Quan ngại của các Ðức giám mục Hoa kỳ

về tự do tôn giáo trên thế giới

cũng như tại quốc nội

 

Quan ngại của các Ðức giám mục Hoa kỳ về tự do tôn giáo trên thế giới cũng như tại quốc nội.

Hoa kỳ [National Catholic Tegister 22/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Gần đây, các Ðức giám mục Hoa kỳ đã tỏ ra rất quan ngại về những vi phạm tự do tôn giáo trên thế giới cũng như những đe dọa đối với tự do tôn giáo ngay tại Hoa kỳ.

Tại Trung Ðông và Nam Á là nơi các nhóm tôn giáo thiểu số đã trở thành mục tiêu tấn công bạo động của các nhóm cực đoan, các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Hoa kỳ đã yêu cầu chính phủ của tổng thống Barack Obama hãy xem tự do tôn giáo như một vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Hoa kỳ cũng nhìn nhận rằng các trào lưu tục hóa tại các nước Tây Phương hiện đã tìm cách đẩy tôn giáo vào lãnh vực riêng tư . Các vị cũng yêu cầu các nhà thảo chính sách tại Hoa kỳ hãy trừng phạt những quốc gia nào bách hại các tín hữu kito.

Trong buổi điều trần trước tiểu ban Quốc hội về Phi Châu, Y tế toàn cầu và nhân quyền hôm 17 tháng 11 năm 2011, Ðức cha Ricardo Ramirez, Giám mục Las Cruces, bang New Mexico, đã yêu cầu Tòa bạch ốc và Quốc hội Hoa kỳ "đưa tự do tôn giáo lên hàng ưu tiên và đề cao vai trò của tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại".

Ðức cha Ricardo Ramirez, một thành viên của Ủy ban Công lý và hòa bình thế giới của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, nói rằng hiện có quá it bằng chứng cho thấy việc bảo vệ tự do tôn giáo được xem trọng trong các quyết định của chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa kỳ.

Theo Ðức cha Ramirez, mặc dù hàng năm chính phủ Hoa kỳ cho công bố một bản báo cáo về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới, nhưng tổng thống và ngoại trưởng Hoa kỳ vẫn chưa có hành động đủ mạnh đối với những quốc gia nào vi phạm một cách nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Mới đây Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới của chính phủ Hoa kỳ đã cho công bố bản phúc trình thường niên, theo đó người công giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác đã bị bách hại tại Ấn độ, Ai cập, Iraq, Trung Quốc và một số nước khác trong đó có Việt nam.

Trong cuộc điều trần trước tiểu ban Hạ viện về Phi Châu, y tế toàn cầu và nhân quyền, dân biểu Chris Smith, chủ tịch của tiểu ban, ghi nhận số phận của các tín hữu kito Copte tại Ai cập và kêu gọi chính phủ Hoa kỳ "xem việc bảo vệ các cộng đồng kito Copte như một ưu tiên trong những cam kết ngoại giao với chính phủ Ai cập", vốn là quốc gia đứng hàng thứ hai về việc nhận viện trợ của Hoa kỳ.

Ðức cha Ramirez, cựu thành viên của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, lập luận rằng chính phủ Hoa kỳ cần phải quan tâm hơn đến những quốc gia mà bản phúc trình của Ủy ban xem như "những quốc gia cần được quan tâm một cách đặc biệt vì thành tích vi phạm tự do tôn giáo".

Trong cuộc điều trần trước tiểu ban Hạ viện về Phi Châu, Y tế toàn cầu và nhân quyền, Ðức cha Ramirez cho biết Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã từng gặp gỡ với bộ trưởng các nhóm tôn giáo thiểu số Pakistan, ông Shahbaz Bhatti, người đã bị ám sát dạo tháng 3 năm 2011. Trong cuộc điều trần, Ðức cha Ramirez cũng ghi nhận rằng một phái đoàn của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ cũng đã viếng thăm Bagdad, Iraq, hồi tháng trước để tìm hiểu tình trạng các tín hữu kito Iraq khi quân đội Hoa kỳ chuẩn bị rút quân vào cuối năm 2011.

Tại hội nghị mùa thu diễn ra tại Baltimore, bang Maryland hồi tuần trước, Ðức cha George Murray, Giám mục Youngstown, bang Ohio, và Ðức cha Gerald Kicanas, Giám mục Tucson, bang Arizona, đã họp báo trình bày cuộc gặp gỡ của các vị với các tín hữu kito Iraq tại Bagdad. Hai vị đã kêu gọi chính phủ Obama xử dụng ảnh hưởng lớn của mình đối với chính phủ Iraq để bảo đảm một sự chuyển giao có trật tự và bảo vệ quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số.

Bà Nina Shea, giám đốc Trung Tâm Tự Do Tôn Giáo tại Washington, đã phản ánh các mối quan ngại của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ về số phận của các tín hữu kito Iraq, mà con số đã giảm đi một nửa kể từ khi quân đội Hoa kỳ xâm chiếm Iraq hồi năm 2003: nhiều người rời bỏ những vùng có xung đột quân sự, một số trốn chạy những cuộc bạo động của những nhóm hồi giáo quá khích.

Bà Shea nói rằng "Hoa kỳ sẽ tiếp tục là một đồng minh quan trọng của Iraq trong các lãnh vực kỹ thuật, kinh tế và quốc phòng. Do đó, chính phủ Hoa kỳ cần phải xem việc bảo vệ và nhìn nhận các quyền bình đẳng của các tín hữu kito và các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo khác như một ưu tiên trong liên minh giữa Hoa kỳ và Iraq".

Tuy nhiên, trong khi những nguời bênh vực cho tự do tôn giáo thúc đẩy chính phủ Hoa kỳ xem tự do tôn giáo như một ưu tiên trong chính sách đối ngoại, thì tại các nước Tây phương nhiều người không còn xem tự do tôn giáo như một quyền dân sự cơ bản tại quốc nội cũng như tại các nước đang phát triển.

Trong bài điều trần trước tiểu ban Hạ viện về Phi Châu, Y tế toàn cầu và nhân quyền, Ðức cha Ramirez khẳng định rằng "tự do tôn giáo không chỉ là tự do khỏi sự cưỡng bách đối với tín ngưỡng của mình, mà còn là tự do được thực hành niềm tin của mình với tư cách cá nhân và trong cộng đồng, ở nơi riêng tư cũng như nơi công cộng".

Theo Ðức cha Ramirez, tự do tôn giáo không chỉ là tự do thờ phượng. Nó còn bao gồm tự do của Giáo hội và các tổ chức tôn giáo được cung cấp giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác. Tự do tôn giáo cũng cho phép các cá nhân và cộng đồng tôn giáo được tham gia vào cuộc tranh luận công cộng về các chính sách của chính phủ và như vậy góp phần vào việc xây dựng công ích.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page