Tình hình chính trị xã hội

và tôn giáo nước Côte d'Ivoire

 

Tình hình chính trị xã hội và tôn giáo nước Côte d'Ivoire.

Một số nhận định của Linh Mục Antonio Mussi, thừa sai người Ý.

Côte d'Ivoire (RG 12-12-2011) - Ngày 11 tháng 12 năm 2011 các cuộc bỏ phiếu hành pháp đã diễn ra tương đối an bình trong mọi thành phố nước Côte d'Ivoire. Ðây là cuộc bỏ phiếu hành pháp đầu tiên kể từ hơn một thập niên qua.

Mặc dù số người đi bỏ phiếu thấp hơn cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hồi năm 2010 với con số cử tri đạt kỷ lục là 70% trên tổng số hơn 5 triệu cử tri, Liên minh của tổng thống Alassane Ouattara chắc chắn sẽ đạt đa số phiếu.

Ông Siriki Traoré, đặc trách địa điểm bỏ phiếu Yopougon, là một khu phố có người dân phò cựu tổng thống Laurent Gbagbo, cho biết đã chỉ có khoảng 35-40% cử tri đi bỏ phiếu, nhưng vẫn cao hơn cuộc đầu phiếu hồi năm 2000 với 30% số cử tri. Bình luận về biến cố này, ông Bert Koenders, đại diện Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Côte d'Ivoire, cho biết nói chung cuộc đầu phiếu đã diễn ra bình an trong các địa điểm bỏ phiếu ở thủ đô Abijan cũng như tại các nơi khác trong nước.

Ban đầu "Mặt trận nhân dân Côte d'Ivoire" của cựu tổng thống Gbagbo và các đảng phái chính trị phò ông đã tẩy chay cuộc bầu cử, nhưng sau cùng họ đã rút lại lập trường này, và mời gọi các cử tri đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, nhiều người dân đã không đi bầu, vì sợ xảy ra các vụ bạo động giữa các đảng phái chính trị như đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 11 năm 2010 khiến cho hàng trăm người bị thiệt mạng. Lý do là vì tuy thất cử nhưng ông Gbagbo đã không chấp nhận kết qủa cuộc đầu phiếu có sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc, và đã dùng quân đội để trấn áp tổng thống tân cử Ouattara và phe đối lập. Cuộc nội chiến đã kéo dài mấy tháng trời với các cảnh bắn giết, đàn áp, bạo lực trong thủ đô Abidjan cũng như tại nhiều thành phố khác trong nước. Trước thái độ ngoan cố của tổng thống mãn nhiệm thất cử Gbagbo, ông Ouattara đã phải huy động lực lượng của mình để đối địch với ông Gbagbo. Tuy cố gắng cầm cự, nhưng sau cùng ông Gbagbo đã bị bắt vào tháng 4 năm 2011. Ông bị tòa án quốc tế La Haye truy tố, và ngày 29 tháng 11 năm 2011 đã được chở sang La Haye để giao nộp cho tòa này xét xử.

Cộng hòa Côte d'Ivoire rộng 322,640 cây số vuông có khoảng 21 triệu dân, gồm nhiều chủng tộc khác nhau: 42.1% là người Akan, 17.6% là người Gur, 16.5% là người Bắc Mandes, 11% là người Krous, 10% là người Nam Mandes, 2.8% gồm các giống dân khác, kể cả 30 ngàn người gốc Libăng và 45 ngàn người Pháp. Trên bình diện tôn giáo 35% tổng số dân theo Kitô giáo, 40% theo Hồi giáo và 25% theo đạo thờ vật linh.

Vào thời Cổ Thạch hay Tân Thạch vùng đất này đã có người sinh sống. Vào thời đế quốc Roma, rồi thời tiền hồi giáo và hồi giáo người Berber buôn muối, nô lệ và các thứ hàng hóa khác theo lộ trình xuyên sa mạc Sahara với các chặng dừng chân chính như Djenné, Gao và Timbuctu. Ðế quốc Sudan phát triển chung quanh các trung tâm này, lớn mạnh và thống trị các vương quốc nhỏ chung quanh. Vào thế kỷ XI cùng với sự bành trướng đó đạo Hồi cũng được phổ biến rộng rãi tại miền bắc Côte d'Ivoire. Vào trước thế kỷ XVI có nhiều chủng tộc di cư xuống miền nam, trong đó có các nhóm như Ehobilé, Kotrowou. Zéhiri, Ega và Diès, là tổ tiên của các chủng tộc hiện nay sống tại Côte d'Ivoire.

