Tường thuật ngày thứ hai

chuyến viếng thăm mục vụ

của Ðức Thánh Cha tại Benin

 

Tường thuật ngày thứ hai chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha tại Benin.

Benin (Vat. 19/11/2011) - Thứ Bẩy 19 tháng 11 năm 2011 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ ba ngày của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Benin. Ðức Thánh Cha đã có 6 sinh hoạt chính. Ban sáng ngài găp gỡ các giới chức chính quyền, đại diện các cơ cấu quốc gia Benin, ngoại giao đoàn và đại diện các tôn giáo chính, rồi hội kiến riêng với tổng thống Thomas Yayi Boni. Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã viếng mộ Ðức Cố Hồng Y Bernardin Gatin trong nhà nguyện đại chủng viện Saint Gall tại Ouidah, cách thủ đô Cotonou 43 cây số và gặp gỡ các linh mục chủng sinh, tu sĩ và giáo dân nam nữ cũng như giáo lý viên. Vào ban trưa Ðức Thánh Cha đã viếng thăm vương cung thánh đường Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và ký Tông huấn Hậu Thượng Hồi Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ hai. Vào ban chiều Ðức Thánh Cha đã đến thăm nhà "Hòa Bình và Niềm Vui", nơi các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Terexa Calcutta săn sóc các trẻ mồ côi bị bỏ rơi và đau yếu. Sau cùng ngài gặp gỡ các Giám Mục Benin tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Ðức Thánh Cha.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng thứ Bẩy 19 tháng 11 năm 2011 Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Lúc 8 giờ 45 phút ngài đã đi xe tới Dinh tổng thống, cách đó 3 cây số, để gặp gỡ các giới chức chính quyền, ngoại giao đoàn và đại điện các tôn giáo chính. Dinh tổng thống được kiến thiết năm 1960 nhân dịp tuyên bố Benin độc lập khỏi nước Pháp. Tổng thống Thomas Yayi Boni sinh năm 1952 đã theo học ngành kinh tế tại đại học quốc gia Benin, rồi học tài chánh tại đại học Cheikh Anta Diop Dakar bên Senegal. Tiếp đến ông học về kinh tế chính trị tại đại học Orléans bên Pháp và đại học Paris rồi lấy bằng tiến sĩ kinh tế năm 1976. Trong các năm 1980-1992 ông làm việc trong Ngân hàng trung ương của các quốc gia vùng Tây Phi châu tại Dakar bên Senegal, rồi trở thành phó giám đốc ngân hàng này. Tiếp đến ông làm phó giám đốc Phát triển nghề nghiệp tại Trung tâm đào tạo và nghiên cứu của ngân hàng Tây Phi. Trong các năm 1992-1994 ông đặc trách về chính trị tiền tệ và ngân hàng của văn phòng tổng thống Nicéphore Soglo. Năm 1994 ông được chỉ định làm giám đốc Ngân hàng phát triển Tây Phi châu. Từ tháng 4 năm 2006 ông là tổng thống Benin, và đã tái đắc cử vào tháng 4 năm nay 2011.

Tổng thống Boni đã tiếp đón Ðức Thánh Cha tại chân cầu thang dẫn lên Ðại thính đường Nhân Dân trong Dinh tổng thống, là một phòng rộng lớn có thể tiếp đón 3,000 người.

Ngỏ lời với giới lãnh đạo đạo đời Benin và ngoại giao đoàn, Ðức Thánh Cha đã đề cập tới cuộc sống xã hội chính trị kinh tế của đại lục Phi châu và cuộc đối thoại liên tôn. Ngài mời gọi toàn đại lục Phi châu tin tưởng hy vọng đứng lên và đừng sợ hãi. Ðức Thánh Cha cho biết trong các lần nói về Phi chầu ngài thường hay nối liền nó với từ hy vọng. Ðây cũng là từ được nhắc tới nhiều lần trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Giám Mục "Africae munus" mà ngài sẽ ký và trao cho Giáo Hội tại Phi châu. Khi nói về Phi châu, rất thường khi người ta chỉ có cái nhìn giản lược với nhiều thành kiến tiêu cực và thiếu tôn trọng, chỉ coi Phi châu và người dân Phi châu như một vựa chứa năng lực, quặng mỏ, nông nghiệp và nhân lực có thể khai thác dễ dàng cho các lợi lộc, thường khi không cao qúy.

