Khóa họp toàn thể

Hội đồng Tòa thánh về Gia đình

 

Khóa họp toàn thể Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.

Roma (Vat. 28/11/2011) - Hội đồng Tòa Thánh về gia đình sẽ tiến hành khóa họp toàn thể tại Roma từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 30 năm công bố Tông Huấn Familiaris consortio về đời sống gia đình và thành lập Hội đồng Tòa Thánh về gia đình.

Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Chủ tịch Ennio Antonelli, và cũng sẽ đặc biệt bàn về việc chuẩn bị Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành tại Milano, bắc Italia, từ ngày 30 tháng 5 đến 3 tháng 6 năm 2012.

Trong số các thuyết trình viên tại khóa họp, có Ðức Hồng Y Dionigi Tettamanzi, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Milano, nói về đề tài "Gia đình cộng đồng được cứu độ và cộng đồng cứu độ để tái truyền giảng Tin Mừng. Linh đạo và trách nhiệm thừa sai dưới ánh sáng Tông Huấn Familiaris consortio".

Tại Ðại Hội cũng sẽ có phần tường trình về tình hình gia đình tại các châu lục trên thế giới. Trưa thứ năm, 1 tháng 12 năm 2011, các tham dự viên sẽ được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tiếp kiến. Ban chiều cùng ngày Ðức Hồng Y Antonelli sẽ trình bày về đề tài "Những đường hướng của Tông Huấn Familiaris consortio và những nhu cầu mục vụ cấp thiết ngày nay".

Giới thiệu Hội nghị

Trong cuộc họp báo sáng ngày 25 tháng 11 năm 2011 để giới thiệu chương trình khóa họp toàn thể, Ðức Hồng Y Antonelli nhận xét rằng cả Tông Huấn về đời sống gia đình lẫn Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đều là thành quả mối quan tâm của Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đối với gia đình. Vì thế, việc làm đầu tiên trong khóa họp này là Thánh Lễ do Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cử hành tại Bàn thờ Ðức Cố Giáo Hoàng trong Ðền thờ Thánh Phêrô sáng thứ Ba, 29 tháng 11 năm 2011.

Về Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, Ðức Hồng Y Chủ tịch cho biết đang có sự tăng cường thông tin và tham gia tích cực của mọi thành phần trong Hội đồng, từ đoàn chủ tịch gồm 21 Hồng Y và 8 Giám Mục, cho tới 20 đôi vợ chồng thành viên do Ðức Thánh Cha bổ nhiệm và được chọn từ các nước, tiếp đến là gần 40 vị cố vấn, đa số là giáo dân, nhưng cũng có các Giám Mục, Linh Mục và tu sĩ. Ngoài ra có gần 10 viên chức của Hội đồng, tổng cộng tất cả là hơn 100 người. Trong viễn tượng này, ngoài các khóa họp toàn thể, còn có các cuộc tham khảo tại gia, ví dụ 2 cuốn cẩm nang gần đây do Hội đồng công bố; rồi các thành viên, 3 lần trong một năm, đều gửi về Hội đồng ở Roma những thông tin về đất nước của mình. Ðặc biệt trong khóa họp hiện nay có 2 cuộc thảo luận bàn tròn với 14 bài tham luận từ các vùng địa lý và văn hóa khác nhau.

Riêng về Tông Huấn Familiaris consortio, do Ðức Gioan Phaolô 2 công bố ngày 22 tháng 11 năm 1981, Ðức Hồng Y Antonelli nhấn mạnh một vài điểm trong Tông Huấn đặc biệt có tính chất thời sự ngày nay:

- trước tiên là chỗ đứng trung tâm của gia đình trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng và trong việc mục vụ ở các giáo xứ và giáo phận.

