Cuộc họp liên tôn

cầu cho hòa bình tại Assisi

 

Cuộc họp liên tôn cầu cho hòa bình tại Assisi.

Phỏng vấn Ðức Cha Rowan Douglas Williams, Tổng Giám Mục Cantebury.

Assisi (Avvenire 3-12-2011; Vat. 12-12-2011) - Cách đây 25 năm, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi và mời giới lãnh đạo của các tôn giáo lớn toàn thế giới tham dự.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã tiếp tục con đường đó, và cũng đã mời các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập về Assisi ngày 27 tháng 10 năm 2011 để lập lại dấn thân của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình trên thế giới.

Khoảng 300 vị lãnh đạo đại diện các Giáo Hôi Kitô và các tôn giáo lớn toàn thế giới đã cùng với Ðức Thánh Cha đi trên chuyến xe lửa khởi hành từ nội thành Vaticăng tới Assisi. Tại Vương cung thánh đường Ðức Maria các Thiên Thần, xây trùm trên nhà nguyện Porziuncola, nơi thánh Phanxicô thành Assisi đã thành lập dòng Phanxicô và qua đời, Ðức Thánh Cha đã cùng các vị cử hành lễ nghi tưởng niệm các cuộc gặp gỡ trước đó, và đào sâu đề tài của cuộc gặp gỡ lần này là "Các người hành hương của chân lý, các người hành hương của hòa bình".

Nói cho cùng, mỗi một người đều là một người hành hương kiếm tìm sự thật và sự thiện. Người có tôn giáo luôn luôn bước đi trên con đường tiến về với Thiên Chúa, từ đó nảy sinh ra khả thể, và còn hơn thế nữa, sự cần thiết nói chuyện và đối thoại với tất cả mọi người. Trong mức độ cuộc hành hương được sống một cách chân thực, nó sẽ rộng mở cho cuộc đối thoại với tha nhân, không loại trừ ai, và làm cho mọi người dấn thân trở thành những người xây dựng hòa bình. Chính vì thế nên ngoài các vị lãnh đạo, đại diện các tôn giáo lớn, cũng còn có một số nhân vật của thế giới khoa học và văn hóa được mời tham dự. Tuy không xưng mình là tín hữu của một tôn giáo, nhưng họ cũng đi tìm kiếm chân lý và ý thức được trách nhiệm chung phải lo cho công lý và hòa bình trong thế giới này.

Sau bữa ăn trưa thanh đạm, vào ban chiều Ðức Thánh Cha và các vi lãnh đạo tôn giáo đã tham dự chặng cuối cùng của cuộc hành hương đi bộ từ đền thờ Ðức Maria của các Thiên Thần lên đền thờ kính thánh Phanxicô, nơi có mộ của thánh nhân. Mọi người đã cùng hàng ngàn tín hữu đã tham dự chương trình cầu nguyện tại quảng trường của đền thờ bên dưới. Trong số các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô hiện diện cũng có Ðức Cha Rowan Douglas Williams, Tổng Giảm Mục Canterbury, Giáo chủ Anh giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Cha về ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình nói trên.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Williams, người ta nói rằng ý tưởng ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi hồi năm 1986 đã do một trong những vị tiền nhiệm của Ðức Cha là Ðức Tổng Giám Mục Robert Runcie gợi ý cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến Ðức Giáo Hoàng viếng thăm Canterbury hồi năm 1982, có đúng thế không?

Ðáp: Nói thât ra thì tôi không biết rằng sáng kiến này đã nảy sinh trong cuộc đàm đạo của Ðức Tổng Giám Mục Robert Runcie với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Canterbury hồi đó. Nhưng sự kiện ngay từ đầu Anh giáo đã tham gia ngày này là điều rất ý nghĩa.

Hỏi: Theo Ðức Tổng Giám Mục, ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình lần thứ 25 hồi cuồi tháng 10 vừa qua tại Assisi có tầm quan trọng nào?

Ðáp: Tôi tin rằng đã không có ai chờ đợi một vài thay đổi phát xuất trực tiếp từ những cuộc gặp gỡ như vậy. Trong trường cuộc họp tại Assisi cũng thế. Nhưng nếu không đề nghị các cuộc gặp gỡ như vậy trong bầu khí hiện nay, thì sẽ là một điều rất tiêu cực. Ðiều quan trọng nhất là sứ điệp mà cuộc gặp gỡ muốn nói lên: đó là "chúng tôi sẵn sàng gặp gỡ nhau, chúng tôi sẵn sàng làm việc chung với nhau". Và đây là một trong những điều cho phép các tín hữu kitô, do thái và hồi giáo hội họp với nhau và đưa ra các tuyên ngôn liên quan tới những gì có thể góp phần cho hòa bình và hòa giải. Ðiều này có ảnh hưởng trên tình hình, cả khi đã không có đề tài trực tiếp nào được đề ra.

Hỏi: Gương sống của thánh Phanxicô thành Assisi gặp gỡ Sultan hồi giáo có là mô thức quan trọng đối với việc tiến tới với tín hữu hồi hay không, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Giai thoại ấy đã được kể lại trước nhiều người. Chẳng hạn mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô, đã nhắc tới biến cố này trong bài phát biểu của mình. Nhưng mục sư không phải là người duy nhất.

