Một số vấn đề của xã hội

và Giáo Hội Benin

 

Một số vấn đề của xã hội và Giáo Hội Benin.

Vatican (SD 5-11-2011; Vat 14-11-2011) - Một số vấn đề của xã hội và Giáo Hội Benin trước chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

Chỉ còn ba ngày nữa là Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ lên đường viếng thăm mục vụ Benin nhân kỷ niệm 150 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất này, và cũng là để công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II.

Từ hơn một tháng qua tín hữu toàn nước đã được kêu mời lần hạt Mân Côi và tham gia các buổi hội họp canh thức chuẩn bị tinh thần và cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này. Trong các giáo xứ và giáo phận đều có các sáng kiến và sinh hoạt giúp chuẩn bị tinh thần để tiếp đón Ðức Thánh Cha.

Cha Leopoldo Molena, Giám đốc Trung tâm đào tạo Brésillac trong thủ đô Cotomou, cho biết một trong các điều mà dân chúng Benin cảm thấy rất cần hiện nay đó là sự hiệp nhất và hòa giải. Lý do là vì Benin là một nước bao gồm nhiều chủng tộc và bộ lạc, theo nhiều tôn giáo khác nhau, nên cũng có nhiều Giáo Hội Kitô và nhiều giáo phái... Vì thế người dân cảm thấy nhu cầu hiệp thông, hiệp nhất và hòa giải. Và đây là một trong những sứ điệp quan trọng nhất, mà tín hữu và dân chúng Benin chờ đợi nơi chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha. Cha Leopoldo rất mong ước Giáo Hội Benin và toàn đại lục Phi châu tìm lại được sự can đảm và sức mạnh làm chứng cho Tin Mừng với sự tin tưởng, trung thực, và tiếp tục tiến bước mà không nản chí sờn lòng trước các khó khăn.

Riêng đối với các linh mục tu sĩ nam nữ Benin, cha Leopoldo tin chắc các lời của Ðức Thánh Cha sẽ khích lệ họ trong sứ mệnh rao truyền Lời Chúa mỗi ngày, cũng như giúp phát triển cuộc sống thánh hiến rộng mở hơn cho người nghèo, và biết nhậy cảm hơn đối với các vấn đề trong cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, chắc chắn lời Ðức Thánh cha cũng khích lệ giáo dân và mọi thành phần dân Chúa. Hiện nay dân nước Benin đang đứng trước nhiều thách đố, trong đó không chỉ có cuộc sống của đời thánh hiến, nhưng còn có các vấn đề liên quan tới nạn nghèo đói, tình trạng sống của các gia đình, vv...

Cha Leopoldo cho biết trung tâm đào tạo Brésillac do cha làm giám đốc, trong khu phố Calavi của thủ đo Cotonou, là một trong các trung tâm có ý nghĩa nhất trong toàn đại lục Phi châu, vì tính cách quốc tế của nó. Ban giám đốc gồm 5 linh mục thuộc 5 quốc tịch khác nhau. Nó là dấu chỉ sự đại đồng của Giáo Hội. Năm nay trung tâm có 32 sinh viên đang chuẩn bị trở thành các thừa sai. Hiệp hội truyền giáo Phi châu của các cha hiện diện tại miền bắc Benin, là nơi đã có thêm vài giáo phận được thành lập, nhưng đang rất thiếu giáo sĩ. Vì nằm trong khu phố của thủ đô Cotonou, nơi đầu tiên đã nhận được hạt giống Tin Mừng cách đây 150 năm, cộng đoàn trung tâm sống các tâm tình mến yêu sâu đậm đối với Vị đại diện Chúa Kitô, và chắc chắn lời ngài sẽ khích lệ các thừa sai phi châu rất nhiều.

Chính để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Giáo Hội Benin đã cử hành nhiều biến cố, bắt đầu hồi tháng 4 năm nay với thánh lễ truyền chức linh mục cho 4 thành viên của Hiệp hội truyền giáo Phi châu tại Agué. Rồi có rất nhiều cuộc hành hương, các buổi cầu nguyện, giúp tín hữu chuẩn bị tinh thần cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.