Trước thời thuộc địa Âu châu vào thế kỷ XVII vùng Côte d'Ivoire gồm 5 vương quốc phát triển rất phồn thịnh: đó là đề quốc hồi giáo của người Kong, vương quốc Abron, vương quốc Baoulé, và hai vương quốc của người Agni là Indénié và Sanwi.

Vào giữa các năm 1843-1844 đô đốc Bouet Willaumez người Pháp, ký các thỏa hiệp với các vua vương quốc Ðại Bassam và vùng Assinie, và đặt các vùng đất của họ dưới quyền bảo hộ của Pháp. Từ đó các nhà thám hiểm, các thừa sai, các công ty buôn bán và lính Pháp mới từ từ trải dài sự kiểm soát của Pháp trong toàn vùng. Sự tranh giành ảnh hưởng chính trị và thương mại giữa người Pháp và người Anh trong việc kiểm soát các thành phố cảng dọc bờ biển Tây Phi và các con sông Senegal và Niger, làm nảy sinh ra chiến tranh trong vùng giữa các chủng tộc khác nhau từ thập niên 1890 cho tới năm 1917.

Vào thập niên 1880 người Pháp thắng thế khiến cho 9 năm sau đó nước Anh phải thừa nhận quyền tối thượng của Pháp trong vùng. Từ đó Pháp củng cố thế lực và gia tăng việc buôn cà phê, ca cao, trồng và sản xuất ngũ cốc vv... Năm 1900 cảnh sưu cao thế nặng đã khiến cho người dân địa phương nổi loạn nhiều lần. Trong các năm 1904-1958 Côte d'Ivoire thuộc Liên hiệp Tây Phi của Pháp.

Cùng với nhiều nước Phi châu khác năm 1960 Côte d'Ivoire được độc lập, và ông Houphouet Boigny trở thành tổng thống đầu tiên của Cộng hòa này. Ông bị nhiều người chỉ trích vì đã phí phạm tiền bạc để biến quê sinh của ông là Yamoussoukro trở thành thủ đô. Nhiều người khác lại ủng hộ ông trong việc xây cất trung tâm hòa bình, giáo dục và tôn giáo tại đây. Trong thập niên 1980 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và nạn hạn hán khiến cho nền kinh tế của Côte d'Ivoire gặp khủng hoảng nặng, nạn nghèo túng và tội phạm gia tăng. Năm 1990 giới công nhân và sinh viên đã xuống đường biểu tình phản đối nạn gian tham hối lộ trong guồng máy chính quyền.

Năm 1993 trước khi qua đời, tổng thống Boigny chỉ định ông Henri Konan Bédié là người kế vị. Năm 1995 ông Bédié thắng cử lên làm tổng thống, nhưng lại theo đuổi chính sách kỳ thị những người Côte d'Ivoire gốc ngoại quốc, loại trừ họ khỏi các sinh hoạt chính trị và chức vụ trong quân đội, khiến cho tương quan giữa các chủng tộc căng thẳng. Năm 1999 tướng Robert Guei đảo chánh lên năm quyền, khiến cho ông Bédié phải chạy trốn và sống lưu vong bên Pháp.

Trong các cuộc bầu cử năm 2000 ông Laurent Gbagbo thắng cử, lên làm tổng thống cho tới khi bị thất cử hồi cuối năm ngoái.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Antonio Mussi, thừa sai người Ý, về tình hình chính trị xã hội và tôn giáo nước Côte d'Ivoire. Cha Mussi thuộc dòng Orione, hiện là cha phó giáo xứ Bonoua, cách thủ đô Abijan 55 cây số.

Hỏi: Thưa Cha, bầu khí chính trị xã hội tại Côte d'Ivoire hiện nay ra sao?

Ðáp: Bầu khí tại Côte d'Ivoire khá căng thẳng. Ngày 11 tháng 12 vừa qua dân chúng đã không đi đầu phiếu đông đảo, và tôi nghĩ là có nhiều lý do khác nhau. Trước hết là vì bầu khí xã hội đã trở nên tồi tệ sau các biến cố chính trị xảy ra hồi đầu năm nay, từ tháng giêng tới tháng tư, và sau các cuộc đầu phiếu hồi tháng 11 năm 2010. Ðương nhiên là người ta đã nói tới sự hòa giải, nhưng việc hòa giải chưa bắt đầu. Thế rồi còn có nỗi sợ hãi của người dân nữa: họ sợ lại tái diễn các xung đột mà họ đã sống trước lễ Phục Sinh năm nay và đã tiếp tục phải chịu sau lễ Phục Sinh: đó là các xáo trộn, các cuộc dội bom và bắn giết...