Nhiều tu sĩ Phanxicô cũng đã nhắc tới cuộc gặp gỡ này của thánh Phanxicô với Sultan hồi giáo. Ðây là một biến cố biểu tượng cho việc chấp nhận các liều lĩnh vì tình yêu đối với hòa bình và sự hòa giải, mà thánh Phanxicô và các tu sĩ của dòng đã luôn luôn tận tụy thăng tiến, và điều này phải được mọi kitô hữu lưu tâm. Cho rằng tương quan giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi đang trở thành tồi tệ là điều không đúng. Nhưng cần phải gia tăng các nỗ lực đối thoại, kể cả với các khynh hướng mà chúng ta coi là cuồng tín hay bạo lực đi nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Williams, cần phải làm gì để bảo đảm cho các cuộc gặp gỡ loại này đem lai kết qủa? Ðâu là phương thế tốt nhất giúp đạt được hiệu qủa thích hợp?

Ðáp: Cần phải hoạt động trên bình diện địa phương. Cũng có các tài liệu được Tòa Thánh Vaticăng công bố mới đây, trong đó có tài liệu của Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình liên quan tới các thách đố tài chánh trên thế giới. Tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng cùng nhau làm việc và sự cần thiết của việc làm chứng chung. Nhưng hoạt động trên bình diên địa phương vẫn luôn luôn là điều ưu tiên trong mọi trường hợp.

Hỏi: Trong cuộc họp tại Assisi có tình thân hữu mới nào nảy sinh giữa Anh giáo và các tôn giáo khác, và cả giữa Do thái giáo và Hồi giáo hay không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Khó mà có thể nói thay cho các người khác. Tôi đã quan sát các cuộc nói chuyện trong các bữa ăn và tôi thấy rằng nhiều nhân vật của các tôn giáo rất khác biệt trao đổi với nhau. Thật là điều quan trọng, khi có cả rabbi David Rosen từ Giêrusalem tới; ông là người đã luôn luôn rất cởi mở trong các tương quan liên bản vị. Riêng phần tôi, tôi đã củng cố thêm được một số tình bạn khác. Thật là một vinh dự lớn cho tôi được đi trên cùng chuyến xe lửa tới Assisi với Ðức Thượng Phụ Bartolomaios I và một số các vị lãnh đạo khác, có thể nói chuyện lâu với các vị, cũng như nói chuyện với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI trong bữa ăn trưa, và nhớ lại tất cả các mối dây nối kết cũng như một số các việc điều hành và các tổ chức hay hiệp hội như cộng đoàn Bose, cộng đoàn Taizé, cộng đoàn Thánh Egidio và các thành viên phong trào Tổ Ấm. Tất cả đều là các nhóm mà tôi có các liên lạc hạnh phúc, và tôi rất thích ở với các nhóm ấy.

Hỏi: Trong bài phát biểu của ngài tại Assisi, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nhắc tới nạn khủng bố và cuồng tín. Có người cho rằng những kẻ lèo lái lạm dụng tôn giáo cho các lợi lộc chính trị riêng tư đáng lý ra phải đến tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi. Làm sao để có thể đến với những người này và đem lại hòa bình, thưa Ðức Tổng Giám Mục Canterbury?

Ðáp: Cần phải tìm ra những người có thể làm cho họ lắng nghe, tôi không nói tới người đi nước đôi, xỏ chân trong hai chiếc giầy, nhưng nói tới người đáng được tin cậy để khiến cho một loại truyền thông nào đó có thể thực hiện được. Có các nhân vật như thế, và chắc chắn phương thế tốt nhất để có thể đến được với họ là các cuộc gặp gỡ quốc tế lớn, được mọi giới truyền thông chú ý. Nhưng tôi nghĩ câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải trả lời, đó là làm thế nào để sử dụng các cuộc tiếp xúc kitô, hồi giáo, ấn giáo và bất cứ tôn giáo nào khác của chúng ta, để tạo ra các liên lạc với những người không tới tham dự, hay không được mời tham dự, và bảo đảm làm sao để họ không hoàn toàn bị chặt đứt khỏi các khung cảnh quy chiếu khác, dù họ là những người tự do hay được soi sáng, cuồng tín hay bạo lực, hay cho dù chúng ta muốn định nghĩa họ thế nào đi nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Williams, người ta đã nói rằng trong ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình này tại Assisi, các tín hữu hồi chỉ được đại diện một cách giảm thiểu, vì các căng thẳng với Tòa Thánh Vaticăng liên quan tới các tín hữu kitô copte bên Ai Cập, và cuộc tranh luận do đại học hồi giáo Al Azhar khơi dậy hồi đầu năm nay, có đúng thế không?

Ðáp: Tôi không chắc là sự kiện này có liên quan tới tình hình tại Ai Cập. Một số các nhân vật quan trong của Hồi giáo đáng lý ra đã hiện diện tại cuộc gặp gỡ ở Assisi, nhưng vào phút chót họ đã hủy bỏ việc tham dự. Và đó đã là điều thật đáng tiếc.

Hỏi: Cũng có người lo lắng rằng các tương quan giữa tín hữu kitô và tín hữu hồi có thể trở thành tồi tệ hơn. Riêng Ðức Cha thì Ðức Cha nghĩ sao?

Ðáp: Tôi không nghĩ rằng trên bình diện toàn cầu chúng ta sẽ gặp nguy cơ đó. Tôi đã nói chuyện với các giới chức của Hội Ðồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn để tìm hiểu lượng định của các vị liên quan tới giai đoạn mà chúng ta đang trải qua hiện nay. Thật tình mà nói, tôi tin rằng chúng ta đang ở trên cùng diểm mà chúng ta đã ở trong qúa khứ. Có lẽ người ta đã tạo ra một chút ồn ào vậy thôi, còn dấn thân xây dựng các tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo vẫn rất là mạnh mẽ, chứ không thuyên giảm.

(Avvenire 3-12-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page