Libia đứng trước nguy cơ

của chủ thuyết hồi giáo ái quốc

 

Libia đứng trước nguy cơ của chủ thuyết hồi giáo ái quốc.

Libia (Avvenire 22.25-10-2011) - Ngày 23 tháng 10 năm 2011 ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng quốc gia chuyển tiếp, đã tuyến bố Libia sẽ có Hiến Pháp mới theo luật Hồi giáo Sharia, nhưng đồng thời ông cũng trấn an cộng đồng quốc tế rằng người dân Libia là các tín hữu hồi hòa hoãn. Tuy nhiên, thế giới tây âu vẫn có cảm tưởng các người lãnh đạo mới sau nhà độc tài Muammar Gheddafi phải hoạt động mạnh mẽ lắm để tránh nguy cơ các lực lượng hồi cực đoan nổi lên nắm quyền.

Bình luận vế biến cố này, ngoại trưởng Franco Frattini của Italia đã khẳng định rằng: "Ðiều cần thiết là nền tảng của tân Hiến pháp Libia tôn trọng tự do tôn giáo, tôn trọng quyền tự do xây cất các nhà thờ kitô", như đã có bên Tunisia, bên Ai Cập và ngay tại Libia cho tới nay.

Ngoài ra, ông Jalil cũng loan báo thành lập một ủy ban điều tra về cái chết của ông Gheddafi theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc, trong khi thủ tướng, ông Mahmoud Jibril, thì đề nghị để cho một ủy ban quốc tế hướng dẫn cuộc điều tra. Sở dĩ Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu mở cuộc điều tra về cái chết của ông Gheddafi vì trong phim được phổ biến, khi bị bắt ông Gheddafi xem ra chỉ bị thương nhẹ và còn khỏe mạnh. Nhưng sau đó thì người ta thấy xác ông bị bắn vào đầu.

Ðã có 5 nhóm nổi loạn cùng tiến đánh thành phố Sirte: Lữ đoàn Al-Borkan, có nghĩa là "Núi lửa", nhóm Nemr, nhóm Al Qala, nhóm Safwat al Zaiat và lữ đoàn Ghiran được coi là nhóm đã bắt ông Gheddafi và hạ sát ông trên đường từ Sirte về Misurata.

Các lực lượng nổi loạn nói rằng ông đã bị chết vì đạn lạc khi xảy ra giao tranh giữa những người phò ông và quân cách mạng trên đường về Misurata. Nhưng nhiều người nghĩ rắng ông đã bị ai đó nổi giận hành quyết.

Xác của ông Muammar Gheddafi và của Mustasim, con trai ông đã được để trong một phòng lạnh ở chợ bán thịt trong thành phố Misurata cho dân chúng xem, nhưng sau đó đã được chôn cất tại một nơi vô danh trong sa mạc, để tránh không cho các người còn ủng hộ và tôn sùng ông tới hành hương.

Hội đồng quốc gia chuyển tiếp cho biết từ ngày 17 tháng 2 năm 2011 đã có ít nhất 3,000 người bị thiệt mạng và 17,000 người bị thương tại thành phố Misurata. Hầu như không có gia đình nào là không có người chết. Nhưng trong thành phố Sirte người ta cũng khám phá ra hàng chục xác thuộc lực lượng ủng hộ ông Gheddafi bị hành quyết, bị bắn vào đầu hay vào gáy.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Ý đài Vaticăng ngày 26 tháng 10 năm 2011 Ðức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli, Giám Quản Tông Tòa Tripoli, "cầu mong người dân Libia can đảm bắt đầu trở lại cuộc sống thường ngày bằng sự tha thứ, hướng nhìn về tương lai và có cung cách hành xử bình tĩnh cụ thể. Các tình trạng qúa khứ đã gây ra biết bao nhiêu bạo lực và khiến cho nhiều người chết. Nhưng tìm lại hòa bình và sự hiệp nhất là một thách đố mà người dân Libia sẽ biết cách đương đầu. Toàn dân Libia muốn có sự hiệp nhất. Vào một lúc nào đó họ đã bị cám dỗ chia đất nước thành miền này miền nọ. Nhưng tôi tin rằng sự khôn ngoan và thiện chí sẽ thắng thế".

