Sự gia tăng nhanh chóng của

Giáo hội Công giáo tại Phi Châu

 

Sự gia tăng nhanh chóng của Giáo hội Công giáo tại Phi Châu.

Phi châu [Zenith 14/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Từ ngày thứ Sáu 18 đến chúa nhựt 20 tháng 11 năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ viếng thăm Cộng hòa Benin, một quốc gia nhỏ bé nằm ở miền Tây Phi Châu. Tại đây, ngài sẽ ký ban hành tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu, được nhóm họp tại Roma hồi năm 2009.

Phi Châu là một lục địa ngày càng quan trọng đối với kito giáo. Vào giữa lúc con số người công giáo tại Tây phương ngày càng khô đạo, thì tại Phi Châu số người công giáo ngày càng gia tăng. Năm 1900, dân số kitô giáo tại lục địa này chỉ có khoảng 2 triệu người, nay đã đến đến 140 triệu.

Trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình truyền hình "Nơi Thiên Chúa khóc" của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, sư huynh Gérard Chabanon, người đã truyền giáo tại Tanzania từ năm 1996, đã giải thích về hiện tượng gia tăng nhanh chóng của người công giáo Phi Châu. Sư huynh Chabanon đã từng là bề trên tổng quyền của Hội Thừa sai Phi Châu, thường được gọi là các Cha Dòng Trắng và phó chưởng ấn Học viện Tòa thánh về nghiên cứu á rập và hồi giáo học tại Roma.

Trước hết về sự hiện diện của kito giáo tại Phi Châu, sư huynh Chabanon cho biết: các tín hữu kito là thành phần đa số tại hầu hết các nước Phi châu, ngoại trừ tại miền Bắc là nơi mà tuyệt đại đa số dân theo hồi giáo. Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ nhì tại Phi Châu, vốn cũng hiện diện tại hầu hết các nước Phi Châu. Ngoài ra còn có tôn giáo cổ truyền là một phần thiết yếu của nền văn hóa của lục địa. Tôn giáo cổ truyền cũng có ảnh hưởng trên đời sống thường ngày của nhiều người Phi Châu, dù là tín hữu kito, hồi giáo hay không theo tôn giáo nào.

Nhận định về sự bùng nổ dân số công giáo tại Phi Châu, sư huynh Chabanon cho rằng giáo dục là yếu tố chính. Các nhà thừa sai đầu tiên đã mau mắn thành lập các trường học và dạy đức tin công giáo. Ngoài ra cũng phải kể đến sự phát triển xã hội. Các dịch vụ y tế, phát triển nông nghiệp và các dự án khác đã giúp rất nhiều cho người Phi Châu. Có người cho rằng các nhà thừa sai đã mang Kinh Thánh đến và họ đã cướp đất đai của người Phi Châu. Thật ra, theo sư huynh Chabanon, tại hầu hết các nước Phi Châu, các nhà truyền giáo đã xem phúc lợi của người bản xứ như ưu tiên hàng đầu của mình.

Từ đây cho đến năm 2050, Congo, Uganda và Nigeria sẽ đuợc xem là ba nước công giáo lớn nhứt thế giới. Liệu Giáo hội Công giáo có nhìn thấy sự gia tăng này không? Sư huynh Chabanon trả lời rằng: Phi Châu rất biết ơn đức Gioan Phaolo II và các chuyến viếng thăm của ngài, bởi vì vị giáo hoàng này đã tạo ra những "bệ phóng" cho lục địa này. Sư huynh nói: "Ngài đã đến. Ngài đã viếng thăm. Ngài đã ở lại với dân chúng. Ngài đã tìm cách nói với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Do đó, ngài rất được ca ngợi và tôi nghĩ rằng điều này đã góp phần mang lại một hình ảnh đẹp cho Phi Châu, vốn cũng là một phần của Giáo hội Công giáo".

