Bóng ma của
các chiến binh trẻ em Liberia
Bóng ma của các chiến binh trẻ em Liberia.
Phỏng vấn nhà báo Kamara Umunna.
Liberia (Avvenire 3-11-2011) - Trong thời gian qua bà Agnes Fallah Kamara-Umunna, nhà báo, đã cho ấn hành cuốn sách tựa đề "Trò chơi của các giấc mơ tìm lại được".
Bà Kamara-Umunna sinh trưởng tại Monrovia, thủ đô nước Liberia. Nhưng khi cuộc nội chiến bùng nổ tại Liberia trong các năm 1989-1991, bà sống lưu vong bên Sierra Leone. Giữa các năm 1999-2003 nội chiến lại tái phát và đã khiến cho 250,000 thiệt mạng. Năm 2004 bà trở về thủ đô Monrovia và làm việc trong đài phát thanh Liberia, do Liên Hiệp Quốc tài trợ. Bà đặc trách chương trình có tên gọi là "Thẳng từ trái tim", trong đó bà để cho các nạn nhân và cả những kẻ tội phạm của cuộc nội chiến kể lại các kinh nghiệm sống đau thương của họ, nhằm mục đích thăng tiến hòa giải và tha thứ. Ðây cũng là tên của tổ chức bà thành lập để thăng tiến hòa giải và hòa bình bên Phi châu. Năm nay bà Kamara-Umunna 43 tuổi, có 4 con và hiện đang sống tại Staten Island bên New York. Ðề tựa ban đầu cuốn sách của bà là: "Nhưng hòa bình vẫn chưa tới".
Cộng hòa Liberia là quốc gia nằm trong vùng Tây Phi châu, rộng 11.370 cây số vuông, có khoảng 3.5 triệu dân, gồm người da đen Sudan và nhiều bộ lạc khác nhau như: Kpelle, Bassa, Gio, Krumen, Grebbo, Mano, Krahn, Gola, Gbandi, Mende, Mangingo và Viau. 43.6% tổng số dân của Liberia là người trẻ dưới 14 tuổi, 52.8% là người lớn từ 14 tới 64 tuổi, và 3.7% là người già từ 65 tuổi trở lên. Về phương diện tôn giáo 66% tổng số dân Liberia theo Kitô giáo, nhất là Tin Lành. Hồi giáo chiếm 15%, còn lại 19% theo đạo thờ vật linh. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong nước, người dân Liberia còn nói tiếng Mande, Gola và Kpelle.
Lịch sử chính trị Liberia bắt đầu vào năm 1822, khi người Mỹ gốc phi châu đến sống tại đậy dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội thuộc địa Mỹ. Năm 1847 người Liberia gốc Mỹ tuyên bố Cộng hòa Liberia độc lập. Họ coi vùng đất mà xưa kia tổ tiên họ đã bị bắt bán làm nô lệ sang châu Mỹ là "đất hứa", nhưng họ không cố ý tái hội nhập vào xã hội và trong mô thức bộ tộc phi châu. Họ tự coi mình là "người Mỹ" và cũng được nhìn nhận như thế bởi các bộ tộc địa phương và chính quyền thuộc địa Anh quốc của nước Sierra Leone láng giềng. Họ lấy tên nước là Liberia để cố ý ảm chỉ họ là "những người tự do". Tâm thức này khiến cho họ có cung cách coi người thuộc các bộ lạc là "kém cỏi" hơn họ, tuy vùng đất mà họ chiếm đóng rất nhỏ hẹp. Việc thành lập nước Liberia được các nhà hảo tâm và tôn giáo Mỹ tài trợ, với sự cộng tác chính thức của chính quyền Hoa Kỳ. Do đó mô thửc chính trị của Liberia cũng rập khuôn theo mô thức của Hoa Kỳ.
Vào năm 1926, và đặc biệt trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã trợ giúp kinh tế và kỹ thuật giúp Liberia phát triển mạnh. Năm 1980 một nhóm hạ sĩ quan của quân đội bộ tộc do Samuel Kanyon Doe lãnh đạo, nổi lên đảo chánh và xử tử tổng thống William Tolbert ngay trong dinh của ông. Họ thành lập Hội đồng nhân dân cứu quốc, rồi lên nắm quyền và thi hành chính sách độc tài, đóng cửa báo chí, cấm các đảng phái đối lập hoạt động, và và tổ chức trưng cầu dân ý.