Ðức Cha Sylvester Carmel Magro, Giám Quản Bengasi, thì mời gọi người dân Libia hòa giải và trở về với tâm tình yêu mến quê hương.

Thật thế, sau 7 tháng nội chiến, thủ đô Tripoli cũng như các thành phố lớn khác của Libia cần được tái thiết vì đã chịu nhiều tàn phá và hư hại trong 9,160 vụ dội bom của các nước tây âu và các cuộc giao tranh giữa các lực lượng nổi loạn và binh sĩ của ông Gheddafi. Song song với sự tái thiết vật chất còn có sự tái thiết tinh thần nữa, vì các chia rẽ chính trị và bộ tộc sẽ là một chướng ngại rất lớn cho các cơ cấu chính trị và hành chánh của Libia. Giờ đây cần phải thu hồi vũ khí của các lực lượng dân quân. Các xâu xé bạo lực xảy ra tại Irak sau cái chết của ông Saddam Hussein cũng như tại Afghanistan sau khi các lực lượng Taliban bị loại ra khỏi quyền bính, không chỉ phát xuất từ chiến tranh du kích và nạn khủng bố, mà cũng nảy sinh từ sự bất lực của các chính quyền mới trong việc tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của dân chúng và đất nước.

Thủ tướng lâm thời ông Mahmoud Jibril hứa là sẽ từ chức ngay sau khi nước nhà được bình định. Nhưng bên trong Hội đồng quốc gia chuyển tiếp cũng có các phe nhóm khác nhau với các lập trường khác nhau. Trong qúa khứ Libia đã bị cai trị một cách trực tiếp bởi ông Gheddafi với các hậu qủa tồi tệ trên việc phát triển, và việc duy trì các cơ cấu hạ tầng. Giờ đây cần phải củng cố cơ cấu hạ tầng xã hội. Nhưng thực tế là các thành phần của Hội Ðồng quốc gia chuyển tiếp lại bao gồm các kỳ mục vùng Cirenaica, nguyên thành viên của chính quyền cũ, đại diện các bộ tộc, các người hồi hòa hoãn, các lãnh tụ dân quân.

Do đó, thách đố đích thật hiện nay là duy trì được sự hòa hợp giữa các khác biệt, các tranh chấp và ghen tương của họ sau khi kẻ thù chung đã nằm xuống. Tương quan với hai bộ tộc chính là a rập và berber nắm giữ vai trò nền tảng. Sau cùng người ta lo sợ chủ nghĩa hồi cuồng tín thắng thế tại Libia, vì thế con đường dân chủ sẽ còn gặp nhiều chông gai trong tương lai.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Khalil Fouad Allam, chuyên viên nghiên cứu tình hình các nước A Rập, tác giả cuốn sách tựa đề "Giải thích Hồi giáo cho các người thuộc đảng Liên Minh Xanh Italia".

Hỏi: Thưa ông Allam, ông nghĩ gì về sự kiện luật Sharia sẽ hướng dẫn Hiến pháp Libia?

Ðáp: Sự kiện Luật Sharia hướng dẫn Hiến pháp Libia là hậu qủa của chủ nghĩa ái quốc hồi đang lan tràn trong thế giới A rập hiện nay. Trước đây thì người ta nói tới tương quan giữa Hồi giáo và Hiến pháp, hiện nay thì người ta công khai nói tới tương quan giữa Hồi giáo và quốc gia. Và điều này có nghĩa là sẽ có sự liên đới mạnh mẽ hơn giữa hai bên. Vì nếu Hiến pháp là điều có thể thay đổi, thì quốc gia trường tồn. Và nếu người ta đồng hóa luật Sharia với quốc gia, thì điều này sẽ có các hậu qủa rất nghiêm trọng đối với nền dân chủ, chẳng hạn tôi nghĩ tới các hậu qủa của nó đối với nữ giới và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Hỏi: Nhưng mà ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng quốc gia chuyển tiếp đã nói tới tương quan giữa Hồi giáo và Hiến Pháp, chứ không nói tới một quốc gia hồi giáo. Thế rồi ông cũng đã sửa sai lập trường bằng cách đề ra con đường hồi giáo hòa hoãn mà thưa ông...