Trong các tháng qua, nhiều dân tộc đã bầy tỏ ước mong tự do, nhu cầu an ninh vật chất và ý muốn sống hòa hợp trong các chủng tộc và tôn giáo của họ. Một quốc gia mới cũng đã sinh ra trong đại lục của qúy vị. Cũng có nhiều xung khắc nảy sinh do sự mù quáng của con người, do ý muốn quyền lực và các lợi lộc chính trị kinh tế, khinh bỉ phẩm giá của con người và của thiên nhiên. Ðức Thánh Cha quảng diễn các ước mong của người dân phi châu như sau:

Con người ngưỡng vọng sự tự do; nó muốn sống một cách xứng đáng; nó muốn có các trường học tốt và lương thực cho con cái, các nhà thương để săn sóc người bệnh; nó muốn được tôn trọng, nó đòi hỏi một sự cai trị trong sáng, không lẫn lộn tư lợi với công ích; và trên hết nó muốn hòa bình và công lý. Trong lúc này đây có qúa nhiều gương mù gương xấu và bất công, quá nhiều gian tham hối lộ và thèm khát, qúa nhiều khinh rẻ và dối trá, quá nhiều bạo lực dẫn đưa tới bần cùng và chết chóc. Dĩ nhiên, các sự dữ này đang tàn phá đại lục của qúy vị, nhưng chúng cũng tàn hại phần còn lại của thế giới nữa.

Tiếp tục diễn văn Ðức Thánh Cha nói mỗi dân tộc đều muốn hiểu biết các lựa chọn chính trị kinh tế được làm nhân danh họ. Họ phản ứng lại sự lèo lái và trả thù đôi khi với bạo lực. Họ muốn tham dự vào việc cai quản tốt. Chúng ta biết không có một thể chế chính trị nào của con người là lý tưởng cả, không có một lựa chọn kinh tế nào là trung lập cả. Nhưng chúng phải luôn luôn phục vụ công ích. Vì thế chúng ta đang đứng trước một đòi hỏi hợp pháp liên quan tới mọi quốc gia, để có được phẩm giá hơn và nhất là để nhân bản hơn. Con người muốn rằng nhân tính của nó được tôn trọng và thăng tiến. Các giới chức hữu trách chính trị kinh tế của các quốc gia đang đứng trước các quyết định và lựa chọn định đoạt không tránh né được. Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã gióng lên lời kêu gọi hàng lãnh đạo chính trị kinh tế của Phi châu và toàn thế giới như sau:

Xin đừng lấy mất đi niềm hy vọng của các dân tộc của qúy vị! Xin đừng cắt cụt tương lai của họ bằng cách cắt cụt hiện tại của họ! Hãy có một tiếp cận luân lý đạo đức can đảm đối với các trách nhiệm của qúy vị, và nếu qúy vị là các tín hữu, hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho quý vị sự khôn ngoan! Sự khôn ngoan ấy sẽ làm cho qúy vị hiểu rằng là những người thăng tiến tương lai các dân tộc của qúy vị, cần phải trở thành các người phục vụ đích thực của niềm hy vọng. Thật khó mà sống điều kiện của người phục vụ, và sống nguyên tuyền giữa các trào lưu tư tưởng và lợi lộc hùng mạnh. Quyền bính nào cũng dễ khiến cho con người bị mù lòa, nhất là khi nó dính líu tới các lợi lộc cá nhân, gia đình, hay tôn giáo. Chỉ có Thiên Chúa mới thanh tẩy các con tim và ý hướng mà thôi.

