Ðại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc

bênh vực người tị nạn

 

Ðại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc bênh vực người tị nạn.

Genève (SD 8-12-2011) - Ðại diện Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Ðức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, kêu gọi chính quyền các nước thực thi các hiệp định quốc tế về việc bảo vệ người tị nạn, hợp với hoàn cảnh ngày nay.

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận tại Hội nghị liên chính phủ cấp bộ trưởng trong 2 ngày 7 và 8 tháng 12 năm 2011 tại Genève, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước năm 1951 về qui chế tị nạn và 50 năm Hiệp ước năm 1961 về những người bị mất quốc tịch.

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi nói đến thảm trạng của 33 triệu người tị nạn đang được Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc săn sóc và giúp đỡ. Họ là những người đã phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, vì các xáo trộn chính trị, các vụ thanh lọc chủng tộc, bách hại tôn giáo và các vụ vi phạm nhân quyền khác. Người tị nạn là những ngọn đèn báo động về những thất bại sâu xa về xã hội và chính trị, đồng thời là một lời kêu gọi cấp thiết đáp ứng những đau khổ của họ.

Vị Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đặc biệt nhắc đến một số điều khoản trong các Hiệp ước về người tị nạn. Chẳng hạn về điều thứ 1, ngài kêu gọi nới rộng định nghĩa về người tị nạn để bao gồm cả những người buộc phải rời bỏ quê hương để tránh những hoàn cảnh bi thảm, tương đương với sự bách hại: ví dụ những thiên tai, trật tự công cộng bị xáo trộn trầm trọng hoặc vì những chính sách kinh tế sai lầm.

Khoản số 4 của Hiệp định về người tị nạn công nhận quyền tự do tôn giáo của họ. Ðức Tổng Giám Mục Tomasi kêu gọi nhìn nhận quyền của mỗi người được thay đổi tôn giáo phù hợp với lương tâm của họ.

Cũng vậy cần bảo đảm quyền của người tị nạn được đi lại và làm việc để mưu sinh và nâng đỡ gia đình họ. Về điểm này, Ðức Tổng Giám Mục Tomasi đặc biệt tố giác chính sách của một số nước giam cầm người xin tị nạn trong các trại từ năm này qua năm khác, không cho họ được làm việc.

Ðiều khoản số 22 của Hiệp Ước bênh vực quyền của người tị nạn được giáo dục sơ đẳng, vị Ðại diện Tòa Thánh kêu gọi nâng quyền giáo dục này lên cấp trung học và quyền được huấn nghệ. Ngài nói: "Không có trẻ em nào có thể được chuẩn bị để góp phần xây dựng xã hội nếu các em chỉ được giáo dục tới cấp tiểu học. Ngoài ra cần phải đặc biệt quan tâm để cả các trẻ nữ cũng được cắp sách đến trường. Ðiều này cũng là một phương thức giúp chống lại nạn bạo hành chống lại phụ nữ. Ngoài ra, cung cấp nền giáo dục cho trẻ nữ và phụ nữ, sẽ khẳng định phẩm giá bình đẳng của họ và phòng ngừa nạn kỳ thị nữ giới cũng như nạn đóng khung phụ nữ vào vai trò hạng nhì trong xã hội. (SD 8-12-2011)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page