Theo sư huynh Chabanon, không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của Giáo hội Công giáo tại Phi Châu. Sở dĩ như thế là vì người Âu Châu đã nhìn Phi châu xuyên qua một số người Phi Châu tìm đến Âu Châu. Ðã có những xung đột, hiểu lầm và một số đảng phái chính trị tại Âu châu đã tỏ ra kỳ thị đối với những người di dân đến từ Phi Châu và từ đó có một cái nhìn lệch lạc về Phi Châu.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông tại Âu châu chỉ chú ý đến một số vấn đề như bệnh Sida, các cuộc bạo động giữa các sắc tộc, các cuộc xung đột tôn giáo, tình trạng nghèo đói... Tất cả những vấn đề này bóp méo hình ảnh của Phi Châu.

Sư huynh Chabanon giải thích: "Là những nhà truyền giáo, chúng tôi có trách nhiệm phải mang lại một hình ảnh tích cực về Phi Châu, về tình liên đới và về khát vọng mãnh liệt của người Phi Châu được chiến thắng những tệ nạn nói trên".

Hiện nay, tại Phi Châu, cứ có 3 người thì có một người theo hồi giáo. Ðược hỏi: Liệu đây có phải là một thách đố đối với Giáo hội Công giáo không, sư huynh Chabanon khẳng định rằng, theo quan điểm của những nhà truyền giáo, đối thoại là chìa khóa quan trọng cần phải triển khai để tạo cuộc sống chung giữa kito hữu và người hồi giáo. Sư huynh đan cử một thí dụ cụ thể tại Dar Es Salaam, Tanzania: có những gia đình chỉ có 3 hay 4 người, trong đó một hai người là hồi giáo, số còn lại theo kito giáo; họ sống chung với nhau dưới cùng một mái nhà; họ chia sẻ với nhau một nhà bếp, một phòng tắm. Dĩ nhiên, cũng có bạo động, khủng bố phát sinh do những nhóm nhỏ hồi giáo và ngay cả kito hữu... Nigeria là một thí dụ tốt. Các Ðức giám mục Nigeria nói với sư huynh Chabanon rằng mặc dù có những vấn đề đó, nhưng hai bên vẫn có thể ngồi xuống với nhau để đối thọai và tìm ra các giải pháp.

Theo sư huynh, ở những nơi khác, các cuộc xung đột giữa các tín hữu kito và người hồi giáo gia tăng. Nhưng đây không phải là trường hợp của Phi Châu, bởi vì tại đây, hồi giáo hay kito hữu, đều xem "Phi Châu tính" như một mẫu số chung, vốn làm nên căn tính của họ và khiến cho mọi người luôn có tinh thần khoan nhượng trước những dị biệt của người khác. Tựu trung, xung đột thường chỉ gắn liền với vấn đề quyền lực.

Mới đây, Ðức hồng y Polycarpe Pengo, người Tanzania, có nói đến sự kiện những thanh niên công giáo bỏ sang các Giáo hội Tin lành ngũ tuần. Sư huynh Chabanon cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là sự nghèo đói. Các Giáo hội Tin lành ngũ tuần lôi kéo các tín hữu kito khác bằng cách mang lại cho họ hy vọng được giàu có, được lành bệnh, đựơc có công ăn việc làm và có cuộc sống tốt đẹp. Ðây quả là một điều hấp dẫn. Ngoài ra cũng phải nói đến sự kiện các tín hữu tin lành ngũ tuần được tổ chức thành những cộng đồng nhỏ quây quần xung quanh một người lãnh đạo nói được ngôn ngữ của họ, học thuộc Kinh Thánh và có thể trích dẫn Kinh Thánh bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, điều này dễ đánh động tâm hồn con người. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các tín hữu công giáo lại trở về với cộng đồng Giáo hội khi họ nhận ra rằng các Giáo hội Tin lành ngũ tuần không đựơc tổ chức chu đáo và thường bị chia rẽ.

Nói đến ơn gọi linh mục dồi dào tại Phi Châu, sư huynh Chabanon cho biết: hiện có nhiều linh mục Phi Châu đã sang truyền giáo tại Âu Châu. Dĩ nhiên, đây không phải là giải pháp cho những vấn đề của Âu Châu hay Mỹ Châu. Nhưng hợp tác và chia sẻ giữa các lục địa là điều rất quan trọng.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page