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong diễn văn đọc trước giới lãnh đạo đạo đời và ngoại giao đoàn: Giáo Hội không đem lại giải pháp kỹ thuật nào và không áp đặt giải pháp chình trị nào. Giáo Hội lập lại rằng "Ðừng sợ hãi!" Nhân loại không lẻ loi một mình trước các thách đố của thế giới. Thiên Chúa hiện diện. Ðó là một sứ điệp hy vọng, một niềm hy vọng làm nảy sinh ra nghị lực khích lệ trí thông minh và ban cho ý chí tất cả năng động của nó.

Giáo Hội đồng hành với nhà nước trong sứ mệnh của nó và không mệt mỏi chỉ cho nó thấy điều nòng cốt: Thiên Chúa và con người. Một cách công khai và không sợ hãi, Giáo Hội ước mong chu toàn nhiệm vụ mênh mông của người giáo dục và săn sóc, và nhất là cầu nguyện không ngừng (X. Lc 18,1), chỉ cho thấy Thiên Chúa ở đâu (x. Mt 6,21) và con người đích thật ở đâu (x. Mt 29,26; Ga 19,5). Tuyệt vọng là cá nhân chủ nghĩa. Hy vọng là hiệp thông. Tôi mời gọi tất cả các vị hữu trách chính trị, kinh tế, cũng như thế giới đại học và văn hóa, hãy là những người gieo vãi niềm hy vọng!

Liên quan tới cuộc đối thoại liên tôn Ðức Thánh Cha nhắc tới sự cần thiết của việc hiểu biết, đào sâu và thực hành tôn giáo của mình. Cuộc đối thoại liên tôn đích thực khước từ sự thật lấy con người làm trung tâm điểm, vì chỉ có Thiên Chúa mới là sự thật duy nhất. Vì thế không có tôn giáo nào hay nền văn hóa nào có thể biện minh cho việc kêu gọi hay sử dụng sự bất khoan nhượng và bạo lực. Dùng các lời mạc khải của Thánh Kinh hay danh Thiên Chúa để biện minh cho các lợi lộc, các đường lối chính trị hay bạo lực là một lỗi rất trầm trọng. Việc đối thoại liên tôn chỉ có thể bắt đầu với lời cầu nguyện cá nhân chân thành của người ước mong đối thoại. Lời cầu nguyện ấy cũng xin Thiên Chúa ban ơn cho thấy nơi tha nhân một người anh em cần yêu mến, và thấy nơi truyền thống họ sống một tia sáng phản ánh sự thật chiếu soi tất cả mọi người.

Mặc dù có các cố gắng, cuộc đối thoại liên tôn không dễ dàng, hay bị ngăn cản bởi nhiều lý do. Nhưng đó không phải là sự thất bại, vì có nhiều hình thức đối thoại khác nhau: sự cộng tác trong lãnh vực xã hội hay văn hóa có thể giúp hiểu biết nhau hơn và chung sống với nhau an bình hơn. Ðối thoại không phải vì yếu đuối, mà vì tin nơi Thiên Chúa, và nó là một hình thức phụ thuộc giúp yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Áp dụng vào tình hình cụ thể tại Phi châu, Ðức Thánh Cha ghi nhận sự kiện có nhiều gia đình có các phần tử theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng vẫn rất hiệp nhất với nhau. Sự hiệp nhất đó không chỉ do nền văn hóa, mà là sự hiệp nhất được gắn bó bởi tình yêu mến huynh dệ. Ðôi khi cũng có thất bại, nhưng cũng có rất nhiều thành công. Trong chiều kích này Phi châu có thể giúp suy tư và là suối nguồn của niềm hy vọng.

