Ý nghĩa của chuyến viếng thăm Phi Châu
lần thứ hai của Ðức thánh cha
Ý nghĩa của chuyến viếng thăm Phi Châu lần thứ hai của Ðức thánh cha.
Benin [Avvenire 15/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Sáu 18 tháng 11 năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI lên đường viếng thăm Cộng hòa Benin, một quốc gia nhỏ bé nằm ở phía Tây lục địa Phi Châu. Ðức thánh cha đến đây nhân dịp kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại nước này và đồng thời cũng để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và cộng hòa Benin. Nhưng cao điểm của chuyến viếng thăm hẳn phải là nghi thức ký ban hành và trao tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục cho các vị đại diện của trên 30 Hội đồng Giám mục Phi Châu.
Có thể nói chuyến viếng thăm Phi Châu lần thứ hai này phát sinh từ chính Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu hồi năm 2009.
Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ nhứt về Phi Châu đã diễn ra tại Roma năm 1994 với chủ đề "Giáo hội là kiểu mẫu của Gia đình Thiên Chúa". Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu năm 2009 lại tập trú vào chủ đề: hòa giải, công lý và hòa bình.
Trong bài giảng thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu lần thứ hai ngày 25 tháng 10 năm 2009, Ðức thánh cha đã nói như sau: "Họat động rao giảng Tin mừng khẩn thiết được nói đến nhiều trong những ngày này, cũng bao gồm một lời kêu gọi khẩn thiết phải hòa giải, bởi vì hòa giải là điều kiện thiết yếu để thiết lập tại Phi Châu những quan hệ công bình giữa mọi người cũng như để xây dựng một nền hòa bình lâu bền, trong sự tôn trọng đối với mỗi người và mỗi dân tộc. Ðây là một nền hòa bình cần có sự đóng góp của mọi người thiện chí, bất luận thuộc tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và địa vị xã hội nào".
Cộng việc chuẩn bị Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu đã bắt đầu từ năm 2006, với việc công bố "những đường hướng tổng quát" được gởi đến Giáo hội tại Phi Châu để thu thập các gợi ý và suy tư. Kế đó, Tháng 3 năm 2008, văn phòng Thượng hội đồng Giám mục thế giới cho công bố điều thường được gọi là "tài liệu làm việc". Ðây là tài liệu đúc kết từ những câu trả lời với "những đường hướng tổng quát" và sẽ được xử dụng như chất liệu cho các cuộc thảo luận trong Thượng hội đồng. Tài liệu này đã được Ðức thánh cha trao cho các vị chủ tịch các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar nhân chuyến viếng thăm Cameroun ngày 19 tháng 3 năm 2009. Trong thánh lễ cử hành tại vận động trường Yaoundé, Cameroun, Ðức thánh cha kêu gọi: "Hỡi con cái Phi Châu, đừng sợ tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Ðừng sợ tuyên xưng rằng Chúa Giesu là Ðường, là Sự Thật và là Sự sống, bởi vì chỉ nhờ Ngài chúng ta mới có thể được cứu độ".
Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu đã diễn ra tại Roma từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2009. Tường trình viên chính tại thượng hội đồng là Ðức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Tổng giám mục Cape Coast, Ghana, nay là chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và hòa bình.
Kết thúc Thượng hội đồng, các vị nghị phụ đã trình lên Ðức thánh cha 57 "đề nghị". Chính dựa trên 57 đề nghị này mà Ðức thánh cha đã biên soạn tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục về Phi Châu.
Sau hai năm rưởi kể từ chuyến viếng thăm Phi Châu đầu tiên, cụ thể là tại Cameroun và Angola, lần này Ðức thánh cha trở lại lục địa này là để trao tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục cho các vị đại diện của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar.
Sở dĩ Benin được Ðức thánh cha chọn để ký ban hành và trao tông huấn cho các Ðức giám mục Phi Châu, không những vì Giáo hội tại Cộng hòa này mừng 150 năm rao giảng Tin mừng và kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao giữa Tòa thánh và nước này, mà vì cộng hòa này có một chỗ đứng quan trọng trong việc quảng bá Tin mừng tại Miền Tây Phi Châu. Benin có một đại chủng viện rất có thế giá về phẩm chất đào tạo. Ngoài ra, nhà thờ chính tòa tại Ouidah là nhà thờ chính tòa đầu tiên trong vùng.
Một trong những khuôn mặt Giáo hội nổi tiếng nhứt tại Phi Châu là Ðức hồng y Bernadin Gantin, được chôn cất trong nhà thờ chính tòa này. Là một người bạn thân của Ðức hồng y Joseph Ratzinger, Ðức hồng y Gantin đã từng là bộ trưởng bộ giám mục và niên trưởng hồng y đoàn. Riêng đối với đất nước, như cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh đã nhắc lại, Ðức hồng y Gantin cũng được xem là "cha già dân tộc". Chính vì thế mà tên ngài đã được đặt cho phi trường quốc tế Cotonou, là nơi mà Ðức thánh cha sẽ đặt chân xuống vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu 18 tháng 11 năm 2011, giờ địa phương.
Bên cạnh Ðức hồng y Gantin, còn có một khuôn mặt Giáo hội nổi bật khác là Ðức cha Isidore de Souza, cố tổng giám mục Cotonou, chủ tịch Hội đồng Giám mục Benin trong thập niên 90 là lúc quốc gia này đang tiến tới dân chủ. Nhờ sự đóng góp của Giáo hội cho xứ sở mà Benin đã được chọn làm nơi để Ðức thánh cha ký ban hành và trao tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục về "hòa giải, hòa bình và công lý". Như cha Lombardi đã nói: "bầu khí của chuyến viếng thăm này là một sứ điệp hy vọng cho toàn lục địa" Phi châu. Chính vì thế mà ngoài các buổi cử hành, cha Lombardi đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn, giới chức chính quyền, các tổ chức, và đại diện các tôn giáo tại dinh tổng thống vào sáng ngày thứ Bảy 19 tháng 11 năm 2011.
Linh mục phát ngôn viên Tòa thánh nói rằng "đây là lúc để nhìn về Phi Châu trong tổng thể" đầy những thăng trầm. Sau những ngọn gió của Mùa Xuân Á rập là những cuộc chiến đẫm máu tại Libya, những làn sóng bài kitô giáo tại Nigeria và Cote d' Ivoire. Chắc chắn tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục sẽ là một sứ điệp hy vọng dành cho lục địa này.
RVA.