Cha Luigi Coppari, bề trên các tu sĩ Capucino tại Benin, cho biết Giáo Hội Benin là một Giáo Hội trẻ, cần được củng cố, nhưng Giáo Hội có rất nhiều ơn gọi. Chẳng hạn trong tổng giáo phận Cotonou mỗi năm có khoảng 25-30 tân linh mục triều và dòng thuộc các dòng như Camilliano và Capucino. Một trong các thách đố đó là việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa địa phương. Bên cạnh đó là các vấn đề của gia đình. Sự kiện có nhiều tâm thức và truyền thống khác nhau khiến cho gia đình giòn mỏng hơn, ít hiệp nhất và có rất nhiều khó khăn. Do đó chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha chắc chắn sẽ là một trợ giúp cho gia đình.

Ngoài ra cũng có vấn đề giáo dục và đào tạo nữa. Các thừa sai tiên khởi đã luôn luôn thành lập các trường tiểu học bên cạnh nhà thờ, và cả ngày nay nữa có rất nhiều trường còn do tín hữu công giáo và các giáo xứ điều khiển. Nhưng cần phải cung cấp cho người trẻ Benin một nền giáo dục sâu rộng hơn trên cấp đại học. Hiện nay có sự hiện diện của các tu sĩ dòng Ðaminh tại đại học chính của Benin là đại học Abomey-Calavi, nhưng chắc chắn là giới trẻ nước này cần được đào tạo cao hơn trên mọi bình diện.

Tại Ouidah Ðức Thánh Cha sẽ viếng mộ Ðức cố Hồng Y Bernardin Gantin, đã từng là Tổng Trưởng Bộ Giám Mục. Tên của Ðức Hồng Y đã được đặt cho phi trường quốc tế Cotonou cũng như nhiều đường phố và nhiều cơ sở khác nhau. Ðức Hồng Y đã là một nhân vật lớn được mọi người kính trọng kể cả các tín hữu hồi và tín hữu các tôn giáo cổ truyền phi châu. Ngài đã là một mẫu gương ngoại thường. Ngài cảm nhận tất cả các giá trị phi châu của đất nước Benin, nhưng đồng thời ngài cũng thường nói: chúng tôi sống tốt niềm tin công giáo Roma.

Ðức Thánh Cha cũng sẽ viếng thăm nhà thờ chính tòa Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tại đây ngài sẽ ký Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II. Tại Ouidah cũng có một cửa của nô lệ, gọi là cửa của "cuộc hành trình không ngày về", giống như cửa đã từng được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm tại Gorée bên Senegal.

Cha Luigi Coppari cho biết Ouidah là thành phố của các cửa. Nó là biểu tượng của Kitô giáo, của Giáo Hội công giáo trong vịnh Guinea, xưa kia gọi là Dahomey. Tại đây từ năm 1600 đến 1800 nạn buôn bán nô lệ không chỉ liên quan tới nước Benin, mà liên quan tới tất cả các nước trong vịnh Guinea. Cửa Ouidah đã là nơi quy tụ hàng ngàn đàn ông đàn bà và trẻ em, bị khắc dấu trên da thịt, bị trói tay, xích xiềng và đẩy lên các con tầu khổng lồ, và rất nhiều người bị chết trong cuộc hành trình... Trong các năm 1985-1986 tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã biến cửa Ouidah thành một đài kỷ niệm: một vòm cung to lớn quay ra biển gọi là "cửa không trở lại".

Vào Năm Thánh 2000 người ta đã xây bên cạnh một vòm cung khác gọi là "cửa cứu rỗi". Thế rồi người ta xây thêm một cái cửa thứ ba gọi là "cửa trờ về", ám chỉ cuộc hồi hương của các thế hệ con cháu các người nộ lệ phi châu xưa kia. Giờ đây cũng có một cửa thứ bốn nữa, vì thế Ouidah được gọi là "thành phố của các cửa".

Nhân chuyến công du mục vụ của Ðức Thánh Cha tại Benin Dòng Capucino dấn thân cầu nguyện nhiều hơn, sống sát với dân chúng hơn và tiếp tục phát triển đặc sủng của dòng giữa lòng Giáo Hội địa phương. Cách đây 2 năm dòng đã giao lại cho giáo phận một giáo xứ, và đã nhận một giáo xứ khác ở khu vực ngoại ô nơi có đông dân nghèo sinh sống. Dòng hiện điều khiển 3 cơ sở bác ái và 3 nhà tiếp đón người trẻ. Ngoài ra dòng cũng lo cho khoảng 200-250 em trong các gia đình. Ðó là những gì dòng sẽ dâng lên Ðức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm mục vụ này của ngài. Kho tàng lớn nhất mà dòng hiện có là gầy dựng các ơn gọi mới. Hiện nay dòng Capucino Benin có 8 linh mục và 13 tu sĩ đã khấn trọn.