Chính sách cai trị độc tài ấy khiến cho cuộc nội chiến bùng nổ lần đầu tiên năm 1989 và năm sau đó tổng thống Doe bị giết chết bởi các lực lưng của "Mặt trận ái quốc quốc gia độc lập", do ông Yormie Johnson lãnh đạo cùng với nhiều thành phần của bộ lạc Gio. Như điều kiện chấm dứt nội chiến, năm 1994 ông Amos Sawyer, quyền tổng thống, phải từ chức và nhường quyền cho Hội đồng lãnh đạo quốc gia. Sau đó từ địa vị của một "ông chúa chiến tranh" Charles Taylor được bầu làm tổng thống năm 1997, nhưng chính sách cai trị tàn ác và độc tài của ông đã gây ra rất nhiều bất mãn và khiến cho đảng đối lập gặp rất nhiều khó khăn. Một trong các tội của ông Taylor là bắt cóc trẻ em và biến chúng thành chiến binh.
Năm 1999 cuộc nổi loạn của các bộ tộc khiến cho Liberia lâm cảnh nội chiến lần thứ hai kéo dài cho tới năm 2003, làm cho 250.000 dân thiệt mạng. Tháng 8 năm 2003, qua trung gian của nước Ghana, các thỏa hiệp hòa bình ký kết tại Accra chấm dứt 14 năm nội chiến. Tổng thổng Charles Taylor bị bắt buộc chấp nhận sống lưu vong bên Nigeria. Với các cuộc bầu cử năm 2005 bà Ellen Johnson Sirleaf lên làm tổng thống thay thế ông Gyude Bryant. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của toàn đại lục Phi châu.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Agnes Fallah Kamara-Umunna, nhà báo, về thảm cảnh của các trẻ em chiến binh Liberia và nỗ lực hòa giải bà thực hiện qua tổ chức "Thẳng từ trái tim" nói trên.
Hỏi: Thưa bà, tại sao tựa đề ban đầu của cuốn sách lại là "Nhưng hòa bình vẫn chưa tới"?
Ðáp: Bên Liberia các nạn nhân, các chứng nhân và các thủ phạm của cuộc nội chiến vẫn chưa có hòa bình. Việc chữa lành và hòa bình là hai điều không thể tách rời nhau: việc chữa lành tạo ra sự bình an. Sẽ không có tương lai nào đáng sống, cho tới khi nào tất cả chúng ta đều có sự bình an. Tại Liberia chúng tôi phải tìm hòa bình bên trong mình trước đã, rồi mới có thể trao ban sự bình an đó cho người khác. Bình an không hiện hữu ở bên ngoài, mà ở bên trong linh hồn của chúng ta. Những người mà tôi thu thập các câu chuyện cuộc đời, không có bình an, kể từ khi chiến tranh chấm dứt, bởi vì chúng tôi đã quên rằng chúng tôi tùy thuộc lẫn nhau.
Hỏi: Các trẻ em chiến binh đang tái xây dựng cuộc sống của chúng như thế nào thưa bà?
Ðáp: Ðối với một số em, việc tái xây dựng cuộc sống rất khó khăn. Tất cả các em đều có một kiểu đương đầu với các cảm xúc khác nhau. Sau khi các em bắt đầu kể lại kinh nghiệm của các em trong chương trình phát thanh của tôi, các em đã khám phá ra rằng việc kể lại các kinh nghiệm đó đã giúp các em. Việc chia sẻ các kinh nghiệm với người khác đã giúp các em bớt đau khổ hơn. Và tôi hết sức mời gọi các em hãy có sự bình an trong chính mình, hãy có tình yêu thương và tìm đối thoại với người khác. Ðây là điều rất khó đối với các em, và tôi không bao giờ bắt buộc các em làm điều đó.
Chẳng hạn như trường hơp của em Jefferson. Em kể rằng lính bắt đầu tàn sát bộ tộc của em. Khi đó em mới lên 2 tuổi. Cha mẹ và em gái của em bị binh sĩ giết chết. Bà dì đem em đi trốn, nhưng vì bà già rồi, nên không thể sống được và cũng chết vì tình trạng hỏa ngục trong nước. Khi thấy người ta chạy vào rừng trốn, em cũng chạy theo họ. Bất thình lình có một người ra dấu cho em đi theo ông. Khi em lên 7 tuổi, họ cho em một khẩu súng và dậy em bắn giết.