Hỏi: Thế thì thiếu điều gì cho sự hòa giải đích thực thưa cha?

Ðáp: Tôi nghĩ là thiếu sự chân thành: thiếu việc thừa nhận, từ cả hai phía, các sai trái, các vụ sát hại, thiếu các nhận thức chân thành làm sao để có thể đi tới chỗ thiết lập các trách nhiệm đã có đối với những gì đã xảy ra; rất thường khi chúng là những điều hết sức trầm trọng. Và rồi từ đó tái khởi hành để xây dựng trở lại... Tôi nghĩ rằng sự hòa giải đã không bắt đầu được vì thiếu hành động nhận lỗi từ cả hai phía, và nhất là nhận lỗi với lòng chân thành.

Hỏi: Thưa cha thế thì người dân Côte d'Ivoire hiện sống như thế nào?

Ðáp: Tôi đã sống tại đây từ 6 năm nay, và tôi luôn nhận thấy rằng mức sống xã hội và vật chất của dân chúng ngày càng xuống thấp; mức sống của người dân suy giảm rất nhiều.

Hỏi: Theo cha, người dân Côte d'Ivoire cần những gì: các nhà thương, trường học, các nhu yếu phẩm hay cái gì?

Ðáp: Ðương nhiên là họ cần tất cả những thứ vừa nói; nhưng nhất là họ cần tìm lại được chính mình, tìm lại được căn tính của mình, có thể nắm trong tay các quyết định chính trị trên bình diện xã hội. Phải xây dựng cả một dân tộc: và đây là một nhiệm vụ cần phải có nhiều thập niên và phải diễn ra trong an bình và trong hòa giải. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng chính người dân phải tái thiết những gì cần tái thiết.

Hỏi: Tại Côte d'Ivoire có nhiều nghèo túng lắm phải không thưa cha?

Ðáp: Trong giáo xứ tôi đang sống, tôi biết có những người trong nhiều thời gian khác nhau trong năm chỉ được ăn mỗi ngày một bữa thôi. Các gia đình này phải rất là vất vả để có thể trả học phí mua sách vở và các thứ cần dùng cho con cái họ. Họ cũng rất vất vả để có thể săn sóc sửc khỏe... Ðó là một vấn đề liên tục... Chính vì thế chúng tôi liên tục phát động chiến dịch nhận nuôi các trẻ em từ xa, hay nhận trợ giúp các người đến xin thuốc hay xin tiền để có thể trả các chi phí nhà thương vv...

Hỏi: Thưa cha, như vậy Giáo Hội đang làm những gì để trợ giúp họ?

Ðáp: Giáo Hội làm nhiều điều lắm. Giáo Hội hiện diện trong tất cả các môi trường sống nghèo khổ này, tìm cách khích lệ người dân và nhất là giúp họ độc lập. Dĩ nhiên là đứng trước một tình trạng như thế, Giáo Hội và các Giám Mục không bất động; trái lại suy tư và tìm ra một giải pháp, không luôn luôn dễ dàng và không phải lúc nào cũng tìm ra. Ðây không phải là một ngõ cụt, nhưng chắc chắn là một giai đoạn suy tư sâu xa và nỗ lực tìm một con đường, tìm một giải pháp từ góc cạnh nhân bản và cả từ bình diện sứ điệp tin mừng kitô nữa.

Hỏi: Cha có thể cho thính giả biết một số công tác cụ thể Giáo Hội đang làm cho người dân Côte d'Ivoire không?

Ðáp: Vùng Bonoua này cũng là trung tâm của dòng Orione của chúng tôi. Chúng tôi đã tới lập nhà cách đây 40 năm trong thành phố Bonoua, và trong toàn giáo phận chúng tôi đều dấn thân làm việc mục vụ và từ từ xây dựng các cơ cấu xã hội, chẳng hạn như Trung tâm phục hồi người tàn tật Don Orione. Chúng tôi cũng đã thực hiện vài dự án y tế và các dự án này đã được nhiều giáo phận Italia trợ giúp tài chánh. Thế rồi chúng tôi cũng dấn thân trong các công tác mục vụ, mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ, mục vụ y tế, và có nhiều người trợ giúp chúng tôi trong các công tác này, kể cả việc nhận nuôi trẻ em từ xa.

(RG 12-12-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page