Ðức Thánh Cha tiếp kiến

Hội đồng Tôn giáo Israel

 

Ðức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Tôn giáo Israel.

Vatican (SD 10-11-2011) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cổ võ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Israel kiến tạo bầu không khí tín nhiệm và đối thoại giữa mọi tôn giáo tại Thánh Ðịa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10 tháng 11 năm 2011 dành cho 27 thành viên thuộc hội đồng tôn giáo Israel. Trong số các thành viên có Ðại Rabbi Jona Metzger, Ðức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh ở Jerusalem, Chủ tịch Hội đồng Imam Hồi giáo ở Israel, Ông Mohamad Kiwan, và thủ lãnh Hồi giáo Druse là ông Sheik Moufak Tarif.

Trong bài diễn văn, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng "Trong thời đại bị xáo trộn ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để kiến tạo một bầu không khi cảm thông và tôn trọng lẫn nhau, có thể dẫn tới tình bạn và sự tín nhiệm vững chắc đối với nhau".

Ðức Thánh Cha nhắc lại điều ngài đã nói tại Assisi hôm 27 tháng 10 năm 2011: "Ngày nay chúng ta đang phải đương đầu với 2 thứ bạo lực: một đàng là sự sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo, và đàng khác, bạo lực là hậu quả của sự phủ nhận Thiên Chúa thường thấy trong đời sống xã hội tân tiến ngày nay. Trong tình trạng đó, với tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi tái khẳng định rằng quan hệ ngay chính của con người với Thiên Chúa là một sức mạnh hòa bình. Ðây là chân lý cần được biểu lộ rõ ràng hơn qua cách thức chúng ta sống với nhau hằng ngày. Vì thế, tôi khích lệ quí vị cổ võ một bầu không khí tín nhiệm và đối thoại giữa các vị lãnh đạo và các phần tử của mọi truyền thống tôn giáo hiện diện tại Thánh Ðịa".

Cũng trong bài diễn văn, Ðức Thánh Cha nhắc đến thực tại bị phân hóa tại Thánh địa và nói rằng: "Ðáng tiếc là thực tại thế giới chúng ta thường bị phân hóa và có nhiều khiếm khuyết, kể cả tại Thánh Ðịa. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tái dấn thân thăng tiến công lý sâu rộng hơn và phẩm giá con người, để làm cho thế giới chúng ta được phong phú và mang lại cho thế giới một chiều kích nhân bản trọn vẹn. Công lý, cùng với sự thật, tình thương và tự do, chính là điều kiện cơ bản cần phải có để kiến tạo một nền hòa bình lâu bền và an ninh trên thế giới".

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhắc lại lời cầu nguyện mà ngài đã viết và đặt vào khe Bước tường Phía tây của Ðền thờ Jerusalem trong cuộc viếng thăm tại đây hồi tháng 5 năm 2009. Trong lời kinh ấy có câu: 'Lạy Thiên Chúa của mọi thời đại, khi viếng thăm Thành Jerusalem, thành Hòa Bình này, là quê hương tinh thần của người Do thái, Kitô cũng như Hồi giáo, con dâng lên Chúa những vui mừng, hy vọng, khát vọng, cơ cực, đau khổ của mọi dân tộc của Chúa trên thế giới. Lạy Thiên Chúa của Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob, xin lắng nghe tiếng kêu của những người sầu khổ, những người lo sợ, bị bỏ rơi, và Chúa xin ban hòa bình cho Thánh Ðịa, cho Trung Ðông và toàn thể nhân loại" (SD 10-11-2011)

Tuyên ngôn chung

Trong tuyên ngôn chung công bố sau cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha, các vị lãnh đạo tôn giáo tại Israel cám ơn ngài vì cuộc gặp gỡ này, và tái bày tỏ quyết tâm bênh vực tính chất thánh thiêng của sự sống con người, loại bỏ bạo lực, nhất là khi bạo lực được thi hành nhân danh tôn giáo: hành động như thế là một sự phạm thánh.

Các vị cũng khẳng định rằng: "Ðể duy trì hòa bình và tôn trọng lẫn nhau qua các cộng đoàn tôn giáo hiện diện tại đất nước chúng tôi, chúng tôi có nghĩa vụ giáo dục con em và các cộng đoàn tôn giáo của mình theo những nguyên tắc vừa nói để phòng ngừa mọi sự xúc phạm đến tình cảm hoặc tín ngưỡng của người khác".

Các vị lãnh đạo nói đến nghĩa vụ bảo tồn tính chất thánh thiêng về tôn giáo của các Nơi Thánh và tầm quan trọng của các nơi này về văn hóa. "Cần phải bảo tồn đặc tính duy nhất và đặc biệt của các Nơi Thánh, chống lại mọi hình thức bạo lưc và xúc phạm. Trách nhiệm của các vị lãnh đạo tôn giáo là củng cố nguyên tắc này và mời gọi các cộng đoàn của mình đảm bảo sao cho các Nơi Thánh của các tôn giáo khác không bị thiệt hại".

Sau cùng, các vị không quên bênh vực quyền tự do của các tín hữu lui tới các nơi thánh của mình. Quyền này phải được chính quyền dân sự có thẩm quyền bảo đảm. (SD 10-11-2011)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page