Khoan nhượng có thể là con dao hai lưỡi

 

Khoan nhượng có thể là con dao hai lưỡi.

Một số nhận định của Linh Mục triết gia Paul Gilbert về sự khoan nhượng như con dao hai lưỡi.

Roma (Avvenire 11-11-2011; Vat. 28-11-2011) - Trong các ngày 16 đến 19 tháng 11 năm 2011, cuộc hội thảo quốc tế về đề tài "Con người thời tân tiến và Giáo Hội" đã diễn ra tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Ðại hội thảo luận về bốn lãnh vực: Giáo Hội và thế giới tân tiến, nền thần học tân thời, các mô thức khoa học, tính cách chủ quan đáng lo ngại. Tham dự đại hội đã có nhiều học giả đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số các thuyết trình viên ngoài linh mục Paul Gilbert, tân phân khoa trưởng phân khoa triết đại học giáo hoàng Gregoriana, có các vị khác như các giáo sư Michael Gallagher, Laurence Devillaire, Eberhard Schokenhoff, José Funes, Peter Henrici và Ðức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Văn Hóa.

Cha Glibert cho biết tâm thức của con người tân tiến ngày nay là tự đặt mình vào trung tâm thế giới, coi Thiên Chúa là vô ích, và tự cho mình là tác nhân của tất cả mọi sự, có trách nhiệm đối với sự thiện và sự ác. Ðây là các vấn đề vô tận đã dấy lên một cuộc thảo luận trong Giáo Hội ngay từ hồi thế kỷ XVIII. Chúng tiếp tục cật vấn xã hội và cộng đoàn tín hữu ngày nay.

Theo cha Gilbert ngày nay có các căng thẳng trong Giáo Hội. Chúng nảy sinh từ khó khăn hiểu biết tương quan giữa Giáo Hội và thế giới tân tiến. Vì thế cha hy vọng cuộc gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu và các giáo sư thuộc nhiều bộ môn khác nhau có thể đem lại lại một chút ánh sáng, bằng cách minh nhiên tất cả các khía canh của sự tân tiến trong tương quan với con người và với Giáo Hội, cả trong nghĩa tích cực, chứ không phải chỉ trong nghĩa tiêu cực như vẫn thường thấy từ trước tới nay.

Cha Paul Gilbert đậu tiến sĩ thần học tín lý tại đại học giáo hoàng Gregoriana năm 1979. Năm 1983 cha lấy thêm bằng tiến sĩ triết học tại đại học Louvain bên Bỉ, và dậy tại đại học Iberoamericana và Học viện Công giáo Paris. Hiện cha dậy môn siêu hình và là giám đốc nguyệt san Gregoriana, đồng thời là thành viên Ủy ban biên soạn bộ Bách khoa từ điển triết lý của "Trung tâm nghiên cứu triết lý Gallarate". Cha Gilbert cũng là tác giả nhiều sách trong có các cuốn như: "Nói lên cái Không diễn tả nổi. Monologion của thánh Anselmo" (1984). Ðây là luận án tiến sĩ của cha liên quan tới tác phẩm "Monologion" của thánh Anselmo suy tư về bản chất của Thiên Chúa, tương quan giữa Thiên Chúa và các thụ tạo, vấn đề sự thiện tối cao và sự tự do của con người. Cuốn sách thứ hai tựa đề "Proslogion của thánh Anselmo. Sự thinh lặng của Thiên Chúa và niềm vui của con người" (1990); rồi còn có các cuốn như: "Sự đơn sơ của nguyên tắc. Các tổng luận dẫn vào siêu hình học" (1994); "Dẫn nhập vào nền thần học thời trung cổ" (1992): cuốn này đã được dịch ra các thứ tiếng Tây Ban Nha, Ba Lan và Bồ Ðào Nha; "Biết và hy vọng. Lộ trình của siêu hình học" (2003).

