

Sứ điệp Giáng Sinh

Ðức Thánh Cha nói: "Anh chị em ở Roma và toàn thế giới thân mến!

"Chúa Kitô đã sinh ra cho chúng ta! Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho những người Chúa thương. Âm vang lời loan báo từ Bêlem vọng đến tất cả mọi người, lời loan báo mà Giáo Hội Công Giáo làm vang vọng trên mọi đại lục, vượt ra ngoài biên cương của mọi quốc tịch, ngôn ngữ và văn hóa. Con của Ðức Trinh Nữ Maria đã sinh ra cho mọi người, là Ðấng Cứu Ðộ mọi người.

"Một bài ca tiền xướng cổ kính của phụng vụ cầu khẩn Người như sau: "Lạy Ðấng Emmanuel, là vua và là nhà lập pháp của chúng con, là niềm hy vọng và ơn cứu độ cho mọi dân tộc: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đến cứu độ chúng con!" Ðó là tiếng kêu của con người mọi thời đại, họ cảm thấy không thể một mình khắc phục khó khăn và nguy hiểm. Họ cần đặt bàn tay mình trong một bàn tay lớn mạnh hơn, bàn tay từ trên cao hướng về con người. Anh chị em thân mến, bàn tay này chính là Ðức Giêsu, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria tại Bêlem. Ngài là bàn tay mà Thiên Chúa trao cho nhân loại, để dẫn đưa loài người ra khỏi vùng cát lún của tội lỗi và đặt họ đứng trên đá tảng, tảng đá vững chắc là Chân Lý và Tình Thương của Ngài (Xc Tv 40,3).

"Ðúng vậy, đó chính là ý nghĩa tên của Hài Nhi, danh hiệu, do ý Thiên Chúa, được Mẹ Maria và Thánh Giuse đặt cho Hài Nhi: Người được gọi là Giêsu, nghĩa là "Cứu Thế" (Xc 1,21; 1,31). Người được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu chúng ta, đặc biệt là khỏi sự ác sâu đậm, ăn rễ sâu nơi con người và trong lịch sử; sự ác ấy chính là sự xa cách Thiên Chúa, lòng kiêu căng tự phụ nghĩ mình có thể tự làm được, đặt mình làm kẻ cạnh tranh với Thiên Chúa và thay thế Ngài, tự phụ quyết định đâu là thiện và đâu là ác, là chủ tể sự sống và sự chết (Xc St 3,1-7). Ðó là sự ác lớn lao, là tội lỗi tầy đình, mà con người chúng ta không thể tự mình giải thoát nếu không tín thác vào ơn phù trợ của Thiên Chúa, nếu không kêu lên cùng Ngài: "Veni ad salvandum nos - Xin đến cứu vớt chúng con!"

"Chính việc gióng lên Trời Cao lời kêu cầu ấy đặt chúng ta trong vị thế tốt, đặt chúng ta trong sự thật về chính chúng ta: thực vậy chúng ta là những người đã kêu lên cùng Thiên Chúa và được cứu thoát (Xc Et (Hy lạp) 10,3f). Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ, chúng ta là những người đang lâm nguy. Ngài là bác sĩ, chúng ta là bệnh nhân. Nhìn nhận điều này chính là bước đầu để tiến đến ơn cứu độ, hướng về lối đi ra khỏi mê hồn trận mà chúng ta tự khép mình trong đó do tính kiêu căng của mình. Ngước mắt lên trời, giang tay và cầu khẩn ơn phù trợ chính là lối thoát, với điều kiện có Ðấng lắng nghe, và có thể đến cứu chúng ta.

