Ðức Thánh Cha chủ sự
thánh lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe
Ðức Thánh Cha chủ sự thánh lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe.
Vatican (Vat. 12/12/2011) - Chiều 12 tháng 12 năm 2011, lần đầu tiên Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 chủ sự thánh lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu, và nhân dịp kỷ niệm 200 năm các nước Mỹ châu la tinh được độc lập. Trong thánh lễ Ðức Thánh Cha chính thức loan báo sẽ viếng thăm mục vụ tại Mêhicô và Cuba trước lễ Phục Sinh năm 2012.
Mỹ châu la tinh là một đại lục bao gồm 34 quốc gia và chiếm hơn 40% trên tổng số 1 tỷ 260 triệu tín hữu Công Giáo trên thế giới. Trong số các nước vừa nói có 3 nước đông dân nhất là Brazil, Mêhicô và Argentina với hơn 300 triệu người.
Trong số hàng ngàn người tham dự thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi chiều hôm qua tại Ðền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt có 20 Hồng Y và hàng chục Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, các Giám Mục và các vị ngoại giao thuộc các nước Mỹ châu la tinh cạnh Tòa Thánh và chính phủ Italia, các LM, tu sĩ và giáo dân Mỹ châu la tinh ở Roma, ngoài ra còn có các nhân vật đạo đời trong các phái đoàn chính thức từ Mỹ châu la tinh.
Từ năm 2010 cho đến năm 2014, nhiều nước Mỹ châu la tinh mừng kỷ niệm 200 năm độc lập khỏi Tây Ban Nha và Bồ đào nha, tuy rằng hai nước Peru và Brazil sẽ mừng kỷ niệm biến cố này trễ hơn, trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2022. Tiến trình giải phóng Mỹ châu la tinh diễn ra trong khoảng thời gian từ 1808 đến 1824.
Ngày được chọn để cử hành thánh lễ hôm qua cũng là Lễ Kính Ðức Mẹ Guadalupe. Mẹ đã hiện ra với thổ dân Juan Diego ngày 9 tháng 12 năm 1531 trên ngọn đồi Tepeyac, trên đường ông đi tới Tlatelolco, nơi nhà thờ của các cha dòng Phanxicô để cầu nguyện và học giáo lý. Trên đồi ông đã được Ðức Mẹ hiện ra như một phụ nữ trẻ, mình mặc áo trắng sáng như mặt trời. Ông quì xuống tôn kính và được Ðức Mẹ truyền dạy đến gặp Ðức Giám Mục để bày tỏ ý Mẹ muốn có một đền thờ được xây ở dưới chân đồi. Ông Juan Diego chạy đến gặp Ðức Giám Mục ở thành Mêhico, thuật lại cuộc hiện ra và những lời của Ðức Mẹ, nhưng Ðức Giám Mục không tin. Ông trở về nhà và trên đồi Tepeyac, ông lại được Ðức Mẹ hiện ra, ông xin Mẹ chuẩn chước cho khỏi nhiệm vụ, nhưng Ðức Mẹ truyền ông trở lại gặp Ðức Giám Mục để lập lại lời thỉnh cầu.
Sáng hôm sau, chúa nhật, sau thánh lễ và học giáo lý, ông Juan Diego đã trở lại gặp Ðức Giám Mục, ông khóc và thuật lại lời yêu cầu của Ðức Mẹ. Ðức Giám Mục, sau khi gạn hỏi nhiều điều, đã yêu cầu được một dấu hiệu. Ngày 12 tháng 12 năm 1531, Juan Diego đã được dấu hiệu ấy, đó là những hoa hồng ông hái trên đồi Tepeyac và mang về trình cho Ðức Giám Mục. Trong cuộc gặp gỡ lần này, Ðức Giám Mục đã thấy hình Ðức Mẹ được in trên áo choàng của thổ dân Juan Diego. Trước phép lạ ấy, Ðức Giám Mục và mọi người hiện diện đều quì xuống, rồi đứng lên xin lỗi Ðức Mẹ vì sự cứng lòng tin.
Ông Juan Diego đã được Ðức Gioan Phaolô 2 tôn phong hiển thánh hồi năm 2002, và Ðền thánh Ðức Mẹ Guadalupe là Trung tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới mỗi năm có lối 20 triệu người về đây hành hương kính Ðức Mẹ.