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của cha Paul Gilbert, tân khoa trưởng phân khoa triết đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma về cuộc hội thảo nói trên.

Hỏi: Thưa cha Gilbert, như thế các tham dự viên đại hội về đề tài "Con người thời tân tiến và Giáo Hội" mói trên không chỉ dừng lại trên tương quan giữa khoa học và đức tin, mà còn thảo luận nhiều vấn đề khác nữa, có đúng thế không?

Ðáp: Ðúng thế, vì sự tân tiến không chỉ liên quan tới khoa học, mà cũng liên quan tới tất cả các biểu hiện của tư tưởng, của nền văn hóa và của văn chương nữa. Sự tân tiến áp đặt chủ thể như trung tâm mọi sự, đồng thời chính với sự tân tiến nảy sinh ra việc phê bình hành động của chủ thể, trước đó đã không hề được chú ý. Song song cũng phải duyệt xét sự kiện sự tân tiến là thừa tự của một tiến trình tục hóa đã bắt đầu các di chuyển của nó trong thời trung cổ, là giai đoạn trong đó toàn nền văn hóa được Giáo Hội dẫn đầu, nhưng với các chia rẽ rất sâu đậm giữa các đại học, các trường đan viện... Tư tưởng tân tiến bắt đầu soạn thảo việc cần thiết khiến cho các chia rẽ đó chung sống với nhau... Từ lúc đó trở đi nảy sinh ra ý niệm đối thoại và khoan nhượng. Cũng chính nhờ các nhân vật như Galilei và các thánh như thánh Bellarmino.

Hỏi: Có thể coi sự khoan nhượng như là một giá trị kitô hay không thưa cha?

Ðáp: Tình yêu thương chắc chắn là điều tích cực rồi. Nhưng sự khoan nhượng có thể là điều tiêu cực. Tình yêu thương tìm tôn trọng các ý kiến của người khác, và trong ý hướng đó nó khiến cho con người đồng hành với nhau. Sự khoan nhượng dành khoảng trống cho người khác.

Hỏi: Tư tưởng chung thường coi sự khoan nhượng như là giá trị cao nhất trong các giá trị của cuộc sống chung dân sự, có phải vậy không?

Ðáp: Với sự tân tiến và việc nảy sinh ra các quốc gia gương mặt của nhà nước được chồng lên trên gương mặt của các tôn giáo. Sau kinh nghiệm của các cuộc chiến tôn giáo, người ta nghĩ rằng nhà nước phải ở bên trên, và trở thành cơ cấu bảo đảm cho sự chung sống mà không bước vào trong các khác biệt. Sự khoan nhượng được đặt để vào việc phục vụ hòa bình.

Hỏi: Trong nghĩa này thì sự khoan nhượng là điều tích cực, đó đúng thế không, thưa cha?

Ðáp: Ðương nhiên rồi. Tuy nhiên trên thực tế, người ta không tìm hòa bình, mà tìm sự yên ổn xã hội, qua một sự giàn xếp thờ ơ với số đông. Trong nghĩa này sự khoan nhượng cũng có thể trở thành "công an cảnh sát", vì nó xa lạ và không để ý tới số đông.

Hỏi: Nghĩa là sự khoan nhượng đó là một quan niệm về nhà nước và sự yên ổn xã hội không làm cho tín hữu kitô được thỏa mãn?

Ðáp: Hãy nói rằng nó không khiến cho kitô hữu thỏa mãn đủ, bời vì qua nó người ta tạo ra một tâm thức của sự thờ ờ giữa con người đối với nhau. Ðức tin kitô được ghi dấu bởi sự tôn trọng các khác biệt trong việc đối thoại, trong việc đi tới với người khác.

Hỏi: Như thế có nghĩa là không phải sự nhân nhượng nào cũng theo tinh thần kitô?