Cũng như bàn tay có 5 ngón, mỗi ngón đều có một bổn phận sống động, cần phải dậy cho tín hữu các tôn giáo khác nhau biết điều đó. Thù hận là một thất bại, thờ ơ là một bế tắc, và đối thoại là sự rộng mở. Giơ tay ra có nghĩa là hy vọng để tiến tới rồi yêu thương. Thiên Chúa muốn chúng ta giơ tay ra để dâng hiến và nhận lãnh. Thiên Chúa không muốn bàn tay giết chết hay gây ra khổ đau, nhưng Ngài muốn nó săn sóc và trợ giúp sự sống. Bên cạnh con tim và trí thông minh, bàn tay có thể trở thành dụng cụ của sự đối thoại.

Lấy lại ba biểu tượng kinh thánh diễn tả niền hy vọng kitô là mũ chiến che chở khỏi sự ngã lòng (1 Tx 5,8) mỏ neo cắm vững vàng chắc chắn nơi Thiên Chúa (Dt 6,19) và đèn dầu cho phép đợi bình minh của ngày mới (Lc 12,35-36) Ðức Thánh Cha khích lệ mọi người đừng sợ hãi, nhưng hãy để cho con tim rộng mở cho niềm hy vọng, cũng như lo lắng cho các thực tại của thân xác và trần thế để làm vinh danh Thiên Chúa.

Sau bài diễn văn đọc trước các giới chức đạo đời và ngoại giao đoàn Ðức Thánh Cha đã hội kiến riêng với tổng thống trên văn phòng của ông ở lầu ba. Tiếp đến hai bên đã trao đổi qùa tặng và Ðức Thánh Cha đã ký tên vào sổ vàng lưu niệm. Rồi ngài gặp phu nhân và gia đình của tổng thống.

Vào lúc 10 giờ rưỡi Ðức Thánh Cha đã lên xe đi tới thành phố Ouidah, cách đó 43 cây số, để thăm đại chủng viện Saint Gall. Ouidah là nơi buôn bán nô lệ xưa kia. Tại đây có một cổng gọi là "Cổng không trở lại". Những ai chết trước khi qua cổng này, thì được chôn cất trên đất liền. Còn ai qua cổng rồi mà chết, thì bị ném xuống biển. Năm 2000 các Kitô hữu đã xây thêm một cổng gọi là "Cổng tha thứ". Ở đây cũng có pháo đài do người Bồ Ðào Nha xây năm 1721 và đóng vai trò quan trọng trong việc buôn bán nô lệ.

Chủng viện Saint Gall được khánh thành năm 1914 và là chủng viện cổ xưa nhất của miền Tây Phi châu. Từ năm 1923 chủng viện nhận các ứng sinh linh mục thuộc các nước Togo, Nigeria, Côte d'Ivoire, Trung Phi và Congo.

Vì số chủng sinh ngày càng đông nên phải nới rộng chủng viện. Việc nới rộng được Giám Mục giáo phận Saint Gall bên Thụy Sĩ tài trợ, vì thế chủng viện mang tên gọi này. Trong các năm 1955-1971 các cha Hiệp Hội Saint Sulpice điều hành đại chủng viện, sau đó chủng viện được giao lại cho cho hàng giáo sĩ địa phương. Hiện nay đại chủng viện có 147 thầy, trong đó có 23 thầy ngoại trú thuộc các dòng Capucino và Camilliani.

Sau khi viếng Mình Thánh Chúa, Ðức Thánh Cha đã viếng mộ của Ðức Hồng Y Bernardin Gantin trong nhà nguyện đại chủng viện dâng kính thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Tại đây cũng có mộ của Ðức Cha Louis Parisot, Giám quản tông tòa Dahomey và Ouidah, và là Tổng Giám Mục đầu tiên của giáo phận Cotonou.