Thánh Lễ
Trước khi thánh lễ bắt đầu, cờ của tất cả các nước Mỹ châu la tinh đã được các thanh niên thiếu nữ trong y phục truyền thống rước lên và đặt ở vòng cung phía trái của Ðền thờ. Ảnh Ðức Mẹ Guadalupe được đặt gần bàn thờ.
Sau lời dẫn nhập của luật sư Guzman Carriquiry, người Urugay, Tổng thư ký Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, Ðức Hồng Y Norberto Rivera đã đọc kinh kính Ðức Mẹ Guadalupe.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha trong thánh lễ ngày 12 tháng 12 năm 2011 có 4 vị Hồng Y là Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, nguyên thừa sai tại Mỹ châu la tinh, hiện là Tổng trưởng Bộ Giám Mục kiêm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh; Ðức Hồng Y Norberto Rivera, Tổng Giám Mục giáo phận Thành Phố Mêhicô nơi có Ðền thánh Ðức Mẹ Guadalupe, và Ðức Hồng Y Raymundo Damasceno, Tổng Giám Mục Aparecida bên Brazil, đại diện cho các tín hữu nói tiếng Bồ đào Nha tại Mỹ châu latinh.
Bộ lễ được hát trong thánh lễ được gọi là Misa criolla, do Ariel Ramírez người Argentina sáng tác và rất phổ biến tại Mỹ châu la tinh.
Ðầu thánh lễ, Ðức Hồng Y Marc Ouellet, trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, đã đại diện mọi người bày tỏ lên Ðức Thánh Cha tâm tình kính mến, biết ơn và hân hoan của các chủ chăn cũng như các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ châu la tinh. Ðức Hồng Y cho biết các Hồng Y, Giám Mục đã mau lẹ đáp lại lời mời đến tham dự đại lễ này, cùng với các vị đại diện ngoại giao, cộng đoàn giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Mỹ châu la tinh ở Roma, cũng như bao nhiêu triệu người tham dự thánh lễ này qua truyền hình, truyền thanh và Internet.
Ðức Hồng Y nhận định rằng qua thánh lễ này, Tòa Thánh tham gia một cách đặc biệt vào những buổi lễ tại nhiều nơi ở Mỹ châu la tinh mừng kỷ niệm 200 năm độc lập. Ðây là một cử chỉ liên đới đối với một đại lục từ hơn 500 năm nay trong đó truyền thống Công Giáo hiện diện và sinh động, nơi có hơn 40% tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới sinh sống.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Về phần Ðức Thánh Cha, trong bài giảng thánh lễ, ngài đặc biệt nhắc đến bức ảnh Ðức Mẹ Guadalupe, vai trò của Mẹ tại đại lục Mỹ châu, cũng như sứ mạng của Giáo Hội tại đây trước những thách đố đang được đề ra ngày nay. Ngài nói:
"Ảnh Ðức Mẹ ở đồi Tepeyac, với nét mặt dịu hiền và thanh thản, được in trên tấm áo choàng của thánh Juan Diego, là "Ðức Maria trọn đời đồng trình, Mẹ Thật của Thiên Chúa Ðấng mà Mẹ luôn phụng sự". Bức ảnh ấy trình bày "người phụ nữ mặc áo mặt trời, với vầng trăng dưới chân, và một triều thiên 12 ngôi sao trên đầu và phụ nữ ấy đang có thai" (Kh 12,1-2) và chỉ cho các thổ dân và người lai thấy sự hiện diện của Ðấng Cứu Thế. Mẹ luôn dẫn chúng ta đến cùng Chúa, Con của Mẹ, qua đó ta thấy biểu lộ nền tảng của phẩm giá của mọi người, như một tình yêu thương mạnh mẽ hơn các quyền lực của sự ác và sự chết, và đồng thời cũng là nguồn vui mừng, lòng tín thác con thảo, an ủi và hy vọng.
