Quan ngại của các nhà lãnh đạo

Giáo hội tại Trung Ðông

về số phận các tín hữu kito tại Syria

 

Quan ngại của các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Trung Ðông về số phận các tín hữu kito tại Syria.

Syria [CNS 10/10/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các vị lãnh đạo Giáo hội tại Trung đông nói rằng nếu xảy ra nội chiến tại Syria thì các tín hữu kito tại đây phải gánh chịu nhiều hậu quả bi đát.

Ðức thượng phụ Công giáo Syri cảnh cáo về những hậu quả rất trầm trọng mà các tín hữu kito tại Syria có thể phải gánh chịu nếu chính phủ nước này sụp đổ.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS, Ðức thượng phụ Công giáo Syri Ignatius Joseph III Younan tin rằng sự sụp đổ của chính phủ Syria "có lẽ sẽ tạo ra hổn loạn".

Theo ngài, tình trạng hổn loạn này sẽ dẫn đến nội chiến.

Ðức thượng phụ Younan nhấn mạnh rằng một cuộc nội chiến tại Syria không chỉ là một cuộc tranh giành giữa các đảng phái chính trị để nắm quyền lực, mà còn có tính cách tôn giáo: một cuộc chiến nhân danh Thiên Chúa là điều còn tệ hại hơn một cuộc tranh giành chính trị. Và đây chính là điều mà Ðức thượng phụ Syri sợ xảy ra nhứt tại Syria.

Ðức thượng phụ Younan là một trong nhiều vị lãnh đạo Giáo hội tại Trung đông nói về hoàn cảnh hiện nay của các tín hữu kito tại Syria, vốn chiếm đến 10 phần trăm dân số nước này.

Theo Ðức thượng phụ Younan, Syria cần nhiều cuộc cải tổ, một hệ thống cai trị đa đảng và tự do ngôn luận. Ngài nói rằng Giáo hội hoàn toàn ủng hộ các cuộc cải tổ và không ủng hộ bất cứ một chế độ nào. Nhưng theo Ðức thượng phụ, những cuộc cải tổ này cần phải được thực thi xuyên qua đối thoại và một trung gian có thể liên kết hai phe đang xung đột, tức chính phủ và đối lập.

Nhà lãnh đạo công giáo tại Syria nói rằng Phương Tây cần phải đẩy mạnh những cải tổ dân chủ hơn là tìm cách thay đổi các chế độ chính trị mà họ cho là độc tài và thiết lập một hệ thống trong đó mọi quyền dân sự đều bị chối bỏ.

Nói đến các quyền dân sự, Ðức thượng phụ Younan đặc biệt quan tâm đến quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Ngài nói: "Ðiều đó có nghĩa là thiết lập một xã hội dân sự biết tôn trọng hiến chương nhân quyền như được Liên hiệp quốc đề ra năm 1948".

Nhà lãnh đạo công giáo tại Syria cho rằng một xã hội biết tôn trọng mọi nguời là điều tuyệt đối cần thiết và thế giới văn minh phải thăng tiến xã hội này chứ không chỉ bày tỏ lập trường theo đó số đông phải cai trị xứ sở, nhứt là khi đám đông đó lại có chủ trương không tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước. Ðiều này dĩ nhiên chắc chắn sẽ dẫn đến kỳ thị đối với những ai không có cùng một tôn giáo.

Ðức thượng phụ Younan khẳng định: "Giáo hội luôn bênh vực và tranh đấu cho các quyền dân sự của mọi người".

Theo ngài, cần phải có nhiều thời gian để thực thi các cuộc cải tổ cần thiết tại Syria. Trong khi chờ đợi, những ai tha thiết với công ích của đất nước "cần phải tỏ ra kiên nhẫn và tìm ra một đường lối để thực thi những cải tổ". Tuy nhiên, thực thi cải tổ bằng bạo động là điều xem ra không thể có được.

Về phần mình, các vị lãnh đạo của Giáo hội Công giáo tại Liban cũng kêu gọi đối thoại về tình hình tại Syria.

Ðức cha Paul Sayah, tổng đại diện của tòa Thượng phụ Công giáo Maronit ở Beirut, Liban và cựu Tổng giám mục Haifa, nói rằng Giáo hội không ủng hộ cũng không chống lại một chế độ nào. Ngài nói: "Chúng tôi xét đoán một chế độ dựa trên những thành tựu của chế độ này cũng như liệu chế độ này có tôn trọng những giá trị như tự do, dân chủ và nhân quyền không".

Ðức cha Sayah giải thích rằng chính phủ thiểu số gồm những người thuộc đảng Alawite đã cai trị tại Syria từ 40 năm nay. Chính phủ này không dễ dàng đầu hàng để cho người hồi giáo Sunni lên cầm quyền, bởi vì đây là một điều rất nguy hiểm cho họ cũng như cho nhiều thành phần thiểu số khác tại Syria.

Ám chỉ đến những nguy hiểm này, ngài nhắc đến một số khẩu hiệu mà người ta đã đọc được khi bùng nổ cuộc nổi dậy dạo tháng 3 năm 2011 như: "các tín hữu kito hãy quay về Beirut, những nguời Alawite hãy đi vào quan tài". Dù đây chỉ là những khẩu hiệu, nhưng cũng nói lên những nguy hiểm có thể xảy ra cho các tín hữu kito và người Alawite.

Theo Ðức cha Sayah, nếu sự thay đổi chế độ không diễn ra một cách ôn hòa, sẽ có nguy cơ dẫn đến một chế độ còn tản bạo hơn, đặc biệt là khi bầu khí trong vùng ngày càng trở nên cực đoan hơn.

Ngài nói rằng Iraq là một tấm gương. Tại Iraq, các tín hữu kito đã phải trả một giá quá lớn vì cuộc nội chiến. Hai phần ba các tín hữu kito đã phải rời bỏ nước này.

Nhìn từ kinh nghiệm của Iraq, Ðức thượng phụ Younan cho rằng sự sụp đổ của chính phủ Syria sẽ mang lại nhiều hậu quả khốc liệt.

Riêng giáo sư Habib Malik, hiện đang giảng dạy môn lịch sử tại Ðại học Hoa kỳ ở Liban và tác giả của cuốn sách có tựa đề "chủ nghĩa hồi giáo và tương lai của các tín hữu kito tại Trung đông", nói rằng cuộc xung đột tại Syria đặt các tín hữu kito vào một thế khó xử khủng khiếp. Một mặt, các giá trị và niềm tin kito không cho phép họ dung thứ sự tàn bạo của chế độ đối với dân chúng. Mặt khác, họ lại sợ chế độ hiện hành bị thay thế bởi một chế độ khác do chủ nghĩa hồi giáo cực đoan điều khiển.

Phần lớn các tín hữu kito tại Syria đã không tham gia vào các cuộc biểu tình để lật đổ chính phủ. Theo giáo sư Malik, mà thân phụ là một trong những người đã góp phần biên soạn Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, sự thinh lặng của các tín hữu kito có thể được hiểu như một sự ủng hộ dành cho chế độ hiện hành. Chính vì thế mà họ có thể trở thành điểm nhắm của những vụ tấn công trả thù, nếu chế độ này bị lật đổ.

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page