Vài trò lịch sử

của Giáo hội tại Benin

 

Vài trò lịch sử của Giáo hội tại Benin.

Benin [Zenit 17/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ đến phi truờng Gantin tại Cotonou, vào chiều thứ Sáu 18 tháng 11 năm 2011, khởi sự chuyến viếng thăm 3 ngày tại cộng hòa Benin. Ðây là lần thứ hai Ðức thánh cha trở lại Phi Châu. Năm 2009, ngài đã viếng thăm hai nước Cameroun và Angola. Ðức thánh cha đến Benin nhân dịp Giáo hội tại đây mừng kỷ niệm 150 năm rao giảng Tin mừng và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và cộng hòa Benin. Cao điểm của chuyến viếng thăm là việc ngài ký ban hành và trao tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục cho các vị đại diện của trên 30 Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar. Benin được Ðức thánh cha chọn để trao tông huấn hậu Thượng hội đồng cho các Ðức giám mục Phi Châu vì vai trò lịch sử của Giáo hội Công giáo tại nước này đối với lịch sử đất nước cũng như đối với toàn thể Phi Châu.

Nhân dịp này, hôm thứ Ba 15 tháng 11 năm 2011, tại phòng Marconi của Ðài phát thanh Vatican, bà Susanna Cannelli, đại diện của cộng đồng thánh Egidio đặc trách về các nước pháp thoại tại miền Tây Phi Châu, đã mở cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách có tựa đề "người công giáo Phi châu. Khai sinh nền dân chủ tại Benin". Hiện diện trong cuộc họp báo có Ðức cha Giuseppe Bertello, cựu Sứ thần Tòa thánh tại Benin, Ðức cha Barthélemy Adoukonou, người Benin, thư ký Hội đồng Tòa thánh về văn hóa cũng như sử gia Agostino Giovagnoli.

Trong tác phẩm "Nguời công giáo Phi Châu. Khai sinh nền dân chủ tại Benin", bà Susanna Cannelli đặc biệt nghiên cứu về thời gian kéo dài 10 ngày trong tháng 2 năm 1990: đây là thời gian đã làm thay đổi lịch sử của Cộng hòa Benin. Chính trong 10 ngày này mà "Hội nghị quốc gia" do Ðức cha Isidore de Souza, cố giám mục Cotonou tổ chức, đã giúp cho Benin thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản sang dân chủ, mà không tốn một giọt máu nào.

Dưới thời thực dân Pháp, Benin được gọi là Dahomey. Năm 1960, Dahomey dành được độc lập. Nhưng giữa năm 1972 và 1990, nước này rơi vào chế độ độc tài cộng sản và đổi tên thành Cộng hòa nhân dân Benin. Tháng 2 năm 1990, nhờ trung gian của Giáo hội Công giáo, quốc gia nhỏ bé ở miền Tây Phi Châu này đã từ bỏ chế độ cộng sản để chuyển sang chế độ dân chủ.

Ðức cha Adoukonou đã nhấn mạnh đến sự trung gian của Giáo hội và sự đoàn kết mà Giáo hội đã mang lại cho đất nước trong giai đoạn hậu cộng sản đầy tế nhị này. Ðức cha thư ký Hội đồng Tòa thánh về văn hóa nói: "Cần phải nhìn nhận rằng chính những người công giáo, mặc dầu thuộc nhiều phong trào và hiệp hội khác nhau, đã góp phần vào việc bảo đảm một sự hiện diện hữu hiệu và khả tín của Giáo hội trong quốc gia Benin".

Ngay cả trong thập niên 60, khi Benin vừa dành được độc lập, Giáo hội cũng đã tích cực góp phần vào việc phát huy ý thức xã hội và chính trị của Benin. Theo Ðức cha Adoukonou, chính sự dấn thân của Giáo hội vào xã hội đã chuẩn bị cho sự dấn thân của người dân vào sinh hoạt chính trị. Ðiều được Giáo hội thực hiện trên phương diện xã hội, nhứt là trong lãnh vực giáo dục, đã dần dần giúp cho Benin tìm ra được bản sắc dân tộc và ý thức về độc lập.

Về phần mình, trong cuộc họp báo giới thiệu tác phẩm của bà Susanna Cannelli, Ðức cha Giuseppe Bertello, cựu Sứ thần Tòa thánh tại Benin, nói rằng những khuôn mặt Giáo hội nổi bật nhứt trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài cộng sản sang dân chủ, là Ðức hồng y Bernadin Gantin, bạn của Ðức hồng y Joseph Ratzinger và Ðức cha De Souza, cố Tổng giám mục Cotonou. Ðức cha Bertello nhắc lại rằng trong một cuộc họp báo, khi được hỏi: ngài tham dự "Ðại hội quốc gia" trong tâm trạng nào, Ðức cha De Souza trả lời rằng ngài sẽ đến đó và giữ thinh lặng; hành trang mà ngài mang theo là niềm tin nơi Chúa Kito và Giáo hội.

Kết thúc bài phát biểu của ngài, đức cựu Sứ thần Tòa thánh tại Benin trích đọc một đoạn trong cuốn sách của bà Susanna Cannelli như sau: "Sự hiện diện của Giáo hội là một sự hiện diện thiểu số, nhưng cắm rễ sâu trong xã hội và những biến cố lớn của Benin".

Tác giả khẳng định rằng "Giáo hội vẫn tiếp tục có một sự khả tín cao độ nơi mọi tầng lớp dân chúng". Cách riêng, Giáo hội rất có ảnh hưởng trong những lãnh vực như: xóa nạn mù chữ và giáo dục nói chung. Ngoài ra, cũng chính Giáo hội là tổ chức đào luyện một giai cấp chính trị công giáo hoạt động cho dân chủ.

Cuối cùng, trong cuộc họp báo, sử gia Agostino Giovagnoli nhấn mạnh rằng cuốn sách của bà Susanna Cannelli cho thấy cộng hòa Benin là một mẫu mực cho các quốc gia tại Phi Châu đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang chế độ dân chủ.

Trong cuộc họp báo giới thiệu chuyến tông du Benin của Ðức thánh cha hôm thứ hai 14 tháng 11 năm 2011, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh, cũng khẳng định rằng Benin là một mẫu mực về ổn định cho toàn thể Phi Châu.

Chọn Benin làm nơi để trao tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục cho các vị đại diện của các Hội đồng Giám mục Phi Châu, Ðức thánh cha muốn "gợi lên bầu khí hy vọng cho Giáo hội tại Phi Châu và mang lại niềm khích lệ cho toàn thể lục địa này".

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page