Ðức Thánh Cha cũng khẳng định rằng ngày nay trong khi tại nhiều nơi ở Mỹ châu la tinh có những lễ kỷ niệm 200 năm độc lập, hành trình hội nhập của Ðại lục quí mến này tiếp tục tiến triển, đồng thời đại lục này đang nắm giữ một vai trò ngày càng quan trọng trong cộng đồng thế giới. Trong những hoàn cảnh này, điều quan trọng là các dân tộc Mỹ châu la tinh bảo tồn kho tàng đức tin phong phú và sức sinh động lịch sử văn hóa của mình, luôn luôn bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và thăng tiến hòa bình; cũng cần bảo vệ gia đình trong bản chất tự nhiên sứ mạng của mình, đồng thời tăng cường một hệ thống giáo dục sâu rộng, chuẩn bị đúng đắn nhân sự và giúp họ ý thức về khả năng của mình, để có thể nắm giữ vận mạng của mình một cách xứng đáng, trong tinh thần trách nhiệm. Họ cũng được mời gọi ngày càng đề ra những sáng kiến có phối hợp cũng như các chương trình hữu hiệu tạo điều kiện cho sự hòa giải và tình huynh đệ, gia tăng tình liên đới, chăm sóc môi sinh, tăng cường nỗ lực để vượt thắng lầm than, nạn mù chữ và tham ô hối lộ, loại bỏ mọi bất công, nạn phạm pháp, tình trạng bất an ở các thành thị, nạn buôn bán ma túy và tống tiền.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "khi Giáo Hội chuẩn bị kỷ niệm 500 năm dựng Thánh giá của Chúa Kitô tại Ðại lục Mỹ châu tốt lành, chân phước Gioan Phaolô 2 đã bày tỏ lần đầu tiên trên đại lục này chương trình tái truyền giảng Tin Mừng, hay là công cuộc truyền giáo mới, "mới về lòng nhiệt thành, về các phương pháp và về lối diễn tả" (Dv Ðại Hội đòng Celam ngày 9-3-1983: AAS 75, 1983, 778). Do trách nhiệm của tôi trong việc củng cố đức tin, tôi cũng muốn linh hoạt nỗ lực tông đồ hiện đang đẩy mạnh và phát triển chương trình truyền giáo đại lục, được đề ra tại thành phố Aparecida, để "đức tin Kitô ăn rễ sâu hơn trong tâm hồn con người và các dân tộc Mỹ châu la tinh như một biến cố cơ bản và như một cuộc gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô" (Ðại hội kỳ 5 của Hàng GM Mỹ châu la tinh và Caraibí, Văn kiện kết thúc, 13). Như thế sẽ gia tăng các môn đệ và thừa sai chân chính của Chúa và đổi mới ơn gọi hy vọng của Mỹ châu la tinh và quần đảo Caraibí. Ước gì ánh sáng của Thiên Chúa ngày càng chiếu tỏa trên khuôn mặt của mỗi người con của lãnh thổ quí mến này và ơn cứu chuộc hướng dẫn những quyết định của họ, để họ tiếp tục tiến bước mà không vấp ngã trong việc kiến tạo một xã hội được củng cố trong việc phát triển sự thiện, trong chiến thắng của tình thương và phổ biến công lý. Với những ước muốn nồng nhiệt ấy, với ơn phù trợ của Chúa Quan phòng nâng đỡ, tối có ý định thực hiện cuộc Tông Du trước lễ Phục Sinh tại Mêhicô và Cuba, để công bố Lời Chúa tại đó, và củng cố xác tín theo đó đây là thời điểm quí giá để rao giảng Tin Mừng với một đức tin kiên vững, đức cậy sinh động và đức mến nồng nhiệt."
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng "tôi phó thác tất cả những dự định ấy cho sự chuyển cầu yêu thương của Ðức Mẹ Guadalupe, Mẹ chúng ta ở trên trời, cũng như vận mệnh hiện nay của các dân nước Mỹ châu la tinh và Caraibí, cũng như hành trình của họ tiến tới một ngày mai tốt đẹp hơn. Tôi cũng cầu khẩn sự chuyển cầu của các thánh và các chân phước mà Chúa Thánh Linh đã khơi dậy qua dòng lịch sử của đại lục này, mang lại những mẫu gương anh dũng về các nhân đức Kitô trong nhiều bậc sống và môi trường xã hội khác nhau, để gương của các ngài ngày càng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công trình tái truyền giảng Tin Mừng dưới cái nhìn của Chúa Kitô, Ðấng Cứu độ con người và là sức mạnh cuộc sống của họ".
Trong phần lời nguyện phổ quát, Ðức Thánh Cha và cộng đoàn đã cầu nguyện cho các dân tộc tại Mỹ châu la tinh ngày càng trung thành với căn tính và sứ mạng phong phú của mình; cầu cho các dân tộc này được giải thoát khỏi mọi thứ áp bức và nô lệ, và giúp họ kiến tạo một nền văn minh dựa trên chân lý, công lý và hòa bình; cầu xin Mẹ Maria nâng đỡ và bảo vệ những người yếu và an ủi những người sầu khổ; cầu cho các gia đình và mọi người trẻ nhất là những người đang hành trình tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới tại Rio de Janeiro.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)