Ðức Hồng Y Gantin sinh năm 1922, gia nhập chủng viện Ouidah năm 1936 và thụ phong linh mục năm 1951. Sau ba năm làm giáo sư chủng viện, năm 1953 cha Gantin đi du học bên Roma. Năm 1956 cha được chỉ định làm Giám mục phụ tá Cotonou, rồi làm Tổng Giám Mục giáo phận năm 1960. Năm 1971 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI triệu Ðức Cha về Roma làm Thư ký phụ của Bộ Truyền Giáo rồi năm 1975 làm Phó Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Năm 1977 Ðức Giáo Hoàng Phaolo VI vinh thăng ngài làm Hồng Y. Năm sau đó Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I chỉ định ngài làm Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Cor Unum, Ðồng Tâm. Năm 1984 Ðức Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm Tổng trưởng Bộ Giám Mục, kiêm chủ tịch Ủy ban giáo hoàng đặc trách châu Mỹ Latinh cho tới năm 1998. Từ năm 1993 tới 2002 Ðức Hồng Y Gantin là Niên trưởng Hồng Y Ðoàn. Sau đó Ðức Hồng Y xin Ðức Gioan Phaolô II cho phép ngài về Benin. Và ngài đã qua đời tại Paris năm 2008. Ðức Hồng Y Gantin là vị Hồng Y phi châu đầu tiên nắm giữ chức vụ quan trọng tại giáo triều Roma, và cũng là người được toàn dân Benin rất ngưỡng mộ. Phi trường quốc tế Cotonou mang tên ngài cũng như nhiều dường phố và cơ sở Benin. Năm 2009 giải thưởng quốc tế Ðức Hồng Y Bernardin Gantin cũng đã được thành lập.

Sau khi viếng mộ Ðức Hồng Y Gantin, Ðức Thánh Cha đã đi xe đến nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân nam nữ. Buổi gặp gỡ diễn ra tại khu vực gần đại chủng viện. Ðức Thánh Cha đã khích lệ mọi người sống niềm tin đích thực, sống động là nền tảng của một cuộc sống kitô thánh thiện, và giúp xây dựng một thế giới mới. Qua Giáo Hội Benin, ngài cám ơn hàng giáo sĩ, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân toàn đại lục Phi châu. Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục như sau:

Các linh mục thân mến, anh em đặc biệt có trách nhiệm thăng tiến hòa bình, công bằng và hòa giải. Vì bí tích truyền chức đã nhận lãnh, và các bí tích anh em cử hành, anh em được mời gọi là những con người của sự hiệp thông. Cũng như thủy tinh không giữ ánh sáng lại, nhưng phản chiếu nó và tái trao ban nó, linh mục phải để tỏ lộ điều mình cử hành và nhận lãnh. Tôi khích lệ anh em tỏ lộ Chúa Kitô trong cuộc sống hiệp thông đích thực với Giám Mục, tốt lành với các anh em linh mục khác, lo lắng cho mỗi tín hữu và chú ý tới mọi người.

Ngài khích lệ các tu sĩ nam nữ triệt để dấn thân sống ơn gọi hoạt động cũng như chiêm niệm, thực thi ba lời khấn phúc âm khiến cho họ hoàn toàn tự do vâng phục Tình Yêu Chúa và giúp họ nên thánh.

Ðức Thánh Cha khích lệ các chủng sinh theo học trường của Chúa Kitô, tập tành các nhân đức giúp sống chức thừa tác linh mục như phương thế nên thánh. Ngày nay linh mục phải là một người khiêm nhường và quân bình, khôn ngoan và cao thượng, là chứng nhân đáng tin cậy của hòa bình, công lý và hòa giải. Kinh nghiệm 60 năm linh mục của ngài cho biết tất cả những gì các chủng sinh tích trữ được trong việc đào tạo trí thức, tinh thần và mục vụ sẽ là kho tàng phong phú cho cuộc sống tương lai.

Riêng đối với các giáo dân nam nữ Ðức Thánh Cha nhắn nhủ họ đừng quên mình là muối đất và ánh sáng thế gian trong các thực tại cuộc sống thường ngày, và dấn thân cho công lý, hòa bình và hòa giải. Sứ mệnh này đòi hỏi phải có đức tin xây dựng trên gia đình theo chương trình của Thiên Chúa và sự trung thành với hôn nhân kitô. Làm sao để gia đình thực sự là giáo hội tại gia. Ngài đặc biệt khích lệ các giáo lý viên, là các thừa sai dũng cảm sồng giữa các thực tại khiêm tốn nhất, luôn cống hiến sự trợ giúp đặc thù tuyệt đối cần thiết của họ cho việc phổ biến đức tin, với niềm hy vọng, sự cương quyết và lòng trung thành với giáo huấn của Hội Thánh.