Tại Liberia có hàng chục ngàn trẻ em bị các "ông chủ của chiến tranh" huấn luyện và biến thành chiến binh trẻ em như vậy. Sau khi chiến tranh kết thúc, các em mồ côi, không còn gia đình, bị mọi người nhìn với con mắt nghi ngờ. Các em giận dữ và có các hình ảnh kinh khủng trong đôi mắt không còn ngây thơ nữa.
Hỏi: Thưa bà Kamara-Umunna, bà đã nói "Thắng vượt qúa khứ không bao giờ là điều dễ dàng". Ðiều này không có nghĩa 'a quên đi, nhưng đúng hơn muốn nói rằng phải thừa nhận những gì đã xảy ra trước đó để cùng nhau sống một lần, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, bạn có biết rằng bạn không thể quay trở lại đàng sau và thay đổi quá khứ không? Ðiều đã xảy ra là lịch sử rồi, bạn phải chấp nhận thôi. Chúng ta phải thừa nhận các sự kiện tiêu cực đã xảy ra cho các nạn nhân và cũng phải nghĩ tới điều các kẻ tội phạm đã làm, họ cũng sẽ không bao giờ quên được điều đã xảy ra. Bạn phải đương đầu với nỗi khổ đau và khai thác tối đa tình yêu thương mà bạn có trong mình. Tôi biết đó là điều khó lắm, nhưng có một phương thế và chúng ta phải nỗ lực làm việc để có được hòa bình trong con tim.
Hỏi: Thưa bà tình hình nước Liberia hiện nay ra sao?
Ðáp: Xem ra có nhiều thách đố phải đương đầu hơn liên quan tới các người còn sống sót. Có rất nhiều điều phải làm liên quan tới việc tái hội nhập họ vào cuộc sống xã hội. Cần phải nói về hòa giải cho toàn quê hương đất nước Liberia. Có một loạt các khó khăn vẫn còn đó trong tiến trình này vì có các khác biệt chính trị và kinh tế rất lớn giữa các bộ tộc khác nhau. Ngoài ra, còn có tệ nạn sống ngoài vòng pháp luật, nạn gian tham hối lộ, và thiếu tôn trọng đối với tình trạng pháp lý, các bất công và thiếu liêm chính trong công ăn việc làm, trong guồng máy hành chánh và các cơ quan chính quyền. Tình trạng hỗn loạn này cống hiến cho giới lãnh đạo và chính quyền các cấp có cảm tưởng rằng họ muốn làm gì thì làm, mà không sợ bị trừng phạt, và họ cũng không có tinh thần trách nhiệm nào đòi với dân nước.
Hỏi: Sự tha thứ có gia tăng trong các gia đình và trong các thành phố tại Liberia hay không thưa bà?
Ðáp: Sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta đã ít chú ý tới vai trò của việc tha thứ trong gia đình và giữa các nhóm dân với nhau, như là phương thế giúp đem lại hòa bình trong các cộng đoàn đã sống kinh nghiệm bạo lực. Việc hòa giải là một tiến trình khó khăn và lâu dài: kiểu tốt nhất là tìm ra các giải pháp cho các vấn đề đã gây ra xung khắc và chiến tranh, bằng cách thay đổi, biến thù hận và oán hờn thành tình bạn và sự hòa hợp. Ðiều mà nhiều người gọi là "sự chữa lành" là sửa chữa băng bó các vết thương sâu thẳm do cuộc chiến đã gây ra trong con tim. Công lý là một điều kiện cần thiết, nhưng không đủ để có thể hòa giải các thành phần trong nước với nhau.
Hỏi: Ðức tin đã trợ giúp bà trong công việc thăng tiến hòa giải hòa hợp như thế nào?
Ðáp: Tôi là tín hữu công giáo và tôi tin vững vàng nơi Thiên Chúa. Tôi đã nghĩ tới Thiên Chúa rất nhiều, khi tôi viết lại những câu chuyện đời của các trẻ em chiến binh; và tôi đã tự hỏi tại sao Thiên Chúa không che chở các người đã phải đau khổ qúa nhiều như vậy? Ngoài mầu nhiệm sự dữ, cái gian ác và sự tự do của con người, bất cứ chuyện gì đã xảy ra trong chiến tranh Liberia cho những người mà tôi đã làm việc với họ, tôi tin rằng đó đã là cho thiện ích của họ, cho một chương trình của Thiên Chúa, mà chúng ta không biết được. Dù sao đi nữa, tôi chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa mà không tranh luận. Cho tới nay tôi đã chấp nhận tất cả, không cay đắng, không do dự. Và tôi tự nhủ: "Thiên Chúa biết Ngài đang làm gì".
(Avvenire 3-11-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)