Nạn buôn bán cơ phận người trên thế giới

 

Nạn buôn bán cơ phận người trên thế giới.

Phỏng vấn bà Debra Budiani Saberi, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm luân lý sinh học của đại học Pensylvania, Hoa Kỳ.

Pensylvania, Hoa Kỳ (Avvenire 11-11-2011; Vat. 6/12/2011) - Vào tháng Giêng năm 2012 tổ chức phi chính quyền có tên gọi là "Liên minh cho các giải pháp cơ phận thất bại", chuyên điều tra về thị trường quốc tế buôn bán cơ phận người, sẽ công bố một bản tường trình tố cáo tệ nạn vô nhân và vô luân này. Bản tường trình gồm các chứng từ, phim ảnh và các tài liệu liên quan tới thảm cảnh của những người tị nạn Eritrea và Sudan bị bắt cóc trong sa mạc Sinai, bị lấy cơ phận để bán cho các mạng lưới con buôn quốc tế. Bà Debra Budiani Saberi, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm luân lý sinh học của đại học Pensylvania, Hoa Kỳ, là người đồng sáng lập và hiện là giám đốc tổ chức phi chính quyền này. Tổ chức hiện có trụ sở tại Hoa Kỳ và bên Ai Cập. Mới đây đài truyền hình Liên A Rập Al Jazeera cũng đã nói tới tổ chức này trong một phóng sự về việc buôn bán cơ phận người trong vùng Trung Ðông.

Như qúy vị và các bạn còn nhớ, cách đây một năm nhật báo Avvenire, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã cho đăng một loạt bài mạnh mẽ tố cáo trước dư luận thế giới các vụ bắt cóc người tị nạn Eritrea và Sudan trong sa mạc Sinai. Những người này tìm trốn sang Âu châu và Israel để kiếm công ăn việc làm nuôi sống gia đình hay để tránh cảnh phải nhập ngũ và trở thành nạn nhân của chiến tranh. Phóng viên của nhật báo Avvenire đã cùng một số nhà báo và đài truyền hình điều tra, quay phim và theo dõi trong hơn một tháng trời thảm cảnh của 250 người Eritrea và Sudan bị bán cho các nhóm du mục Bedouin trong sa mạc Sinai. Phân nửa phát xuất từ Libia, những người khác đến từ trại tị nạn Shegarab tại miền đông Sudan. Ðoàn người khốn khổ này đã cầu cứu Linh Mục Mosè Zerai, người Eritrea, và cha đã gióng lên lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, các chính quyền và Giáo Hội tây phương trợ giúp các anh chị em khốn khổ này.

Trong sa mạc Sinai có khoảng 15 bộ lạc du mục tổng cộng gồm 150,000 người sinh sống. Từ bao thế kỷ nay họ di chuyển với các đoàn vật và sống nay đây mai đó trong bán đảo Sinai. Họ là con cháu của các bộ lạc A rập. Tên gọi "Bedouin" của họ phát xuất từ từ vựng "Bedu" trong tiếng A rập có nghĩa là "người sống trong sa mạc".

Ðể trốn sang Âu châu hay Israel, những người di cư Eritrea và Sudan phải trả tiền cho người du mục Rashaida để được dẫn đường vượt biên giới và đến trại tị nạn Kassala, do Liên Hiệp Quốc điều hành. Từ đây, nếu muốn vào Israel, họ phải trả mỗi đầu người 3,000 mỹ kim nữa để vượt biên giới Sudan và Ai Cập, rồi đi tới Assuan là thành phố cảng có đập nước lớn trên sông Nil. Từ Assuan các đoàn xe chở không qúa 30 người tị nạn vượt kinh đào Suez. Sau đó các người du mục Rashaida bán các nhóm di cư cho các toán du mục khác, và người di cư được dẫn tới vùng "Tam giác chết" gồm ba thành phố: El Arish, Rafah và Nakhl.

Trong vùng "tam giác chết" này các người di cư Eritrea và Sudan bị bắt cóc và rơi vào tay các tổ chức buôn bán cơ phận người. Nếu muốn đựơc tự do, họ phải trả món tiền chuộc khoảng 11 hay 12 ngàn mỹ kim. Ðể tạo áp lực với thân nhân hay với các tổ chức nhân đạo muốn trợ giúp họ, các toán bắt cóc nói trên đánh đập tra tấn đàn ông và hãm hiếp phụ nữ. Những ai không trả được tiền chuộc thì bị họ giết chết, rồi lấy cơ phận bán cho các nhà thương Ai Cập hay các nhà thương Israel và nhiều nhà thương thuộc các nước khác trong vùng bán đảo A rập.

El Arish là thành phố cảng của Ai Cập. Trong nhà xác của nhà thương này phóng viên nhật báo Avvenire đã trông thấy nhiều xác chết mất thận, gan và mắt. Những người này có thể đã bị lính Ai Cập bắn chết khi vượt qua biên giới. Nhưng họ cũng có thể bị lính hay các tổ chức buôn cơ phận thủ tiêu để lấy cơ phận bán lại trên thị trường quốc tế. Xác các nạn nhân đáng thương này bị chôn trong các nấm mồ tập thể bên ngoài nghĩa trang, vì người hồi giáo không muốn cho tín hữu các tôn giáo khác được chôn chung với họ trong cùng một nghĩa trang.

Thế là giấc mơ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhiều người di cư Eritrea và Sudan đã kết thúc trong các nấm mồ này.