"Chúa Giêsu Kitô là bằng chứng Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta. Không những thế! Thiên Chúa còn nuôi dưỡng một lòng yêu thương chúng ta mạnh mẽ đến độ Ngài không thể ở lại trong Ngài, Ngài ra khỏi mình và đến cùng chúng ta, chia sẻ cả thân phận của chúng ta (Xc Xh 3,7-12). Câu trả lời mà Thiên Chúa ban trong Ðức Giêsu cho tiếng kêu của con người vượt xa vô biên sự mong đợi của chúng ta, đi tới mức độ liên đới không phải là phàm nhân, nhưng là thần linh. Chỉ Thiên Chúa là tình thương và tình thương là Thiên Chúa mới có thể chọn cách cứu vớt chúng ta bằng con đường ấy, một con đường chắc chắn là dài hơn, nhưng cũng là con đường tôn trọng sự thật về Ngài và về chúng ta: con đường hòa giải, đối thoại, cộng tác.

"Vì thế, Anh chị em thân mến ở Roma và trên toàn thế giới, trong lễ Giáng Sinh 2011 này, khi ngỏ lời với Hài Nhi Bêlêm, Con của Ðức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy khẩn cầu: "Xin đến cứu vớt chúng con!" Chúng ta hãy lập lại lời ấy hiệp ý với bao nhiêu người đang sống trong tình trạng đặc biệt khó khăn và lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói.

"Cùng nhau chúng ta hãy cầu xin Chúa cứu giúp các dân tộc ở Vùng Sừng bên Phi châu đang chịu nạn đói và hạn hán, nhiều khi bị nặng thêm vì tình trạng bất an kéo dài. Ước gì Cộng đồng quốc tế không quên trợ giúp cho đông đảo những người tị nạn từ miền ấy, đang bị thử thách cam go trong phẩm giá của họ.

"Xin Chúa ban ơn an ủi cho các dân tộc ở vùng Ðông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Philippines, vẫn còn ở trong tình trạng khó khăn trầm trọng vì những vụ lụt mới đây.

"Xin Chúa cứu giúp nhân loại bị thương tích vì bao nhiêu cuộc xung đột còn làm cho Trái Ðất bị rướm máu hiện nay. Chúa là vị Vua Hòa Bình, xin ban an bình và ổn định cho Trái Ðất; Ngài đã chọn đến trền thế này, xin khích lệ việc mở lại đối thoại giữa người Israel và Palestine. Xin Chúa chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syrie, nơi mà bao nhiêu máu đào đã đổ ra rồi. Xin Chúa tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa giải hoàn toàn và ổn định tại Irak và Afganistan. Xin ban sức mạnh mới mẻ cho mọi thành phần của xã hội tại các nước Bắc Phi và Trung Ðông để việc xây dựng công ích.

"Ước gì việc Chúa Giáng Sinh nâng đỡ những viễn tượng đối thoại và cộng tác tại Myanmar, trong việc tìm kiếm những giải pháp được sự đồng thuận. Ước gì sự giáng sinh của Ðấng Cứu Chuộc bảo đảm sự ổn định chính trị cho các nước ở Vùng Ðại Hồ bên Phi Châu và nâng đỡ quyết tâm của dân chúng ở miền Nam Sudan trong việc bảo vệ các quyền của mọi công dân.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng nhìn về Hang Ðá Bêlem: Hài Nhi mà chúng ta chiêm ngưỡng chính là ơn cứu độ chúng ta! Ngài đã mang đến cho thế giới một sứ điệp phổ quát hòa giải và an bình. Chúng ta hãy mở rộng con tim cho Ngài, chúng ta hãy đón tiếp Ngài vào trong cuộc sống của chúng ta. Trong niềm tín thác và hy vọng, chúng ta hãy lập lại cùng Ngài: "Veni ad salvandum nos! Xin đến cứu độ chúng con!".

Sau sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã đọc những lời chúc mừng giáng sinh bằng 65 thứ tiếng. Bắt đầu bằng tiếng Ý, ngài nói: Chúc mừng lễ Giáng Sinh tốt đẹp cho dân Roma và Italia! Ước gì sự giáng trần của Chúa Kitô Cứu Thế và sự đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa trong vui tươi đổi mới tâm hồn các tín hữu, mang lại hòa bình trong các gia đình, niềm an ủi cho những người đau khổ và trợ giúp dân chúng toàn quốc tăng trưởng trong sự tín nhiệm lẫn nhau để cùng nhau xây dựng một tương lai hy vọng, huynh đệ và liên đới hơn.

