Nhận định về việc Ái nhĩ lan đóng cửa

Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh

 

Nhận định về việc Ái nhĩ lan đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh.

Ái nhĩ lan [CNS, Zenit 3/11/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chính phủ Ái nhĩ lan loan báo đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh.

Hôm thứ Năm 3 tháng 11 năm 2011, bộ ngọai giao Ái nhĩ lan loan báo rằng chính phủ nước này quyết định đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh. Cũng nhân dịp này, chính phủ Ái nhĩ lan cũng cho biết sẽ đóng cửa các Tòa đại sứ tại Iran và Ðông Timor.

Bộ trưởng ngoại giao Ái nhĩ lan, ông Eamon Gilmore, giải thích rằng sở dĩ chính phủ ông quyết định đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh là vì lý do kinh tế và tài chính chứ không phải là hậu quả của cuộc xung đột giữa Ái nhĩ lan và Tòa thánh xoay quanh những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ Ái nhĩ lan. Những căng thẳng giữa Tòa thánh và Ái nhĩ lan đã lên cao đến độ Tòa thánh đã phải cho tạm thời triệu hồi Ðức cha Giuseppe Leanza, Sứ thần Tòa thánh tại Ái nhĩ lan, về Roma dạo cuối tháng 7 năm 2011. Sau đó, Ðức cha Leanza được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Cộng Hòa Tiệp.

Khi cho triệu hồi Ðức cha Leanza về Roma, Tòa thánh nói đến một số "phản ứng thái quá" trong giới chính trị gia Ái nhĩ lan, nhứt là của thủ tướng nước này, sau khi Tòa thánh phê bình một bản báo cáo của chính phủ về việc Giáo hội xử lý các vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo phận Cloyne.

Chính trong bối cảnh này mà nhiều người cho rằng sở dĩ chính phủ Ái nhĩ lan cho đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh là vì những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Ái nhĩ lan.

Nhưng trong một tuyên ngôn đuợc cho công bố chiều thứ Năm 3 tháng 11 năm 2011, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, đã hoàn toàn bác bỏ giải thích trên đây.

Trong tuyên ngôn, cha Lombardi nói rằng Tòa thánh ghi nhận quyết định của chính phủ Ái nhĩ lan cho đóng cửa Tòa đại sứ tại Roma. Theo cha Lombardi, dĩ nhiên, bất cứ quốc gia nào có quan hệ ngọai giao với Tòa thánh cũng đều được tự do để quyết định có nên có một đại sứ bên cạnh Tòa thánh thường trú tại Roma hay tại một nước khác. Ðiều quan trọng là quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và các quốc gia".

Phát ngôn viên của Tòa thánh khẳng định: quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Ái nhĩ lan không có vấn đề gì cả!

Khi loan báo quyết định cho đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh, bộ trưởng ngoại giao Ái nhĩ lan tuyên bố rằng "thật bất đắc dĩ và đáng tiếc" khi phải quyết định đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh cũng như các phái bộ ngoại giao khác tại Iran và Ðông Timor.

Ông Gilmore nói rằng quyết định trên đây đã được đưa ra sau khi chính phủ Ái nhĩ lan duyệt lại các phí tổn cần phải có để duy trì một số phái bộ ngoại giao ở nước ngoài. Tựu trung, việc đóng cửa các Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh, tại Iran và Ðông Timor hoàn toàn có tính cách kinh tế hơn là chính trị.

Bộ trưởng ngoại giao Ái nhĩ lan cũng giải thích rằng những căng thẳng liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ Ái nhĩ lan hoàn toàn "không dính dáng" gì đến quyết định đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh. Ông khẳng định rằng các quan hệ ngoại giao của Ái nhĩ lan với Tòa thánh vẫn tiếp tục và luôn được đánh giá cao.

Về phần mình, Ðức hồng y Sean Brady, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ái nhĩ lan, nhận định rằng việc chính phủ nước này quyết định đóng cửa Tòa đại sứ bên cạnh Tòa thánh "dường như không đặt nặng vai trò quan trọng của Tòa thánh trong các quan hệ quốc tế cũng như những mối giây liên hệ lịch sử giữa dân tộc Ái nhĩ lan và Tòa thánh trong hằng bao thế kỷ qua".

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Giám mục Ái nhĩ lan bày tỏ hy vọng rằng "mặc dù chính phủ Ái nhĩ lan đưa ra quyết định đáng tiếc trên đây, sự hợp tác chặt chẽ giữa Ái nhĩ lan và Tòa thánh trong thế giới ngoại giao vẫn tiếp tục, dựa trên cam kết chung của hai bên là hoạt động cho công lý, hòa bình, phát triển quốc tế và quan tâm đến công ích".

Tòa thánh là một trong những quốc gia đầu tiên đã nhìn nhận nền độc lập của Ái nhĩ lan và đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này hồi thập niên 20 của thế kỷ trước.

Hiện nay, Tòa sứ thần tại Ái nhĩ lan đang trống ngôi, sau khi Ðức cha Leanza được triệu hồi về Roma và bổ nhiệm làm Sứ thần tại Cộng hòa Tiệp. Các nguồn tin Giáo hội từ thủ đô Dublin hy vọng rằng một vị Sứ thần mới sẽ được Ðức thánh cha bổ nhiệm trước cuối năm 2011.

Nhiều quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh nhưng không có đại sứ thường trú tại Roma, mà trái lại để cho một đại sứ tại một nước láng giềng kiêm nhiệm chức vụ đại sứ bên cạnh Tòa thánh.

Theo Thỏa uớc Laterano được ký kết giữa Tòa thánh và chính phủ Ý hồi năm 1929, các Ðại sứ tại Ý không được phép kiêm nhiệm đại sứ bên cạnh Tòa thánh.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page