Trong nhóm 250 người tị nạn được nhật báo Tương Lai của Hội Ðồng Giám Mục Italia theo dõi hồi năm 2010 đã chỉ có 170 người sống sót, còn 80 người khác hoàn toàn biệt tích. Người ta cũng được biết rằng trên tổng số 30,000 người tị nạn đến Israel trong các năm 2009-2011 đã có một phần ba bị bắt cóc trước đó. Và người ta đã khám phá ra rằng có khoảng 30% số người tị nạn biến mất không để lại dấu vết nào. Nghĩa là đã có khoảng 3,000 người tị nạn nghèo qúa không thể trả tiền chuộc, và gia đình họ không nhận được tin tức gì của họ nữa. Chắc chắn họ đã bị giết chết để cung cấp cơ phận cho thị trường quốc tế buôn bán cơ phận người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Debra Budiani Saberi, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm luân lý sinh học của đại học Pensylvania, Hoa Kỳ, kiêm giám đốc tổ chức phi chính quyền chống nạn buôn bán cơ phận, về người tị nạn Eritrea và Sudan, nạn nhân của các tổ chức buôn cơ phận người.

Hỏi: Thưa bà Debra Budiani Saberi, có thật là các người tị nạn Eritrea và Sudan bị bắt cóc trong sa mạc Sinai đã là nạn nhân của các tổ chức buôn cơ phận người bên vùng Trung Ðông hay không?

Ðáp: Vâng, đúng như vậy. Mỗi một trái thận được bán từ 3.000 mỹ kim trở lên. Nhưng các nhà thương Ai Cập có thể trả tới 20.000 mỹ kim cho một trái thận theo giá chợ đen, trong những trường hợp cần thiết, và khi khách hàng sẵn sàng trả số tiền lớn đó để có cơ phận ghép cho chính mình hay cho người thân.

Hỏi: Vào đầu năm (2012) tới đây "Liên minh cho các giải pháp cơ phận thất bại", sẽ cho công bố bản tường trình về tệ nạn buôn bán cơ phận người trên thế giới. Bản tường trình sẽ bao gồm các bằng chứng xác thực về việc buôn bán cơ phận của các người tị nạn Eritrea và Sudan bị bắt cóc trong sa mạc Sinai, có phải vậy không thưa bà?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Chúng tôi có các bằng chứng rõ ràng và chúng tôi cũng có các nhân chứng nữa. Tuy nhiên, cũng cần tìm thêm nhiều bằng chứng và nhân chứng khác. Chúng tôi cũng có các chứng cớ và nhân chứng cho thấy nạn buôn bán cơ phận người có tầm mức quy mô rộng lớn hơn, và nó liên quan tới toàn nước Ai Cập. Liên Hiệp Quốc có ý cho điều tra cẩn thận về tệ nạn buôn bán cơ phận người này trong vùng sa mạc Sinai. Và chúng tôi đang xin sự cộng tác của tất cả mọi tổ chức phi chính quyền đã trợ giúp người tị nạn Eritrea và Sudan bị bắt cóc, và cùng nhau gây áp lực mạnh trên các tổ chức quốc tế để họ can thiệp chặn đứng tệ nạn này.

Hỏi: Như thế qúy vị đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy có đường dây liên lạc giữa các nhà thương Ai Cập và các nhóm dân du mục Bedouin bắt cóc người tị nạn Eritrea và Sudan và bán các cơ phận của họ?

Ðáp: Có sự liên hệ giữa các nhà thương Ai Cập và các toán du mục Bedouin bắt cóc người tị nạn Eritrea và Sudan. Và chúng tôi sẽ chứng minh cho thế giới thấy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết được rằng nạn buôn bán cơ phận trong bán đảo Sinai cũng có thể hướng tới các nhà thương bên Israel nữa. Ðây là một đường dây cần phải chú ý điều tra kỹ càng và không được lơ là bỏ qua.

Hỏi: Thưa bà Debra Budiani Saberi, nói chung thì nước Ai Cập nắm giữ vai trò nào trong thị trường buôn bán cơ phận người?

Ðáp: Mặc dù việc buôn bán cơ phận người là điều trái nghịch với luật pháp, và luân lý tôn giáo cũng mạnh mẽ lên án, nhưng thị trường buôn bán cơ phận người rất mạnh và rất lớn. Ngoài ra chúng tôi cũng được biết giới mua cơ phận là những người thuộc các nước vùng Vịnh Ba Tư và A rập Sauđi. Thị trường buôn bán cơ phận lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc với mức rất cao; tiếp đến là thị trường Ấn Ðộ, nhưng Ai Cập cùng với Moldavia và Philippines nằm trong số 5 nước có thị trường buôn bán cơ phận đứng dầu danh sách thế giới.

Hỏi: Các cơ phận nào được mua nhiều nhất trên thị trường thưa bà?

Ðáp: Bên Ai Cập thì người ta tìm mua thận nhiều nhất. Giá mỗi qủa thận từ 3.000 mỹ kim trở lên. Cũng có người mua một mảnh gan, còn nhãn cầu thì ít hơn, vì nó cũng dễ tìm hơn các cơ phận khác. Như các phim ảnh và tài liệu chứng minh cho thấy trong vùng Sinai việc lấy thận là mục tiêu chính của các tay buôn tại đây.

(Avvenire 11-11-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page