Trong số các thừa sai giáo dân làm việc tại Benin cũng có chị Carla Baraldi, từ 37 năm nay sống bên Phi châu, và hiện là giám đốc "Nhà niềm vui" của các nữ tu Albertine tại Pèrèrè, bắc Benin. Ðây là nhà tiếp đón các trẻ em mồ côi. Ðối với chị chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha lôi cuốn toàn đại lục Phi châu, vì ngài là Người Kế Vị Thánh Phêrô và nhập thể lòng trung thành với Chúa Kitô, hòa bình, phục vụ và hòa giải. Như là Vị Ðại Diện Chúa Kitô, chắc chắn ngài sẽ khích lệ tất cả mọi người và trao ban cho Giáo Hội địa phương sức đẩy rất mạnh.

Hiện nay Nhà niềm vui có khoảng 30 em mồ côi mẹ. Lý do có nhiều trẻ em mồ côi mẹ, là vì phụ nữ, đặc biệt phụ nữ thuộc chủng tộc Fon sống đời du mục, lang thang nay đây mai đó theo đàn vật của họ. Họ không được ai săn sóc, khám bệnh hay thăm viếng hoặc giúp đỡ khi bị xuất huyết hoặc để phòng các vụ nhiễm trùng nặng. Vì thế các bà mẹ chết trong các lều tạm bợ của họ. Người ta đem các trẻ sơ sinh đến nhà mồ côi gửi tạm. Cha của các em có tới thăm và đem con về cho bà nội hay bá ngoại nuôi sau khi nó lên 2 tuổi, nhưng phải thúc dục họ nhiều lắm, vì tình cha của họ rất lỏng lẻo. Hiện nay chị Carla và các nữ tu đang tìm cách lôi kéo bà của các em đến trung tâm với các em, và đã có khoảng 10 bà tới sống tại đây.

Chi Carla cũng đã từng làm việc tại miền nam Benin và cho biết có sự khác biệt rất lớn giữa miền nam và miền bắc. Miền nam có đông tín hữu công giáo hơn, và ít người hồi giáo. Trong khi miền bắc có rất ít tín hữu công giáo. Tại Pèrèrè ngày Chúa Nhật chỉ có khoảng 100 tín hữu tham dự thánh lễ. Tại miền nam Benin trẻ em đi học, trong khi tại miền bắc, khi vừa lên 5-6 tuổi trẻ em đi theo người lớn chăn đoàn vật. Việc đi học bị coi như một cản trở sinh hoạt chăn nuôi của họ. Giáo Hội đang làm tất cả những gì có thể để trợ giúp và khai sáng cho họ bằng cách linh hoạt, săn sóc các trẻ em, trợ giúp họ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ðem lời Chúa Kitô tới và rao giảng Tin Mừng là một lộ trình rất dài. Dân chúng thấy và biết rằng Giáo Hội yêu thương săn sóc họ một cách nhưng không, không phân biệt tôn giáo và chủng tộc.

Nhưng cần phải rất kiên nhẫn để giúp họ hiểu rằng một trẻ em cũng là một bản vị cần được tôn trọng. Vì thường khi họ không coi trọng trẻ em và phụ nữ. Trong các ngày viếng thăm Benin Ðức Thánh Cha cũng thăm các trẻ em mồ côi và các bệnh nhân. Ðiều chị Carla mong ước đó là cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha khích lệ các kitô hữu sống trung thành hơn và biết làm chứng cho đức tin nhiều hơn, cũng như mời gọi các nước Tây Âu trợ giúp các anh chị em yếu đuối nghèo túng bên Phi châu một cách chân thành hơn, chứ không phải chỉ nghĩ tới việc khai thác và bóc lột các tài nguyên thiên nhiên của họ một cách bất công, với giá rẻ mạt.

(SD 5-11-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page