- tiếp đến là ơn gọi yêu thương của các đôi vợ chồng, được hiểu như một sự hiến thân cho nhau và như một sự hiệp thông, trong đó có bao gồm cả ước muốn hạnh phúc và cả sự thu hút về tính dục, với khả thể đạt được một niềm vui chân thành và lớn lao hơn, trái với quan niệm của một số người thường tố cáo rằng Giáo Hội có một quan niệm tiêu cực về tính dục.

- điểm thứ ba là sự giáo dục về việc nên thánh và hành trình từ từ hoán cải với lòng khiêm tốn và tín thác nơi lòng từ bi Chúa: đường lối sư phạm này đặt lên hàng đầu các ý nghĩa, giá trị và linh đạo, và coi các qui luật và giới cấm về luân lý xuống hàng thứ yếu.

- điểm thứ tư trong Tông Huấn là ơn gọi truyền giáo, qua đó gia đình sống, chiếu tỏa và biểu lộ tình yêu thương trong thế giới và sự hiện diện của Chúa Kitô; gia đình cần phản ánh vẻ đẹp sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, trở thành một dấu chỉ đáng tin cậy của Tin Mừng, phục vụ lẫn nhau, quảng đại sinh sản con cái trong tinh thần trách nhiệm, chăm sóc và giáo dục con cái, dấn thân làm việc, quan tâm đến người nghèo, cầu nguyện tại gia, tham dự thánh lễ và các hoạt động của giáo hội, dấn thân trong xã hội dân sự.

- điểm thứ năm là chính các gia đình được mời gọi làm việc mục vụ cho gia đình, nhất là trong việc giáo dục các thiếu niên và người trẻ, chuẩn bị hôn nhân, huấn luyện các đôi vợ chồng và cha mẹ khác, gần gũi những người ở trong tình cảnh khó khăn và những cặp sống trong tình trạng bất hợp lệ.

Tông Huấn về gia đình

Trong cuộc họp báo hôm 25 tháng 11 năm 2011, Ðức Cha Jean Laffitte, người Pháp, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã trình bày chi tiết về Tông Huấn Familiaris consortio, hậu thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình.

Ngài nhận xét rằng cùng với Hiến Chế "Vui Mừng và Hy vọng" của Công đồng chung Vatican, Tông Huấn về gia đình chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn; Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ xã hội con người tái khám phá các giá trị đích thực của gia đình trong thời kỳ khủng hoảng về luân lý.

Trong phần thứ I Tông Huấn làm nổi bật những điểm sáng và điểm tối của gia đình: những điểm sáng như: càng ngày người ta càng ý thức mạnh mẽ về tự do cá nhân và chú ý nhiều hơn đến chất lượng quan hệ giữa con người với nhau trong hôn nhân, đến sự thăng tiến phẩm giá của phụ nữ, - những sự kiện đó nhiều khi mơ hồ, nhưng tự chúng là tích cực; tiếp đến có những bóng tối đang là một đe dọa đối với gia đình: Trong số nhiều dấu hiệu gây lo âu, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 nói đến những khó khăn cụ thể trong việc thông truyền các giá trị, số ly dị gia tăng, nạn phá thai, não trạng ngừa thai.

- Phần thứ II của Tông Huấn nói về ý định của Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình: Ðức Gioan Phaolô 2 nhìn thấy trong gia đình một sự hiệp thông giữa con người với nhau, rồi ngài làm nổi bật mục đích của gia đình là để phục vụ sự sống, nghĩa là thông truyền sự sống và giáo dục con cái. Ðối với Ðức Cố Giáo Hoàng, không thể cứu xét gia đình mà lại tách rời nó khỏi tình yêu vợ chồng. Ðây có vẻ là một điều hiển nhiên, nhưng thực tế không phải như vậy: nhiều luật lệ dân sự ngày nay công nhận những hình thức gia đình khác với gia đình truyền thống, tách rời gia đình khỏi căn cội sâu xa nhất của nó, nghĩa là tình hiệp thông giữa một người nam và một người nữ được liên kết bằng một sự kết hợp bất khả phân lý.