Sau tiếng Hoa, tiếng Nhật và Hàn quốc, Ðức Thánh Cha đã cầu chúc bằng tiếng Việt: "Chúc mừng Giáng Sinh". Và ngài kết thúc bằng tiếng la tinh: "Lạy Chúa xin đến cứu vớt chúng con!"

Ban Phép lành với ơn Toàn Xá

Phần cuối của buổi đọc sứ điệp giáng sinh trưa hôm qua là nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới. Phép lành này được ban cho các tín hữu mỗi năm hai lần vào dịp lễ giáng sinh và phục sinh. Ðức Hồng Y Tauran trưởng đẳng Phó Tế nhắc nhở rằng: Tất cả mọi tín hữu đều có thể được lãnh nhận, kể cả những người theo dõi qua các đài phát thanh và truyền hình, miễn là giữ các điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha.

Ngài đã đọc lời nguyện với kinh xá giải: Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen. Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Ðức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen. Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa thánh thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen. Và tiếp theo là phép lành của Ðức Thánh Cha.

Khánh thành hang đá

Cũng nên nói thêm rằng: Lúc gần 5 giờ chiều ngày 24 tháng 12 năm 2011, hang đá khổng lồ cạnh cây tháp bút giữa Quảng trường thánh Phêrô đã được Ðức Tổng Giám Mục Giuseppe Bertello, Thống đốc Quốc gia thành Vatican, khánh thánh.

Thói quen thiết lập Hang đá khổng lồ này tại quảng trường Thánh Phêrô có từ năm 1982 do ý muốn của Ðức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Ðặc biệt năm nay có kèm theo một buổi hòa nhạc giáng sinh Italia và quốc tế.

Hang đá năm nay có đặc tính hoàn toàn là "Thánh Mẫu" để ghi dấu năm phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2 với khẩu hiệu "Totus tuus" của Ngài "Toàn thân con thuộc về mẹ", đồng thời nhấn mạnh vai trò của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ, sự hiện diện của Mẹ trong đời sống của Chúa Con và sự bảo trợ của Mẹ đối với Giáo Hội sơ khai.

Cảnh tượng trung tâm của hang đá mang những sắc thái kiến trúc và quang cảnh miền Palestine với những cảnh sinh hoạt của đời sống thường nhật, trong khi hai bên hai đá trình bày những cảnh về đời sống của Mẹ Maria: bên trái có cảnh đền thờ và vài căn nhà, trong đó có một căn nhà gợi lại biến cố thiên thần Truyền Tin như được trình thuật trong Tin Mừng theo thánh Luca. Bên phải là một xưởng chế tạo dụng cụ dùng trong gia đình, với hai tượng phụ nữ diễn tả cuộc thăm viếng của Mẹ Maria nơi nhà bà chị họ Elisabeth.

Nơi trung tâm của hang đá vẫn có những tượng diễn tả các nhân vật truyền thống, đến từ hang đá do thánh Vincenzo Pallotti bố trí trong Nhà thờ thánh Andrea della Valle ở Roma. Y phục của các tượng này do các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ ở nội thành Vatican thực hiện. Từ 85 năm nay (1926) các chị phụ trách xưởng tu bổ các bức thảm nghệ thuật của Bảo tàng viện Vatican.

Buổi hòa nhạc và trình diễn thánh ca sau khi hang đá được khánh thánh do 100 ca viên trẻ em và người lớn đảm trách, với sự phụ họa của ban nhạc thính đường Parco della Musica ở Roma, dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Ambrogio Sparagna. Ðặc biệt có một bài ca giáng sinh truyền thống của miền Bavière bên Ðức, để tặng Ðức Thánh Cha.

Ðức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Ðền thờ Thánh Phêrô, kiêm tổng đại diện của Ðức Thánh Cha tại thành Vatican, đã chủ sự kinh nguyện kết thúc, và vào cuối buổi lễ, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài và thắp lên "ngọn nến hòa bình".

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page