Ðáp: Ðức tin kitô dựa trên hai mô thức quy chiếu nền tảng: mô thức quy chiếu thứ nhất là niềm tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, là Thiên Chúa duy nhất trong sự hiệp thông. Mô thức quy chiếu nền tảng thứ hai đã được Công Ðồng Chung Calcedonia năm 381 xác định và minh giải: đó là bản tính hai chiều kích của Chúa Kitô, được hiểu như là Thiên Chúa thật và người thật, mà không phân chia, không lẫn lộn. Tất cả nằm trong việc tôn trọng sự khác biệt, trong tình yêu thương của sự khác biệt, không thờ ơ. Sự khoan nhượng, trái lại, được hiểu như là sự thờ ơ đối với tha nhân: điều họ nghĩ không dính dáng đến tôi.

Hỏi: Và đây là một vấn đề khổng lồ của sự tân tiến, một khối đá đè nặng trên con người, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Giáo Hội hoàn toàn ý thức được điều này. Chính vì thế trong bài diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc hồi năm 1968, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chỉ cho thấy Giáo Hội như là thầy dậy của nhân loại. Vấn đề là sự tân tiến, khi chặt đứt các cây cầu với Thiên Chúa, thì cũng đã chặt đứt tương quan với Giáo Hội. Nền chính trị không còn ở dưới trật tự của Thiên Chúa nữa. Con người tự đặt mình vào trung tậm như là tác giả duy nhất của sự thiện và sự ác. Con người tiếm đoạt quyền của Thiên Chúa.

Hỏi: Như vậy trong điều này có cái gì tích cực không thưa cha?

Ðáp: Trong chương 1 sách Sáng Thế Thiên Chúa mời gọi con người thống trị mọi thụ tạo. Ðây là bản chất thái độ tân tiến. Với sự tân tiến con người lãnh trách nhiệm đối với các vấn đề của mình, đối với tật bệnh, đối với sự dữ... sau một tiến trình chậm của ý thức, đã khởi đầu từ nhiều thế kỷ trước; tự nó tiến trình này không phải là điều tiêu cực, nếu không thì Thánh Kinh đã không để "sự tiến bộ" ngay từ đầu lịch sử nhân loại.

Hỏi: Nhưng mà đụng độ giữa Giáo Hội và sự tân tiến đã kéo dài và các hậu qủa của nó cũng tồn tại thưa cha...

Ðáp: Có lẽ bởi vì Giáo Hội đã mất đi một chút ý thức về tôn giáo. Ðã có các hàm hồ không rõ ràng khổng lồ. Chính hàng giáo phẩm thời đó đã không "sáng gía" lắm...

Ý tưởng của đại hội này nằm trong đường hướng của Công Ðồng Chung Vaticăng II, được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tái đề nghị một cách mạnh mẽ. Giáo Hội đề nghị từng người tìm lại phẩm giá là người của mình, tái chiếm hữu sự hiểu biết bổn phận phải là người, hiểu biết cái gì tốt cho mình và cho toàn nhân loại. Khuynh hướng chủ quan nảy sinh từ sự tân tiến không còn nữa. Không có ai còn có trách nhiệm đối với điều gì nữa. Trong thực tế nền văn hóa ngày nay đang trốn chạy chính mình. Nó không có trách nhiệm nữa và khiến cho người ta vô trách nhiệm. Giáo Hội đề nghị tìm lại sự đúng đắn của một ý thức chủ thể mới, không đóng kín trong chính mình, nhưng có khả năng liên minh với người khác để xây dựng xã hội.

Hỏi: Thưa cha, trong cái luận lý này người ta gặp được Thiên Chúa ở đâu?

Ðáp: Lương tâm tìm lại được phẩm gía của nó thì ở trong một thế giới tinh thần. Chính trong đó mà con người sống kinh nghiệm về Thiên Chúa, là Ðấng mời gọi con người sống sự thiện đối với tha nhân, là Ðấng tự trao ban trong tình yêu... mà không lẫn lộn và không phân rẽ.

(Avvenire 11-11-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page