Những thách đố của
các tín hữu kito tại Trung đông
Những thách đố của các tín hữu kito tại Trung đông.
Beirut [Asianews 23/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức thượng phụ Công giáo Maronit Liban Bishara Al Rai, kêu gọi đề cao cảnh giác trước điều được gọi là "Mùa Xuân Á rập".
Trong bài thuyết trình tại một hội nghị do Ðại Học Chúa Thánh Thần ở thủ đô Beirut tổ chức hôm 18 tháng 11 năm 2011, đức cha Al Rai lo ngại rằng "mùa xuân Á rập" có thể dẫn đến những cuộc xung đột tôn giáo, những chế độ tàn bạo hơn và sự chia rẻ tôn giáo tại Trung đông.
Ðược biết, tham dự hội nghị nói trên, ngoài các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Liban, còn có một số thành viên của Nghị viện Âu châu, Quối hội Liban và Ủy ban các Hội đồng Giám mục Âu Châu.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo công giáo Maronit Liban nhắc lại rằng "Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông do Ðức thánh cha Benedicto XVI triệu tập từ ngày 10 đến 24 tháng 10 năm 2010, đã khẳng định rằng sự diện diện của các tín hữu kito tại Trung đông phải được hiểu như là một sự "hiệp thông và làm chứng". Ðiều này có nghĩa là tương lai của các tín hữu kito tại Trung đông không thể nằm bên ngoài, bên lề hay chống lại xã hội trong đó họ đang sống.
Ðức thượng phụ Al Rai giải thích rằng "hiệp thông là một ý niệm thần học chỉ sự hiệp nhứt trong dị biệt". Ðức thượng phụ nói: "Mỗi người tín hữu kito được mời gọi trước hết vả trên hết sống yêu thương bên trong Giáo hội, theo hình ảnh của sự Hiệp Thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðiều này có nghĩa là nền móng của sự hiện diện của chúng ta tại Trung đông đã được ghi khắc trong cốt lõi đức tin của chúng ta chứ không do chúng ta chọn lựa cũng không do sự hiện diện lịch sử và những hoàn cảnh khách quan".
Nhưng theo vị lãnh đạo của Giáo hội Maronit, hiệp thông không chỉ dừng lại trong niềm tin, mà còn trải dài sang lãnh vực chính trị. Ngài nói rằng, dưới khía cạnh chính trị, hiệp thông có nghĩa là có cùng một bản sắc dân tộc, là làm công dân của cùng một quốc gia.
Theo Ðức thượng phụ, những thay đổi mới đây tại một số nuớc Á rập là một thách đố. Những thay đổi này cho thấy có sự thức tỉnh của ý thức về bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, ngài sợ rằng những thay đổi này có thể làm phát sinh những xung đột tôn giáo, sự xuất hiện của những chế độ tàn bạo hơn và sự chia rẻ tôn giáo trong vùng. Chỉ có một bản sắc dân tộc duy nhứt có thể được chia sẻ với nhau, đó là bàn sắc bao gồm mọi đóng góp văn hóa, bảo đảm sự sống chung hòa bình và hữu ích.
Ðức thượng phụ Công giáo Maronit kêu gọi: "Cùng với bạn hữu ở đây và ở những nơi khác, các tín hữu kito cần phải chống lại mọi toan tính chỉ nhìn các quốc gia và xã hội theo bản sắc tôn giáo." Các tín hữu kito cần phải chống lại mọi toan tính hồi giáo hóa hay do thái hóa quốc gia và xã hội.
Ðức thuợng phụ đặc biệt hoan nghênh ý kiến của Ðại học Al Azhar dạo tháng 6 năm 2011, khi đại học hồi giáo Ai cập này nói rằng Hồi giáo không nên áp đặt bản sắc tôn giáo cho nhà nước, nghĩa là Nhà nước không nên có tính cách tôn giáo hay thần chủ, mà phải là "thế tục" mà vẫn tôn trọng các giá trị nền tảng của tôn giáo.
Về những thách đố mà các tín hữu kito tại Trung đông đang phải đương đầu, nhà lãnh đạo Giáo hội Maronit Liban nói rằng "an ninh là điều tối cần cho cuộc sống của cá nhân và đoàn thể. An ninh là một quyền mà mỗi một công dân đều phải hưởng được và nhà nước phải bảo đảm quyền ấy. An ninh không phải là chuyện các nhóm đa số phải bảo vệ các nhóm thiểu số, mà là một quyền cơ bản mà mọi người đều có.
Tiếc thay, theo Ðức thượng phụ Al Rai, những biến cố mới xảy ra gần đây cho thấy quyền này đã bị xem thường. Ngài kêu gọi các giới chức tôn giáo, kito giáo cũng như hồi giáo, hãy lên tiếng chống lại chiến tranh tôn giáo duới mọi hình thức và thăng tiến sự sống chung đặt nền tảng trên quyền công dân và những quyền cơ bản của con người.
Về những quyền tự do cơ bản, Ðức thượng phụ nói rằng tại một số quốc gia trong vùng, các tín hữu kito phải chịu một số hình thức kiểm soát xã hội và chính trị nhằm áp bức một số tự do cơ bản, như tự do luơng tâm, tự do thờ phượng và tự do phát biểu. Ðối với người công dân, có đạo hay không, tự do cũng giống như dưỡng khí.
Ngài nhắc lại rằng tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông, "tài liệu làm việc" [instrumentum laboris] phân biệt giữa tự do thờ phượng và tự do lương tâm. Tự do lương tâm là tự do tin hay không tin, tự do thực hành tôn giáo trong chốn riêng tư cũng như nơi công cộng mà không bị ngăn cản. Tự lương tâm cũng bao gồm quyền được thay đổi tôn giáo.
Ðức thượng phụ nói rằng đây là một thứ quyền không được bảo đảm tại nhiều quốc gia trong vùng. Ðôi khi quyền này còn bị luật pháp lọai trừ. Chỉ có Liban là một ngoại lệ.
Ngoài tình trạng không được bảo đảm an ninh và tôn trọng trong những quyền cơ bản, các tín hữu kito tại Trung đông còn phải đối đầu với một thách đố khác: đó là được nhìn nhận trong sự khác biệt của mình. Ðức thượng phụ Maronit nói rằng từ hơn một ngàn năm nay, các tín hữu kito và hồi giáo trong vùng đã có thể sống chung với nhau. Ðiều này dạy chúng ta rằng xuyên qua đối thoại bằng cuộc sống, những khác biệt không thể dung hòa đuợc vẫn có thể được khắc phục và ngay cả biến thành yếu tố phong phú hóa cho nhau.
Chân phuớc Gioan Phaolo II, mỗi khi nhắc đến Liban, đều nói rằng nước này không chỉ là một quốc gia, mà còn là một sứ điệp và là một mẫu mực về đa nguyên cho cả Ðông lẫn Tây phương.
Kết thúc bài phát biểu, Ðức thuợng phụ Công giáo Maronit Liban kêu gọi mọi người "đừng lo sợ về sự hiện diện của các tín hữu kito tại Trung đông", bởi vì vịệc này tùy thuộc ở ý muốn của Chúa hơn là chọn lựa của chúng ta. Ngài nói: "Chúng ta biết rằng một thế giới Á rập không có tín hữu kito sẽ là một tai họa cho cả Ðông lẫn Tây phương, bởi vì Á rập sẽ không còn là một nền văn hóa đa diện, mà sẽ bị nuốt trửng bởi văn hóa tôn giáo của Hồi giáo. Cả hồi giáo lẫn Âu châu đều không thể sống trong một hoàn cảnh như thế".
RVA.