Ý nghĩa tượng trưng cao độ
của việc nhìn nhận quốc gia Palestine
Ý nghĩa tượng trưng cao độ của việc nhìn nhận quốc gia Palestine.
Gierusalem [Zenit 10/10/2011] - Ðức giám mục phụ tá tòa Thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem nói rằng việc nhìn nhận quốc gia Palestine có một ý nghĩa tượng trưng cao độ.
Ðức cha William Shomali, Giám mục phụ tá tòa Thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem, đã đưa ra nhận định trên đây trong một cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, nhân dịp chủ tịch chính quyền Palestine, ông Mahmoud Abbas đệ đơn xin cho Palestine được làm thành viên của Liên hiệp quốc.
Ðức cha Giacinto Boulos Marcuzzo, giám mục Nazareth và đại diện tòa Thượng phụ, cũng đồng một quan điểm với Ðức cha Shomali. Ðức giám mục Nazareth, nói rằng "giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cũng như mọi vấn đề khác, kể cả vấn đề người tỵ nạn, sẽ được giải quyết nhanh chóng khi Palestine trở thành một quốc gia".
Về phần mình, ông Sami El Youssef, đại diện vùng của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, cũng tuyên bố rằng chỉ có "một quốc gia toàn diện sống bên cạnh Israel mới có thể bảo đảm an ninh trong vùng".
Theo ông Youssef, việc chủ tịch Abbas yêu cầu Liên hiệp quốc nhìn nhận quốc gia Palestine sẽ đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine.
Bên kia khía cạnh chính trị, đức cha Shomali cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh thiêng liêng, qua đó, theo ngài, các tín hữu kito có thể đóng một vai trò chủ yếu.
Ðức giám mục phụ tá tòa Thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem giải thích: "Chúng tôi có một trách nhiệm lớn và chúng tôi có thể đóng góp một cách cụ thể vào việc đẩy mạnh một cuộc đối thoại nhằm xây dựng cuộc sống chung hòa bình mà những điều kiện cần thiết phải có là bất bạo động, tôn trọng hổ tương và phá vỡ mọi rào cản".
Ðức cha cho biết: tình hình hiện nay tương đối được ổn định, nhờ làn sóng khách hành hương đến viếng thăm Thánh địa. Nhờ hoạt động du lịch, các tín hữu kito có công ăn việc làm.
RVA.