Kết luận Ðức Thánh Cha nói ngài tin tưởng nơi từng linh mục, chủng sinh, giáo dân và giáo lý viên nam nữ Benin, để làm cho Giáo Hội được sống động và trưởng thành.

Sau khi ban phép lành cho mọi người Ðức Thánh Cha và đoàn tùy tùng viếng thăm nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ này được xây năm 1909 và năm 2009 đã mừng kỷ niệm 100 năm. Ðây đã là điển phát xuất truyền giáo cho toàn vùng. Năm 1989 Ðức Gioan Phaolô II đã nâng nhà thờ lên hàng "Tiểu vương cung thánh đường". Bên trong nhà thờ đã có các Hồng Y, Tổng Giám Mục Giám Mục thuộc Hội Ðồng đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II cũng như các Giám Mục Benin, các Giám Mục khách và tín hữu chờ sẵn.

Ðức Thánh Cha đã viếng Mình Thánh Chúa rồi nghe lời giới thiệu của Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðức Thánh Cha đã ngỏ lời bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp và Bồ Ðào Nha. Ngài nói biến cố Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II kết thúc với việc ký Tông huấn Africae munus. Nó đã khiến cho Giáo Hôi tại Phi châu cầu nguyện, suy tư, thảo luận về đề tài hòa giải, công lý và hòa bình và tạo ra sự gần gũi giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô với các Giáo Hội Phi châu.

Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ I "Ecclesia in Africa" đã được Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố, trong đó người đã nhấn mạnh rằng không thể tách rời sự cấp thiết rao truyền Tin Mừng cho đại lục này khỏi việc thăng tiến nhân bản. Tông huấn đã đem lại nhiều hoa trái cho xã hội phi châu. Giáo Hội được mời gọi ngày càng tự khám phá ra như là một gia đình. Ðối với các kitô hữu chính mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi linh động các tương quan giữa con người, các nhóm và các dân tộc với nhau, vượt ngoài các khác biệt chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Trong việc phục vụ con người ấy, Giáo Hội rộng mở cho sự cộng tác với tất cả mọi thành phần xã hội, đặc biệt với các vị đại diện các Giáo Hôi và cộng đoàn giáo hội chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội công giáo, cũng như với đại diện các tôn giáo khác, đặc biệt với các vị đại diện các tôn giáo cổ truyền và Hồi giáo.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II tập trung vào đề tài hòa giải, công lý và hòa bình, là những điểm quan trọng đối với toàn thế giới, nhưng rất thời sự tại Phi châu, là đại lục đang phải gánh chịu các căng thẳng, bạo lực, chiến tranh, bất công và lạm dụng đủ loại. Hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân. Một Giáo Hội hòa giải trong chính mình và giữa các thành phần với nhau có thể trở thành dấu chỉ ngôn sứ của hòa giải trên bình diện xã hội của mọi nước và của toàn đại lục.

Vì thế không bao giờ được mệt mỏi tìm kiếm các con đường hòa bình. Hòa bình là một thiện ích qúy báu nhất. Ðể đạt hòa bình, phải có can đảm hòa giải bắt nguồn từ sự tha thứ và ý muốn bắt đầu trở lại con đường chung, với cái nhìn liên đới của tương lai và sự kiên trì vượt thắng các khó khăn... Hỡi Phi châu, vùng đất của một Lễ Hiện Xuống Mới, hãy tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ðược Thần Khí Chúa Kitô phục sinh linh hoạt, hãy trở thành đại gia đình của Thiên Chúa, quảng đại với mọi con cái mình, là các tác nhân của hòa giải, hòa bình và công lý. Hỡi Phi châu, Tin Mừng của Giáo Hội, hãy trở nên như vậy cho toàn thế giới!

