Toàn cầu hóa và
việc điều hợp các nguồn tài chánh
Toàn cầu hóa và việc điều hợp các nguồn tài chánh.
Phỏng vấn giáo sư Joseph Eugene Stiglitz, giải Nobel Kinh Tế về việc toàn cầu hóa nhân bản, cần thiết cho việc điều hợp các nguồn tài chánh một cách tốt đẹp hơn.
Roma (Avvenire 25-10-2011) - Sáng ngày 24 tháng 10 năm 2011 Ðức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình, đã mở cuộc họp báo để công bố văn kiện của Hội đồng về việc cải tổ hệ thống tài chánh quốc tế.
Hiện diện và lên tiếng tại cuộc họp báo cũng có Ðức Cha Mario Toso, Tổng thư ký của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Giáo Sư Leonardo Becchietti, dạy môn kinh tế chính trị tại Ðại học Roma Tor Vergata.
Văn kiện có tựa đề "Ðể cải tổ hệ thống tài chánh quốc tế trong viễn tượng một quyền bính công cộng có thẩm quyền hoàn vũ", được ấn hành bằng 4 thứ tiếng Ý, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Trong Văn kiện này Hội Ðồng Tòa Thánh đề nghị thành lập một thẩm quyền công cộng hoàn cầu để phục vụ công ích, và đây là chân trời duy nhất có thể dung hợp với các thực tại mới ngày nay.
Qua tài liệu này, Hội đồng Tòa Thánh muốn cống hiến một đóng góp cho các vị hữu trách của thế giới và mọi người thiện chí đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh của thế giới, cuộc khủng hoảng cho thấy "những thái độ ích kỷ, tham lam tập thể và vơ vét của cải ở mức độ rất lớn".
Văn kiện của Hội đồng Tòa Thánh nhấn mạnh rằng công ích của nhân loại hiện nay và chính tương lai của loài người đang bị đe dọa: hơn 1 tỷ người sống với lợi tức không tới 1 mỹ kim mỗi ngày, sự chênh lệch gia tăng kinh khủng trên thế giới, tạo nên những căng thẳng và làn sóng di dân đông đảo. Theo lương tâm mình, không ai có thể chấp nhận sự phát triển của vài nước, gây thiệt hại cho các nước khác, không ai có thể cam chịu khi thấy con người sống như lang sói đối với người khác mà không tìm cách chữa trị.
Văn kiện Tòa Thánh cũng báo động rằng "nếu không chữa trị những bất công đè nặng trên thế giới thì những hậu quả tiêu cực từ đó mà ra trên bình diện xã hội, chính trị và kinh tế sẽ tạo nên bầu không khí đố kỵ ngày càng gia tăng, và cả nạn bạo lực, đến độ làm băng hoại chính nền tảng của các cơ chế dân chủ, kể cả những cơ chế được coi là vững chắc nhất".
Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình phân tích những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay, và đặc biệt tố giác chủ nghĩa tân tự do kinh tế không luật lệ và không có sự kiểm soát... hiện nay có những thị trường tiền tệ và tài chánh chủ yếu có tính chất đầu cơ, gây thiệt hại cho nền kinh tế, nhất là tại các nước yếu kém. Nền kinh tế thế giới hiện thời ngày càng bị chủ nghĩa duy lợi ích và duy vật thống trị, bành trướng tín dụng thái quá và đầu tư, tạo nên tình trạng không thể trả nợ nổi và mất sự tín nhiệm".
Văn kiện Tòa Thánh cổ võ một nền kinh tế có luân lý đạo đức, cần phục hồi vị thế ưu tiên của tinh thần và luân lý đạo đức, cũng như chỗ đứng ưu tiên của chính trị trên kinh tế và tài chánh, vì chính trị vốn có trách nhiệm về công ích. Cần lấp đầy sự cách biệt giữa huấn luyện luân lý đạo đức và chuẩn bị về kỹ thuật chuyên môn.
Tòa Thánh cũng đưa ra giả thuyết về những biện pháp đánh thuế các hoạt động chuyển nhượng tài chánh, theo tỷ lệ công bằng. Việc làm này cũng nhắm thành lập một quỹ dự trữ thế giới, để nâng đỡ nền kinh tế của các nước bị khủng hoảng và chữa lành hệ thống tiền tệ và tài chánh của mình.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Joseph Eugene Stiglitz, giải Nobel Kinh Tế, về việc toàn cầu hóa nhân bản, cần thiết cho việc điều hợp các nguồn tài chánh một cách tốt đẹp hơn. Giáo sư Stiglitz sinh năm 1943 là chuyên viên kinh tế Mỹ và là giáo sư tại đại học Columbia Hoa Kỳ. Ông cũng là giảng sư tại các đại học Yale, Stanford, Duke, Oxford và Princeton. Giáo sư Stiglitz nổi tiếng vì dám thẳng thắn phê bình cách điều hành việc toàn cầu hóa, thị trường kinh tế tự do và một số các cơ cấu tài chánh quốc tế như Ngân Qũy Tiền Tệ Quốc Tế và Ngần Hàng Thế Giới. Giáo sư là tác giả của nhiều sách và các bài khảo luận. Cuốn sách cuối củng của ông tựa đệ "Phá sản, kinh tế toàn cầu rơi tự do".
