Sự hiện diện của một số người vô thần

trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi

 

Sự hiện diện của một số người vô thần trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi.

Assisi [Tin tổng hợp 20/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi vào ngày 27 tháng 10 năm 2011 qui tụ đại diện của nhiều tôn giáo trên khắp thế giới. Ngoài ra, theo ý muốn của Ðức thánh cha Benedicto XVI, có một số nhà tư tưởng và vô thần nổi tiếng trên thế giới cũng được mời tham dự biến cố này.

Tưởng cũng nên nhắc lại: được mời tham dự ngày gặp gỡ liên tôn sắp tới tại Assisi có đại diện của các Giáo hội đông phương với 17 phái đoàn. Ðức thượng phụ đại kết Constantinople Bartolomeo I cầm đầu phái đoàn Chính thống Phanar, Thổ nhĩ kỳ. Ðức cha Aleksandr đại diện cho đức Kyrill, Thượng phụ Chính thống Mascova và toàn nước Nga. Các phái đoàn khác sẽ đến từ tòa Thượng phụ Chính thống Siri, Giáo hội tông truyền Armeni, Giáo hội chính thống Syro Malankar và Giáo hội Assyri đông phương.

Ðại diện cho các Giáo hội Tây phương làm thành 19 phái đoàn. Phái đoàn của Liên hiệp Anh Giáo thế giới do Ðức tổng tổng giám mục Rowan Williams, Tổng giám mục Canterbury, cầm đầu. Bên cạnh đó, có các phái đoàn của Liên Hiệp Tin Lành Thế Giới, Liên hiệp thế giới các Giáo hội cải cách và Hội đồng Methodist thế giới.

Ðại diện cho các tôn giáo khác trên thế giới có tất cả 176 vị. Riêng Hồi giáo có 48 đại diện, mà một đến từ Á rập Saudi, một là chủ tịch của người hồi giáo vùng Caucase, một từ phái đoàn hồi giáo Pháp.

Về phía Ấn giáo, người ta chú ý đến sự hiện diện của một người cháu của Mahatma Gandhi. Cũng có đại diện của Ðạo Sikhs, đạo Zoroastra, Phật giáo, Khổng giáo, Thần đạo, Lão giáo cũng như các tôn giáo cổ truyền từ Phi Châu và Mỹ Châu.

Nhưng trong lần gặp gỡ liên tôn này, có lẽ đáng chú ý nhứt là sự hiện diện của một số tư tưởng gia vô thần. Theo danh sách được đã được kiểm chứng, 4 nhà vô thần sẽ tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi lần này là: triết gia kiêm nhà phân tâm học người Pháp là bà Julia Kristeva; Triết gia người Ý, ông Bodel Remo hiện đang giảng dạy tại Ðại học UCLA ở Los Angeles, Hoa kỳ; Triết gia Anh Anthony Grayling, người đã thành lập Phân khoa văn chương và triết học tại London; và cuối cùng là ông Guillermo Hurtado, người sáng lập tạp chí Lịch sử và triết lý "Dianoia" tại Mehico.

Một ngày trước cuộc gặp gỡ liên tôn, bốn nhà tư tưởng này sẽ tham gia một cuộc thảo luận tại giảng đường chính của Ðại học Roma 3.

Giải thích về sự hiện diện của bốn nhà vô thần này tại cuộc gặp gỡ liên tôn Assisi, Ðức hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch hội đồng Tòa thánh về văn hóa, khẳng định rằng đây là ý muốn của chính Ðức thánh cha.

Vừa trở về từ Bucharest, Bulgaria, là nơi ngài được trao bằng tiến sĩ danh dự và chủ tọa một cuộc gặp gỡ "sân dành cho dân ngoại", Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa giải thích với các ký giả về các chương trình và dự án của Hội đồng do ngài lãnh đạo. Ngài cũng cho biết lý do tại sao Ðức thánh cha đã cho mời một số người vô thần tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình.

Ðức hồng y Ravasi nói: "Ðây là một ý tưởng của đức Benedicto XVI và chính ngài đã trình bày ý tưởng này trong một cuộc gặp gỡ với các Ðức hồng y để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại Assisi".

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, khi đưa ra ý tưởng này, "Ðức thánh cha cho thấy ngài rất trân quý một giáo huấn cổ xưa của thần học kito giáo. Ðó là: con người được tạo thành với hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên. Siêu nhiên không loại bỏ hay phá hủy tự nhiên, nhưng làm cho nó được hoàn hảo. Nói cách khác, siêu nhiên không loại trừ bản tính con người. Do đó, khi mời các nhà vô thần tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn ở Assisi, Ðức thánh cha muốn tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa đức tin và lý trí".

Sáng kiến đối thoại với những người vô thần mà Ðức thánh cha đã đề ra là một sáng kiến tích cực. Tuy nhiên, Ðức hồng y Ravasi không che dấu những giới hạn và vấn đề mà cuộc đối thoại này có thể đặt ra. Theo ngài, vấn đề không phải là thế giới vô thần: nhiều người vô thần vẫn có chủ trương đối thoại vì không xem tôn giáo như một yếu tố của kém phát triển.

Vấn đề mà Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa quan ngại nhiều nhứt chính là thái độ dửng dưng, buồn chán, không muốn đặt vấn đề, sự dung tục và thô tục...

Với thiện chí đối thoại với những người vô thần và vô tín, Hội đồng Tòa thánh về văn hóa sẽ lần lượt tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ thường được mệnh danh là "sân dành cho dân ngoại".

Ðức hồng y chủ tịch của Hội đồng này hy vọng sẽ tổ chức những cuộc gặp gỡ như thế tại Trung Ðông. Ngài nói rằng một trong những giấc mơ của ngài là "mở một cuộc đối thoại trong lãnh thổ bị xem là khó khăn nhứt thế giới này, nhưng đồng thời cũng rất sáng tạo, bởi vì ở đó các tôn giáo thực sự sống cho đến cùng bản sắc của mình và ở đó các sức mạnh thế tục cũng ngày càng lớn lên trong xã hội".

Ðức hồng y mong ước rằng một cuộc đối thoại giữa người tin và người không tin sẽ đựơc tổ chức ngay tại Israel, là nơi đã từng có "một sân dành cho dân ngoại".

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page