Ðáp: Ðương nhiên là ông Jalil đang ở trong một tình trạng tế nhị. Một đàng là Tây Phương, đàng khác là chủ nghĩa hồi giáo cực đoan. Vì thế ông ta chỉ đang tìm cách làm hài lòng cả hai bên thôi.

Hỏi: Ông nghĩ sao về sự kiện tổ chức khủng bố hồi cuồng tín Al Qaeda đã hoan hô lời tuyên bố của ông Jalil?

Ðáp: Tổ chức Al Qaeda trực giác được điều đang xảy ra. Sự kiện tổ chức này đã nhấn mạnh trên chế độ đa thê tại Libia qúa đủ để cho chúng ta thấy họ đang chuẩn bị những gì cho đất nước này. Do đó dĩ nhiên là Al Qaeda vui mừng về lời tuyên bố Libia theo luật hồi Sharia.

Hỏi: Theo ông thì đâu có thể là những hậu qủa của tình hình này?

Ðáp: Có nguy cơ là Libia sẽ kết thúc như Afghanistan, với các lực lượng Taliban và chính quyền tìm cách thỏa hiệp với nhau. Trừ khi Âu châu thành công trong việc trợ giúp người dân Libia hướng tới một sự chuyển tiếp dân chủ, nhưng tôi thấy đây là điều khó lắm.

Hỏi: Thưa ông, tại Tunisia người ta thấy chiến thắng của những người hồi hòa hoãn thuộc đảng Ennakhda. Ông có nghĩ rằng sự thành công này của Tunisia có thể ảnh hưởng trên các nước khác giống như cuộc cách mạng hoa lài đã từng tạo ra Mùa xuân A rập hay không?

Ðáp: Chiến thắng của người Hồi hòa hoãn thuộc đảng Ennakhda có thể là một thành công có khả năng "lây lan". Nhưng tôi xin lập lại khuynh hướng thắng thế sẽ là chủ nghĩa ái quốc hồi giáo. Vấn đề đó là tất cả các phong trào này như đảng hồi giáo "Ennakhda", đều có liên hệ tới phong trào Huynh đệ hồi giáo. Từ Tunisia tới Ai Cập các phong trào này đều tự giới thiệu như là các phong trào hồi giáo hòa hoãn, nhưng cần phải xem xem họ hiểu "hòa hoãn" như thế nào. Và tôi tin rằng các căng thẳng sẽ nảy sinh từ các tranh luận liên quan tới Hiến pháp. Ðã có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng không đi theo hướng của một Hồi giáo tục hóa. Ðiều nguy hiểm nhất đó là ở bên trong các phong trào này có các lực lượng ly tâm. Một cách đặc biệt các người hồi Salafít rất có nhiều ảnh hưởng. Và chính họ là những người triệt để khước từ sự đại diện của Hồi giáo hòa hoãn.

Hỏi: Trong sách ông đã nhắc đến Âu châu. Nhưng ông có nghĩ rằng trong khung cảnh hiện nay mọi thúc đẩy của Âu châu đều có thể bị coi như là can thiệp vào nội bộ hay không?

Ðáp: Thế giới toàn cầu bao gồm việc tạo ra các mẫu mực quốc tế mà tất cả mọi người đều phải tôn trọng. Tôi không biết các quốc gia của "Mùa Xuân A rập" có sẵn sàng chấp nhận chúng hay không. Tôi phân tích những gì hiện có và điều tôi trông thấy nói với tôi rằng việc chấp nhận này là một sự cần thiết. Thế nhưng xã hội lại có các dấu chỉ cho thấy nó sẽ nổ tung.

(Avvenire 22.25-10-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page