Hỏi: Thưa giáo sư Stiglitz, giáo sư có tin rằng một luật lệ kinh tế mới nghiêm ngặt hơn sẽ cho phép nền kinh tế thế giới ra khỏi tình trạng bất ổn hiện nay hay không?
Ðáp: Hệ thống luật lệ của chúng ta hiện nay đã thất bại phần nào, bởi vì chính các cơ cấu có nhiệm vụ thực thi nó không tin tưởng vào luật lệ và đã cho phép các tác nhân tài chánh khác nhau ngày càng rơi vào các liều lĩnh lớn hơn. Nếu chúng ta không lấy các luật lệ kinh tế làm việc ưu tiên và nếu không cải cách các cơ cấu kinh tế quốc tế hay tạo ra các cơ cấu mới khác, thì hệ thống kiểm soát sẽ lại thất bại nữa.
Hỏi: Ðâu là các luật lệ mà giáo sư muốn trông thấy thực thi trong lãnh vực ngân hàng?
Ðáp: Ðó là các luật lệ giúp ngăn ngừa các vụ lạm dụng, hoặc là cho vay ăn lời nặng lãi, từ phía hệ thống tín dụng, và điều này tại Hoa Kỳ chúng tôi đã làm được một phần, hay là các vụ cho vay với lãi xuất ngày càng gia tăng khiến nợ nần nổ tung trong tay của người tiêu thụ, hay việc dùng các sản phẩm bắt nguồn từ đó mà không biết suy xét.
Hỏi: Như thế mục tiêu chính của các cuộc cải tổ là chính các ngân hàng, có đúng thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Vâng, nhất là các ngân hàng "qúa lớn để có thể thất bại", và trong trường hợp gặp khủng hoảng thì chúng tự động được cứu vớt với tiền của công qũy, như đã xảy ra trong vụ suy thoái trầm trọng vừa qua. Các đường lối chính trị ngân hàng xấu phần lớn đã là lý do gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, vì vậy việc điều hợp các ngân hàng là điều nền tảng để tránh các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. Các ngân hàng phải được dầu tư trở lại một cách trong sáng, chứ không được qua các cung cách mờ ám đáng nghi hoặc như đã xảy ra trong qúa khứ. Các cung cách khả nghi thiếu trong sáng này không chỉ gây thiệt hại cho các khách hàng và người tiêu thụ mà còn làm hại toàn hệ thống ngân hàng nữa. Ngoài ra cũng cần phải duyệt xét các chuyển nhượng của hệ thống ngân hàng nữa. Các chuyển nhượng tài chánh nguy hiểm và không trong sáng này đã khiến cho toàn hệ thống ngân hàng trên thế giới bị đánh ngã qụy. Các ngân hàng thương mại đáng lý ra không được phép đưa ra các chuyển nhượng. Nhiệm vụ chính của các ngân hàng thương mại là tín dụng, vì thế phải trở lại với nhiệm vụ tín dụng của chúng. Như vậy, nếu chúng ta muốn bảo vệ các khách hàng và các người góp cổ phần, thì cần phải đIều khiển được các nhà băng: các ngân hàng nào lớn qúa thì phải tán mong ra, hạn chế các sinh hoạt của chúng, áp đặt thuế trên các vụ chuyển ngân, và thức đẩy các ngân hàng tái đầu tư trở lại.
Hỏi: Thưa giáo sư Stiglitz, các biện pháp này có phải là toàn cầu hay không?
Ðáp: Quy luật tài chánh là một lãnh vực trong đó sự phối hợp quốc tế là điều tuyệt đối nòng cốt. Nếu chúng ta có các thị trường tài chánh được sát nhập, chúng ta cũng phải tin tưởng rằng các sản phẩm tài chánh mà chúng ta nhập cảng từ nước ngoài không gây ra sự tàn phá kinh tế trong nhà mình. Ðiều này không chỉ được đòi hỏi đối với việc phối hợp các luật lệ, nhưng cả việc thực thi và kiểm soát chúng nữa. Nhưng rất tiếc là các cơ cấu kiểm soát tài chánh như khối G20 và Ngân Qũy Tiền Tệ Quốc Tế đã mất tin tưởng nơi nhiều quốc gia. Sẽ rất khó mà sửa đổi được điều này, bởi vì sự toàn cầu hóa kinh tế đi nhanh hơn là sự toàn cầu hóa chính trị. Nhưng nếu chúng ta muốn có một sự toàn cầu hóa dẫn tới một thế giới ổn định và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người, thì phải có một sự phối hợp tốt hơn.
(Avvenire 25-10-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)