Cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và Hồi giáo

để bàn về quốc gia Palestine tương lai

 

Cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và Hồi giáo để bàn về quốc gia Palestine tương lai.

Palestine (Zenit 5/12/2011 & WHÐ 9/12/2011) - Hôm thứ Năm 1 tháng 12 năm 2011, nhiều chức sắc Kitô giáo và Hồi giáo đã tham dự một Hội nghị được tổ chức tại Beit Sahour, một thành phố của Palestine nằm ở phía đông Bethlehem, với chủ đề "Làm thế nào để sống chung trong một quốc gia Palestine tương lai?"

Tham dự Hội nghị có khoảng một trăm người gồm 40 người Hồi giáo từ Nablus, các linh mục Công giáo và Chính thống giáo, và các đại diện Anh giáo. Ðặc biệt có Ðức Michel Sabbah, nguyên Thượng phụ Jerusalem; ngài Sheikh Ahmad Muhammad Hussein, Giáo sĩ Hồi giáo ở Jerusalem, và ngài Sheikh Abdel Majid Ata, Giáo sĩ Hồi giáo ở Bethlehem. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của tổ chức Al-Liqa, Trung tâm đối thoại đại kết ở Bethlehem, hợp tác với Trung tâm đối thoại đại kết Sabeel có trụ sở tại Jerusalem.

Tại cuộc gặp gỡ chung này, các diễn giả đã luân phiên trình bày các tham luận về vấn đề chung sống trong một quốc gia Palestine tương lai. Vào buổi sáng, vị đại giáo trưởng Jerusalem đã bày tỏ sự ngạc nhiên về việc "từ chối công nhận quốc gia Palestine" vì quốc gia này chẳng đe dọa ai cả. Ðức Thượng phụ Michel Sabbah nói rằng "nhờ vào Liên Hiệp Quốc để thành lập một quốc gia Palestine là một bước tiến tới hòa bình". Các diễn giả khác đề cập đến việc người Palestine có một sức mạnh từ quyền tự do của mình. Cần một sức mạnh của lẽ phải hơn là quyền được có sức mạnh.

Trong Hội nghị, cha Rafik Khoury, linh mục thuộc Chủng viện của Tòa Thượng phụ Beit Jala, và vị Giáo sĩ Hồi giáo Bethlehem, nhắc lại các nguyên tắc như "tầm quan trọng của quyền công dân bình đẳng, đoàn kết quốc gia và đa nguyên". Họ nhất trí ủng hộ "sự thân thiện, đấu tranh chống sự cuồng tín tôn giáo và bộ tộc, và chấp nhận văn hóa của người khác". Tiến sĩ Naim Hattik thuộc Trung tâm Sabeel cũng nói thêm rằng "việc hoán cải phải bắt đầu từ chính chúng ta. Các gia đình Hồi giáo và Kitô giáo phải củng cố các mối quan hệ láng giềng". Ông nói rằng phải xem xét hiến pháp của Palestine tương lai để hiến pháp này đề cập đến các giá trị và nguyên tắc như đa nguyên, dân chủ và quyền công dân".

Al-Liqa là một trung tâm được thành lập năm 1982 để thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa người Hồi giáo và Kitô hữu và để chống lại sự cuồng tín tôn giáo. Ðây là nơi "nghiên cứu, học hỏi và đối thoại về các truyền thống văn hóa và tôn giáo và cuộc sống hằng ngày của các cư dân tại Thánh Ðịa". Mỗi năm Trung tâm Al-Liqa đều tổ chức Hội nghị về Kitô giáo - Hồi giáo.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page