Theo Tông huấn Familiaris consortio, gia đình có sứ mạng là xi măng của xã hội và tham gia vào sự phát triển xã hội. Ý niệm rất được Ðức Gioan Phaolô 2 quan tâm, đó là sự hiệp thông giữa con người với nhau. Ý niệm này chắc chắn là có bản chất triết học, nhưng được lấy lại về phương diện thần học. Tuy nhiên, sự hiệp thông giữa hai người nam nữ như thế chỉ đạt tới mức độ đầy đủ nếu nó cởi mở đối với một loại hiệp thông khác: đây là phần của Tông huấn nói về linh đạo và trình bày vai trò của gia đình trong mầu nhiệm Giáo Hội.

Một trong những điểm độc đáo của Tông huấn về đời sống gia đình đó là Văn kiện này coi định chế gia đình là một nơi suy tư cơ bản về xã hội. Gia đình tham gia vào việc phát triển xã hội, vì thế, không được phép làm biến thái bản chất gia đình. Gia đình có sự mạng làm cho xã hội được phong phú nhờ kinh nghiệm về mối giây hiệp thông và liên đới, khiến cho gia đình có khả năng hình thành một trật tự mới của thế giới (n.48).

Trong nhiều khía cạnh, Tông huấn Familiaris consortio là một văn kiện có tính chất ngôn sứ.

Chuẩn bị Ðại hội các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 7

Như vừa nói, trong khóa họp toàn thể từ hôm nay của Hội Ðồng Tòa Thánh về gia đình, có bàn về việc chuẩn bị Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành tại Milano, bắc Italia, từ ngày 30 tháng 5 đến 3 tháng 6 năm 2012.

Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Milano đã công bố thư mục vụ về gia đình và dành trọn năm để mời gọi các tín hữu suy tư về đề tài gia đình, trong tương quan với công việc làm và ngày lễ. Toàn bộ giáo phận Milano gồm hơn 1 ngàn giáo xứ và 73 giáo hạt đang được động viên để thực hiện các buổi học giáo lý và bao nhiêu sinh hoạt khác, như hội thảo, điểm phim gặp gỡ về chủ đề gia đình, để Ðại hội các Gia đình Công Giáo này thực sự được sống như một biến cố của Giáo Hội.

Ngoài ra, có Tổ chức Gia đình 2012 đảm nhận công tác chuẩn bị kỹ thuật, đăng ký, đón tiếp các đại biểu và tín hữu đến tham dự, phối hợp hoạt động của những người thiện nguyện.

Tổ chức này cũng đang chuẩn bị sản xuất nhiều tài liệu thính thị để hỗ trợ cho việc giảng dạy giáo lý về hôn nhân và gia đình. Ngày 2 tháng 12 năm 2011 một cuốn sách sẽ được xuất bản tại Italia với tựa đề "Trong gia đình - phương tiện giao tác (Strumenti interattivi) để giảng dạy giáo lý nhân Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới", sách này giúp đào sâu 10 bài giáo lý chuẩn bị cho Ðại hội vừa nói.

Trong cuộc họp báo hôm 25 tháng 11 năm 2011, Ông Bà Alfonso và Francesca Colzani đặc trách phân bộ gia đình của tòa Tổng Giám Mục Milano, và thuộc ban tổ chức cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 7, cho biết cho đến nay đã có 400 người đăng ký tham dự Ðại hội, nhưng ban tổ chức mong đợi sẽ có hơn 5 ngàn người đến dự.

Chương trình của Hội nghị thần học mục vụ gia đình đã được xác định với 25 hoạt động vào ban chiều, tại nhiều nơi ở Milano và các thành phố lân cận.

Ban tổ chức cũng đã chọn địa điểm cho cuộc gặp gỡ tối thứ bẩy đại lễ chứng từ và thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật 3 tháng 6 năm 2012 với Ðức Thánh Cha tại Công viên Bắc Milano cạnh phi trường Bresso.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page