Một cuộc khủng hoảng sâu xa

trong xã hội ngày nay

 

Một cuộc khủng hoảng sâu xa trong xã hội ngày nay.

Assisi [CNS 27/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sợi chỉ chạy xuyên suốt qua các bài phát biểu tại Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn Assisi năm 2011 là: thế giới không chỉ đang đương đầu với xung đột và chiến tranh, mà còn phải đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn ảnh hưởng đến đời sống xã hội và văn hóa trong mọi quốc gia.

Sinh thái bị hủy hoại, khoảng cách giữa giàu nghèo, sự xói mòn các truyền thống văn hóa, chủ nghĩa khủng bố và những đe dọa mới cho những thành phần yếu kém nhứt trong xã hội: đó là những mối lo ngại được các diễn giả nêu bật trong Ngày Suy Tư, Ðối Thoại và Cầu nguyện cho hòa bình thế giới được tổ chức tại Assisi, Ý, hôm thứ Năm 27 tháng 10 năm 2011.

Ngỏ lời với khoảng 300 tham dự viên của Cuộc gặp gỡ được mệnh danh là "cuộc hành hương vì sự thật và hòa bình" này, Ðức thánh cha Benedicto XVI cũng phản ánh những mối lo ngại trên đây trong bài phân tách của ngài về tình trạng hòa bình thế giới 25 năm sau cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn đầu tiên do vị tiền nhiệm của ngài là chân phước Gioan Phaolo II triệu tập.

Ðức thánh cha ghi nhận rằng năm 1986, thế giới không những chìm ngập trong những cuộc xung đột có võ trang mà còn bị xâu xé vì cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối đối nghịch nhau.

Ngày nay chiến tranh lạnh đã chấm dứt và "một cuộc chiến tranh lớn không còn đe dọa chúng ta nữa". Tuy nhiên, tiếc thay, theo Ðức thánh cha, thế giới vẫn còn đầy những mối bất hòa.

Ðức thánh cha nói rằng mối bất hòa này mặc lấy hai hình thức mới đáng sợ: một là chủ nghĩa khủng bố nhân danh tôn giáo, hai là sự xói mòn thiêng liêng trong các xã hội có nền công nghiệp tiên tiến.

Cách đây 25 năm, Cuộc gặp gỡ liên tôn Assisi thành công một phần nào là nhờ các phe phái đang lâm chiến đã đáp lại lời kêu gọi của đức Gioan Phaolo II để hưu chiến một ngày. Năm 2011, không có lời kêu gọi hưu chiến và các tham dự viên cũng chẳng nhắc đến các cuộc xung đột, ngoại trừ tình trạng tranh chấp của thành Gerusalem.

Phát biểu như thế các tham dự viên tại Ngày Gặp Gỡ Liên Tôn Assisi không hề phủ nhận rằng thế giới không còn chiến tranh, mà chỉ có ý nói rằng sự hài hòa của thế giới đang bị đe dọa bằng nhiều cách đáng báo động.

Một vị đại diện của Phật giáo Ðại Hàn là thượng tọa Ja Seung nhấn mạnh đến những cuộc xung đột về văn hóa ngày càng gia tăng trên thế giới. Một số diễn giả khác cảnh cáo rằng toàn cầu hóa đôi khi đã tạo ra cuộc đụng độ giữa những người sợ bản sắc văn hóa của mình bị làm cho suy yếu.

Ðức cha Rowan Williams, Tổng giám mục Anh giáo Canterbury, Anh quốc, thủ lãnh tinh thần của Liên hiệp Anh Giáo Thế Giới, nói rằng thế giới không hề biết đến bao nhiêu người nghèo phải thiệt mạng.

Một số khác cho rằng khủng hoảng kinh tế khiến cho mọi người không biết tương lai sẽ đi về đâu. Mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Kito, nói rằng với tình trạng thất nghiệp cao nơi giới trẻ, "chúng ta như thể đang đánh cá với phúc lợi và hạnh phúc của cả một thế hệ".

Về phần mình, đức Bartholomêô I, Thượng phụ đại kết Constantinople, lo ngại rằng những thay đổi do các phong trào dân chủ tại các nước Á rập mang lại có thể khiến cho các cộng đồng kito thiểu số tại các nước này ít được bảo vệ hơn trước kia.

Riêng bà Julia Kristeva, một trong bốn nhà tư tưởng vô thần được Ðức thánh cha mời tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn, thì lại cho rằng những khả năng nền tảng của con người như chăm sóc cho nhau, nuôi dạy con cái và bảo vệ đất đai đã bị đe dọa bởi những tiến bộ vượt bực của khoa học, những cơ chế kỹ thuật và tài chính không được kiểm sóat cũng như sự bất lực của những nền dân chủ cổ điển để đương đầu với những kết quả.

Nhiều diễn giả cũng cảnh báo về một tai họa sinh thái nếu con người không thay đổi cách sống. Có lẽ Ðức hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, là người đã tóm tắt được những quan ngại trên đây khi nói rằng mối quan hệ của con người với thiên nhiên ngày càng bị xáo trộn.

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và hòa bình nói: "Sự cạnh tranh mạnh mẽ về tài nguyên giữa các dân tộc trong một môi sinh mà khí hậu đang bị o ép, có nguy cơ phá hủy xã hội và tàn phá trật tự thiên nhiên mà thánh Phanxico đã ca ngợi trong "Bài ca mặt trời".

Dĩ nhiên, trong ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện vừa qua, các diễn giả không chỉ cảnh báo về những mối đe dọa bi đát đối với thế giới. Một số cũng nói lên những lời đày hy vọng.

Một vị mục sư tin lành đại diện cho các Giáo hội cải cách phát biểu trong lễ nghi kết thúc rằng môt thế giới với nhiều biên giới mở rộng hơn, với nhiều khoảng cách được thu hẹp và với những phương tiện liên lạc tốt đẹp hơn, sẽ giúp cho các tín đồ tôn giáo tác động mạnh hơn.

Nhưng tại Ngày Suy Tư, Ðối Thoại và Cầu nguyện năm 2011, ai cũng nhận thấy rằng để xây dựng hòa bình thế giới, cần có một cái gì khác hơn là chỉ loại trừ các cuộc xung đột võ trang.

Ðây là cảm nghỉ chung được phản ánh qua hàng ngàn khách hành hương có mặt trong Ngày Suy Tư, Ðối thoại và cầu nguyện năm 2011. Một biểu ngữ viết tay với hàng chữ "Một Trật Tự Thế Giới Mới" đã được một khách hành hương trương lên khi Ðức thánh cha đi qua. Biểu ngữ này hẳn đã nói lên nỗi khao khát chung của mọi người khi tham dự cuộc hành trình vì sự thật, vì hòa bình năm 2011.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page