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã ký vào Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu Kỳ II, rồi ngài lên xe trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trườc khi tiếp tục các sinh hoạt khác vào ban chiều.

Lúc 4 giờ rưỡi Ðức Thánh Cha đã chào Ủy ban tổ chức chuyến công du của ngài tại Benin. Sau đó ngài đi xe đến thăm Tổ ấm "Hòa bình và Niềm vui", do 6 nử tu Thừa Sai Bác Ái trông coi. Ðây là nhà nuôi mấy chục em mồ côi bị bỏ rơi và đau yếu. Các em đã múa hát chào mừng Ðức Thánh Cha. Ngài đã nói chuyện với các em rồi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành cho các em cũng như mọi người hiện diện. Rời tổ ấm Ðức Thánh Cha và đoàn tùy tùng sang nhà thờ thánh nữ Rita bên cạnh để gặp gỡ các trẻ em.

Sau lời chào của Ðức Cha Ehouzou, Giám Mục Porto Nuovo, đặc trách mục vụ xã hội, em Aicha Hounzounou đại diện cho các trẻ em chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha đã dành cho các em niềm vui này. Nhân danh các trẻ em toàn nước Benin, toàn Phi châu và toàn thế giới, trong đó có các trẻ em chiến binh, các trẻ em bị khai thác bóc lột cho các mục tiêu kinh tế, các trẻ em đói khát, bị ngựơc đãi, đau yếu, mồ côi, bị khước từ và loại bỏ. Các em cám ơn Ðức Thánh Cha và Giáo Hội về đức tin, về nền giáo dục và săn sóc y tế đã nhận lãnh. Sau đó hai em bé dã đại điện các bạn biếu qùa Ðức Thánh Cha.

Ngỏ lời với các em Ðức Thánh Cha mời gọi các em yêu mến và năng viếng thăm Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện trong các nhà thở khu xóm của các em, cũng như trong các giáo xứ và mọi Nhà Tạm của mọi nhà thờ trên toàn thế giới, để nó lên tình yêu của các em đối với Chúa Giêsu, là Ðấng đã khiến cho mọi người trở thành anh chi em với nhau trong đức tin và tình yêu thương. Ngài nói các con đừng ngần ngại nói với Chúa Giêsu về người khác. Chúa là một kho tàng cần quảng đại chia sẻ với tha nhân. Trong lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu đã khiến cho biết bao nhiêu kitô hữu, kể cả trẻ em như các con, được tràn đầy can đảm. Thánh Kizito là một bé trai Uganda, đã bị giết vì muốn sống theo bí tích rửa tội mà em vừa nhận lãnh.

Ðức Thánh Cha đã khuyến khích các em năng cầu nguyện nghĩa là nói lên tình yêu thương đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta, noi gương Chúa Giêsu là anh của chúng ta. Mỗi ngày các con hãy tìm ra một chút giờ để cầu nguyện. Sống như thế với Chúa Giêsu cho phép Người đổ vào lòng chúng ta tràn đầy tình yêu, ánh sáng và sự sống của Người, rồi đem chúng ta đến cho cha mẹ, bàn bè và mọi người khác. Ðức Thánh Cha cũng chỉ cho các em cách cầu nguyện với Kinh Thánh và lần hạt Mân Côi. Và ngài đã tặng cho các em mỗi em một cỗ tràng hạt.

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày thứ hai viếng thăm Benin là buổi gặp gỡ hàng Giám Mục Benin lúc gần 7 giờ chiều. Chúng tôi sẽ tường thuật biến cố này trong buổi phát lần sau cùng với thánh lễ Ðức Thánh Cha cử hành lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 20 tháng 11 năm 2011 tại sân vận động "Tình bạn", trong đó ngài trao văn bản Tông huấn cho các vị chủ tịch của 35 Hội Ðồng Giám Mục Phi châu.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page