Tinh thần Assisi
theo cái nhìn của linh mục quản thủ
vương cung thánh đường thánh Phanxico
Tinh thần Assisi theo cái nhìn của linh mục quản thủ vương cung thánh đường thánh Phanxico.
Assisi [Zenit 25/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 27 tháng 10 năm 2011 là Ngày Gặp Gỡ Liên Tôn được tổ chức tại Assisi để đánh dấu 25 năm ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình do chân phước Gioan Phaolo II chủ tọa hồi năm 1986.
Nhân dịp này hãng thông tấn Công giáo Zenit đã phỏng vấn cha Giuseppe Piemontese, quản thủ vương cung thánh đường thánh Phanxico tại Assisi, là nơi chôn cất vị thánh và là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ cầu nguyện của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới.
Trong cuộc trao đổi với hãng thông tấn Zenit, cha Piemontese đặc biệt nói đến ý nghĩa của cuộc gặp gỡ liên tôn này.
Hiện nay, kiểu nói "tinh thần Assisi" đã trở thành một biểu tượng. Giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của kiểu nói này, linh mục quản thủ vương cung thánh đường thánh Phanxico nói rằng chính chân phước Gioan Phaolo II là người đầu tiên xử dụng kiểu nói này, nhân dịp tiếp kiến một nhóm đại diện các tôn giáo ngoài kito giáo. Trước đó hai ngày, các vị đại diện tôn giáo này đã cùng với đức Gioan Phaolo II có mặt tại Assisi. Trước khi từ giả nước Ý, các vị muốn có một cuộc gặp gỡ riêng với ngài.
Trong cuộc tiếp kiến, Ðức thánh cha đã nhắc lại ý nghĩa của cuộc gặp gỡ tại Assisi, cám ơn các vị đã tham gia cuộc gặp gỡ và kết luận như sau: "Quý vị sẽ trở về mái nhà và trung tâm của quý vị. Một lần nữa, tôi xin cám ơn quý vị đã đến và xin được cầu chúc quý vị thượng lộ bình an. Chúng ta hãy tiếp tục sống "tinh thần Assisi".
Sau đó, đức Gioan Phaolo II đã lập lại kiểu nói này trong các sứ điệp mà ngài đã gởi đi nhân các cuộc gặp gỡ với chủ đề "Con người và tôn giáo" do cộng đồng thánh Egidio tổ chức để kỷ niệm cuộc gặp gỡ tại Assisi.
Theo cha Piemontese, kiểu nói "tinh thần Assisi" tóm tắt một cách dễ hiểu và cụ thể điều mà Công đồng Vatican II đã diễn tả trong Hiến Chế "Lumen Gentium" [Ánh sáng muôn dân về mầu nhiệm Giáo hội]. Theo Hiến chế, Giáo hội là "dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhứt của toàn thể nhân loại".
Linh mục quản thủ vương cung thánh đường thánh Phanxico tóm tắt ba điểm mà kiểu nói "tinh thần Assisi" có thể gợi lên: một là giá trị vô giá của hòa bình và các tôn giáo có trách nhiệm phải đạt đến giá trị này; hai là ý thức về tầm quan trọng của sự cầu nguyện để đạt được món quà hòa bình; ba là sự cần thiết phải hiểu biết và tôn trọng hổ tương giữa con người, bất luận thuộc về tôn giáo nào.
Ðược hỏi: tại sao đức Gioan Phaolo II đã chọn thánh Phanxico Assisi làm sứ giả hòa bình, cha Piemontese trả lời rằng thánh nhân là vị thánh đã làm cho Tin Mừng được "nhập thể" một cách trọn vẹn nhứt bằng cách trở thành "một hình ảnh sống động của Chúa Kito chịu đóng đinh". Theo cha, kinh nghiệm nhân bản và kito của vị thánh này là một lý tưởng cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại, dù thuộc tôn giáo và văn hóa nào. Ðây chính là lý do khiến Ðức thánh cha đã chọn Assisi làm nơi gặp gỡ cho mọi tôn giáo để cầu nguyện cho hòa bình.
Sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ năm 1986 đã được nhiều người nồng nhiệt đón nhận, nhưng cũng có nhiều người tỏ ra dè dặt. Cha Piemontese giải thích rằng trong Giáo hội Công giáo cũng có một số người cho rằng không nên có quan hệ với những người không đồng tôn giáo. Họ sợ rằng việc cầu nguyện với các đại diện các tôn giáo khác sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy tương đối và "hổ lốn" tôn giáo. Biết có một thái độ như thế cho nên trong một bài diễn văn đọc truớc giáo triều ngày 22 tháng 12 năm 1986, đức Gioan Phaolo II đã khẳng định rằng không hề "có chuyện lẫn lộn và hổ lốn như thế". Ngài nhấn mạnh đến những lợi ích của lời cầu nguyện cho hòa bình.
Thật ra, chính công đồng Vatican II cũng đã khuyến khích hãy can đảm tham gia cuộc đối thoại đại kết và liên tôn.
Ðề cập đến ảnh hưởng cụ thể của "tinh thần Assisi" trong các cộng đồng Phanxico, linh mục quản thủ vương cung thánh đường Phanxico nói rằng Dòng Phanxico chủ trương một phong trào đại kết và đối thoại liên tôn cụ thể với các đại diện các tôn giáo và những người vô thần mỗi khi họ tìm đến viếng mộ thánh nhân tại Assisi.
Theo cha Piemontese, tinh thần Assisi cũng thấm nhập vào ngành du lịch. Khách du lịch có thể không hiểu hết tinh thần của thánh nhân, nhưng họ được thu hút bởi nghệ thuật. Khi chiêm ngắm vẻ đẹp của các vương cung thánh đường, các tấm kính mầu sặc sở, họ đón nhận bầu khí hòa bình.
Về những sáng kiến mà dòng Phanxico đề ra trong vương cung thánh đường thánh Phanxico để chuyên chở "tinh thần Assisi", linh mục quản thủ cho biết: ngay cả trước năm 1986, tu viện đã cho tổ chức những cuộc gặp gỡ và trao đổi với đại diện của nhiều tôn giáo khác nhau tại Assisi cũng như tại một số nơi khác trên thế giới. Sau năm 1986, các sáng kiến này được nhân rộng và củng cố thêm.
Hiện nay, tại một số quốc gia, đã có 7 trung tâm đối thoại và hòa bình do các anh em hèn mọn viện tu điều khiển.
RVA.